Độc đáo lễ rước “ông lợn” ở La Phù

"Ông lợn" được chăm sóc đặc biệt trong chuồng kín, tối ngủ phải mắc màn, mùa hè được trang bị quạt gió, mùa đông lắp lò sưởi.

Thức ăn chủ yếu là gạo nếp, gạo tẻ, trứng gà và các loại hoa quả. Đặc biệt, từ khi nuôi đến khi làm lễ rước "ông lợn", gia chủ không đi đến các đám tang, không cho con cháu và người lạ ngó vào chuồng lợn...

Tích xưa về rước “ông lợn” ở La Phù

Từ bao đời nay, tục rước "ông lợn" ở xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội trở thành một nét đẹp văn hóa, hội tụ và kết tinh nhiều giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống và những câu chuyện mang màu sắc tâm linh, thú vị lưu truyền đến ngày nay.

Theo các cụ cao niên ở La Phù, tục rước "ông lợn" là để tưởng nhớ công ơn của Tĩnh Quốc Tam Lang, vị anh hùng của làng La Phù dưới thời Hùng Duệ Vương thứ 6, đã có công đánh giặc Thục, giữ vững bờ cõi.

Tích xưa chép lại, mỗi khi lên đường đi đánh giặc, ông lại thổi xôi, mổ lợn khao quân. Đi đến đâu, ông cũng chiêu binh mãi mã và được dân làng mến mộ. Người dân trong làng khi đó thường mang lợn đến dâng và tôn ông là Thành Hoàng làng. Trong một trận tập kích bất ngờ của giặc, ông bị thương nặng, nhưng vẫn một mình một ngựa chạy lên núi cao và về trời vào ngày 14 tháng Giêng. Từ đó, cứ đến ngày 13, rạng sáng ngày 14 tháng Giêng hàng năm, người dân xã La Phù lại tổ chức hội rước "ông lợn" nhớ ngày giỗ của vị tướng tài ba.

Trải qua hàng nghìn năm, tục rước "ông lợn" vẫn được gìn giữ cho đến ngày nay. Người dân La Phù quan niệm, một năm có làm ăn thịnh vượng cũng nhờ lễ rước "ông lợn" tổ chức thành công. Bởi vậy, việc chuẩn bị cho lễ rước "ông lợn" được tiến hành một cách trang trọng từ khâu chọn người nuôi lợn, tuyển chọn lợn và chăm sóc "ông lợn" được giám sát đặc biệt, với những quy định và luật lệ rất riêng.

Tiêu chuẩn chọn nuôi “ông lợn” khắt khe

Ông Nguyễn Phan Đích, Trưởng ban Khánh tiết xã La Phù cho biết, để chuẩn bị cho hội rước, mỗi xóm sẽ chọn ra một gia đình có đủ các tiêu chí để nuôi "ông lợn" gọi là cai đám. Người được chọn nuôi phải đảm bảo 5 tiêu chí gồm: Vợ chồng phải song toàn; gia đình phải có con trai, con gái; nhà không có tang tóc; con cái trong gia đình phải là người gương mẫu, ngoan ngoãn, làm ăn chân chính; không mắc các tệ nạn xã hội...

"Ông lợn" được rước bằng kiệu trang trí nhiều hoa văn đẹp mắt
"Ông lợn" được rước bằng kiệu trang trí nhiều hoa văn đẹp mắt)

Sau khi các xóm họp thống nhất chọn được cai đám sẽ đăng ký danh sách từng cai đám với Ban Khánh tiết. Bắt đầu từ ngày 20 tháng Giêng sẽ tiến hành tuyển "ông lợn". Theo đó, lợn phải là giống đực, mặt to, tai lớn, 4 chân to, mông rộng, trọng lượng khoảng 40kg trở lên.

Có một quy định bất di bất dịch trong việc nuôi "ông lợn" là chỉ cai đám mới được phép cho "ông lợn" ăn. Trong suốt một năm, cai đám không được đi đến các đám tang, không được cho người lạ nhìn vào "ông lợn" và phải dặn dò những người thân trong gia đình không ngó vào chuồng lợn. "Bất kỳ người lạ nào không được phép nhìn vào "ông lợn" trước ngày rước. Đó là những quy định, luật lệ của làng để đảm bảo tính tôn nghiêm về tín ngưỡng dân gian, đảm bảo cho việc rước "ông lợn" được thành công" - ông Đích cho biết.

Cai đám là những người được dân làng rất tin tưởng, giao cho nhiệm vụ để chăm sóc ông lợn. Trong thời gian được giao trọng trách nuôi "ông lợn", gia đình cai đám có tang thì phải thông báo cho Ban khánh tiết để giao lại nhiệm vụ cho người khác đủ tiêu chuẩn.

Một điều khá thú vị, trong vòng 6 tháng đầu, "ông lợn" được nuôi bình thường. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm, "ông lợn" được nuôi trong một chuồng riêng với chế độ chăm sóc đặc biệt.

Theo ông Nguyễn Phan Đích, trong 6 tháng cuối năm, "ông lợn" được nuôi trong chuồng kín. Trước khi cho "ông lợn" ăn, gia chủ phải lau mồm, tắm rửa sạch sẽ cho "ông lợn". Thức ăn cho "ông lợn" lúc này không phải là cám như trước đây mà chủ yếu là gạo nếp, gạo tẻ, trứng gà và các loại hoa quả. Gia chủ không đổ thức ăn vào máng lợn mà phải dành riêng một cái chậu sạch đựng thức ăn cho "ông lợn". Nếu thời tiết mùa hè, "ông lợn" được trang bị quạt gió, mùa đông được lắp thêm lò sưởi, đặc biệt tối ngủ phải mắc màn để đảm bảo "ông lợn" khỏe mạnh, tránh bệnh tật cho đến ngày hội chính.

 

 "Ông lợn" được đặt ngay ngắn trong đình để làm lễ
"Ông lợn" được đặt ngay ngắn trong đình để làm lễ)

Mặc áo lưới, rước "ông lợn" bằng kiệu

Sau một năm được chăm sóc đặc biệt, "ông lợn" có trọng lượng từ 200-250kg. Theo thông lệ, vào sáng ngày 13 tháng Giêng, cai đám cho ông lợn ăn uống xong, sau đó làm mâm cỗ thắp hương. Đến khoảng 14 giờ, các cụ trong xóm sẽ tập trung tại nhà cai đám để thịt lợn làm lễ tế Thành Hoàng làng.

Những người thịt lợn không được dùng roi quất hoặc dùng dây trói buộc "ông lợn" mà phải dùng tay để giữ. "Ông lợn" sau khi bị làm thịt được đặt lên một chiếc khung bằng sắt đã được uốn cong, đầu hướng lên trên. Sau đó đặt lên chiếc kiệu cao khoảng 1,2m tạo dáng cho "ông lợn" như lúc còn sống. Lúc này những người khéo tay nhất của xóm sẽ tiến hành trang trí cho "ông lợn" làm sao cho thật đẹp và bắt mắt. Việc làm đẹp cho "ông lợn" rất kỳ công, trong đó khó nhất là phần căn những lá mỡ mỏng tang lấy từ trong bụng phủ lên lưng lợn sao cho những lá mỡ có hình đan như mắt lưới. "Ông lợn" nào được phủ lá mỡ nhiều và đẹp mắt sẽ có cơ hội giành được giải cao.

Đúng 18 giờ, từ già đến trẻ tập trung lại thành từng hàng, tưng bừng trống chiêng kiệu "ông lợn" ra đình để làm lễ và chấm điểm. Kiệu của "ông lợn" được khiêng bởi những thanh niên khỏe qua tuyển chọn trong làng. Theo lệ, xóm gần rước trước, xóm xa rước sau. Một đội rước được sắp xếp tuần tự: Đi đầu là hai lá cờ đại, rồi sau đó là đội nhạc kèn, múa lân. Khi đến đình làng, bàn lễ của các xóm được xếp dọc hai bên sân đình ngoài và sân đình trong. Khi đó "ông lợn" được khiêng vào sân đình và chờ đến gần 24 giờ sẽ đưa vào hậu cung để các cụ làm lễ. Đến sáng ngày 14, khi dân làng đã có mặt đông đủ ở sân đình, các cụ trong Ban Khánh tiết sẽ công bố "ông lợn" của xóm nào đẹp nhất và trao giải. Sau đó, từng xóm lại rước "ông lợn" về thụ lộc, chia phần cho từng hộ trong xóm.

Nói về tục rước "ông lợn", ông Nguyễn Hữu Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã La Phù cho biết: Hiếm có một nơi nào ở Hà Nội có tục lệ rước "ông lợn" độc đáo giống ở La Phù. Đây là một nét văn hóa tâm linh có lịch sử lâu đời được duy trì từ đời này qua đời khác. Để hội rước thành công, từ việc tuyển lợn và lựa chọn người nuôi "ông lợn" đều có những quy định và các xóm làm rất chỉn chu, trách nhiệm và bài bản. Dân làng tin rằng, trong một năm "ông lợn" được chăm sóc chu đáo và khỏe mạnh và lễ rước thành công thì năm đó sẽ mang lại nhiều may mắn, mọi việc thuận lợi, suôn sẻ hơn.

Theo congly.vn

Nguồn bài viết: https://congly.vn/giai-tri/van-hoa/doc-dao-le-ruoc-ong-lon-o-la-phu-285740.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin