Công tác thanh tra và phòng, chống tham nhũng được thực hiện quyết liệt, hiệu quả, không vùng cấm, không ngoại lệ

(Pháp lý) - Sáng ngày 20.5, Kì họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc. Kì họp diễn ra với nhiều nội dung đặc biệt quan trọng. Ngay trong ngày làm việc đầu tiên, Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023. Trong đó, công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng đã đạt một số kết quả quan trọng, "góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân".
image001-1716217592.jpg
Quang cảnh Phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội. 

Sau thanh tra, phát hiện vi phạm kinh tế 257.703 tỉ đồng

Báo cáo Quốc hội kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chiều 20.5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2023, thu ngân sách nhà nước đạt 1,75 triệu tỉ đồng, tăng 133.400 tỉ đồng, tăng 8,2% so với dự toán và báo cáo Quốc hội. Theo đó, thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất năm 2023 gần 194.000 tỉ đồng. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2023 đạt 83.087 tỉ đồng. 

Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá, công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương năm 2023 tiếp tục chuyển biến, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm. 

Tổng số cơ sở nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 183.044 cơ sở (đạt 69,8%); tổng số cơ sở nhà, đất còn phải sắp xếp là 79.404 cơ sở. Trong đó, năm 2023, Bộ Tài chính đã phê duyệt mới phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 379 cơ sở nhà, đất của khối bộ, cơ quan T.Ư. Tuy nhiên, công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp nhà nước còn chậm.

Nợ công/GDP đến cuối năm 2023 ước khoảng 37%, nợ Chính phủ/GDP ước khoảng 34%, trong phạm vi Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15. Ước vay, trả nợ Chính phủ bảo lãnh năm 2023 nằm trong hạn mức được duyệt, tổng dư nợ bảo lãnh đến hết năm 2023 ước khoảng 279.719 tỉ đồng, tương đương khoảng 2,7% GDP, giảm 18.243 tỉ đồng so với năm 2022.

Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đã góp phần khởi công mới, đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiều dự án, công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia để hoàn thành các dự án này đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, còn 91/115 bộ, ngành, địa phương có kết quả giải ngân lũy kế 13 tháng thấp hơn bình quân của cả nước.

Đáng chú ý, trong năm 2023, ngành thanh tra cả nước đã triển khai 7.689 cuộc thanh tra hành chính và 193.774 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua đó, phát hiện vi phạm về kinh tế 257.703 tỉ đồng, 616 ha đất; kiến nghị thu hồi 188.607 tỉ đồng và 166 ha đất.

Kết quả xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2023 tăng 12 bậc. Tuy nhiên, cắt giảm thủ tục hành chính có lúc, có nơi còn chậm, chưa kịp thời, quyết liệt. Thủ tục hành chính tuy được cắt giảm nhưng một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn một số bất cập. 

Nêu ý kiến thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Lê Quang Mạnh đánh giá, kết quả tiết kiệm năm 2023 là 83.087 tỉ đồng, cao hơn so với năm 2022 (đạt 53.887 tỉ đồng). Cạnh đó, Chính phủ đã có nhiều giải pháp và chỉ đạo quyết liệt để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. 

Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại một số bộ, ngành, địa phương chậm do nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra trong các báo cáo, trong nhiều năm vừa qua, nhưng chưa có giải pháp kiên quyết và biện pháp khắc phục triệt để, hữu hiệu. Cụ thể, kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 cho thấy 91/115 bộ, cơ quan T.Ư, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân cả nước, có đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch vốn. 

Việc triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục chậm, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình; tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách T.Ư, nhất là kinh phí sự nghiệp thấp. 

Mặc dù công tác quản lý thuế đã được tăng cường, song vẫn còn bất cập; tình trạng gian lận, trốn thuế còn lớn, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử. Tình hình nợ đọng thuế có xu hướng tăng và ngày càng cao, nợ thuế đến hết năm 2023 là 163.591 tỉ đồng, tăng 10,7% so với hết năm 2022.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ đã dẫn đến trì trệ, kém hiệu quả.

Xử lý sai phạm thật sự không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Cũng trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 7.

image002-1716217592.jpg
Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến

Báo cáo cho thấy, cử tri và nhân dân đánh giá rất cao công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tiếp tục đạt được kết quả quan trọng, toàn diện, "nói đi đôi với làm", thật sự không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.
Các cơ quan chức năng không chỉ xử lý kịp thời, nghiêm minh, có lý, có tình đối với người vi phạm mà còn thu hồi được nhiều tài sản cho nhà nước. Hoạt động của các ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh bước đầu đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Vẫn theo báo cáo, cử tri và nhân dân đồng tình, ủng hộ Đảng và Nhà nước đã kịp thời giải quyết để một số cán bộ cấp cao vi phạm những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương thôi đảm nhiệm trọng trách được giao; đồng thời rất tin tưởng Đảng, Nhà nước "không ngừng, không nghỉ" trong cuộc đấu tranh cam go, phức tạp này.

Cử tri tiếp tục mong muốn các bộ, ngành, cơ quan chức năng có giải pháp hiệu quả, "mạnh tay hơn nữa" đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm minh những người đăng tải, cung cấp các thông tin "thất thiệt", "xấu độc", ảnh hưởng đến thành quả chung đã đạt được.

Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết thêm, cử tri và nhân dân đánh giá cao sự cố gắng của ngành nội vụ trong việc chuẩn bị các điều kiện để cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1.7.2024. Bộ Nội vụ đã chú ý lắng nghe ý kiến của cử tri và nhân dân để có sự điều chỉnh cần thiết trong việc tổ chức sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030…

Tuy vậy, cử tri và nhân dân còn băn khoăn, trăn trở khi một số địa phương thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách không còn vị trí việc làm chưa được kịp thời; một số tài sản sau sáp nhập chưa được sử dụng hiệu quả; kỷ luật, kỷ cương hành chính có nơi, có việc chưa nghiêm; vẫn còn một số thủ tục hành chính không còn phù hợp, song chậm được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Theo báo cáo, cử tri và nhân dân đồng tình, ủng hộ Đảng và Nhà nước đã kịp thời giải quyết để một số cán bộ cấp cao vi phạm những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương thôi đảm nhiệm trọng trách được giao; đồng thời rất tin tưởng Đảng, Nhà nước "không ngừng, không nghỉ" trong cuộc đấu tranh cam go, phức tạp này

Trước bối cảnh, tình hình hiện nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị với Đảng, Nhà nước kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật, làm "nhiễu" thông tin, nhất là các thông tin "xấu, độc", "bôi nhọ" làm giảm sút uy tín của tổ chức và cá nhân lãnh đạo, ảnh hưởng đến sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước và nhân dân

Hơn 3.000 tội phạm tham nhũng bị điều tra trong năm 2023

Sáng 20/5, Phó thủ tướng Lê Minh Khái thay mặt Chính phủ báo cáo trước Quốc hội đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023. Trong đó, phòng chống tham nhũng đã đạt một số kết quả, "góp phần củng cố niềm tin của nhân dân".

So với năm 2022, các cơ quan thanh tra đã phát hiện, kiến nghị thu hồi về Ngân sách Nhà nước số tiền tăng 7,6 %, chuyển cơ quan điều tra 12,5 % số vụ. Riêng 6 tháng đầu năm nay, các đơn vị đã khởi tố mới 468 vụ liên quan tội phạm về tham nhũng, chức vụ với nhiều vụ án lớn, tính chất tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp.

Các cơ quan điều tra đã thụ lý điều tra hơn 1.100 vụ án với gần 3.000 bị can phạm tội về tham nhũng trong năm 2023.

Theo báo cáo của Viện trưởng VKSND Tối cao, nhiều vụ án liên quan đến các bộ ngành, địa phương, có sự cấu kết tinh vi giữa cán bộ Nhà nước với doanh nghiệp trong lĩnh vực đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, xây dựng, xăng dầu.

Trong đó, một số vụ án nổi cộm như buôn lậu đất hiếm, đưa nhận hối lộ xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An, sai phạm ở Bộ Công thương hoặc liên quan xăng dầu của Xuyên Việt Oil.

image003-1716217592.jpg
Những quan chức bị bắt do liên quan sai phạm xảy ra ở Bộ Công thương hoặc liên quan vụ xăng dầu của Xuyên Việt Oil. ( Ảnh: các bị can (từ trái qua phải): Lê Duy Minh, Lê Đức Thọ, Đỗ Thắng Hải).

Từ 1/10/2023 đến 31/3/2024, TAND các cấp cũng tuyên thu hồi 1.662 tỷ đồng trong 69 vụ án kinh tế, tham nhũng và số tài sản đã khắc phục là 266 tỷ đồng. Riêng năm 2023, tổng tài sản tham nhũng các đơn vị thi hành án dân sự thu hồi được là 20.400 tỷ đồng - cao nhất trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, đến tháng 11/2023, cả nước vẫn còn 83.000 tỷ đồng cần thu hồi trong các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi.

Hiện nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu với quan điểm: "chống tham nhũng không ngừng nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai".

Các cơ quan điều tra đã thụ lý điều tra hơn 1.100 vụ án với gần 3.000 bị can phạm tội về tham nhũng trong năm 2023. Trong đó, một số vụ án nổi cộm như buôn lậu đất hiếm, đưa nhận hối lộ xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An, sai phạm ở Bộ Công thương hoặc liên quan xăng dầu của Xuyên Việt Oil….

Ngoài chống tham nhũng, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng được triển khai bằng "cách làm mới, biện pháp mới", tạo chuyển biến tích cực về trật tự, xã hội, kiềm chế gia tăng tội phạm. Trong 9 tháng đầu năm 2023 các lực lượng đã điều tra hơn 44.7000 vụ án phạm tội về trật tự xã hội, đạt hơn 77 % (cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra 2%). Đặc biệt, 126 băng nhóm tội phạm có tổ chức đã bị triệt phá.

 

Trần Dương - Minh Anh

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin