Hành lang pháp lý cho hoạt động chuyển giao bắt buộc ngân hàng

(Pháp lý). Đứng trước những vấn đề mang tính thực tiễn xảy ra tại các ngân hàng, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng 2017 đã bổ sung phương án chuyển giao bắt buộc là một trong những phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Đây là phương án được đánh giá là quan trọng nhưng không kém phần phức tạp, đòi hỏi sự tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập đến một số vấn đề pháp lý nổi bật liên quan đến hoạt động chuyển giao bắt buộc ngân hàng theo Luật Các tổ chức tín dụng 2010 sửa đổi, bổ sung 2017 (“Luật Các TCTD”).
1-1702532531.jpg

Luật các tổ chức tín dụng hiện hành đã không còn phù hợp với sự thay đổi của thực tiễn. (ảnh minh họa)

1. Thế nào là chuyển giao bắt buộc ngân hàng

Theo quy định của Luật Các TCTD, phương án chuyển giao bắt buộc là phương án chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt phải chuyển giao toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho bên nhận chuyển giao. Bên nhận chuyển giao có thể là tổ chức tín dụng trong nước, tổ chức tín dụng nước ngoài, nhà đầu tư khác có đề nghị được nhận chuyển giao bắt buộc và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định được nhận chuyển giao bắt buộc.

Phương án này được xem như một cơ hội “tái sinh” đối với các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt tuy nhiên cũng gia tăng gánh nặng cho bên nhận chuyển giao bắt buộc. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang đẩy nhanh tiến độ chuyển giao bắt buộc đối với ba ngân hàng đã được mua lại với giá 0 đồng là CBBank, OceanBank và GPBank, cùng với đó là Ngân hàng TMCP Đông Á (“DongA Bank”), một ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt khác.

2-1702532540.jpg

Cấp có thẩm quyền đã phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt

Cho đến nay, quá trình chuyển giao bắt buộc vẫn chưa bắt đầu trên thực tế do việc tìm kiếm, đàm phán với ngân hàng thương mại đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc (năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém) còn gặp nhiều khó khăn, phụ thuộc rất lớn vào sự tự nguyện tham gia của các ngân hàng thương mại. Đồng thời, bên nhận chuyển giao cũng cần nhiều thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài đồng thuận tham gia nhận chuyển giao bắt buộc.

Năm 2015, trước những vi phạm nghiêm trọng và khó khắc phục của các ngân hàng thương mại yếu kém, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định mua lại với giá 0 đồng đối với ba ngân hàng lần lượt là Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (“CB Bank”), Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (“OceanBank”) và Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu Khí Toàn Cầu (“GP Bank”). Tuy nhiên, việc tái cơ cấu các ngân hàng thương mại này thực tế diễn ra không hiệu quả, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng này tiếp tục thua lỗ, gặp nhiều khó khăn trong thu hồi nợ xấu.

2. Điều kiện và quyền lợi của các bên trong quan hệ chuyển giao bắt buộc

Căn cứ theo Luật Các TCTD thì các bên trong hoạt động chuyển giao bắt buộc gồm bên nhận chuyển giao bắt buộc và bên được chuyển giao bắt buộc.

Theo quy định hiện hành, bên được chuyển giao bắt buộc là các tổ chức tín dụng yếu kém, được kiểm soát đặc biệt, thuộc một trong các trường hợp sau[1]:

(i) Mất, có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất, có nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

(ii) Số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất.

(iii) Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 130 của Luật này trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong thời gian 06 tháng liên tục.

(iv) Xếp hạng yếu kém trong 02 năm liên tục theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Trong khi đó, bên nhận chuyển giao bắt buộc là chủ thể đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước bao gồm 02 nhóm đối tượng:

(i) Tổ chức tín dụng trong nước và nước ngoài.

(ii) Nhà đầu tư khác.

Bên nhận chuyển giao là tổ chức tín dụng cần đáp ứng điều kiện về hoạt động kinh doanh có lãi trong ít nhất 02 năm liền kề, đáp ứng các tỷ lệ bảo đảm an toàn đối với tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật và chứng minh đủ nguồn vốn để thực hiện góp vốn theo phương án chuyển giao bắt buộc đã xây dựng. Riêng đối nhà đầu tư không phải là tổ chức tín dụng, không phải đáp ứng điều kiện về tỷ lệ đảm bảo an toàn nhưng vẫn phải tuân thủ quy định về hoạt động kinh doanh và nguồn vốn nhận chuyển giao bắt buộc theo phương án chuyển giao[2]. Đồng thời, quy định về chuyển giao bắt buộc ngân hàng chỉ dành cho tổ chức tín dụng và nhà đầu tư là pháp nhân, không cho phép cá nhân tham gia, xuất phát từ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc đòi hỏi bên nhận chuyển giao phải có tiềm lực tài chính vững mạnh và kinh nghiệm quản trị chuyên nghiệp. Điều này nhằm đảm bảo sau khi được chuyển giao, tổ chức tín dụng yếu kém sẽ tiếp tục hoạt động ổn định, tránh nguy cơ phá sản.

3-1702532540.jpg

Ngân hàng Xây dựng – một trong 4 ngân hàng sẽ phải chuyển giao bắt buộc

Tuy điều kiện để được nhận chuyển giao bắt buộc khá nghiêm ngặt nhưng quyền lợi đối với bên nhận chuyển giao cũng không hề nhỏ. Luật Các TCTD hiện hành quy định rất nhiều quyền lợi mà bên nhận chuyển giao bắt buộc có thể được hưởng, bao gồm:

- Sở hữu 100% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc đối với trường hợp ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

- Không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.

- Được loại trừ ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất.

- Khoản vốn góp vào ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc không phải thực hiện trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư và được loại trừ khi tính giới hạn góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao.

Mức góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao vào ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc được thực hiện theo tỷ lệ quy định tại phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.

- Được bán, phát hành cổ phần của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao cho nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.

- Được áp dụng một hoặc một số biện pháp hỗ trợ phục hồi theo quy định của Luật Cac TCTD và phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.

Trong khi đó, đối với bên nhận chuyển giao không phải là tổ chức tín dụng, các tổ chức này có quyền sở hữu cổ phần, phần vốn góp của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc vượt tỷ lệ giới hạn sở hữu cổ phần, phần vốn góp quy định của Luật Các TCTD.

Có thể thấy, các quyền lợi mà bên nhận chuyển giao được hưởng khi tham gia chuyển giao bắt buộc là rất lớn.

Ở chiều ngược lại, đối với ngân hàng thương mại được chuyển giao, kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước ra quyết định chuyển giao bắt buộc, toàn bộ quyền và lợi ích của chủ sở hữu, thành viên góp vốn hay cổ đông của ngân hàng được chuyển giao bắt buộc sẽ chấm dứt. Bên nhận chuyển giao sẽ tiếp nhận và chịu trách nhiệm với toàn bộ các quyền và nghĩa vụ của ngân hàng được chuyển giao bao gồm các khoản vay, tiền gửi của khách hàng,…

Điều kiện để được nhận chuyển giao bắt buộc khá nghiêm ngặt nhưng quyền lợi đối với bên nhận chuyển giao cũng không hề nhỏ. Luật Các TCTD hiện hành quy định rất nhiều quyền lợi mà bên nhận chuyển giao bắt buộc có thể được hưởng, ví dụ như: Sở hữu 100% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc đối với trường hợp ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Được bán, phát hành cổ phần của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao cho nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt. Được áp dụng một hoặc một số biện pháp hỗ trợ phục hồi theo quy định của Luật Cac TCTD và phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt…..

3. Tăng tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức tín dụng nhận chuyển giao

Ngoài các quyền lợi đã được liệt kê ở trên, tổ chức tín dụng trong nước khi nhận chuyển giao bắt buộc còn có thể được tạo điều kiện thông qua dự thảo quy định về việc tăng tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước gần đây đã có tờ trình gửi Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 03/01/2014 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam. Trong đó, nổi bật là đề xuất nâng tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc vượt 30%  nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ của ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc (không bao gồm các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ). Với việc bổ sung thêm nguồn lực cả về tài chính, lẫn kinh nghiệm quản trị từ các đối tác nước ngoài, việc nhận quản lý và vận hành của bên nhận chuyển giao đối với ngân hàng được chuyển giao hứa hẹn sẽ thuận lợi hơn.

4-1702532540.jpg

Ảnh minh hoạ

4. Một số vấn đề pháp lý khác

Ngoài các vấn đề pháp lý mang tính đặc thù đã được quy định tại Luật Các TCTD và các văn bản hướng dẫn thi hành, hoạt động chuyển giao bắt buộc có thể sẽ làm phát sinh nhiều vấn đề pháp lý khác mà các bên cần đặc biệt quan tâm. Đơn cử như quy định về thủ tục thông báo tập trung kinh tế, theo quy định hiện hành, các hình thức tập trung kinh tế bao gồm (i) sáp nhập doanh nghiệp; (ii) hợp nhất doanh nghiệp; (iii) mua lại doanh nghiệp; (iv) liên doanh giữa các doanh nghiệp; và (vi) các hình thức tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật. Mặc dù hoạt động chuyển giao bắt buộc sẽ phát sinh việc chuyển giao toàn bộ cổ phần, phần vốn góp từ chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của bên được chuyển giao cho bên nhận chuyển giao.

Tuy nhiên, không rõ liệu rằng đây có thể được xem là hoạt động mua lại doanh nghiệp hay không bởi lẽ trong chính Luật Các TCTD cũng đã quy định về phương án chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp của ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt. Nếu không thuộc trường hợp mua lại doanh nghiệp, hoạt động chuyển giao bắt buộc đòi hỏi cần phải có những quy định cũng như hướng dẫn cụ thể hơn nhìn từ góc độ pháp luật cạnh tranh, bởi lẽ sau khi kết thúc quá trình chuyển giao, rõ ràng quy mô của bên nhận chuyển giao là các ngân hàng đã tăng đáng kể. Việc xác định đây là hành vi tập trung kinh tế sẽ phát sinh thêm nhiều thủ tục pháp lý khác mà các bên phải thực hiện, đơn cử như thủ tục thông báo tập trung kinh tế (nếu đáp ứng các tiêu chí về ngưỡng thông báo tập trung kinh tế).

Ngoài ra, hoạt động chuyển giao bắt buộc có thể sẽ dẫn đến việc cải tổ mạnh mẽ trong cơ cấu tổ chức, hoạt động của ngân hàng bị chuyển giao. Khi đó, việc tuân thủ các vấn đề pháp lý về lao động trong trường hợp cho người lao động nghỉ việc cũng là bài toán đặt ra đối với bên nhận chuyển giao.

Nếu không thuộc trường hợp mua lại doanh nghiệp, hoạt động chuyển giao bắt buộc đòi hỏi cần phải có những quy định cũng như hướng dẫn cụ thể hơn nhìn từ góc độ pháp luật cạnh tranh, bởi lẽ sau khi kết thúc quá trình chuyển giao, rõ ràng quy mô của bên nhận chuyển giao là các ngân hàng đã tăng đáng kể. Việc xác định đây là hành vi tập trung kinh tế sẽ phát sinh thêm nhiều thủ tục pháp lý khác mà các bên phải thực hiện, đơn cử như thủ tục thông báo tập trung kinh tế (nếu đáp ứng các tiêu chí về ngưỡng thông báo tập trung kinh tế).

Nhìn chung, Luật Các TCTD sửa đổi, bổ sung năm 2017 ra đời đã tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ cho hoạt động chuyển giao bắt buộc. Tuy nhiên, hoạt động chuyển giao bắt buộc vẫn còn gặp nhiều vướng mắc pháp lý khác, như trường hợp mà chúng tôi đã đề cập ở trên, đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể hơn. Đồng thời, hoạt động chuyển giao bắt buộc hiện nay vẫn chỉ mới ở giai đoạn thảo luận và định hướng xử lý các ngân hàng yếu kém, trường hợp của CBBank, OceanBank, GPBank và DongA Bank là các trường hợp đầu tiên áp dụng phương án đặc biệt này. Do đó, theo đánh giá của chúng tôi, hoạt động chuyển giao bắt buộc đối với các ngân hàng này vẫn cần thêm rất nhiều thời gian để hoàn tất, đặc biệt cần sự cẩn trọng và kỹ lưỡng của tất cả các bên có liên quan.


[1] Điều 145 Luật Các Tổ chức Tín dụng 2010 sửa đổi, bổ sung 2017.

[2] Điều 151đ Luật Các Tổ chức Tín dụng 2010 sửa đổi, bổ sung 2017.

Luật sư Nguyễn Văn Phúc; Luật sư Nguyễn Nhật Dương (Công ty Luật TNHH HM&P)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin