Chung tấm lòng giản dị: Yêu nước là lo cho thế hệ tương lai

20/05/2016 07:17

(Pháp lý) - Xuất thân từ xứ Việt, họ vươn lên và thành công. Trong những trăn trở mà cả cuộc đời của họ nghĩ tới, đó là làm thế nào để đất Việt phát triển... Họ cùng hướng đến giới trẻ mà giúp đỡ, đồng hành. Hành động của họ truyền đi thông điệp: Yêu nước không phải là cái gì cao xa. Yêu nước thật ra rất gần gũi, cụ thể. Yêu nước chỉ đòi hỏi một tấm lòng và hành động theo tấm lòng ấy.

Vợ chồng giáo sư Trần: Hết lòng với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài

Ông Trần Thanh Vân quê ở Đồng Hới (Quảng Bình), bên Lũy Thầy xưa và dòng Nhật Lệ biếc xanh, học trung học tại Trường Pellerin ở Huế, sang Pháp năm 17 tuổi. Bà Lê Kim Ngọc quê ở tỉnh Vĩnh Long trên vùng châu thổ sông Cửu Long thẳng cánh cò bay, học trung học tại Trường Marie Curie ở Sài Gòn, sang Pháp năm 18 tuổi. Hai người gặp nhau năm 1958 trong một hoạt động từ thiện ở Paris, cùng bán thiệp giáng sinh gom tiền xây dựng làng trẻ em SOS ở Việt Nam. Tình yêu chớm nở giữa đôi bạn trí thức trẻ và rồi kết hôn. Trong chương trình “Người đương thời” Đài truyền hình Việt Nam, khi trả lời về quan niệm đối với tình yêu, GS Trần Thanh Vân đã chân tình chia sẻ: Sau ngày cưới, vợ chồng trẻ không nên chỉ suốt ngày ngồi nhà nhìn vào nhau đắm đuối, mà nên đi ra xã hội, với hai đôi mắt mê say cùng nhìn về một hướng...

Đối với Giáo sư, khoa học và quê hương chính là lẽ sống của đời ông, bởi lẽ đó mà đến giờ, tuy đã hơn tuổi 80, Giáo sư Trần Thanh Vân vẫn luôn tận tụy, nỗ lực đóng góp cho quê hương và nền khoa học nước nhà. Và bà Kim Ngọc cũng là người đồng hành lặng lẽ với ông.

Với quốc tế, ông là nhà khoa học nổi tiếng với những đóng góp trong ngành Vật lý. Trong hơn 4 thập kỷ qua, các đóng góp khoa học của ông thể hiện ở việc cống hiến 300 công trình khảo luận, 115 đầu sách; ông được công nhận là giáo sư danh tiếng của Đại học Paris lừng danh, được nước Pháp tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh, Viện Hàn lâm Khoa học Nga trao bằng tiến sĩ khoa học danh dự, Viện Vật lý Mỹ trao huy chương AIP Tate ghi nhận đóng góp của nhà vật lý nước ngoài (không phải người Mỹ) cho cộng đồng vật lý thế giới.

Thành công và có danh tiếng trong lĩnh vực khoa học quốc tế, nhưng Giáo sư Vân vẫn một lòng hướng về quê hương. Cùng vợ của mình, bà Lê Kim Ngọc, giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực sinh học, nhiều năm qua, hai ông bà luôn tích cực tổ chức và tham gia những hoạt động thiện nguyện tại Việt Nam. Ông chia sẻ: "Đối với một nhà khoa học, không có mong muốn nào lớn hơn là được cống hiến cho quê hương. Kể từ khi về hưu, 100% thời gian và sức lực chúng tôi đều dành cho các công việc có liên quan đến Việt Nam".

