(Pháp lý) - Hoạt động tố tụng những năm gần đây xuất hiện nhiều vụ tẩu thoát rất phức tạp với những đối tượng cộm cán trong các đại án kinh tế như Giang Kim Đạt (vụ Vinashin), Dương Chí Dũng (vụ Vinalines), Trịnh Văn Thảo (vụ PVC-ME) và hiện nay là Trịnh Xuân Thanh (vụ PVC)… Làm gì để ngăn chặn, không để xảy ra các vụ tẩu thoát tương tự là yêu cầu đặt ra khá bức thiết hiện nay. Những vụ bỏ trốn “nổi tiếng”.
Tối 16/9, Bộ Công an phát lệnh khởi tố và truy nã quốc tế với ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC.
Một ngày trước, C46 đã khởi tố vụ án hình sự "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", để điều tra khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Bốn cựu lãnh đạo PVC gồm: ông Vũ Đức Thuận (ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc), Nguyễn Mạnh Tiến (Phó Tổng Giám đốc), Trương Quốc Dũng (Phó Tổng Giám đốc), Phạm Tiến Đạt (kế toán trưởng) bị truy cứu trách nhiệm hình sự cùng tội danh Cố ý làm trái… với ông Thanh.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định, giai đoạn 2007-2013, người đứng đầu PVC là ông Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng Giám đốc, Ban Kiểm soát Tổng Công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát... dẫn đến nhiều sai phạm và thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng. Dưới thời ông Thanh, PVC đã dành 86% vốn điều lệ rót vào các hạng mục đầu tư ngoài ngành, công ty con, công ty liên kết và "mắc cạn" trong nợ nần. Ủy ban Kiểm tra cho rằng những vi phạm, thua lỗ nêu trên là nghiêm trọng, tạo dư luận xấu, làm giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và ông Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm chính.
Sau những lùm xùm, ông Thanh không được giới thiệu tái cử Phó Chủ tịch Hậu Giang và bị hủy tư cách đại biểu Quốc hội. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ phối hợp điều tra vi phạm dẫn đến khoản lỗ khổng lồ ở PVC.
Ông Trịnh Xuân Thanh được cho là rời khỏi Việt Nam khoảng cuối tháng 7. Việc ông Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn gây khó khăn cho công tác điều tra, phá án khiến dư luận nhớ đến một đồng sự của ông Thanh là Trịnh Văn Thảo (Thảo là bị can bị truy tố trong một vụ án khác) cũng đang “biệt vô âm tín” từ năm 2012.
Vụ án Cố ý làm trái xảy ra PVC giống vụ án xảy ra tại Công ty CP Thi công cơ giới và Lắp máy Dầu khí (PVC-ME) – đơn vị thành viên của PVC (100% vốn của PVC). Ngày 14/11/2014, VKSNDTC đã hoàn tất cáo trạng truy tố 15 bị can trong vụ án. Trong số này, 13 bị can bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, đáng chú ý có Trịnh Văn Thảo – Giám đốc PVC-ME; Bùi Trọng Chinh – nguyên Kế toán trưởng, nguyên Phó giám đốc PVC-ME; Đinh Bá Lượng – nguyên Kế toán trưởng PVC-ME – cùng 11 bị can khác là thủ quỹ, chỉ huy trưởng công trường, đội trưởng thi công các dự án của PVC-ME.
Trước đó, chỉ trong thời gian khoảng 2 tuần sau khi PVN vào kiểm tra, ngày 31/7/2012, ông Trịnh Văn Thảo đã bất ngờ xuất cảnh đi Mỹ mà không báo cáo cho Tập đoàn cũng như PVC-ME. Theo cáo trạng, Trịnh Văn Thảo – Giám đốc PVC-ME – được xác định là kẻ chủ mưu, cầm đầu tổ chức hành vi phạm tội, nhưng đã bỏ trốn, bị truy nã quốc tế, hiện vẫn chưa bắt được.
Trước đó, dư luận từng xôn xao khi Giang Kim Đạt, nguyên quyền trưởng phòng Kinh doanh của Công ty Vinashinlines, tham ô 18,6 triệu USD đã bỏ trốn.
Vụ án khởi phát vào tháng 3/2010, Ủy ban Kiểm tra trung ương có thông báo kết luận Phạm Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), có dấu hiệu thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái, có biểu hiện vụ lợi cá nhân, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, xã hội. Tiếp đó, ngày 3/8/2010, Tổng cục An ninh xác lập chuyên án điều tra những hành vi sai phạm trong quản lý kinh tế của một số cá nhân tại Vinashin.
Theo cơ quan điều tra, một trong những đối tượng là mắt xích quan trọng của vụ án này là Giang Kim Đạt. Nhưng ngay trước khi Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can vào ngày 23/8/2010 thì Đạt đã nhanh chân bỏ trốn ra nước ngoài. Ngày 8/11/2010, Công an Việt Nam gửi thông báo truy nã đến Interpol.
Đến ngày 31/12/2014, Tổng cục An ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; tham ô tài sản; chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; che giấu tội phạm”. Ngày 14-1-2015, VKSNDTC phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Giang Kim Đạt về tội “Tham ô tài sản”. Chỉ một ngày sau, 15/1/2015, Cơ quan An ninh điều tra ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt ông Giang Văn Hiển (65 tuổi, trú tại TP HCM, bố của Đạt) để điều tra về tội “Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” và “Che giấu tội phạm”; đồng thời phong tỏa tài khoản, kê biên 40 bất động sản mang tên những người thân của Đạt.
Giang Kim Đạt xuất cảnh trốn chạy sang nước thứ ba. Tổ công tác đặc biệt đã bắt giữ Đạt, kết thúc gần 1.850 ngày đêm truy bắt bị can này. Phải nói rằng hành trình truy bắt Giang Kim Đạt cực kỳ vất vả và tốn kém.
Một vụ bỏ trốn ngay trước “giờ G” là Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Theo điều tra của Cục Cảnh sát Phòng, chống tham nhũng, khi chưa được Thủ tướng phê duyệt thì ngày 27/6/2007, ông Dương Chí Dũng là Chủ tịch HĐQT Vinalines đã ký quyết định phê duyệt dự án nhà máy sửa chữa tàu biển tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư 3.854 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án này sau đó đã bị đội lên thành 6.489 tỷ đồng. Tương tự, việc mua sắm ụ nổi cũng đã bị đội giá lên gấp đôi so với dự toán ban đầu.
Ngày 19/5/2012, Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã ra quyết định truy nã đối với ông Dương Chí Dũng.
Sau gần 4 tháng bỏ trốn, ngày 4/9/2012 ông Dũng mới bị bắt giữ sau thời đào tẩu tại một nước ASEAN. Việc ông Dũng trốn thoát là do có em trai là Dương Tự Trọng, Phó Giám đốc công an Hải Phòng nhờ các cộng sự giúp Dương Chí Dũng trốn thoát. Trong hai phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm, Dương Chí Dũng bị tuyên án tử hình về tội tham ô.
Ngăn chặn bỏ trốn: Thực thi nghiêm túc bộ luật Tố tụng hình sự
Một vài vụ bỏ trốn trên đây cho thấy những lỗ hổng trong quản lý và tố tụng, khiến đối tượng dễ dàng trốn tránh, gây khó khăn cho công tác điều tra, xác minh, phá án. Hậu quả đi kèm với việc tẩu thoát của đối tượng là khó thu hồi được tài sản, việc ngăn chặn và phong tỏa tài sản cũng không thực hiện được.
Đơn cử vụ Giang Kim Đạt, cơ quan điều tra đã phong tỏa và kê biên tổng cộng 34 bất động sản, trong số này có 24 biệt thự, nhà đất tại TP HCM, 6 tại Nha Trang và biệt thự trị giá 24 tỷ đồng ở Hà Nội... Ngoài ra, Đạt còn có một căn hộ cao cấp mua ở Singapore trị giá nhiều triệu USD. Cũng trong thời gian lẩn trốn tại Singapore, Đạt còn tham gia chứng khoán thu lời cả triệu USD. Đạt mua đi bán lại 4 căn hộ khá sang trọng ở Anh (mỗi chiếc trị giá khoảng một triệu bảng Anh). Khi mua Đạt chỉ nộp trước 10% đặt cọc, sau một năm người mua có quyền bán lại để kiếm lời.
Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định về biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự. Biện pháp ngăn chặn bao gồm: Giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh. Tuy nhiên, một trở ngại đối với việc áp dụng biện pháp ngăn chặn là những biện pháp này chỉ áp dụng đối với những vụ án đã được khởi tố nên những đối tượng chưa khởi tố như Trịnh Xuân Thanh, Trịnh Xuân Thảo, Giang Kim Đạt không áp dụng được, dẫn đến họ có thể trốn thoát.
Đặt vấn đề làm thế nào để những đối tượng tình nghi không trốn thoát trong giai đoạn hiện nay là một yêu cầu cần thiết. Nghiên cứu BLTTHS 2015 thì thấy biện pháp “Tạm hoãn xuất cảnh” quy định tại Điều 124 là một biện pháp ngăn chặn mới, lần đầu tiên được quy định, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Điều 124 BLTTHS năm 2015 (hiện chưa có hiệu lực thi hành) qui định người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ thì có thể bị tạm hoãn xuất cảnh. Như vậy, quy định mới này đã cho phép cơ quan tiến hành tố tụng được phép ra lệnh tạm hoãn xuất cảnh đối với công dân ngay cả khi chưa khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với họ.
BLTTHS năm 2015 chưa có hiệu lực thi hành, nhưng Điều 21 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 94/2015/NĐ-CP) đã qui định, công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây: 1. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm; 2. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự; 3. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế...
Như vậy, căn cứ khoản 1 Điều 21 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP, với trường hợp công dân bị tình nghi phạm tội nhưng vụ án chưa được khởi tố để điều tra thì vẫn có thể được xuất cảnh bởi điều luật quy định phải thuộc trường hợp “có liên quan đến công tác điều tra tội phạm”.
Trở lại vụ án Trịnh Xuân Thanh, nếu xét theo trình tự, thủ tục của BLTTHS, điều tra là một giai đoạn tố tụng được tiến hành sau khi khởi tố mà vụ án chưa khởi tố, ông Thanh chưa bị khởi tố bị can, chưa bị điều tra, nên không thuộc trường hợp không được xuất cảnh.
Tuy nhiên, ở góc độ khác, việc xác minh, kiểm tra, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm cũng có thể xem là “hoạt động điều tra”, “công tác điều tra” hoặc “liên quan đến công tác điều tra tội phạm”. Như thế, người bị tình nghi có liên quan cũng có thể bị áp dụng biện pháp chưa cho xuất cảnh theo các quy định nêu trên. Ngày 11/7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận ông Thanh có nhiều khuyết điểm và phải chịu trách nhiệm về khoản lỗ gần 3.300 tỷ tại PVC trong thời gian lãnh đạo đơn vị này. Trong tháng 8, Thủ tướng giao Bộ Công an khẩn trương chỉ đạo làm rõ các vi phạm dẫn đến thua lỗ tại PVC. Nếu cơ quan điều tra đã tiếp nhận chỉ đạo về việc xử lý vụ án từ tháng 8 và xác định được Trịnh Xuân Thanh có liên quan trước khi ông ta xuất cảnh thì vẫn có thể áp dụng biện pháp chưa cho xuất cảnh với ông Trịnh Xuân Thanh.
Tiếc rằng các cơ quan chức năng đã “chậm chân” dẫn đến Trịnh Xuân Thanh “không cánh mà bay”, cho đến nay chưa xác định được ông cựu Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang giờ đang ở đâu. Và căn cứ theo qui định của pháp luật cũng khó qui trách nhiệm cho cá nhân, tổ chức nào đã “chậm chân”, không kịp thời vận dụng qui định của pháp luật về cấm xuất cảnh để quyết định kịp thời.
Rất nhiều chuyên gia pháp luật cho biết họ không nghĩ ra được “biện pháp thích hợp” nào để ngăn chặn người bị tình nghi, bởi đơn giản người bị tình nghi không bị hạn chế các quyền công dân.
Theo nhiều chuyên gia pháp luật, biện pháp ngăn chặn đối tượng bị tình nghi hữu hiệu nhất, đó là thực thi nghiêm túc Bộ luật Tố tụng hình sự.
Khi có đối tượng bị tình nghi, tức là có dấu hiệu của tội phạm, việc đầu tiên cần làm là khởi tố vụ án, để có đủ các điều kiện làm rõ hơn các dấu hiệu tội phạm đó. Khi các dấu hiệu đã rõ, cần kịp thời khởi tố bị can đối tượng. Nếu họ bỏ trốn trong thời gian này, CQĐT hoàn toàn có thể áp dụng hình thức bắt khẩn cấp.
PL