Cuộc chiến với “cối xay gió” của báo chí và kẽ hở chí tử của Luật

Sự phát triển của internet mang lại những thay đổi lớn lao và những cơ hội phát triển cho mọi đối tượng, mọi lĩnh vực, nhưng riêng với báo chí, với cảm nhận của riêng tôi, nó lại chủ yếu mang đến những thách thức.

Thật nghịch lý, trong muôn vàn thách thức khi làm báo trên internet, thách thức lớn nhất đối với chúng tôi lại đến chính từ một kẽ hở của các quy định của pháp luật về báo chí, cụ thể là quy định về đối tượng và điều kiện thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên internet.

Theo quy định của các văn bản pháp luật hiện hành, các tổ chức, doanh nghiệp không phải là cơ quan báo chí cũng được cấp phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp (website), xuất bản thông tin báo chí lên internet với điều kiện được 3 cơ quan báo chí cho phép dẫn nguồn.

Các website này tuy không được phép sản xuất thông tin báo chí nhưng lại được phép xuất bản thông tin báo chí lấy lại từ các báo lên internet. Hầu như 100% các website này đều được thiết kế giống như báo điện tử, không có gì khác biệt cả về hình thức và nội dung.

 Báo chí chịu nhiều thách thức từ sự phát triển của internet và mạng xã hội (ảnh minh hoạ).
Báo chí chịu nhiều thách thức từ sự phát triển của internet và mạng xã hội (ảnh minh hoạ).)

Cá nhân tôi thiển nghĩ rằng, đây là một kẽ hở chí tử cả về mặt pháp lý lẫn thực tiễn, khiến việc phát triển báo chí (và cả việc quản lý, định hướng thông tin của cơ quan chức năng) lâm vào một cuộc chiến không cân sức với “cối xay gió” internet.

Vì sao vậy? Trước hết là về khái niệm. Việc đăng phát thông tin báo chí lên internet hay in trên giấy do người cung cấp tự sản xuất hay lấy lại đều là hành vi xuất bản báo chí. Đây là chức năng, nhiệm vụ của cơ quan báo chí, không phải của các tổ chức, doanh nghiệp. Trên internet, đối tượng mà thông tin báo chí hướng tới chính là bạn đọc, còn đối tượng thông tin do các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp trên website chính là khách hàng quan tâm đến sản phẩm,dịch vụ của các tổ chức, doanh nghiệp này. Hai đối tượng người dùng internet này hoàn toàn khác nhau.

Trên thực tế hiện nay các trang thông tin điện tử tổng hợp đang có người dùng là bạn đọc báo chí, hoàn toàn không liên quan đến người dùng là đối tượng quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ của các tổ chức, doanh nghiệp là chủ sở hữu các website này.

Mặt khác, việc xuất bản thông tin báo chí của cơ quan báo chí phải đảm bảo đúng tôn chỉ mục đích, phục vụ nhu cầu thông tin của bạn đọc, phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, còn việc xuất bản thông tin báo chí trên trang thông tin điện tử của các tổ chức, doanh nghiệp đơn thuần là vì lợi nhuận.

Chính vì vậy, về mặt nội dung họ chỉ lấy những thông tin giật gân trên các báo, tiếp đó lại sửa lại tít và cắt xén nội dung cho giật gân hơn và đăng trên nhiều nền tảng để tăng lượng truy cập, qua đó tăng doanh thu. Tệ hại hơn nữa là họ được pháp luật bảo hộ (thông qua việc cấp giấy phép) để ăn cắp và chiếm đoạt (xin lỗi vì dùng từ nặng, nhưng bản chất là như vậy) sản phẩm của các cơ quan báo chí. Trong khi đó, các cơ quan báo chí phải đóng góp đầy đủ nghĩa vụ thuế với ngân sách, còn nhiều doanh nghiệp sở hữu trang thông tin điện tử tổng hợp doanh thu lớn vài trăm tỷ đồng/năm thì thu lợi 100% do các nền tảng quảng cáo tự động đều thanh toán tiền về tài khoản cá nhân.

Về loại hình, theo tôi nghĩ, trang thông tin điện tử tổng hợp và bản tin in là giống nhau, chỉ khác nhau về nền tảng cung cấp thông tin (trên giấy và trên Internet). Từ lâu nay, quy định về việc xuất bản bản tin in của các tổ chức, doanh nghiệp rất chặt chẽ, phân định rõ với cơ quan báo chí, đặc biệt là quy định các bản tin in này không được bán, không được đăng quảng cáo. Nhưng trang thông tin điện tử tổng hợp thì lại không khác gì cơ quan báo chí, ngoài việc họ không được tự sản xuất tin bài.

Theo tôi, việc quy định website không được sản xuất tin bài, nhưng lại được đăng tin bài do báo chí sản xuất là một sự phi lý tồn tại trong suốt một thời gian dài. Nó dẫn đến tình trạng một trang thông tin tin điện tử tổng hợp chỉ cần 5 nhân sự làm công việc copy paste tin bài từ các báo (với sự hỗ trợ của phần mềm) là có thể có lượng bạn đọc và doanh thu lớn hơn nhiều so với một tòa soạn báo có vài chục, thậm chí hàng trăm nhà báo chuyên nghiệp xông pha mọi nơi để có những tác phẩm báo chí tốt.

Cứ thử tưởng tượng, khi chưa có Internet, nếu chúng ta cho các tổ chức, doanh nghiệp được xuất bản bản tin in dưới hình thức giống như tờ báo, không được sản xuất tin bài, nhưng lại được lựa chọn các thông tin hot nhất trên các báo, các bản tin đó sẽ có ưu thế như thế nào về bạn đọc, về quảng cáo, về doanh thu? Và việc quản lý báo chí,việc định hướng thông tin sẽ khó khăn ra sao?

Trước đây, mô hình kinh tế của báo chí in truyền thống đã được định hình với hai nguồn thu chính là phát hành và quảng cáo. Nhưng khi dịch chuyển hoạt động sang báo điện tử thì nguồn thu từ phát hành không còn (bản chất của internet là chia sẻ thông tin miễn phí), chỉ còn quảng cáo, mà quảng cáo trực tuyến được trả tỉ lệ thuận với lượng người xem.

Với những tờ báo, tạp chí điện tử chỉ được khoảng 1 triệu lượt xem mỗi tháng thì số tiền quảng cáo online chỉ được vài triệu đồng, chỉ mới đủ trả lương cho một suất bảo vệ.Trong khi đó, các website tổng hợp thông tin với lợi thế chi phí thấp, không phải chi phí đội ngũ sản xuất thông tin báo chí, không phải bám sát tôn chỉ mục đích, chỉ bám sát "hot trend", làm sao “xào xáo” thông tin câu view nhất đã chiếm lợi thế tuyệt đối so với báo điện tử.

Những ưu thế về tính phát hiện, tính chính xác và tính độc quyền - vốn thuộc về báo chí, nơi có đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, có kỹ năng và chức năng khai thác thông tin, khác với cư dân mạng đa phần là những người cung cấp thông tin nghiệp dư và tự phát bị các website tổng hợp thông tin san bằng nhẹ nhàng chỉ với một cú click chuột.

Oái oăm hơn, những thông tin được các website chiếm đoạt một cách công khai bằng phương pháp copy paste này nhiều khi lại có lượng truy cập lớn gấp nhiều lần so với thông tin gốc đăng trên báo điện tử, do sự chênh lệch về lượng view và sự tối ưu hóa công cụ tìm kiếm.

Chính vì vậy mà đã xảy ra hiện tượng nghịch lý: Một vài cơ quan báo chí quá khó khăn đã tự chuyển hóa, hoạt động như trang thông tin điện tử tổng hợp, cắt giảm tối đa hoặc không có đội ngũ phóng viên sản xuất tin bài, toàn bộ việc xuất bản thông tin báo chí dựa trên một nhóm nhỏ nhân sự xào xáo, dẫn nguồn.

Phóng viên thì được đẩy đi làm kinh tế, không có lương, không có nhuận bút nhưng phải chịu định mức doanh thu hàng tháng. Những cơ quan báo chí này không có đủ cơ sở vật chất, phương tiện làm việc và đội ngũ nhân sự làm nội dung. Việc xuất hiện các nhóm PV mang biệt danh IS, “đếm tầng”, nhũng nhiễu, thậm chí tống tiền doanh nghiệp khởi nguồn từ thực trạng này.

Ngoài ra, còn có cơ quan báo chí chính thống, có thương hiệu lại phải chấp nhận đứng nguồn, sản xuất thông tin hoặc “treo mác” sản xuất thông tin cho website lách luật để tạo nguồn thu từ việc nhận thù lao.

Về việc định hướng thông tin, thực tế, tình trạng đưa nhiều thông tin “nhảm nhí” trên các báo (chủ yếu là báo điện tử) là có, nhưng đa phần sự lệch lạc trong định hướng thông tin là do nhiều cá nhân, tổ chức đang được phép xuất bản thông tin báo chí trên các trang thông tin điện tử tổng hợp, (và cả các nền tảng mạng xã hội như facebook, youtube, zalo,…) bằng cách “xào nấu” tin tức từ các báo.

Các trang thông tin điện tử tổng hơp còn lấy thông tin từ các tài khoản cá nhân chưa được kiểm chứng, biên tập và thậm chí bịa tin để có nhiều người xem nhằm thu tiền quảng cáo từ các nền tảng quảng cáo tự động.

Trong một nền kinh tế thị trường thì vấn đề kinh tế chi phối tất cả, tiền như mạch nước ngầm, nước chảy đi đâu thi cây cối mới mọc đến đó, chỉnh được dòng tiền sẽ chỉnh được cảnh quan ở trên mặt đất. Vì vậy nếu vẫn để kẽ hở trong quản lý website, đặc biệt trong thời điểm báo chí đang khó khăn đang loay hoay thích nghi với môi trường kinh tế số thì càng khiến “chiếc loa to nhất” Nhà nước là báo chí bị hạn chế, thiếu bình đẳng, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp phi báo chí làm chủ dòng chủ lưu dư luận.

Nguy hiểm nhất là người dùng internet của các website này chính là bạn đọc báo chí, đa phần họ không biệt được đâu là website, đâu là báo chí. Trong khi hiện nay cả nước chỉ có khoảng hơn 1.000 trang điện tử (báo điện tử, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp) là của các cơ quan báo chí nhưng đang có cả trăm ngàn website tiếng Việt của các tổ chức, doanh nghiệp không có chức năng báo chí (trong đó có một số lượng lớn trang được cấp phép) đang xào nấu và xuất bản tin tức dạng báo chí trên mạng. Gần đây, khi khai thác nguồn thông tin từ các báo quá nhiều dẫn đến trùng lắp, nhiều trang còn lấy tin từ các tài khoản mạng xã hội (tin tức hoặc quan điểm) biến thành những “bài báo” để đăng lên các trang của họ.

Trên mạng xã hội Facebook có hàng trăm tài khoản có hơn 10 triệu người theo dõi thường xuyên (like), mức độ phát tán thông tin bằng hàng trăm tờ báo nhỏ cộng lại. Họ chế biến thông tin từ đủ các loại nguồn, không cần kiểm chứng và “xào nấu” sao cho giật gân đăng lên đó nhằm thu hút người dùng để thu tiền quảng cáo (gồm các nguồn: Cho các cá nhân, tổ chức đăng bài (post) quảng cáo bán hàng, “kéo” view cho các trang web của các doanh nghiệp, thu tiền quảng cáo trực tiếp từ Facebook (Facebook tự động gắn quảng cáo vào các clips như của Youtube).

Trên Facebook có một dạng phát tán thông tin gián tiếp gọi là IA (Instant Articles-Bài báo tức thời) được Facebook cho gắn quảng cáo tự động. Hình thức này như sau: Tin tức được đăng trên website nhưng phát tán chủ yếu trên facebook. Những dạng website này khi hiển thị trên Facebook thậm chí còn mạo danh các trang báo, tạp chí điện tử uy tín để lừa người đọc.

Trên Youtube có hàng trăm ngàn tài khoản trên nền tảng này của các công ty truyền thông, cá nhân cũng “chế” lại thông tin dưới dạng clips. Họ lấy một phần text, hình ảnh tĩnh hoặc động (clips) ghép lại với nhau thành dạng clips giật gân cũng để thu hút người xem. Tiền quảng cáo từ những clips này hấp dẫn đến nỗi dân xã hội (giang hồ) còn bỏ nghề đao búa để đi sản xuất clips theo dạng giang hồ thách thức nhau (gần đây giang hồ còn sáng tác ca khúc, tự làm phim…) để phát trên youtube. Ngoài ra, hiện có các cả ngàn app tin tức đang có trên các chợ app cũng lấy nội dung từ tất cả các trang web, facebook về nhào nặn và xuất bản theo hướng giật gân mà không hề biên tập hay kiểm chứng thông tin.

Những hệ lụy của việc cấp phép cho các tổ chức, doanh nghiệp phi báo chí được thiết lập trang thông tin điện tử cung cấp thông tin báo chí lên internet đang là rào cản và thách thức với sự phát triển của báo chí. Thực trạng này sai cả về pháp lý lẫn đạo lý.

Với hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi thấy rằng ở các nước hình như không có (hoặc hầu như không có) loại hình “báo chí copy paste” này. Quy định của pháp luật về báo chí của chúng ta chặt chẽ hơn họ, nhưng không hiểu vì sao có kẽ hở để phát sinh tràn lan món “đặc sản Việt Nam” này, khiến cả báo chí lẫn cơ quan quản lý báo chí đều khốn đốn về những hệ lụy phát sinh từ nó? Có thể lý giải: Quy định về bản quyền của họ chặt chẽ hơn chúng ta? Theo tôi nghĩ, điều này chỉ đúng một phần.

Bản quyền chỉ là phần ngọn, còn phần gốc vẫn chính là việc chúng ta đang đánh đồng khái niệm “cung cấp thông tin lên internet” nói chung với khái niệm “xuất bản thông tin báo chí trên nền tảng internet”, do đó đã xuất hiện kẽ hở trong các quy định của pháp luật về báo chí trong thời đại công nghệ số, dẫn đến tình trạng website trá hình báo chí, không chỉ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp mà ngay cả một số cơ quan nhà nước cũng không phân biệt được.

Chính vì vậy mà cá nhân tôi thiển nghĩ rằng, cơ quan QLNN nên nghiên cứu, xem xét để thay đổi các quy định về đối tượng và điều kiện được cấp phép trang thông tin điện tử tổng hợp.

Cụ thể, các tổ chức, doanh nghiệp phi báo chí chỉ nên được cấp phép trang thông tin điện tử chuyên ngành. Các thông tin được cung cấp trên website (kể cả những thông tin lấy lại từ báo chí) là những thông tin chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực, phạm vi hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp đó. Khi lấy lại tin, bài của cơ quan báo chí để xuất bản trên website nhất thiết phải có sự đồng ý bằng văn bản (đối với từng tin, bài) của cơ quan báo chí.

Đối tượng được cấp phép trang thông tin điện tử tổng hợp phải là cơ quan báo chí và các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực báo chí, vì chỉ có các cơ quan này mới có chức năng, nhiệm vụ và có đủ năng lực xuất bản thông tin báo chí tổng hợp. Ngoài ra, các trang thông tin điện tử tổng hợp của cơ quan báo chí cũng phải bám sát tôn chỉ mục đích, người chịu trách nhiệm nội dung là Tổng biên tập cũng là người chịu trách nhiệm trước pháp luật. Các chế tài xử phạt với các hành vi vi phạm phải thật nghiêm minh để tránh tình trạng lách luật. Việc điều chỉnh các quy định này có thể được thực hiện trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật báo chí thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý Nhà nước.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Theo Nguoiduatin

Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/cuoc-chien-voi-coi-xay-gio-cua-bao-chi-va-ke-ho-chi-tu-cua-luat-a438726.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin