Chuyện về những “Bao công” thời hiện đại

14/02/2019 10:56

(Pháp lý) - Họ là những người làm công tác pháp luật, dám đem cả sinh mệnh chính trị của mình để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý. Họ được ví như những “bao công” thời hiện đại và là những tấm gương lớn cần nhân rộng trong hoàn cảnh tư pháp hiện nay…

“Bao công” Trịnh Quốc Anh

Gần 40 năm trước, 3 gia đình với 11 người đang yên ấm bỗng tan nát bởi bị nghi liên quan đến “vụ cướp 5 chỉ vàng” tại nhà máy xay xát ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, H.Trảng Bàng (Tây Ninh). Theo đó, vào khoảng 23 giờ đêm ngày 26/7/1979 xảy ra vụ cướp có vũ trang, cướp tại nhà ông Nguyễn Văn Đơ, ấp Bùng Binh. Do Ấp đội và công an nghe Nguyễn Văn Đơ báo cáo, trong đám cướp ngoài súng M16 - Carbine và súng ngắn, ngoài ra còn có con dao loại trắng thường sử dụng bán bánh mì… Do nghi ngờ anh Hồ Long Chánh – một người bán bánh mỳ mới chuyển đến địa phương, có con dao loại này, nên chỉ sau 30 phút xảy ra vụ cướp đã bắt ngay Hồ Long Chánh để điều tra. Bị hăm dọa nên nên anh Chánh đã nhận và khai thêm những người khác cùng phạm tội là Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Văn Chiến và Nguyễn Thành Nghị. Công an bắt tiếp những người này, dùng nhục hình buộc họ phải nhận tội cướp lấy tài sản của anh Đơ và nhận đã đem về cho vợ con họ cất giấu. Cơ quan điều tra lại bắt tiếp vợ con họ là Nguyễn Thị Lan, Võ Thị Thương, Nguyễn Thị Ngọc Lan và dùng nhục hình buộc họ nhận có cất giấu tài sản cướp được. Thương các con tự nhiên vướng vòng lao lý, ông Hồ Thủy Trực, cha của Chánh đem nộp 5 chỉ vàng để được bảo lãnh Chánh về… làm tăng thêm nghi ngờ về tội cướp tài sản. Như vậy chỉ với con dao gây án và số tiền 5 chỉ vàng được cho là tang vật của vụ án, nhiều người bị khép tội cướp và cất giấu tài sản cướp.

Khi tiếp nhận thông tin từ vụ việc, thấy sự vô lý trong việc khép tội quá nhiều người nên ông Trịnh Quốc Anh – khi đó là Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh đã trực tiếp điều tra lại vụ án. Ông đã tự mình đến gặp các nhân chứng, bị can và hỏi chuyện họ. Đầu tiên, ông Trịnh Quốc Anh tìm tới nhà ông Hồ Thủy Trực (ba của ông Hồ Long Chánh, bị bắt trong vụ án) hỏi về 5 chỉ vàng bị coi là tang vật của vụ án. Ông cũng đến gặp trực tiếp các bị can trong vụ án để nghe họ giãi bày. Bà Nguyễn Thị Lan – một bị can khi ấy kể lại về cuộc gặp với ông Trịnh Quốc Anh: Khi được ông ấy hỏi chuyện, tôi đánh liều kể chuyện oan khuất của cả gia đình. Tôi nói với ông rằng vợ chồng, anh em ruột thịt của tôi đã quá mệt mỏi, tuyệt vọng. Họ bị người ta đánh liệt hai chân mất sáu tháng không đi lại được; tai điếc đặc vì bị đánh, bị vỗ khi hỏi cung… Ông ấy tiếp tục hỏi tôi vì sao không có tội mà lại nhận? Tôi kể thật với ông vì chúng tôi không thể chịu nổi đòn roi. Không thể chịu được cảnh người ta đánh anh, đánh em trước mặt nên đành phải nhận tội để giữ tính mạng và chờ đợi phép màu có ngày được giải oan”… Và phép màu đã xảy ra nhờ quyết định được kí bởi ông Trịnh Quốc Anh. Quyết định của ông Quốc Anh nhận định: Không đủ chứng cứ kết tội 8 người vô tội trên và việc họ nhận tội là do bị dùng nhục hình. Quyết định đình chỉ vụ án giúp 8 người tù trở về với cuộc đời sau hơn 3 năm bị hàm oan, tù tội.

 Những người dân nhờ ông Trịnh Quốc Anh mà được minh oan
Những người dân nhờ ông Trịnh Quốc Anh mà được minh oan)

Để đưa vụ án cướp vàng ra thẩm định và kết luận giải oan là cả một hành trình đầy căng thẳng. Nhiều hôm ông Quốc Anh đã thức cả đêm nghiên cứu tài liệu, hồ sơ để xâu chuỗi chứng cứ, manh mối vụ án. Người con trai của ông Trịnh Quốc Anh nhớ lại lời cha mình khi ấy: “Ba nói với tôi vụ án này kéo dài quá thời gian cho phép mà không củng cố được chứng cứ và cụ thể được hành vi nên cần nhanh chóng kết luận, giải oan cho các bị can. Không để kéo dài thời gian giam giữ họ. Có lần tôi nghe ba nói phải đấu tranh với khối nội chính của tỉnh rất căng để thả những người này... Khi nhớ về vụ án trên và nỗ lực của ông Trịnh Quốc Anh, nhiều người đã gọi ông là “Bao công” thời hiện đại.

Thẩm phán tự “điều tra” để minh oan cho bị cáo

Với kinh nghiệm 36 năm ngồi ghế quan tòa, ông Sáu - ông Nguyễn Đức Sáu - nguyên Chánh tòa hình sự TAND TP HCM, từng tuyên một số bị cáo không phạm tội. Đã không ít lần ông phải thân chinh đến tận hiện trường xảy ra vụ án để nghiên cứu, thậm chí phải tự mình “thực nghiệm điều tra”. Trọng vụ án xảy ra khoảng 30 năm trước, tàu Ninh Cơ - loại tàu chở hàng đông lạnh, tải trọng 1.606 tấn - bất ngờ phát cháy khi đang neo đậu tại cảng thực vật Nhà Bè để sửa máy. Vụ cháy làm ba người bị thiệt mạng và một người khác bị bỏng nặng. Sau đó, điện trưởng, kỹ sư máy, thủy thủ bị truy tố về hai tội vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy gây hậu quả nghiêm trọng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Riêng máy trưởng và thuyền trưởng bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Nhận hồ sơ truy tố từ VKS chuyển sang, bằng kiến thức và kinh nghiệm của mình, ông đã “thân chinh” thực nghiệm hiện trường và chỉ ra căn nguyên của vụ cháy, từ đó xác định trách nhiệm của các bị can. Điều ông Sáu băn khoăn là trách nhiệm của thuyền trưởng và máy trưởng. Họ không phải trong ca trực… đồng thời việc họ vắng mặt trên tàu khi xảy ra cháy không trái quy định. Bởi thế họ vô can nên được tuyên không phạm tội.

Ông Nguyễn Đức Sáu – nguyên Chánh tòa Hình sự TAND TP. Hồ Chí Minh
Ông Nguyễn Đức Sáu – nguyên Chánh tòa Hình sự TAND TP. Hồ Chí Minh)

Đến nay, hẳn không còn nhiều người nhớ đến vụ Phạm Việt Nam Hòa Bình - người được minh oan sau 17 tháng tù giam vì cứu người bị tai nạn giao thông. Nhưng với cựu Thẩm phán Nguyễn Đức Sáu, vụ án này khiến ông nhớ mãi vì nó điển hình cho chuyện “làm ơn mắc oán” khi bị cáo vô tư cứu người bị nạn nhưng lại bị níu áo vào vòng tù tội. Bình là lái xe lam tải, chuyên chở rau từ ngoại thành vào các chợ trung tâm bỏ mối. 11h trưa một ngày tháng 11/1994, Bình đi ngang hương lộ 11 (quận Tân Bình) thì thấy có người bị tai nạn giao thông nằm trên đường. Anh quay xe lại đưa nạn nhân vào bệnh viện, hoàn tất các thủ tục rồi đi giao rau tiếp.

Mấy ngày sau, Bình bị bắt vì lời khai của hai người là người thu hoạch hoa màu trên cánh đồng rau ven đường và người cùng lưu thông trên đường khi ấy. Họ nói chính mắt họ trông thấy xe lam của Bình tông xe nạn nhân, gây gãy kín xương đùi và vỡ xương bánh chè người đi xe máy. Đọc các biên bản khám nghiệm, ông Sáu đã hoài nghi về việc buộc tội Bình. Trong khi Bình một mực kêu oan thì phía VKS cương quyết bảo lưu quan điểm truy tố. Ông quyết định trực tiếp khảo sát và nhận thấy rằng vụ tai nạn là cú đâm đụng trực diện, đầu chiếc xe máy bể nát, trong khi xe lam lại không hề hấn. Xe máy đã bị tác động từ phía bên phải chứ không phải bên trái (là phía xe của Bình). Hơn nữa, nếu để hai phương tiện di chuyển áp sát ngược chiều nhau thì những vết trầy xước của xe máy không đụng được vào thành của xe lam. VKS cho rằng sau khi gây tai nạn, Bình đã đưa xe đi sửa nhưng thực tế thì Bình liên tục chạy giao hàng, không có thời gian nghỉ sửa xe… Từ những suy luận đó, Bình được tuyên không phạm tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông. Bình được tự do, về nhà làm mướn mưu sinh, tiếp tục làm người tử tế và sẵn sàng cứu giúp người bị tai nạn khác khi họ cần đến mình.

Khi chia sẻ chuyện xử án, ông Sáu chia sẻ: Có những vụ án nếu chỉ căn cứ vào hồ sơ vụ án để xét xử thì người thẩm phán khó có thể đưa ra được phán quyết đúng đắn nhất trong tình huống phức tạp. Khi xét xử, thẩm phán trước hết là con người nhìn vào một con người, soi rọi mọi ngóc ngách của vụ án để xem có gì oan khuất đằng sau đó. Khi đã tin chắc, thẩm phán mới đưa ra phán quyết. Khi đó người thẩm phán mới có thể thanh thản với lương tâm của mình….

Thẩm phán Phùng Lê Trân: Người dám tuyên Tạ Đình Đề vô tội

Trong các vị thẩm phán được ví như “Bao công” thời hiện đại không thể không kể đến bà Phùng Lê Trân – chủ tọa phiên tòa xét xử Tạ Đình Đề - một người đàn ông đi vào lịch sử vì dám làm, dám chịu trách nhiệm nhưng lại bị vướng vào vòng lao lý.

 Thẩm phán Phùng Lê Trân
Thẩm phán Phùng Lê Trân)

Ngày 6/6/1976, Tòa án Hà Nội, khi đó ở tầng một của trụ sở Tòa án nhân dân tối cao, 48 phố Lý Thường Kiệt, mở phiên tòa đặc biệt, thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo người dân thủ đô vì bị cáo là ông Tạ Đình Đề – một người hào sảng, nghĩa hiệp, cuộc đời gắn với quá nhiều giai thoại. Phiên tòa kéo dài đến 6 ngày, hôm nào quảng trường Tòa án cũng đông nghịt.

Ông Tạ Đình Đề là Trưởng ban Thể dục thể thao, kiêm Xưởng trưởng Xưởng dụng cụ cao su của Tổng cục Đường sắt. Trong quá trình lao động, sản xuất ông Đề được biết đến là người năng động, dám nghĩ dám làm. Nhờ tâm huyết của ông nên nhà xưởng, rồi hội trường, nhà trẻ, khu văn phòng lần lượt mọc lên… và sản phẩm của xí nghiệp ngày càng đa dạng, được xuất khẩu, có thời điểm xuất khẩu cho thị trường 9 nước XHCN. Giữa lúc công việc trôi chảy và phát đạt ấy thì ngày 27/11/1974, Tạ Đình Đề và phó xưởng Nguyễn Xuân Luật bị bắt giam, vì có đơn tố cáo ông Đề ba tội: Chứa thuốc nổ và vũ khí; Tập hợp các phần tử xấu và rút tiền mặt chi tiêu vô tội vạ… Sau 18 tháng giam cứu, Tạ Đình Đề và các đồng phạm được đưa ra xét xử, bà Thẩm phán Phùng Lê Trân, chủ tọa phiên tòa đã làm rõ từng nội dung cáo trạng buộc tội Tạ Đình Đề và 7 bị cáo khác trong vụ án. Các nội dung làm rõ đã kết luận các bị cáo cố ý làm trái nhưng không có tư lợi. Được sự ủng hộ của một vị Hội thẩm, Thẩm phán Phùng Lê Trân đã quyết định, Tạ Đình Đề và 7 bị cáo khác không phạm tội cố ý làm trái nguyên tắc quản lý kinh tế gây thiệt hại cho tài sản XHCN; không phạm tội tham ô và hối lộ. Tạ Đình Đề và các bị cáo khác được trả tự do.

Tâm sự về những trăn trở, giằng co khi xử án, bà Phùng Lê Trân chia sẻ: “Ông Đề không có tội, tôi không thể vẽ tội cho ông ấy. Rất nhiều người không có thiện cảm với ông Đề đòi phải xử nặng, phải xử tù giam 10 – 15 năm chi đó, nhưng tôi không nghe. Sau thấy diễn biến phiên tòa khó luận tội, dư luận nghiêng về phía các bị cáo thì lại có người gợi ý, ít nhất cũng phải tuyên án treo 18 tháng. Nhiều lúc tôi muốn điên cái đầu! Trời ạ, sao mà lắm gợi ý thế”.

Không dễ gì đối diện với sức ép trong một vụ án “động trời” như thế. Vụ án Tạ Đình Đề đã khiến bà kiệt sức, Thẩm phán Phùng Lê Trân phải nằm viện hơn một tháng trời. Sau đợt nghỉ chữa bệnh, năm 1978, bà về nghỉ hưu, năm đó bà 57 tuổi. Trong hồi ký ghi tại bệnh viện đã dẫn, có lẽ trong tâm trạng ốm đau, Thẩm phán Phùng Lê Trân có viết: “Các em ạ, con ạ – Hôm nay, người ta thiên về thế mạnh, người ta đánh giá chị, đánh giá mẹ không ra gì đâu, nhưng chị, mẹ tin rằng: Một trăm năm sau, tên tuổi của chị, mẹ sẽ được ghi vào sử sách rằng, một trăm năm trước đây đã có nữ Thẩm phán của Tòa án nhân dân thủ đô dám hy sinh phần mình đấu tranh công khai, trực diện với các ngành hữu quan… để bảo vệ chân lý, mà đỉnh cao nhất là vụ án Tạ Đình Đề, tiến hành xét xử vào những ngày 6,7,8,9,10 và 11 tháng 6 năm 1976”.

Người “chỉ biết pháp luật đơn thuần”

Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ là một trong những cây đại thụ đã trải qua hơn nửa thế kỷ gắn bó với nền tư pháp cách mạng Việt Nam, ông từng được đào tạo Đại học Luật tại Liên Xô rồi công tác tại các cơ quan bảo vệ pháp luật với cương vị Kiểm sát viên cao cấp, Thẩm phán TANDTC, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư… Trong quá trình làm việc, ông đã góp phần giải oan cho nhiều người, cũng góp phần quan trọng bảo vệ pháp luật trong không ít vụ án.

Vào khoảng năm 1966, Hồ Chủ tịch cho thư ký chuyển cho ông Hoàng Quốc Việt, Viện trưởng VKSNDTC một lá đơn kêu oan của ông Đỗ Văn Chồi với lời nhắn: Bác không hài lòng với lối làm việc cứ đùn đẩy cho nhau. Người ta đã gửi tới 70 lá đơn mà không cơ quan nào đứng ra giải quyết dứt điểm. Bác yêu cầu VKSNDTC phải giải quyết việc này rồi báo cáo kết quả cho Bác biết. Ông Nguyễn Trọng Tỵ được giao nhiệm vụ cùng một số cán bộ đi xác minh vụ án của ông Đỗ Văn Chồi và những người liên quan.

Để tìm hiểu ra ngọn ngành sự việc, ông Nguyễn Trọng Tỵ cùng anh em cán bộ lên trại giam tận Lạng Sơn để gặp gỡ những người này. Ông đã nghe ông Chồi và những người liên quan là ông Mạch, ông Tương kể lại chuyện làm ơn mắc oán, giúp người trong lúc hoạn nạn rồi bị bắt, kết án và chịu cảnh tù đầy. Công việc xác minh những điều cần thiết được tiến hành nhanh chóng. Cuối cùng nhờ tài liệu của ông Nguyễn Trọng Tỵ, bản án giám đốc thẩm do Chánh án TANDTC Phạm Văn Bạch ký đã khẳng định: Chồi, Tương và Mạch không phạm tội giết người. Họ được tha bổng và công bố trước toàn thể nhân dân.

Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ - người tận tâm bảo vệ pháp luật.
Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ - người tận tâm bảo vệ pháp luật.)

Bản lĩnh của vị thẩm phán được ví như “Bao công” còn thấy trong nhiều vụ án khác. Nguyễn Hữu Đạo là giáo viên từ miền Nam về nghỉ hưu ở quê (Thanh Hóa). Ít lâu sau có hai mẹ con người hàng xóm bị chết vì ngộ độc thuốc trừ sâu Vôfatốc. Họ nghi và cuối cùng kết án anh Đạo là thủ phạm. Bản án được nhận định thuốc Vôfatốc khi đó chưa có ở miền Bắc nhưng sử dụng nhiều ở miền Nam. Anh Đạo vừa từ trong Nam ra nên không ai khác có Vôfatốc để giết người ngoài anh Đạo. Tòa tuyên phạt Nguyễn Hữu Đạo mức án tử hình. Đọc đơn kháng cáo kêu oan và hồ sơ vụ án, Thẩm phán Nguyễn Trọng Tỵ thấy không đủ chứng cứ buộc tội Nguyễn Hữu Đạo phạm tội giết người. Nhận định trong bản án sơ thẩm còn có chỗ mâu thuẫn với hồ sơ. Tại phiên tòa phúc thẩm, Thẩm phán Nguyễn Trọng Tỵ làm Chủ tọa phiên tòa đã tuyên Nguyễn Hữu Đạo không phạm tội và trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên tòa. Lúc đó anh Đạo đã bị giam hơn 4 năm. Vụ án sau đó bị kháng nghị… nhưng cuối cùng anh Nguyễn Hữu Đạo cũng được tuyên không phạm tội. Ông Tỵ làm như vậy, trong khi mình sắp được bổ nhiệm… Một cán bộ bảo: Cậu dại thế, sắp sửa đề bạt rồi mà cậu lại gây ra vụ này. Có người thì bảo, thấy không đủ căn cứ thì cứ tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra bổ sung là khôn ngoan nhất, đỡ phiền phức… Ông Tỵ nghĩ, lương tâm không cho phép. Bị cáo Nguyễn Hữu Đạo khi ra phiên tòa phúc thẩm đã rất ốm yếu, sức khỏe suy kiệt, phải có người dìu. Nếu tuyên trả hồ sơ, đồng nghĩa với bị cáo tiếp tục bị giam giữ, có thể bị cáo sẽ không qua khỏi được. Ông Tỵ là vậy, trong quá trình công tác, ông luôn nay náy với số phận của con người.

Không chỉ tâm huyết, hết lòng vì người dân bị oan sai, ông Nguyễn Trọng Tỵ còn là người – khắt khe trong việc bảo vệ pháp luật. Hồi ở VKSQSTW có vụ án liên quan đến vợ một ông Bộ trưởng, vì thế có ý kiến chỉ khởi tố mấy cán bộ cấp dưới. Ông không đồng ý. Nếu vụ việc đến mức phải khởi tố thì không trừ một ai, còn nếu có thể tha được thì tha hết. Việc đến tai Thủ tướng khi đó là đồng chí Phạm Văn Đồng. Thủ tướng cho gọi ông Nguyễn Trọng Tỵ lên báo cáo. Nghe xong Thủ tướng ủng hộ quan điểm của ông. Cuối cùng bà vợ ông Bộ trưởng bị khởi tố và truy tố. Vụ án kết thúc công bằng nhưng có người chê ông là “chỉ biết pháp luật đơn thuần”…

Thay lời kết

Nhiều người cho rằng để cải cách tư pháp hiệu quả, những người làm công tác pháp luật phải trau dồi đạo đức, bản lĩnh. Từ những tấm gương tư pháp trên, thiết nghĩ để tư pháp đạt đến mức độ văn minh, xử đúng người đúng tội, bảo vệ được con người, không gây oan sai… bảo vệ được pháp luật thì cần có thêm nhiều hơn nữa những tấm gương “Bao công” trong hoàn cảnh tư pháp hiện nay.

Phan Phan (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Chuyện về những “Bao công” thời hiện đại" tại chuyên mục Đọc chuyên sâu. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin