(Pháp lý) - Nhiều chuyên gia cho rằng, việc quan chức đi công tác, học tập bằng tiền tài trợ của doanh nghiệp là hành vi vi phạm pháp luật và cần phải được xử lý nghiêm minh.
“Phớt lờ” quy định, nhiều quan chức vẫn đi công tác bằng tiền của doanh nghiệp
Tháng 12/2012, Ban Bí thư có ban hành Chỉ thị số 21 về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó yêu cầu: Lãnh đạo chủ chốt của bộ, ngành, địa phương không tham gia đoàn của các doanh nghiệp đi nước ngoài hoặc do các doanh nghiệp nước ngoài mời đích danh. Nhưng, trên thực tế, đã có nhiều đoàn của nhiều bộ, ngành “phớt lờ” những quy định của Chỉ thị số 21 vẫn đi nước ngoài hoàn toàn bằng tiền do doanh nghiệp tài trợ.
Theo kết luận mà Thanh tra Chính phủ vừa hoàn thiện kết luận thanh tra việc cử đoàn đi nước ngoài giai đoạn 2012 - 2016 của 4 bộ ngành, 6 địa phương, đã ban hành 20 kế hoạch tổ chức đoàn đi nước ngoài; các tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Đồng Nai và Tiền Giang ban hành 22 kế hoạch tổ chức đoàn đi nước ngoài. Các đơn vị này đã cử trên 17.500 đoàn, gần 53.000 lượt cán bộ với tổng kinh phí trên 1.200 tỉ đồng. Trong đó 4 bộ ngành cử trên 14.600 đoàn, gần 42.000 lượt cán bộ và tổng kinh phí trên 1.000 tỉ đồng.
Trong số các chuyến đi tốn kém nhất mà Thanh tra Chính phủ phát hiện được chính là chuyến đi có tên "Tìm hiểu thị trường nguyên liệu và dự hội chợ tại Cuba, Argentina và Panama kéo dài 12 ngày năm 2016. Tổng chi phí chuyến đi này, riêng phần chi cho 5 cán bộ của Bộ Công Thương lên tới gần 1,4 tỷ đồng. Trong đó, riêng chi phí cho cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa lên tới trên 320 triệu đồng; bà Lê Thị Thu Hương chi phí hết 207 triệu đồng; ông Phan Chí Dũng (thời điểm đó là Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ của Bộ Công Thương) chi phí hết 353,7 triệu đồng... Được biết, kinh phí đài thọ cho các chuyến đi này do các đơn vị thành viên của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) chi trả. Đoàn đi theo Quyết định số 72/QĐ-BCT ngày 8/1/2016 do ông Vũ Huy Hoàng ký, khi đó với tư cách là Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Vinataba không chỉ tài trợ cho đoàn trên mà còn là doanh nghiệp tài trợ chi cho khá nhiều đoàn công tác khác. Năm 2013, Tổng công ty này đã tài trợ kinh phí cho 3 cán bộ của Bộ Công Thương đi Hà Lan, Pháp, Bỉ 9 ngày để "tìm hiểu về công tác chống buôn lậu". Năm 2014, cũng Tổng công ty này đã chi tiền cho 3 người của Bộ Công Thương đi Úc với thời gian lên tới ...30 ngày để "nghiên cứu quản lý, quản trị doanh nghiệp". Cũng trong năm này, Vinataba đã chi tiền cho 4 người khác của Bộ Công Thương sang Úc 8 ngày để "nghiên cứu, khảo sát". Đến năm 2016, Vinataba tiếp tục chi tiền cho 1 người của Bộ Công Thương đi Mỹ, Bỉ 7 ngày, chỉ để dự một cuộc triển lãm.
Trong danh sách các doanh nghiệp của Bộ Công thương chi tiền tài trợ cho cán bộ, công chức đi nước ngoài trong các năm qua còn rất nhiều: Tổng công ty Máy và Động lực, Công ty TNHH MTV Petrolimex Lào Cai; Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn; Công ty Cổ phần Hóa dầu Quân đội...và nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước khác. Các đoàn thường được tài trợ đi Mỹ, Úc, Trung Quốc, Đức, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, ...Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ trong kết luận thanh tra đã không nêu rõ số kinh phí mà doanh nghiệp đã tài trợ cho từng đoàn cụ thể là bao nhiêu, ngoài đoàn do Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam chi cho đoàn đi Cuba, Panama, Argentina năm 2016.
Doanh nghiệp tài trợ với mục đích gì?
Phân tích về mục đích của những doanh nghiệp bỏ tiền ra để tài trợ cho các quan chức đi công tác, học tập ở nước ngoài, PGS - TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, khi các doanh nghiệp bỏ tiền ra tài trợ cho các quan chức, đặc biệt là các quan chức trực tiếp đề ra chính sách và trực tiếp quản lý doanh nghiệp đi công tác, học tập ở nước ngoài thì họ có nhiều mục đích. Nhưng theo tôi, có lẽ mục đích chung là xây dựng các mối quan hệ và đem lại lợi ích trước mắt và lâu dài cho doanh nghiệp.
