CSGT tăng cường xử lý, trấn áp ma men, nghiện hút trên đường

Sau hơn 1 tuần ra quân theo kế hoạch của Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) cùng các đơn vị, địa phương đã phát hiện xử lý 5.140 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy. Tình hình giao thông có những chuyển biến tích cực, tai nạn và ùn tắc giao thông giảm. Tuy nhiên, tính chất tai nạn lại chưa có tính bền vững nhất là những vụ nghiêm trọng…

Xử lý hơn 5.000 ma men

Thông tin từ Cục CSGT cho biết, sau hơn 1 tuần ra quân, lực lượng CSGT toàn quốc và Công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện xử lý 5.140 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy.

Trong đó, lực lượng chức năng đã phát hiện 5.089 lái xe vi phạm nồng độ cồn, 51 trường hợp lái xe dương tính với ma túy bị phát hiện. Phạt tiền 17,7 tỷ đồng, tước 2.997 GPLX, tạm giữ 5.140 phương tiện.

Theo Cục CSGT trong những ngày qua, bên cạnh việc xử lý nghiêm người vi phạm của lực lượng chức năng. CSGT các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật mục đích, ý nghĩa của kế hoạch đã góp phần nâng cao ý thức của người điều khiển phương tiện. Qua thực tế cho thấy, phần lớn lái xe mô tô, ô tô… đều chấp hành hiệu lệnh dừng xe, ủng hộ việc kiểm tra nồng độ cồn và ma túy.

Đại ta Lê Văn Chiến - Trưởng phòng CSGT chia sẻ với PV Pháp lý

Cục CSGT cũng cho biết, từ nay đến cuối năm cùng với việc kiểm tra "ma men" và người sử dụng ma túy, lực lượng CSGT toàn quốc cũng tăng cường kiểm tra hành chính. Đồng thời, chủ động phối hợp đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên tuyến… Đặc biệt, là các hành vi vi phạm về quá tải trọng, và chống người thi hành công vụ.

Chia sẻ với PV Pháp lý, Thượng tá Ngô Văn Phục - Phó Trưởng phòng CSGT (Công an tỉnh Bắc Giang) cho biết, tính đến sáng 23/3 (sau 1 tuần ra quân) toàn tỉnh xử lý 155 trường hợp lái xe vi phạm. Trong đó, có 112 lái xe vi phạm nồng độ cồn (7 ô tô và 105 mô tô).

Thượng tá Phục cho biết thêm, thời gian tới lực lượng CSGT Công an tỉnh Bắc Giang tiếp tục triển khai tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm ma túy, nồng độ cồn. Qua đó, nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định….

Còn Đại tá Lê Văn Chiến - Trưởng Phòng CSGT (Công an tỉnh Thanh Hóa) cho biết, thực hiện kế hoạch của Bộ Công an, lực lượng CSGT xử lý nghiêm các trường hợp lái xe có sử dụng chất kích thích.

“Từ 15/3 đến 23/3, lực lượng CSGT xử lý 1.452 trường hợp, phạt thành tiền 2,7 tỷ đồng. Qua đó, tạm giữ 229 phương tiện, tước 230 trường hợp. Đặc biệt, về nồng độ cồn lực lượng CSGT xử lý 126 trường hợp, phạt hơn 350 triệu đồng…”, Đại tá Chiến thông tin.

Lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên Quốc lộ 1A.

“Vẫn nóng” TNGT, ma men tấn công CSGT

Theo Đại tá Lê Văn Chiến (Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa) tình hình an toàn giao thông trên địa bàn tương đối ổn định tuy nhiên vẫn còn xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng. Đặc biệt vụ TNGT sáng nay (23/3) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa khiến 7 người thiệt mạng.

Theo đó, vào khoảng hơn 21h, ngày 22/3, tại Km 13 + 570, trên dốc Bả Vai (tỉnh lộ 530, thuộc địa phận bản Hắc, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Nguyên nhân ban đầu được xác định, chiếc xe ôtô tải, mang biển kiểm soát 36C -126.40 đi xuống dốc theo hướng từ xã Trí Nang về thị trấn Lang Chánh, đã đâm vào taluy dương bên phải đường.

Đại tá Chiến cũng cho biết, sáng cùng ngày (23/3) lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cùng đại diện các cơ quan chức năng đang đến hiện trường vụ tai nạn, để chỉ đạo điều tra nguyên nhân, khắc phục hậu quả. Đồng thời, tổ chức thăm hỏi, động viên và chia sẻ với gia đình các nạn nhân.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông khiến 7 người tử vong ở Thanh Hoá.

Liên quan đến vụ tai nạn tại Thanh Hóa, Cục Đăng kiểm Việt Nam có thông tin nhanh về dữ liệu kiểm định xe ô tô chở keo, gây TNGT đặc biệt nghiêm trọng này. Cụ thể, phương tiện trong vụ tai nạn là ô tô tải mang biển kiểm soát 36C-136.40, số loại: CHENGLONG-HUH/YC6L310-33-MB, sản xuất năm 2015 tại Việt Nam.

Đánh giá về 1 tuần ra quân xử lý nồng độ cồn theo kế hoạch của Cục CSGT, Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Phòng CSGT (Công an TP. Hà Nội) cho biết, ngay từ ngày đầu ra quân (15/3) toàn thành phố xử lý được 22 trường hợp so với hơn 600 trường hợp trên toàn quốc.

Thiếu tá Long cho biết, kết quả xử lý của thành phố không nằm trong top 10 tỉnh thành xử lý cao nhất chứng tỏ ý thức người dân đã gia tăng. Tuy nhiên điều đáng lo ngại là trong 22 trường hợp bị xử lý có trường hợp vượt mức kịch khung (hơn 0,4 miligam/lit khí thở), có trường hợp chống đối bằng cách tấn công lại lực lượng chức năng… Những vi phạm lại thường rơi vào cán bộ công chức.

Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đội trưởng Đội CSGT số 7, Phòng CSGT Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) cho biết, đơn vị đang phối hợp cùng lực lượng quân đội củng cố hồ sơ xử lý quân nhân Lê Mạnh H đang công tác tại Học viện Hậu cần (SN: 1973 ở năm 1973, ở phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) có hành vi tấn công 1 CSGT khi làm nhiệm vụ.

Theo đó, vào 15h30 ngày 21/3, Đội CSGT số 7 được người đi đường báo tại ngã tư Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển hướng Ngã Tư Sở có một người điều khiển ô tô biển kiểm soát 30E-864.21 đỗ giữa ngã tư có biểu hiện say xỉn đang ngủ trong xe, gây cản trở giao thông.

Đặc biệt, khi lực lượng CSGT yêu cầu lái xe xuất trình giấy tờ để kiểm tra lái xe Lê Mạnh H mở cửa bước xuống “tấn công” Trung úy Bùi Kiên Quyết (Đội CSGT số 7). “Sau gần 7 tiếng sau khi không chấp hành hiệu lệnh lực lượng chức năng, liên tục có lời lẽ không đúng mực, Hùng mới chịu đo kết quả nồng độ cồn với mức vi phạm 0,150 miligam/1 lít khí thở…”, Trung tá Thắng nói.

Theo Trung tá Thắng, đây không phải trường hợp duy nhất chống đối lực lượng chức năng. Trước đó, 13h15 ngày 15/3 khi tổ công tác của Đội CSGT số 7 tuần tra trên tuyến đường Tố Hữu (quận Hà Đông) phát hiện ông Phạm Xuân Bằng (SN: 1979 quê Thanh Hóa) điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn mức vi phạm 0.567 miligam/1 lít khí thở (vượt mức phạt kịch khung).

Lúc này ông Bằng xin tổ công tác bỏ qua vi phạm nhưng bất thành đã dùng lời lẽ thô tục chửi bới tổ công tác. Tổ công tác đã yêu cầu ông B. về nhà nhưng ông này vẫn chống đối và bất ngờ vung tay đấm mạnh vào mặt thượng úy Nguyễn Mạnh Tùng khiến Thượng uý Tùng bị vỡ mắt kính, sưng đỏ vùng mặt.

Nới về giải pháp lâu dài xử lý “ma men” cũng như kéo giảm TNGT, Đại tá Dương Đức Hải - Trưởng phòng CSGT (Công an TP. Hà Nội) nhấn mạnh, biện pháp vừa tuyên truyền kết hợp xử lý mạnh tay không có “vùng cấm” sẽ tạo chuyển biến tích cực.

Đồng thời, cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương tuyên truyền xử lý quán xá vi phạm tập trung đông người, “mách nước” cho khách bật xi nhan cảnh báo vào nhậu và thông báo chốt xử lý khi khách ra về.

“Các cơ quan nhà nước cũng tuyên truyền cán bộ, nhân viên nói không với bia rượu tạo thành nếp sống văn minh nơi công sở… xử lý nghiêm các trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn. Có trường hợp gọi điện thẳng cho tôi xưng danh làm tại cơ quan báo chí, trong lực lượng công an đang làm nhiệm vụ về nồng độ cồn… tôi đều chỉ đạo các tổ công tác xử lý đúng người, đúng tội…”, Đại tá Dương Đức Hải nói.

Bùi Lộc

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin