Đại biểu Quốc hội: Lấy người dân, sức mạnh thông tin để kiểm soát quyền lực

“Xây dựng cơ chế kiểm soát cần lấy quyền lực để kiểm soát quyền lực, lấy đạo đức, lấy người dân và sức mạnh thông tin để kiểm soát quyền lực”, đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

[caption id="attachment_155907" align="aligncenter" width="611"] Đại biểu Lê Thanh Vân.
Đại biểu Lê Thanh Vân.[/caption]

Thảo luận tại hội trường về kinh tế xã hội sáng 2/11, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau) đã có đưa ra các đề xuất giải pháp đáng chú ý về xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và phát triển.

Theo đại biểu Vân, xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển là nói đến phẩm hạnh, nặng lực, vai trò kiến trúc sư của Chính phủ trong việc tạo lập môi trường thuận lợi cho kinh tế xã hội phát triển.

“Việc xây dựng Chính phủ kiến tạo giúp chúng ta rút ngắn quãng thời gian công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Làm tiền đề cho sự phát triển vững chắc của đất nước”, đại biểu Vân nhấn mạnh và đề xuất 3 nội dung cần chú trọng.

Thứ nhất, đó là liêm chính kiến tạo phát triển trong xây dựng, ban hành thể chế chính sách đồng bộ.

Trong đó, Chính phủ cần phải chủ động khởi xướng chính sách, mở đường cho chính sách, giải phóng mọi nguồn lực xã hội tham gia công cuộc giải phóng, bảo vệ và xây dựng đất nước.

Đồng thời, Chính phủ cần phải rà soát lại các quan hệ kinh tế, xã hội pháp luật để xác lập sự tác động của nhà nước theo chiều tích cực, loại bỏ tiêu cực.

Sắp xếp thứ tự ưu tiên cho từng lĩnh vực mà nếu có sự tác động kịp thời của nhà nước sẽ làm lan tỏa sâu, kích hoạt rộng cho kinh tế xã hội phát triển.

Cũng theo đại biểu Vân, Chính phủ cần có chính sách ưu tiên kiến tạo phát triển 3 lĩnh vực Việt Nam có lợi thế là nông nghiệp, du lịch - dịch vụ và khoa học công nghệ cao thế hệ mới.

Chính phủ tiếp tục kế thừa và phát triển kế sách trị quốc của cha ông ta. Đó là “mở nước thì coi giáo dục làm đầu. Dựng nước lấy nhân tài làm trọng”. Đại biểu Vân nhấn mạnh, đây là chính sách phát triển nhiều nước trên thế giới.

Cùng với đó là việc ngăn chặn lợi ích nhóm, lợi dụng chính sách, cục bộ chính sách, tham nhũng chính sách, đầu cơ chính sách; đảm bảo môi trường liêm chính cho cả hệ thống ngay từ khi khởi xướng xây dựng chính sách.

Ngoài ra, đại biểu Vân cũng đề cập đến việc dân chủ hóa mọi mặt đời sống xã hội; khích lệ tạo nguồn cảm hứng sáng tạo trong mọi tầng lớp nhân dân gồm cả đồng bào nước ngoài tham gia hiến kế xây dựng, phát triển đất nước. Song song đó cần có những quy định thưởng phạt hết sức nghiêm minh.

Thứ hai, theo đại biểu Vân, đó là liêm chính kiến tạo trong củng cố xây dựng bộ máy.

Cụ thể, đó là phải rà lại các cơ quan, tránh chồng chéo, mâu thuẫn trên cơ sở phân cấp phân quyền. Đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trước pháp luật.

“Xây dựng cơ chế kiểm soát: Lấy quyền lực để kiểm soát quyền lực, lấy đạo đức, người dân, sức mạnh thông tin để kiểm soát quyền lực”, đại biểu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế đối thoại để nghe lòng dân, thấu đạt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân nhằm điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi kịp thời trong ban hành thể chế chính sách.

Nội dung thứ ba đại biểu này đưa ra, đó là liêm chính kiến tạo trong xây dựng đội ngũ cán bộ công chức.

Đại biểu Vân lưu ý phải tạo lập môi trường bình đẳng cho mọi cá nhân có thể tham gia vào quản lý điều hành đất nước. Minh bạch để thi tuyển, lựa chọn cán bộ, công chức, tìm ra người có năng lực phẩm chất thực sự; lựa chọn hiền tài phải thực tâm, chí thành. Loại bỏ cán bộ không xứng đáng ra khỏi bộ máy.

Ngoài ra, ông Vân cũng đề nghị cải cách chế độ tiền lương, xây dựng cơ chế kiểm tra, kiểm soát, giám sát cán bộ, công chức; bảo đảm mội trường liêm chính để những cán bộ không muốn và không dám chạy chức, chạy quyền; không thể, không muốn và không dám tham nhũng.

Theo Bizlive

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin