Công dân Thủ đô ưu tú Nguyễn Văn Hùng: “Khắc tinh của tội phạm”

09/12/2016 20:50

(Pháp lý) - Phải nhờ Chủ tịch phường hẹn trước, ông Nguyễn Văn Hùng, người vừa được tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2016 mới nhận lời gặp nhà báo. Ông bảo thành tích là của tập thể, đóng góp cũng không có gì lớn lao mà báo chí viết bài khen ngợi mình thì ngại lắm… Nhìn gương mặt hiền hậu của ông, mấy ai ngờ ông được mệnh danh là “khắc tinh của tội phạm”, như một cảnh sát hình sự thực thụ.

Hiệp sĩ đường phố

Trong khi chờ đợi ông Hùng, Chủ tịch phường Khương Mai, ông Nguyễn Công Bách cho biết, phường Khương Mai nằm trên diện tích 106 ha, với 5700 hộ gia đình, gần 24.000 người, nên phải nói là công tác giữ gìn an ninh, trật tự rất vất vả. Trên địa bàn, các loại tội phạm ma túy, trộm cướp, trốn truy nã, nghiện ngập… từ các địa bàn khác qua lại đủ hết. Do đó, năm 2003, Tổ tuần tra chuyên trách phòng, chống tội phạm phường Khương Mai (quận Thanh Xuân, Hà Nội) được thành lập, để hỗ trợ Công an phường bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Hùng đã tham gia ngay từ ngày đầu thành lập tổ, trực tiếp tham gia cùng lực lượng chức năng bắt vài trăm vụ trộm cắp, cướp giật, ma túy. Suốt 13 năm qua, ông Hùng luôn luôn là nòng cốt của tổ, với tinh thần say mê công việc, không nề hà vất vả, thậm chí nguy hiểm. Ông Hùng đã hai lần bị phơi nhiễm HIV khi truy bắt tội phạm…

Ông Hùng đến, khác với hình dung của tôi về một người tuần tra, áo bộ đội, tay đeo băng đỏ, cầm dùi cui, ông Hùng mặc áo vét ghi vàng, quần đen, với nụ cười hồn hậu. Lý giải thắc mắc của tôi ông Hùng cười bảo: “Nếu mặc thế thì bọn tội phạm nó trốn hết”. Hóa ra, tổ tuần tra của ông Hùng làm việc như những trinh sát hình sự, dưới sự chỉ đạo của Công an phường và luôn sẵn sàng truy bắt tội phạm như những “Hiệp sĩ đường phố”.

Ông Nguyễn Văn Hùng (bên trái) tranh thủ báo cáo công việc với Chủ tịch UBND phường
Ông Nguyễn Văn Hùng (bên trái) tranh thủ báo cáo công việc với Chủ tịch UBND phường)

Sau khi tranh thủ báo cáo Chủ tịch phường một số công việc, ông Hùng mời tôi về nhà. Con phố Nguyễn Ngọc Nại chiều đầu đông se lạnh, vừa đi ông Hùng vừa giới thiệu với vẻ tự hào: Đây là phố Quân đội anh ạ. Phường chúng tôi có hơn 10 vị tướng và cũng đến trên 10 Anh hùng đấy. Vợ chồng tôi cũng là lính, được chia đất, làm nhà ở đây nên thành công dân của phường. Ông Hùng, sinh đầu năm 1958, vốn là dân Chương Mỹ, Hà Tây, vào bộ đội Công binh, trước khi nghỉ hưu ông là Chỉ huy đại đội. Vợ ông quê Hải Dương, đi bộ đội năm 1979 rồi ra quân chuyển sang công nhân quốc phòng.

Ông Hùng dẫn tôi lên tầng 4, có căn phòng nhỏ của ông. Trên tường treo bức ảnh vợ chồng ông phóng to, xung quanh là bằng khen các loại. Nói đến việc nào, vụ nào ông lấy số ra đọc tên đối tượng, nội dung vụ việc, ngày tháng xảy ra rất cẩn thận. Xem ra ông làm việc rất chỉn chu, cẩn thận.

- Công việc của bác hàng ngày như thế nào?

- Tôi thì nhiều nhiệm vụ lắm. Tôi là tổ trưởng tổ bảo vệ số 4, Tổ trưởng Tổ tuần tra, Đội trưởng Đội phòng chống tệ nạn xã hội, ma túy, AIDS, mại dâm phường Khương Mai. Chức danh thì như vậy nhưng các việc nó đan xen nhau. Riêng việc tuần tra thì tổ chúng tôi có 5 người, trực 24/24 giờ trong ngày. Dù nắng hay mưa, mùa hè hay mùa đông, chúng tôi vẫn đều đặn chia 2 ca mỗi ngày, ca đầu từ 0 giờ đến 4 giờ sáng và ca sau từ 12 giờ đến 16 giờ, chúng tôi đi cùng cảnh sát hình sự hết địa bàn phường, nhưng ngoài các ca đi tuần thì mỗi người vẫn thường trực nhiệm vụ của mình, sẵn sàng truy bắt tội phạm.

- Nghe nói bác đã tham gia truy bắt tội phạm trên 300 vụ, xin bác kể lại một vài vụ bác nhớ nhất.

- Nhiều lắm, cũng khó nhớ hết, nhưng tôi có ghi trong sổ. Trước đây hồi mới thành lập tổ tuần tra thì có khi một ngày bắt 3-4 vụ, nhưng bây giờ đỡ nhiều, có khi một vài ngày mới có một vụ. Cá nhân tôi thì làm lâu năm, cũng có kinh nghiệm nên phát hiện tội phạm dễ lắm, nhìn qua biết ngay.

Ông kể, có hôm cùng ãnh đạo phường đi đám cưới về, nhìn thấy một đối tượng nghi vấn, ông bảo mọi người rằng sẽ tóm tên này, nhiều người không tin. Lát sau ông tóm gọn tên trộm khi hắn đang bẻ gương ô tô. Ông bảo: Bọn trộm cắp khi đã nhìn thấy tài sản sơ hở, nếu chưa thực hiện được nó sẽ lượn đi vài cây số rồi quay lại như con cá say mồi, mình biết thóp sẽ tóm được.

Có hôm đang đi trên phố thấy hai thanh niên chở nhau trên xe máy hỏi thăm người dân về nhà cho thuê. Ông đi lại và hỏi: Các cháu định thuê nhà như thế nào, tầm bao nhiêu tiền. Hai thanh niên nói xong, ông Hùng bảo: Thế thì đi theo bác, bác chỉ cho. Vừa đi vừa trò chuyện rôm rả, hai thanh niên nói từ quê Quảng Ninh lên làm ăn… Ngôi nhà mà ông Hùng dẫn hai đối tượng đến là trụ sở Công an phường. Vừa vào đến nơi ông Hùng hỏi: Thế nào, mấy tiền án rồi? Thanh niên ngồi sau biết đã bị bắt vội lắp bắp: Cháu đang bị truy nã ở Quảng Ninh, vừa trốn lên đây.

- Làm thế nào mà bác phát hiện giỏi thế? Như cảnh sát hình sự được đào tạo.

- Kinh nghiệm thôi. Bọn tội phạm đóng giả làm người bình thường tức là nó đang diễn, mình nhìn nó diễn là biết ngay. Có hôm có hai người đàn ông chở nhau trên phố, người ngồi sau ôm cặp khoảng 60 tuổi. Người cầm lái chừng 50 tuổi. Tôi bảo anh em theo hai người này. Mọi người bảo, mấy người lớn tuổi đứng đắn thế kia theo làm gì. Ông Hùng ra hiệu đi ngay. Lên xe máy tà tà chạy sau quan sát hai đối tượng, quả nhiên khi thấy có một xe Attila dựng ngoài cửa một căn nhà, hai đối tượng áp sát định phá khóa. Mọi người sáp vào, một đối tượng vứt ngay một cái hộp kính ra xa, ông Hùng bắt hắn nhặt lên và mở ra. Bên trong hộp kính là rất nhiều vam phá khóa, có cả loại phá khóa từ. Trong cặp của hắn thì có đủ kìm cộng lực, vam cỡ lớn. Đưa về Công an phường mới biết đó là hai đối tượng trộm cắp xe máy chuyên nghiệp, một tên sinh năm 1957, một tên sinh năm 1963.

- Trong công việc của mình, theo bác điều gì nguy hiểm nhất?

- Tôi thấy truy đuổi bọn cướp giật là nguy hiểm nhất. Sau khi gây án mà phát hiện bị truy đuổi thì các đối tượng này chạy bạt mạng, rất nguy hiểm cho người đi đường, mình đuổi theo thì cũng nguy hiểm. Do đó, chúng tôi chọn cách kiên trì bám theo, không để đối tượng biết có người theo. Khi nào đối tượng đi bình thường, có cơ hội là chúng tôi chạy xe lên chặn đầu bắt gọn. Có khi phải đi theo đối tượng đến 5-6 cây số.

Hai lần bị phơi nhiễm H

Tôi biết ông Hùng đã hai lần bị phơi nhiễm HIV/AIDS nên hỏi lại ông chuyện này. Ông Hùng chia sẻ: Hôm đó, cũng chiều cuối năm gần Tết, ngày 10/1/2007, một tên trộm xe máy bị phát hiện, hắn nói: Cháu bị HIV, cũng giai đoạn cuối rồi, trại vừa cho về nên xin các bác cho cháu đi. Nghĩ cũng thương tình nhưng không thể tha như thế được, ông Hùng tỏ ý kiên quyết bắt, thế là nó vùng vẫy rồi chạy. Ông Hùng và một Cảnh sát đuổi theo. Tên trộm có ý để cho cùng chết nên giằng co, vật lộn khiến ông Hùng và anh Cảnh sát cũng bị xướt xát tứa máu. Tên trộm này sinh năm 1981, ở quận Hoàng Mai.

Ông Hùng với tấm áo gắn rất nhiều phần thưởng mà ông được trao tặng
Ông Hùng với tấm áo gắn rất nhiều phần thưởng mà ông được trao tặng)

Ông Hùng nói với mọi người tuyệt đối giữ bí mật chuyện này, không thể lộ cho ai biết. Khi đó HIV/AIDS là thứ bệnh kinh hoàng, có khi đối tượng uống nước xong người ta sợ phải bỏ đi cả bộ chén. Ông đi bệnh viện kiểm tra và biết bị phơi nhiễm, phải uống thuốc liên tục trong ba tháng. Suốt ba tháng đó ông sống trong lo âu và nghĩ đến tình huống xấu nhất. Nếu bị nhiễm HIV ông sẽ nói rõ với vợ con và chia tay gia đình, xin vào trại cai nghiện để giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ.

Suốt ba tháng đó ông chủ yếu ngủ ở Công an phường, và tuyệt đối không bia rượu theo lời hướng dẫn của bác sĩ. Mọi khi bữa cơm chiều ông thường uống một vài chén rượu, đợt này ông kiêng, vợ con có hỏi ông đều nói tránh là vừa uống ở phường.

- Chuyện vợ chồng mà bác giấu được ba tháng thì thật khó khăn.

- Tôi từ khi làm tuần tra ít lâu thì đã phải ngủ riêng rồi vì đi về bất kể giờ giấc. Ngày trước chưa có điện thoại di động, chỉ có điện thoại bàn nên ai gọi đến là vợ cũng mất ngủ theo. Vợ chồng trẻ cãi nhau cũng gọi, karaoke hay đám cưới hát to làm hàng xóm không ngủ được cũng gọi… Có khi đi 3-4 giờ sáng mới về, có khi chưa nằm ấm chỗ lại có điện thoại phải đi nên ngủ riêng cho vợ con đỡ mất ngủ. Cũng vì thế mà giấu được ba tháng. Đến khi hết ba tháng, kiểm tra thấy an toàn rồi mới dám nói với vợ con.

Vợ ông nhớ lại và xót xa: “Khổ quá, ông ấy giấu mọi người, mãi sau cả nhà mới biết. Cứ nghĩ ông ấy bận, nhưng thực ra là vào viện một mình rồi tiêm thuốc và điều trị”.

Ít lâu sau, vào năm 2010, ông Hùng lại bị phơi nhiễm lần thứ hai, khi cùng một cảnh sát truy bắt tên trộm biển số xe máy. Tên này cũng nhiễm HIV và phải vật lộn mới khống chế được nó. Lần này ông không uống thuốc nữa. Ông nói: Sau lần thứ nhất thì tôi hiểu về bệnh này hơn, nó không đáng sợ như ta nghĩ, cũng không dễ lây đến thế. Hai nữa là tôi rất sợ uống thuốc đó. Khi đã uống vào thì hàng năm sau chưa hết cái cảm giác chông chênh, lao đao và trí nhớ thì suy giảm.

- Lại nói chuyện ngủ riêng, những năm đầu sau khi đi làm về, công việc vẫn ám ảnh, nên tôi hay ngủ mơ truy bắt tội phạm , đã mấy lần vung tay đánh vào vợ. Có hôm ngủ với cậu cảnh sát ở phường, tôi cũng mơ ngủ đấm đá lung tung và đạp cậu cảnh sát bay ra khỏi giường.… Vì thế vợ tôi ngủ riêng cho nó lành, ông Hùng cười với vẻ ái ngại.

Xem ra, phía sau công việc thường ngày của ông Hùng có một người vợ nhiều năm chịu thiệt thòi và luôn lo lắng cho ông. Đã có những thành viên trong tổ tuần tra phải nghỉ vì vợ con lo sợ khi thấy họ thường phải truy bắt đối tượng nghiện hút, nhiễm HIV.

Phải gìn giữ cho xứng danh hiệu được trao

Ông Hùng là khắc tinh của tội phạm, trông thấy bóng ông là bọn trộm cắp lủi nhanh nhưng công việc lại khiến ông rất gần gũi với những người có quá khứ lỗi lầm, những người sa vào tệ nạn, nghiện ngập ma túy. Ông thường xuyên thăm hỏi, trò chuyện với họ để động viên và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng. Có trường hợp một thanh niên có đến 13 tiền án, tiền sự, cuộc sống của hai vợ chồng và hai đứa con nhỏ khá vất vả, ông đã kiến nghị với phường, tìm cho một chỗ để cô vợ bán hàng, kiếm sống hàng ngày. Bây giờ gia đình đó đã ổn định, bà mẹ đã có thể cho ở riêng để tự nuôi nhau. Trường hợp khác thì ông tạo điều kiện để họ có chỗ mở quán nước chè, có thu nhập hàng ngày… Ông Hùng ngẫm ra rằng, chính sự kỳ thị của xã hội khiến các đối tượng khó hoàn lương và lại tiếp tục hành động sai trái. Có trường hợp ông xin cho đối tượng trông xe, rửa xe hay công việc vừa sức thì nhiều người không đồng tình vì đó là đối tượng tiền án, tiền sự. Ông Hùng rất băn khoăn, buồn lòng về điều này mà không phải trường hợp nào ông cũng bảo vệ được ý kiến của mình.

Điều khiến ông trăn trở nhất là chính sách đối với những người nhiễm HIV/AIDS, nhiều đối tượng khi đến giai đoạn cuối bị trả về gia đình. Nhiều gia đình khó khăn hoặc hắt hủi dẫn đến họ lại phạm tội. Những người này đều có “máu liều”, sẵn sàng lợi dụng tình trạng bệnh tật chết người của mình để gây án. Nếu như những đối tượng này được các trung tâm chăm sóc đến cùng thì xã hội đỡ lo lắng hơn rất nhiều.

Chia sẻ về vinh dự được tặng danh hiệu “Công dân ưu tú Thủ đô” ông Nguyễn Văn Hùng bỗng trở nên trầm ngâm.Lát sau ông nói: Có danh hiệu thì phải lo giữ thế nào đây, đấy là nỗi lo của tôi. Nếu đã được vinh danh mà để xảy ra chuyện gì không hay thì nó không còn là chuyện của mình nữa, mà ảnh hưởng đến gia đình, đến tập thể đã tin tưởng, quí mến đề cử, bầu chọn mình. Trước kia đã giữ gìn, thì bây giờ càng phải giữ gìn hơn. Gặng hỏi ông về hai chữ “giữ gìn”, ông Hùng bảo, công việc của tôi thường xuyên tiếp xúc với tội phạm, họ có nhiều thủ đoạn lắm, nếu mình không vững vàng thì thiếu gì cơ hội khiến mình bị chi phối. Ngay cả không phải tội phạm, như một số ngân hàng đề nghị cộng tác và họ ủng hộ kinh phí, tôi cũng báo cáo lãnh đạo và đề xuất từ chối.

Hỏi về chính sách đãi ngộ, ông Hùng nói: Khi thành lập tổ này, các thành viên được chọn từ hơn một nghìn cựu chiến binh trong phường, chúng tôi đều làm đơn tự nguyện và không có bồi dưỡng. Được tin cậy tham gia vào tổ là một vinh dự. Trong tổ có hai đại tá nghỉ hưu tham gia nhiều năm. Chúng tôi coi đây là sự cống hiến, hưởng ứng phong trào toàn dân tham gia bảo về an ninh Tổ quốc. Gần đây thì tôi kiêm nhiệm thêm những việc khác, những việc đó có phụ cấp nên cũng bù đắp phần nào. Cho nên đãi ngộ được thì tốt, còn không thì như 13 năm qua, tôi vẫn hết mình với nhiệm vụ.

Cái đãi ngộ lớn nhất làm ông Hùng gắn bó với công việc vất vả của mình đó là tình cảm của mọi người mà ông nhận được, bà con khối phố quí mến, lãnh đạo phường tin cậy. “Bên Công an phường, những anh em trẻ gọi tôi là bố hết. Thật sự tôi nghĩ mình như một thành viên đơn vị trong thời quân ngũ ngày xưa. Vui lắm”.

Năm 2003, Tổ tuần tra chuyên trách phòng chống tội phạm phường Khương Mai (quận Thanh Xuân, Hà Nội) được thành lập, để hỗ trợ Công an phường bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Hùng đã tham gia ngay từ ngày đầu thành lập tổ, trực tiếp tham gia cùng lực lượng chức năng bắt vài trăm vụ trộm cắp, cướp giật, ma túy. Suốt 13 năm qua, ông Hùng luôn luôn là nòng cốt của tổ, với tinh thần say mê công việc, không nề hà vất vả, thậm chí nguy hiểm. Ông Hùng đã hai lần bị phơi nhiễm HIV khi truy bắt tội phạm…

Chủ tịch UBND phường Khương Mai – ông Nguyễn Công Bách

        Lưu Thái  Bảo

Bạn đang đọc bài viết "Công dân Thủ đô ưu tú Nguyễn Văn Hùng: “Khắc tinh của tội phạm”" tại chuyên mục Đọc chuyên sâu. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin