Hoạt động ngoại giao hiệu quả đã và đang mở ra cơ hội để Việt Nam trở thành trung tâm và là điểm đến hấp dẫn của các dòng dịch chuyển về thương mại, đầu tư chất lượng cao. Do đó việc khẩn trương hoàn thiện thể chế mà trong đó trọng tâm là hoàn thiện khung pháp lý theo hướng thuận lợi về thu hút đầu tư kinh doanh sẽ sớm góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước hội nhập sâu rộng và tiếp tục gặt hái được nhiều thành công mới trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Quyết định nâng cấp mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ (tháng 9/2023) có ý nghĩa lớn, thể hiện mối quan hệ bền chặt, ngày càng phát triển và lâu dài giữa Mỹ và Việt Nam
Gặt hái nhiều trái ngọt từ các hoạt động đối ngoại
Chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước (từ ngày 10-11/9/2023) của Tổng thống Joe Biden tới Việt Nam, theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã để lại dấu ấn đậm nét về sự thành công trong hoạt động đối ngoại năm 2023 của Đảng và Nhà nước. Từ đây, quan hệ hai nước chính thức nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững với Tuyên bố chung lịch sử. Quyết định nâng cấp mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ có ý nghĩa lớn. Điều này thể hiện mối quan hệ bền chặt, ngày càng phát triển và lâu dài giữa Mỹ và Việt Nam.
Theo đó, Hoa Kỳ khẳng định sẽ thúc đẩy kinh tế Việt Nam dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tăng cường hỗ trợ Việt Nam về sản xuất, phát triển hạ tầng vật chất và hạ tầng số chất lượng cao, chuyển đổi năng lượng công bằng, nông nghiệp bền vững và thông minh… Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh đến việc hợp tác thúc đẩy công nghiệp bán dẫn nhằm giúp Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu liên quan đến bán dẫn, trở thành một trong những quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn vi mạch. Trong đó, Hoa Kỳ cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao.
Nối tiếp sự kiện đặc biệt trên là chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam (diễn ra từ ngày 27/11 đến 30/11), kết thúc tốt đẹp với Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ hai nước lên “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại Châu Á và trên thế giới”. Hai bên đã ký kết 5 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, y tế, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, vệ tinh vũ trụ, di sản văn hóa. Hai bên đã đi sâu trao đổi và thống nhất về các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, bao gồm tăng cường trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp; tiếp tục làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư, ODA, lao động...; thúc đẩy hợp tác quốc phòng, an ninh và mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới như giảm phát thải, năng lượng sạch, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...
Tại Tokyo, nơi diễn ra Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (16/12), có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính, các hợp tác trong Tuyên bố chung trong quan hệ hai nước đã biến thành thỏa thuận cụ thể với 30 văn kiện hợp tác tập trung vào nhiều lĩnh vực quan trọng trị giá 3 tỷ USD được ký kết giữa các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản với các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam.
Trước đó, ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam và sau đó là chuyến công cán của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Mỹ kéo dài 6 ngày (18/9-23/9/2023) với nhiều hoạt động song phương, nhân dịp dự họp tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã đón tiếp Đoàn đại biểu Hiệp hội bán dẫn Mỹ gồm lãnh đạo Hiệp hội và 7 doanh nghiệp thành viên là những “ông lớn” trong ngành bán dẫn toàn cầu đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư.
Gần đây nhất, là sự kiện đặc biệt quan trọng: chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam lần thứ ba của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân (từ ngày 12 -13/12/2023). Chuyến thăm diễn ra đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, không chỉ là sự nối tiếp các hoạt động giao lưu cấp cao giữa hai Đảng, hai nước từ sau chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (diễn ra tháng gần cuối năm 2022) mà còn mở ra tiềm năng và cơ hội hợp tác đầu tư mới cho doanh nghiệp hai nước. Định vị mới của quan hệ Việt - Trung với 6 trụ cột hợp tác được hai Tổng Bí thư xác lập đã chỉ rõ phương hướng, mở ra giai đoạn hợp tác tốt đẹp giữa hai Đảng, hai nước trong thời kỳ mới.
Chuyến thăm cấp nhà nước lần thứ 3 đến Việt Nam (từ 12 -13/12/2023) của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, hai nước đã ký kết 36 văn kiện hợp tác quan trọng
Kết quả của chuyến thăm là 36 văn kiện mới có liên quan đến lợi ích của hai nước đã được ký kết. Trong đó đáng chú ý là văn kiện: “Kế hoạch hợp tác cùng nhau thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường” giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRF) là khuôn khổ hợp tác mở bao trùm, chất lượng cao, mang lại lợi ích thiết thực cho tất cả các bên tham gia… Đến hết năm 2022, thông qua BRF, nước này đã ký 206 thỏa thuận hợp tác với 151 quốc gia và 32 tổ chức quốc tế, triển khai khoảng 3.000 dự án trong nhiều lĩnh vực với tổng số vốn đầu tư gần 1.000 tỷ USD.
Trung Quốc mỗi năm đầu tư ra bên ngoài hàng trăm tỷ USD, nhưng lượng vốn FDI vào Việt Nam vẫn chưa đáng kể. Điều đó có nghĩa, nếu triển khai tốt các văn kiện hợp tác đầu tư sẽ là cơ hội để Việt Nam tranh thủ được nguồn lực FDI đến từ cường quốc “láng giềng”. Trung Quốc mạnh cả về vốn lẫn đang dẫn đầu về công nghệ. Quốc gia này cũng đang có những động thái trong thay đổi quan điểm đầu tư, thay vì tập trung vào những dự án lớn, giá trị hàng tỷ USD, nước này chuyển sang những dự án có quy mô nhỏ, khả năng thu hồi vốn cao hơn.
