(Pháp lý) - Điều tra các nghi án đưa nhận hối lộ còn gặp nhiều khó khăn. Có chuyên gia pháp luật cho rằng nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ góc độ nhận thức cũng như công tác thực thi pháp luật của cơ quan tố tụng chưa quyết tâm, chưa triệt để.
Khó khăn khi chứng minh tội phạm
Đưa - nhận hối lộ là loại tội phạm nguy hiểm, hậu quả của nó đối với xã hội là hết sức nặng nề, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của đất nước, làm sai lệch hoạt động bình thường của bộ máy nhà nước, làm giảm niềm tin của nhân dân vào các cơ quan công quyền. Tuy nhiên, thực tế công tác tố tụng nhằm xử lý loại tội phạm này còn gặp nhiều khó khăn bởi:
Thứ nhất, chủ thể của tội phạm nhận hối lộ thường là người có chức vụ, quyền hạn thậm chí là quan chức công tác tại cơ quan pháp luật, cơ quan tiến hành tố tụng nên họ nắm pháp luật rất chắc, có nhiều thủ đoạn để che giấu, xóa dấu vết phạm tội.
Thứ hai, pháp luật quy định dù là hành vi đưa, nhận hay môi giới hối lộ đều là hành vi phạm tội, đều bị xử lý hình sự, do đó với tâm lý của nhiều người thì việc chủ động tố cáo hay khai báo về hành vi đưa, nhận hối lộ là hiếm gặp.
Thứ ba, cùng là hành vi nhận lợi ích vật chất (hoặc phi vật chất) nhưng đánh giá đó là nhận hối lộ hay lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, thậm chí lừa đảo chiếm đoạt tài sản… trong nhiều vụ án rất khó thống nhất.
Thứ tư, việc phân biệt giữa quà tặng và của hối lộ trên thực tế là rất khó. Nhiều trường hợp các đối tượng không thừa nhận hành vi đưa, nhận của hối lộ mà khẳng định đó chỉ là tặng, nhận quà. Do đó, sẽ không có cơ sở để xử lý nếu không chứng minh được đó là vụ lợi và mục đích vụ lợi để làm hay không làm một việc vì lợi ích của người đưa.
Thực tế cho thấy, việc tìm ra những bằng chứng, chứng cứ để chứng minh tội phạm của các cơ quan tố tụng khi phát hiện có dấu hiệu của tội phạm này thực sự không dễ dàng. Vấn đề đánh giá lời khai, chứng cứ; xác định các tình tiết của vụ án, dấu hiệu cấu thành tội phạm còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số đối tượng liên quan hay lúng túng trong việc xác định tội danh.
Điển hình như trong một số vụ án: vụ án buôn bán thuốc chữa ung thư giả xảy ra tại công ty cổ phần VN Pharma; vụ án đường dây đánh bạc ngàn tỷ của Nguyễn Văn Dương và đồng phạm; hay các vụ án gian lận điểm thi tại Hòa Bình, Sơn La tại kỳ thi THPT 2018 vừa qua…
Cơ quan tố tụng nói không có căn cứ, trong khi nghi phạm khai có đưa, nhận tiền
Liên quan đến vụ án buôn bán thuốc chữa ung thư giả xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma, ngày 17/6 vừa qua, TAND Cấp cao tại Hà Nội vừa mở phiên phúc thẩm xét xử ba bị cáo trong vụ đưa hối lộ. Theo đó, Ngô Anh Quốc (cựu Phó Tổng Giám đốc VN Pharma) chịu năm năm tù về tội đưa hối lộ, Dương Kim Sơn (Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Sơn) và Lê Phú Toàn (Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thạch Bàn) lần lượt phải chịu 17 tháng 17 ngày tù; 14 tháng 30 ngày tù, cùng về tội môi giới hối lộ.
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, TAND TP Hà Nội tuyên Ngô Anh Quốc mức án 5 năm tù về tội Đưa hối lộ, còn Dương Kim Sơn nhận án 3 năm tù về tội Môi giới hối lộ. Lê Phú Toàn cũng nhận mức án 2 năm tù. Theo bản án sơ thẩm, quá trình điều tra, Lê Phú Toàn khai sau khi đã nhận được hơn 7,2 tỉ đồng từ Dương Kim Sơn, Toàn đưa cho anh NTT (kiểm sát viên trung cấp thuộc Vụ 1, VKSND Tối cao) 5 tỉ đồng. Ngoài ra, Toàn còn khai đặt vấn đề nhờ chị BTT (cán bộ Vụ 1, VKSND Tối cao) liên hệ với lãnh đạo VKSND Tối cao để giúp đỡ và đã hai lần chuyển tiền cho chị T. tổng số tiền 1,1 tỉ đồng và 50.000 USD.
Tuy nhiên, án sơ thẩm cho rằng ngoài lời khai của Lê Phú Toàn, kết quả điều tra không có căn cứ xác định anh NTT và chị BTT đã nhận số tiền trên.
Từ đó, HĐXX sơ thẩm nhận định kết quả điều tra không có căn cứ xác định có sự thỏa thuận giữa anh NTT với bị can Toàn về việc giúp các đối tượng thuộc Công ty VN Pharma không bị khởi tố, bắt tạm giam, lý do không chứng minh được anh NTT đã nhận tiền từ Toàn.
Mặc dù vậy, việc anh NTT tiết lộ thông tin liên quan đến vụ án cho Toàn đã vi phạm quy chế công tác của ngành kiểm sát. Anh T đã bị xử lý kỷ luật công chức với hình thức cảnh cáo, cách chức trưởng phòng và điều chuyển đơn vị công tác.
Trong vụ án đánh bạc ngàn tỷ, bị cáo Nguyễn Văn Dương khai đã cho tướng Phan Văn Vĩnh chiếc đồng hồ Rolex trị giá 7.000 USD, 27 tỷ đồng, 1,75 triệu USD; chi cho C50 đúng 850 triệu đồng và một phần mềm diệt virút trị giá 30.000 USD; cho tướng Nguyễn Thanh Hóa 22 tỷ đồng; chi khoảng 10 tỷ đồng tiền rượu cho các bữa tiệc của Tổng cục Cảnh sát.
Quá trình điều tra, bị cáo Phan Văn Vĩnh chỉ thừa nhận cầm của Dương áo sơ mi, thuốc bổ gan, rượu… và không nhận tiền.
Cơ quan điều tra (CQĐT) chỉ xác định được việc Dương cho C50 bộ phần mềm và 700 triệu đồng. Ngoài ra, chưa có căn cứ làm rõ việc tướng Vĩnh, tướng Hóa nhận tiền từ Nguyễn Văn Dương nên đã tách tài liệu để làm rõ, xử lý sau.
Một trong những điểm nóng của dư luận cả nước thời gian vừa qua là việc điều tra xử lý các đối tượng liên quan đến các vụ gian lận điểm thi tại 3 tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La trong kỳ thi tuyển sinh năm 2018.
Theo kết quả điều tra của Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) về gian lận thi cử tại Hòa Bình, bị can Đỗ Mạnh Tuấn khai đã nhận 550 triệu đồng để sửa điểm thi, nhưng không nêu danh tính người đưa tiền..
Tuy nhiên, cho đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận về việc làm rõ Tuấn đã nhận tiền từ ai, như thế nào?
Ở vụ gian lận điểm thi ở Sơn La, quá trình điều tra Nguyễn Thị Hồng Nga, Đặng Hữu Thủy, Cầm Thị Bun Sọn, Lò Văn Huynh khai đã nhận tiền của một số trường hợp để sửa bài nâng điểm cho thí sinh. Hiện số tiền này đang được CQĐT thu giữ.
Tuy nhiên, cáo trạng của VKSND tỉnh Sơn La cho rằng, kết quả điều tra cho thấy những người được cho là đưa tiền cho các bị can đều không thừa nhận đã thỏa thuận và đưa tiền. Ngoài lời khai của Nga, Sọn, Huynh, Thủy và số tiền đã nộp, không có tài liệu, chứng cứ nào khác để chứng minh.
Do đó, không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nga, Sọn, Huynh, Thủy về tội nhận hối lộ và cũng không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp nêu trên về các tội đưa hối lộ và môi giới hối lộ. “Số tiền Nga, Sọn, Huynh, Thủy nhận của các đối tượng được xác định là tiền do vụ lợi mà có” - cáo trạng kết luận.
Chuyên gia pháp luật hình sự bình luận gì?
Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, dưới góc độ một nhà nghiên cứu pháp luật, Tiến sĩ Đinh Thế Hưng, Phó Trưởng phòng, Phòng Nghiên cứu pháp luật Hình sự - Viện Nhà nước và Pháp luật nêu quan điểm: Những vụ việc nêu trên cho thấy tính phức tạp, khó khăn của công tác đấu tranh đối với tội phạm tham nhũng trong đó có tội đưa và nhận hối lộ trong bối cảnh hiện nay.
Bởi lẽ, về đặc điểm tội phạm học cho thấy, ở phía người nhận hối lộ đều có trình độ học vấn cao, có hiểu biết pháp luật, là cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức xã hội. Họ trưởng thành đầy đủ về mặt nhận thức, có kinh nghiệm sống, có nhiều mối quan hệ xã hội và họ có đủ thủ đoạn để đối phó với cơ quan chức năng…..
Về phía người đưa hối hối lộ thường mong muốn lợi ích nhất định khi đưa hối lộ và nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ nên họ thường không tố giác, khai báo thiếu thành khẩn, phản xạ tự nhiên là chối tội nên việc phát hiện đưa và nhận hối lộ gặp nhiều khó khăn, nói cách khác các tội này có độ “ẩn” khá cao. Và nếu người đưa không tố giác thì tất yếu việc xác định người nhận cũng rất khó khăn.
Dưới góc độ pháp luật thực định thì không có gì phải bàn nhiều, Bộ luật hình sự đã có quy định cụ thể cấu thành của các tội đưa và nhận hối lộ khá rõ ràng. Qua các vụ án trên cho thấy vấn đề nằm ở chỗ nhận thức pháp luật cũng như thực tiễn công tác điều tra, truy tố, xét xử như thế nào, tức là công tác thực hiện pháp luật thế nào thôi – TS. Hưng nói.
Qua các vụ án gần đây, về mặt chuyên môn, TS. Hưng cho rằng có hai trường hợp cần bàn:
Thứ nhất, trường hợp xác định được người nhận hối lộ nhưng không xác định được người đưa thì người nhận có phạm tội nhận hối lộ không?. Trong cấu thành của tội nhận hối lộ không bắt buộc phải chứng minh có người đưa mà chỉ quy định dấu hiệu thủ đoạn nhận hối lộ là nhận “trực tiếp” hoặc “nhận qua trung gian”. Điều này cho thấy không nhất thiết phải chứng minh được người đưa là ai mà cái quan trọng nhất trong tội nhận hối lộ là người nhận biết rõ đấy là của hối lộ mà vẫn nhận, sau đó làm, không làm một việc theo yêu cầu của người đưa thì tội nhận hối lộ được thành lập đầy đủ. Bởi lẽ lúc này khách thể của tội phạm là hoạt động đúng đắn của nhà nước đã bị xâm phạm.
Thứ hai, trường hợp chỉ chứng minh được có người đưa mà chưa chứng minh được người nhận, ví dụ vụ án xảy ra tại Công ty Pharma. Trong trường hợp này nếu người đưa hối lộ và môi giới hối lộ chưa tìm được người để đưa, chưa đưa được hoặc người có chức vụ quyền hạn không nhận hoặc đưa hối lộ nhầm thì được coi là phạm tội đưa hối lộ hoặc môi giới hội lộ ở giai đoạn tội phạm chưa đạt. Tức là đã thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm những hậu quả chưa xảy ra, hậu quả ở đây là khách thể của tội phạm là hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước chưa bị xâm phạm.
Nếu phạm tội chưa đạt thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự ở giai đoạn chưa đạt. Nếu mà người đưa hối lộ, môi giới hối lộ nhận của hối lộ mà sau đó không đưa cho người nhận mà nhằm chiếm đoạt thì có thể xem xét tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
TS Đinh Thế Hưng cho biết: Điều 15, BLTTHS đã quy định các cơ quan tiến hành tố tụng phải dùng mọi biện pháp hợp pháp để xác định tội phạm và người phạm tội. Không ai có thể làm thay các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc điều tra, xử lý tội phạm trong đó có tội phạm tham nhũng.
Tuy nhiên, bên kia của câu chuyện là sức ép đối với họ không để xảy ra oan sai. Nếu có dấu hiệu tội phạm mà cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được tội phạm, người phạm tội bằng tất cả tinh thần trách nhiệm cao, bằng năng lực điều tra, bằng nhận thức đúng đắn pháp luật thì nguy cơ bỏ lọt tội phạm là có thể và công cuộc phòng, chống tham nhũng của chúng ta vẫn sẽ tiếp tục gặp khó khăn – TS. Hưng nói.
Nêu quan điểm của mình, Luật sư Đặng Cường - Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng:
Hiện nay, tội phạm Đưa – nhận hối lộ diễn ra rất phức tạp ở nhiều mức độ khác nhau. Hậu quả của hành vi đưa, nhận hối lộ nói riêng, tham nhũng nói chung là rất nặng nề, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của đất nước, làm sai lệch hoạt động bình thường của bộ máy nhà nước, làm giảm niềm tin của nhân dân vào các cơ quan công quyền. Tuy nhiên, trên thực tế, rất khó để xử lý về tội danh này.
Có rất nhiều trường hợp chứng minh được có yếu tố vụ lợi nhưng lại không chứng minh được việc thỏa thuận để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Hoặc có những trường hợp chứng minh được có hành vi cố ý làm sai quy định của nhà nước nhưng lại không chứng minh được có yếu tố “vụ lợi”, do đó người có chức vụ, quyền hạn lại chỉ bị xử lý về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015, với mức hình phạt thấp hơn.
Để chứng minh tội phạm này vừa cần thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm, vừa cần phân biệt với các tội phạm khác. Vì vậy, nó dẫn đến thực trạng có thể có hành vi nhưng không đủ căn cứ để xử lý hoặc xử xử lý theo tội danh khác có tính chất nhẹ hơn.
Một số biện pháp
Để công tác phòng chống và xử lý tội phạm tham nhũng nói chung, tội phạm hối lộ nói riêng đạt hiệu quả, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, các chuyên gia kiến nghị một số biện pháp:
Trước tiên phải đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện những sai phạm để khắc phục, xử lý. Mặt khác, cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến người dân để người dân có thể hiểu được những quyền và lợi ích hợp pháp của mình được pháp luật bảo vệ.
Đồng thời, cần phải có sự quyết tâm cao, xử lý nghiêm minh, triệt để của các cơ quan tiến hành tố tụng. Vận dụng thật linh hoạt quy định về miễn trách nhiệm hình sự cho người đưa hối lộ để khuyến khích người đưa hối lộ tự giác khai báo, tố giác người nhận hối lộ. Tương tự như vậy đối với người môi giới hối lộ khi họ chủ động tố giác người nhận hối lộ và cung cấp bằng chứng chứng minh người nhận hối lộ.
Về cơ chế chính sách pháp luật, chúng ta cần quy định cụ thể trong từng lĩnh vực, công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị giúp đảm bảo mọi chủ thể có thể theo dõi, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước. Hoàn thiện quy định về công khai, minh bạch tài sản của cán bộ, công chức và cuối cùng là xây dựng và hoàn thiện cơ chế giám sát hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước.
Văn Chiến