Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm (DHVP) đối với tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên là một trong sáu nhiệm vụ của ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp được quy định trong Điều lệ Đảng. Công việc này luôn được UBKT các cấp xác định là nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện có chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, góp phần phát hiện kịp thời, đầy đủ, chính xác vi phạm của tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên để xem xét, kết luận, xử lý nghiêm minh, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Năm 2017, UBKT các cấp đã tiến hành kiểm tra 3.601 tổ chức đảng cấp dưới và 10.379 đảng viên khi có DHVP; trong đó, có 5.495 cấp ủy viên các cấp, chiếm 52,9% (tăng 25% số tổ chức đảng, 9% số đảng viên so với năm 2016). Riêng UBKT Trung ương kiểm tra 12 tổ chức đảng và 16 đảng viên, có ba đồng chí là Ủy viên T.Ư Đảng nhiệm kỳ XI, XII. Qua kiểm tra, đã thi hành kỷ luật theo thẩm quyền 18 đảng viên, đề nghị Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật ba tổ chức đảng bằng hình thức cảnh cáo và 10 đảng viên (ba đảng viên bằng hình thức cảnh cáo và bảy đảng viên bằng hình thức cách chức); đề nghị tổ chức đảng cấp dưới thi hành kỷ luật hai tổ chức đảng. Các cuộc kiểm tra khi có DHVP đều được chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, khoa học, chặt chẽ, có hiệu quả, xử lý nghiêm minh, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, đánh giá cao.
UBKT các cấp đã kiểm tra khi có DHVP đối với 3.589 tổ chức đảng và 10.363 đảng viên về việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết nội bộ, việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; về những điều đảng viên không được làm; chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình; thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng; việc kê khai tài sản, thu nhập, cố ý làm trái; về quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản; đầu tư xây dựng, tài chính ngân hàng,... Qua kiểm tra kết luận 2.398 tổ chức đảng có vi phạm, trong đó phải thi hành kỷ luật 172 tổ chức đảng và đã thi hành kỷ luật 150 tổ chức đảng. Đã kết luận 8.453 đảng viên có vi phạm, trong đó phải thi hành kỷ luật 3.761 trường hợp và đã thi hành kỷ luật 3.368 trường hợp.
Thực tế cho thấy, DHVP của tổ chức đảng và đảng viên xảy ra nhiều, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng việc phát hiện, xác định, quyết định và tiến hành kiểm tra còn ít, bị động, trong đó có cả những DHVP nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra đã nhiều năm, thậm chí nhiều nhiệm kỳ. Nhiều trường hợp UBKT và cấp ủy cùng cấp, nhất là người đứng đầu cấp ủy chỉ đạo, yêu cầu mới tiến hành kiểm tra. Nhiều vụ việc bức xúc, nổi cộm, nghiêm trọng được dư luận, cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, nhưng chậm được kiểm tra, kết luận, xử lý vi phạm. Có nơi, UBKT tiến hành kiểm tra nhưng kết luận, đề nghị xử lý vi phạm bằng hình thức kỷ luật thấp, chưa tương xứng với nội dung, tính chất, mức độ và nguyên nhân vi phạm; ban thường vụ cấp ủy và cấp ủy cùng cấp thiếu kiên quyết, nể nang. Vì vậy, sau khi quyết định kỷ luật đối với đảng viên theo thẩm quyền, UBKT Trung ương đã phải rút vụ việc lên xem xét, xử lý kỷ luật bằng hình thức kỷ luật cao hơn, tương xứng với mức độ vi phạm của một đảng viên theo thẩm quyền và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật đối với một đảng viên. Không ít UBKT chưa tiến hành kiểm tra được cấp ủy viên cùng cấp, nhất là ủy viên ban thường vụ cấp ủy khi có DHVP. Nội dung kiểm tra đơn giản, chưa đi vào những nội dung, lĩnh vực có nhiều DHVP nghiêm trọng, phức tạp, đang được dư luận quan tâm như: tài chính, ngân hàng, quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, giao thông; lĩnh vực tư pháp, y tế, giáo dục... Một số cuộc kiểm tra tiến hành thẩm tra, xác minh chưa sâu, chưa toàn diện, dẫn đến kết luận chưa đầy đủ, chuẩn xác, cho nên đối tượng kiểm tra chưa thật sự “tâm phục, khẩu phục”; hoặc việc xem xét, xử lý không đúng mức với vi phạm, gây bức xúc trong dư luận. Một số tổ chức đảng, đảng viên là đối tượng kiểm tra chưa nhận thức đúng, đầy đủ, còn đối phó, phản ứng, có biểu hiện chạy chọt, nhờ can thiệp, tác động, chưa chủ động chấp hành, cộng tác, phối hợp, còn gây khó khăn, trở ngại cho quá trình tiến hành kiểm tra.
Nguyên nhân của hạn chế, khuyết điểm nêu trên, trước hết là do một số cấp ủy, nhất là người đứng đầu nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ, chưa chủ động chỉ đạo, tổ chức phát hiện DHVP của tổ chức đảng và đảng viên qua các kênh thông tin, qua thực hiện giám sát và kiểm tra chấp hành. UBKT và cán bộ kiểm tra chưa làm tốt công tác nắm tình hình hoạt động của tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên, nhất là của đảng viên là cấp ủy viên cùng cấp, cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý và của tổ chức đảng cấp dưới, kể cả cấp dưới cách nhiều cấp để phát hiện DHVP, xác định, quyết định, tiến hành kiểm tra kịp thời, chính xác. Một số cán bộ kiểm tra theo dõi lĩnh vực, địa bàn chưa thực hiện tốt việc nắm tình hình, phát hiện DHVP, nhất là vi phạm nghiêm trọng, phức tạp của tổ chức đảng, đảng viên; không báo cáo lãnh đạo và UBKT chỉ đạo nghiên cứu, phát hiện DHVP để quyết định và tiến hành kiểm tra. Một số UBKT cấp trên chưa chủ động chỉ đạo UBKT cấp dưới hoặc chưa đề nghị cấp ủy cấp dưới chỉ đạo, yêu cầu UBKT cùng cấp tiến hành kiểm tra khi có DHVP. Một số UBKT chưa chủ động, kịp thời phát hiện, sàng lọc, lựa chọn DHVP của tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên qua phản ánh của các cơ quan báo chí, qua đơn thư tố cáo giấu tên, mạo tên, qua dư luận xã hội để kiểm tra. Chưa chủ động phối hợp với các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị có liên quan theo quy chế phối hợp để trao đổi, thu thập thông tin về DHVP để tiến hành kiểm tra. Một số cấp ủy, nhất là người đứng đầu còn có biểu hiện ngăn cản, can thiệp, không chỉ đạo hoặc không đồng ý cho UBKT tiến hành kiểm tra khi có DHVP. Một số UBKT, chủ nhiệm UBKT có tư tưởng trông chờ sự chỉ đạo, đồng ý của cấp ủy, của người đứng đầu cấp ủy, hoặc có biểu hiện nể nang, ngại va chạm, chưa chủ động chỉ đạo tiến hành kiểm tra khi có DHVP. Một số UBKT do thiếu bản lĩnh, tính chiến đấu, kỹ năng nghiệp vụ, cho nên tiến hành một số cuộc kiểm tra khi có DHVP còn hạn chế, kết quả chưa đáp ứng yêu cầu.
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm nêu trên, thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp và chi bộ, nhất là người đứng đầu về mục đích, ý nghĩa, vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra khi có DHVP, từ đó có nhận thức đúng, đầy đủ và quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phát hiện DHVP, quyết định kiểm tra hoặc chuyển cho UBKT tiến hành kiểm tra theo thẩm quyền; chủ động lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để UBKT cùng cấp thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có DHVP.
Thứ hai, UBKT các cấp phải chủ động phối hợp với các tổ chức đảng, cơ quan đơn vị để phát hiện, xác định, quyết định và tiến hành kiểm tra khi có DHVP một cách kịp thời, có chất lượng, hiệu quả, trong đó, tập trung vào cấp ủy viên cùng cấp, kể cả ủy viên ban thường vụ cấp ủy, cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý. UBKT cấp trên phải chủ động chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, giúp đỡ UBKT cấp dưới thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra khi có DHVP. Khi cần thiết, thấy UBKT cấp dưới, kể cả cấp dưới cách nhiều cấp không chủ động thực hiện hoặc thấy cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy ở đó có biểu hiện can thiệp, ngăn cản, bao che cho sai phạm thì UBKT cấp trên phải chủ động “vượt tuyến”, tiến hành kiểm tra khi có DHVP đối với tổ chức đảng cấp dưới và cấp ủy cấp dưới cách nhiều cấp. UBKT phải tăng cường chỉ đạo vụ (phòng), cán bộ kiểm tra phụ trách lĩnh vực, địa bàn tăng cường sâu sát địa bàn, chủ động nắm tình hình bằng nhiều kênh để phát hiện, tổng hợp, sàng lọc, đề xuất UBKT tiến hành kiểm tra khi có DHVP kịp thời, chuẩn xác, có trọng tâm, trọng điểm. Tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn có nhiều DHVP phức tạp, nghiêm trọng, kể cả đã qua nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ và mới phát sinh trong nhiệm kỳ hiện tại; tăng cường chỉ đạo thực hiện giám sát thường xuyên và giám sát theo chuyên đề để phát hiện DHVP, tiến hành kiểm tra, kết luận và xử lý nghiêm minh hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý; kiên quyết khắc phục tình trạng UBKT không chủ động, trông chờ vào sự chỉ đạo của cấp ủy hoặc để đồng chí bí thư cấp ủy cùng cấp phải “đánh trống giao việc”; những nơi thấy đồng chí chủ nhiệm UBKT thiếu bản lĩnh, tính chiến đấu không cao, chỉ đạo không quyết liệt việc kiểm tra khi có DHVP, thì phải kiên quyết báo cáo đề nghị cấp có thẩm quyền chấn chỉnh hoặc thay thế.
Thứ ba, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, thường trực cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên khi là đối tượng kiểm tra phải có nhận thức đúng, đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, vai trò, tác dụng, sự cần thiết của nhiệm vụ kiểm tra là để chủ động phòng ngừa xảy ra khuyết điểm, vi phạm từ khi mới manh nha. Phải chấp hành nghiêm chỉnh, chủ động cộng tác, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ thể kiểm tra tiến hành kiểm tra. Các tổ chức, cá nhân có liên quan chủ động phối hợp với chủ thể kiểm tra trong quá trình kiểm tra.
Thứ tư, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp quan tâm chỉ đạo nghiên cứu, quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, của cấp ủy cấp trên về kiểm tra khi có DHVP; chỉ đạo thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến kết quả xử lý các vụ việc kiểm tra khi có DHVP; quan tâm chỉ đạo UBKT tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ kiểm tra, nhất là những kiến thức, kinh nghiệm mới về kiểm tra khi có DHVP cho những cán bộ, kể cả cán bộ lãnh đạo mới được bổ nhiệm, điều động về làm công tác kiểm tra để nắm vững và thực hiện có chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm của UBKT.
Thứ năm, tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về kiểm tra khi có DHVP để tìm ra những hình thức, phương pháp kiểm tra mới có hiệu quả, phù hợp; tăng cường tổ chức trao đổi, tọa đàm, học tập kinh nghiệm giữa UBKT cấp trên với UBKT cấp dưới và UBKT cùng cấp.
Kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có DHVP là nhiệm vụ khó, phức tạp, đòi hỏi UBKT các cấp cần phải có quyết tâm chính trị cao và đổi mới việc tổ chức thực hiện, kể cả kiểm tra các tổ chức đảng cấp dưới và cấp ủy viên cách nhiều cấp, vào những lĩnh vực, địa bàn dễ xảy ra vi phạm; nội dung kiểm tra bao gồm cả về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, “tư duy nhiệm kỳ”, “bệnh thành tích”, những vi phạm mới nảy sinh.
Theo Noichinh