Ông Thịnh phân tích thêm: trong nhiều năm qua, việc xây dựng các mối quan hệ thân thiết với các quan chức, thậm chí với cả các cơ quan quản lý trở thành một “nhiệm vụ” quan trọng với không ít doanh nghiệp. Từ việc xây dựng các mối quan hệ với các quan chức, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp có thể trở thành những doanh nghiệp “cánh hẩu”, những doanh nghiệp thân hữu, thậm chí là những doanh nghiệp “sân sau” của các nhóm lợi ích. Cũng theo quan điểm của ông Thịnh, sau khi xây dựng được các mối quan hệ, việc đơn giản nhất là họ (DN) sẽ được chỉ định thầu trong việc nhận thầu các dự án; hoặc sẽ được tăng khống các chi phí đầu vào; được tính giảm trừ trong các khoản chi phí, giá thành và được giảm nghĩa vụ đóng thuế cho ngân sách nhà nước, thậm chí có thể họ còn được hưởng những chính sách biệt đãi mà các doanh nghiệp khác không được hưởng…Một khi đã có mối quan hệ đạt đến mức trở thành “sân sau” cho các nhóm lợi ích, thì những doanh nghiệp này sẽ là người thâu tóm và được ban phát những lợi ích béo bở.
Đồng quan điểm với PGS - TS Thịnh, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thẳng thắn: Nếu việc tài trợ chỉ để cho quan chức làm việc tốt hơn thì các doanh nghiệp có nhiều kênh khác để góp ý, hỗ trợ chứ không nhất thiết phải tài trợ cho quan chức đi nước ngoài. Đây cũng là một hình thức đầu tư của doanh nghiệp, để nhằm đạt được một lợi ích kinh doanh, một mối quan hệ nào đó.
Còn theo quan điểm của Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, việc này có thể liên hệ đến việc doanh nghiệp tặng ô tô cho quan chức. “Họ làm vậy thì có được lợi ích gì?” Ta hoàn toàn có thể tin tưởng có nhiều doanh nghiệp muốn đóng góp cho xã hội, nhưng tài trợ cho từng quan chức đi nước ngoài công tác thì có thể do mối quan hệ cá nhân, điều này rất dễ dẫn đến tư lợi. Tất nhiên ở đây chúng ta không kết luận hết các doanh nghiệp tài trợ tiền cho quan chức đi công tác, học tập ở nước ngoài đều có mục đích tư lợi. Nhưng rõ ràng khi quan chức đi công tác, học tập bằng tiền của doanh nghiệp, anh phải lường trước được là anh được mời đi thì có thể tạo ân huệ với nhau. Người ta hoàn toàn có thể nghi ngờ mục đích các chuyến đi này, do đó phải xem hệ quả của nó là gì.
“Các doanh nghiệp muốn tạo được thuận lợi cho doanh nghiệp của mình thì họ bỏ tiền ra đầu tư. Chúng ta nên kiểm soát chủ yếu là quan chức. Anh sử dụng thời gian của nhà nước, vị trí của mình trong bộ máy thì phải thực hiện theo sự điều động của nhà nước. Nếu doanh nghiệp đóng góp một quỹ nào đó để vận hành những công việc có ích cho nhà nước thì tôi cũng hoan nghênh. Nhưng nếu doanh nghiệp chỉ mời quan chức đi công tác, học tập thì cũng cần phải xem lại. Trong chừng mực nào đó thì có thể có “bóng dáng” tham nhũng, dùng vị trí công tác để tư lợi cho chính mình”, ông Quốc nói.
Xử lý sai phạm bằng cách nào?
Theo kết quả thanh tra, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều đoàn đi nước ngoài không nằm trong chương trình, kế hoạch hoạt động đối ngoại được duyệt; còn nhiều đoàn đi với nội dung đi khảo sát, học tập kinh nghiệm nhưng thực chất là kết hợp đi tham quan, du lịch; nhiều đoàn thuộc ngành y tế, giáo dục đi nước ngoài theo thư mời đài thọ của doanh nghiệp. Kết luận chỉ rõ, nhiều hồ sơ không có quyết định cho nghỉ phép hoặc đơn xin nghỉ không lương trong thời gian đi nước ngoài; một số trường hợp đi không có sự chấp thuận, về trễ thời gian nhưng không thấy xử lý...
Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, việc tiêu tiền của quan chức như thế chắc chắn là không đúng quy định. Kể cả cử người của doanh nghiệp mình đi công tác, học tập cũng còn phải tính toán kĩ chứ nói gì việc tài trợ tiền cho quan chức đi nước ngoài. Đây có dấu hiệu tham nhũng biến tướng. Nếu làm thẳng ra, cơ quan đã cử cán bộ đi thì phải cùng nhau trả lại tiền cho doanh nghiệp. Vì đi là quyết định của cơ quan, chứ không chỉ riêng cá nhân vị quan chức nào đó. Tuy nhiên, tiền trả lại này cũng không thể lấy từ ngân sách, nếu lấy từ ngân sách trả thì lại đổ đầu dân, như vậy là không hợp lý.
Theo quan điểm của PGS - TS Đinh Trọng Thịnh, việc các doanh nghiệp nhà nước và cả các doanh nghiệp tư nhân tài trợ cho các quan chức đi công tác, học tập ở nước ngoài là vi phạm các quy định về quản lý kinh tế, là hành vi vi phạm pháp luật. Như ở trên tôi đã phân tích, việc tài trợ này là trái quy định về quản lý tài chính. Về mặt pháp luật, hành vi của cả quan chức và doanh nghiệp đều vi phạm. Ông Thịnh thẳng thắn nêu quan điểm: Trong trường hợp nếu cá nhân hay cơ quan quản lý có gợi ý hay ép buộc các doanh nghiệp chi tài trợ cho các quan chức đi công tác, học tập ở nước ngoài thì phải coi đó là hành vi tham nhũng, hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng. Trước tiên, phải yêu cầu các cán bộ đó hoàn trả số tiền đó cho doanh nghiệp.
Giải pháp nào để chặn tham nhũng “biến tướng”?
Chia sẻ với Phóng viên Pháp lý, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, việc hối lộ có muôn hình muôn vẻ. Xưa kia, ông Đặng Huy Trứ nổi tiếng là một vị quan thanh liêm của triều Nguyễn, là người viết cuốn “Từ thụ yếu quy” cho rằng thử thách lớn nhất của người làm quan là “nhận” hay “không nhận”. Ông ấy phân loại ra có 108 trạng thái tham ô, hối lộ, trong đó có 5 trạng thái có thể chấp nhận được, ví dụ như tình nghĩa thầy trò hay tôi giúp cho anh có hiệu quả kinh tế mà không động chạm gì đến lợi ích quốc gia… Khi viết xong cuốn “Từ thụ yếu quy”, ông Đặng Huy Trứ bỏ lên bàn thờ cho con cháu đọc, chứ không công bố rộng rãi ra cho thiên hạ biết, vì thực tiễn đời sống có muôn hình muôn vẻ. Từ câu chuyện lịch sử đó, chúng ta cũng nên đưa ra một số nguyên tắc cơ bản để phòng chống việc xin – cho. Doanh nghiệp họ cần có lợi, họ sẽ tìm mọi cách tiếp cận quan chức, hối lộ quan chức, có thể biến tướng là tài trợ cho quan chức đi học tập, công tác. Nếu quan chức nghiêm túc thì những chuyện đó không thể xảy ra. Quan chức phải sử dụng thời gian, quyền lực của nhà nước đúng quy định, chúng ta cần phải kiểm soát điều này. Nếu quan chức nghiêm chỉnh thì doanh nghiệp cũng chưa chắc đã hào hứng tài trợ vì họ không nhìn ra được lợi nhuận nữa.
Vị Đại biểu Quốc hội này cũng đề nghị một giải pháp là không cho doanh nghiệp đóng góp trực tiếp cho cá nhân quan chức. Nếu muốn đóng góp cho nhà nước thì có thể đóng góp vào một quỹ chung nào đó. Tuy nhiên, ông Quốc cũng khẳng định rằng đây chỉ là một phần nhỏ trong rất nhiều giải pháp để chống tham nhũng. Do đó, giải pháp quan trọng nhất là kiểm soát được hành vi của quan chức.
Để các chuyến công cán, học tập của quan chức do doanh nghiệp tài trợ không biến thành một dạng tham nhũng, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần công khai, minh bạch trong mọi vấn đề. Từ công khai, minh bạch trong các chính sách, trong đấu thầu dự án, trong việc tiếp cận thị trường, tiếp cận các nguồn lực. Đặc biệt, cần xem xét, hoàn thiện cơ chế quản lý các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng. Kiểm tra thường xuyên và khắc phục các kẽ hở trong quản lý; thực hiện cổ phần hóa, bán, khoán, cho thuê các doanh nghiệp nhà nước; dần tiến tới xóa bỏ cơ chế Bộ chủ quản với doanh nghiệp nhà nước. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát với hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan công quyền. Có các chế tài nghiêm khắc xử lý các trường hợp vi phạm, lợi dụng chức quyền để làm trái quy định.
Nguyễn Hòa (thực hiện)