Cải cách thể chế, hoàn thiện pháp luật, thúc đẩy hợp tác, thu hút đầu tư
Từ những kết quả quan trọng của hoạt động đối ngoại năm 2023 của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nếu xét riêng ở góc độ ngoại giao kinh tế cho thấy, chuyển đổi số, công nghệ cao, phát triển xanh, năng lượng sạch là chủ đề xuyên suốt trong các văn kiện tuyên bố chung, hợp tác và trong các cuộc tiếp xúc, trao đổi, hội đàm. Hay nói cách khác phát triển kinh tế xanh, bền vững là xu thế chung của thế giới ngày nay.
Theo các chuyên gia kinh tế, để tranh thủ được các nguồn lực quốc tế (từ các hoạt động đối ngoại mang lại), Việt Nam cần phải tiếp tục tập trung cải cách thể chế và hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với các đối tác quan trọng. Trước mắt, Việt Nam cần khẩn trương hoàn thiện các khung pháp lý phục vụ ngành nghề đầu tư kinh doanh nhiều tiềm năng sau:
+ Khung pháp lý về công nghiệp hỗ trợ: Muốn khai thác thế mạnh của Hoa Kỳ, Nhật Bản về công nghệ, tài chính xanh, hạ tầng xanh Việt Nam phải tiếp tục đổi mới để tạo ra sức hấp dẫn. Đặc biệt là để có thể “hấp thụ” sự chuyển dịch chuỗi cung ứng về công nghệ, cần phải rà soát lại yêu cầu của các nhà đầu tư.
Do đó, cần phải sớm xây dựng và ban hành Luật Công nghiệp hỗ trợ. Bởi chỉ có hành lang pháp lý cao nhất thì mới tạo lập công cụ phát triển ngành đồng bộ, để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng, thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp tự chủ, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đó là hành lang pháp lý để các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể phát triển cả về số lượng và chất lượng, cải thiện năng lực sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
+ Khung pháp lý về năng lượng tái tạo: Tại Hội nghị COP28, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Việt Nam đã có những bước triển khai rất quyết liệt, mạnh mẽ và đầy tham vọng thời gian qua để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh 12 hành động cụ thể của Việt Nam, trong đó có việc xây dựng nhiều chiến lược, quy hoạch theo hướng xanh, giảm phát thải, phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, và gần đây nhất là triển khai dự án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Tuy nhiên vẫn chưa đủ để níu kéo 15,5 tỷ USD (mà các đối tác cam kết huy động trong vòng 3 đến 5 năm tới tại diễn đàn COP28 để giải quyết nhu cầu cấp bách, mang tính xúc tác cho chuyển đổi năng lượng) “chảy” về Việt Nam.
Vì vậy xây dựng hành lang pháp lý hoàn chỉnh, rõ ràng để kích hoạt phát triển năng lượng tái tạo, thúc đẩy sử dụng hiệu quả năng lượng, phát triển thị trường năng lượng mới và năng lượng tái tạo là mong mỏi của nhiều nhà đầu tư quan tâm. Một mảnh ghép quan trọng còn thiếu của ngành NLTT đó là cùng với sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực, cần sớm nghiên cứu và ban hành Luật Năng lượng tái tạo chi tiết hóa, với vai trò chủ đạo cho việc chuyển dịch năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới.
Việt Nam nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn (Ảnh minh họa)
+ Cơ chế chính sách trong đào tạo và thu hút nhân lực chíp bán dẫn: Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, trong 5 năm tới dự báo nhu cầu cho nhân lực trong lĩnh vực chip bán dẫn khoảng 20.000 nhân sự. 10 năm tới con số này có thể lên tới 50.000 nhân sự trình độ từ ĐH trở lên. Trong khi đó theo thống kê hiện nay cho thấy, nhân lực thiết kế vi mạch chuyên môn hóa mới có khoảng 5000 người. Điều đó cho thấy thị trường lao động trong lĩnh vực bán dẫn vi mạch đang rất “khát” về nhân lực và đặt ra nhiều thách thức. Bởi không chỉ là thu hút được nhiều sinh viên giỏi theo học, để đáp ứng yêu cầu khắt khe của doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ mà còn là câu chuyện nâng cao năng lực của giảng viên, đầu tư cho trang thiết bị thí nghiệm, công cụ phần mềm thực hành… Như vậy, để Việt Nam trở thành một trong những quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn vi mạch thì việc khẩn trương xây dựng và ban hành cơ chế chính sách liên quan đến việc thu hút nhân lực đầu vào và tăng cường năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo trong lĩnh vực chíp bán dẫn là việc cần làm ngay.
Việt Nam đã sẵn sàng đón “đại bàng” ngành bán dẫn đến làm tổ
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin: “Thủ tướng cũng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực bán dẫn đến năm 2030, với mục tiêu cụ thể 50.000 nhân lực bán dẫn trong thời gian tới. Để cụ thể hoá, chúng tôi đã ký hợp tác với Đại học Arizona - nơi đào tạo lớn nhất của Mỹ về ngành bán dẫn. Chính phủ Mỹ giới thiệu cho chúng tôi. Chúng tôi cũng đã cử người sang, trao đổi, thống nhất và đã kí hợp tác và sẽ tham gia vào đấu thầu ngay gói hỗ trợ 500 triệu USD của Chính phủ Mỹ, hỗ trợ các nước đang phát triển ngành này.
Cùng với đó, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) được thành lập cũng ký hợp tác với 2 tập đoàn lớn nhất của Mỹ về thiết kế chip là Sypnosyps và Cadence để hợp tác trong việc thành lập các trung tâm nghiên cứu. Gần đây, Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết cho phép Chính phủ xây dựng Nghị định thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư cho ngành công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn, dự kiến sẽ ban hành vào giữa năm 2024.