Ở trong nước, Giáo sư Trần Thanh Vân được tôn vinh vì những nỗ lực không mệt mỏi của mình để xây dựng một cộng đồng khoa học hiện đại tại Việt Nam. Trên cơ sở kinh nghiệm và từ những thành công của các tổ chức khoa học Gặp gỡ Moriond (46 năm) và Gặp gỡ Blois (22 năm), năm 1993, Giáo sư Trần Thanh Vân đã sáng lập Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam nhằm hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực khoa học và giáo dục.

Ngoài ra, Giáo sư Vân là nhà sáng lập và lãnh đạo Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tại Quy Nhơn. Ông hy vọng ICISE sẽ là nơi phát triển khoa học và giáo dục, giúp đỡ các sinh viên và nhà khoa học trẻ Việt Nam hội nhập vào cộng đồng khoa học quốc tế, mang lại cơ hội cho các bạn trẻ nâng cao trình độ hiểu biết của mình thông qua việc tham dự các cuộc gặp và chia sẻ ý tưởng với các đồng nghiệp quốc tế có trình độ cao. Giáo sư mong muốn rồi đây ICISE sẽ trở thành điểm sáng không chỉ của Việt Nam, mà còn của cả vùng Đông Nam Á, nâng cao vị thế và hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Theo Giáo sư chia sẻ, làm tốt ICISE chính là giấc mơ cuối cùng của cuộc đời ông.

Giờ đây, gần nửa thế kỷ làm từ thiện, ngoài làng trẻ SOS ở Đà Lạt, nhiều công trình gắn bó với tên tuổi vợ chồng Giáo sư như Trung tâm Bảo trợ trẻ em Thủy Xuân (Huế), Trường Dạy nghề “Bánh mì Pháp” (tại Thủy Xuân), làng Trẻ em SOS Đồng Hới (Quảng Bình) đi vào hoạt động. Trong năm 2014, vợ chồng Giáo sư tiếp tục giúp đỡ, đầu tư để chuyển giao Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi tại Thủy Xuân, Huế trở thành làng SOS tại Việt Nam.

Giáo sư luôn tâm niệm rằng tương lai của đất nước phụ thuộc vào chính thế hệ trẻ - các em học sinh, sinh viên và bổn phận của mình là phải giúp phát triển tài năng của các em, mong muốn bằng sức lực của mình phần nào chắp cánh để các em theo đuổi những giấc mơ của mình. Bởi vậy, Hội Gặp gỡ Việt Nam do ông sáng lập còn tham gia vào các hoạt động giáo dục cho thế hệ trẻ như phát triển phương pháp giảng dạy khoa học “Bàn tay nặn bột” trong các trường trung học phổ thông tại Việt Nam, thành lập lớp dự bị đại học cho các sinh viên du học tại trường đào tạo kỹ sư ở Pháp.

Cho đến nay, dù tuổi đã cao, nhưng hàng năm, vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân cùng Giáo sư Odon Vallet vẫn tự mình đi đến nhiều vùng miền, tận tay trao học bổng Vallet cho các em học sinh, với hy vọng góp một phần nhỏ, nuôi dưỡng ước mơ học tập của các em. Cả cuộc đời dành cho những hoạt động thiện nguyện cho quê hương, Giáo sư Trần Thanh Vân chưa từng nghĩ đến việc “làm giàu”, ước mong của ông là được thấy thế hệ trẻ Việt Nam có cuộc sống tốt hơn, được học tập tốt, bằng tri thức của mình, các em có thể vươn lên, trở thành những người sống có ích và có trách nhiệm với xã hội.

Yêu nước như ông chủ doanh nghiệp Cỏ May

Những năm cuối đời, ngoài việc bỏ hàng chục tỉ đồng xây kí túc xá cho sinh viên có chí học, có tình yêu đối với quê hương đất nước, gặp khó khăn về kinh tế, ông còn cấp khoảng 15 tỉ đồng lo chi phí cho sinh viên ở trong kí túc xá này… ông là Phạm Văn Bên, người sáng lập và là Giám đốc điều hành doanh nghiệp tư nhân Cỏ May chuyên chế biến gạo thương hiệu cao cấp Nosavina, sản xuất thức ăn thủy sản và bao bì nhựa. Nói về ông, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp viết: Đi lên từ một người nghèo khó, từ một vùng quê nghèo khó nên Anh luôn đau đáu về quê hương xứ sở, thấu cảm được nỗi nhọc nhằn của những người nông dân một nắng – hai sương. Anh yêu nước theo kiểu riêng Anh, thầm lặng nhưng đong đầy nghĩa cử cao đẹp với xã hội, góp từng viên gạch nhỏ cho sự phát triển của đất Sen hồng.

Nhà báo Lưu Trọng Văn, người cùng với Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh chạy 150 km về Đồng Tháp viếng tang ông Bên dù hai người chưa từng gặp ông mà chỉ nghe tiếng và khâm phục nghĩa cử của ông, kể lại: “Phạm Minh Thiện, con trai ông nói rằng, trước khi mất ông chỉ dặn dò chuyện về kí túc xá, về việc Thiện thay cha thực hiện tốt di nguyện của ông là giúp đỡ về kinh tế cho các sinh viên sống ở kí túc xá, tổ chức sinh hoạt tinh thần tốt cho sinh viên để họ thấy đây là ngôi nhà của mình và tìm nhiều người giỏi hỗ trợ sinh viên nâng cao kiến thức, có nhiều năng lực đóng góp cho xã hội hơn”.

Nhà báo Lưu Trọng Văn nhớ lại bài viết cuối cùng của ông Bên vào xuân Bính Thân 2016 vừa qua, chỉ vài tháng trước khi từ giã cuộc đời, ông Bên vẫn trăn trở: “Tôi sẽ cố gắng góp phần xây dựng một thế hệ có tài, có tâm, để ngày sau họ chung tay xây dựng đất nước này… Tôi kêu gọi nhiều người giàu có hãy hướng về cộng đồng đầy lòng nhân ái thể hiện trách nhiệm của mình, hiến tặng lại cho xã hội những gì, hay ít nhất một phần quan trọng mình đã nhận được từ xã hội, làm cho xã hội phát triển và tốt đẹp hơn. Có như thế, đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta mới phát triển mạnh mẽ, xã hội mới được vững bền, dân tộc mới thêm gắn bó và đạo đức xã hội mới được nâng cao”.

Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp BSA, sau khi đến viếng tang ông Bên, kể: “Thiện (con trai ông Bên) nói buồn hiu, như một thói quen từ nhiều năm nay, mỗi đầu tháng, ba vẫn tự đi ra ngân hàng, tự tay gửi tiền học bổng cho từng sinh viên được ba trợ cấp, rồi về nhà, ngồi tỉ mẩn nhắn tin cho từng cháu, chú Bên vừa gửi học bổng cho cháu rồi. Bao nhiêu lâu nay vẫn vậy”.

Cảm động về ông Bên, Bí thư tỉnh Đồng Tháp còn viết: “Cả cuộc đời làm doanh nhân của mình, tôi đoán rằng Anh không có thời gian nhiều để học bài bản các khóa học kinh tế, tiếp cận các lý thuyết quản trị, kinh doanh này nọ. Anh chỉ làm và làm tốt bằng sự tinh tế, nhạy bén của mình, bằng sự thấu cảm của mình. Nhìn Anh ngồi xếp bằng hỏi han từng người công nhân, rồi chăm chút đời sống cho mọi người bằng những quyển sổ tiết kiệm, quỹ học bổng, hỗ trợ xây cất nhà cửa… mới thấy Anh đối nhân – xử thế như thế nào. Anh đối đãi với cộng sự, với những người giúp việc, lao công, bốc xếp của mình như những người thân, những ân nhân đã giúp Anh vượt bao sóng gió thương trường”. “Mấy ai trong đời làm được những chuyện như vậy? Chắc là có, nhưng chắc là hiếm lắm!”

Và Bí thư Đồng Tháp đã kết luận: “Bằng việc làm của mình, ông Phạm Văn Bên đã cho mọi người một bài học sinh động và xúc động về thế nào là yêu nước. Tất nhiên, có tấm lòng và hành động cụ thể theo sự thúc đẩy của lòng mình không phải bao giờ cũng dễ dàng, không phải ai cũng làm được. Nó đòi hỏi người ta không chỉ nghĩ đến mình mà còn biết nghĩ đến đồng bào mình.

Một trí thức Việt kiều nặng lòng với quê hương

Tiến sĩ Đỗ Đức Cường gây ấn tượng khi tiếp xúc, một trí thức Việt kiều hồn hậu, giản dị và luôn canh cánh trong lòng khát vọng làm được điều gì đó đóng góp cho Tổ quốc, nhất là cho công tác đào tạo trí thức trẻ Việt Nam thời hội nhập.

Ông sinh ra và lớn lên ở vùng quê Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, mảnh đất cát trắng gió Lào, như ông tả - bốn tháng nắng, tám tháng mưa, đất cằn không trồng nổi khoai mì (sắn). Cái đói trong những năm tuổi thơ nghèo khó đã làm các anh chị em ông lần lượt chết vì đói. Năm lên 6 tuổi, cậu bé Cường khi đó cũng đã chết đói hụt một lần, nhưng sự may mắn của số phận đã cứu ông sống lại ngay khi đã kề miệng huyệt. Có lẽ chính hoàn cảnh như vậy đã thôi thúc trong ông sớm có ý thức học tập từ nhỏ “để vượt qua số phận hẩm hiu”. Năm 1963, trong kỳ kiểm tra của một phái đoàn Nhật nghiên cứu về trí thông minh người Việt Nam, ông Đỗ Đức Cường đã trở thành người có chỉ số thông minh cao nhất và được cấp học bổng sang Nhật Bản để theo học tại Đại học Osaka. Tiếp tục con đường học vấn, ông Đỗ Đức Cường sang Mỹ học về ngân hàng. Cho đến nay, Tiến sĩ Đỗ Đức Cường đã có ít nhất 58 phát minh, bằng sáng chế liên trong lĩnh vực ngân hàng và thiết bị viễn thông.

Thành công trong khoa học và triết lý sống của ông Cường rất giản dị. Tâm sự về những phát minh có giá trị với cuộc sống, ông chia sẻ: "Tôi tìm ra nguyên lý sống của mình là đừng xa xôi mà hãy nhìn, hãy yêu, hãy chăm sóc cuộc sống trước mắt cho thật tốt cái đã. Như thế tự nhiên thành công sẽ đến với mình".

Sau hơn 30 năm sống, làm việc tại nước ngoài, tháng 6/2003, Tiến sĩ Cường về nước. Tiến sĩ Đỗ Đức Cường bùi ngùi nhớ lại cuộc hội ngộ đẫm nước mắt với mẹ già đang mắc bệnh ung thư. Khi biết mẹ mình mắc bệnh ung thư, thời gian sống không còn bao lâu nữa, ông từ bỏ công việc của ông ở Mỹ với mức lương trên 1 triệu USD/năm và trở về quê nhà để chăm sóc mẹ và góp công sức cho việc phát triển ngành ngân hàng tại Việt Nam, nhằm phổ cập dịch vụ ngân hàng đến từng người dân trong nước.

Ở cái tuổi gần 60, lại bị bệnh đau tim, Tiến sĩ Đỗ Đức Cường đang hối hả để làm sao chuyển giao được những kiến thức, truyền đạt công nghệ, kinh nghiệm mà gần cả đời người ông đã tích luỹ được từ nước ngoài cho trí thức trẻ trong nước để hiện đại hoá ngành ngân hàng Việt Nam. Ông luôn trăn trở về đào tạo một thế hệ trẻ Việt Nam biết tư duy, năng động và khát khao vượt qua chính mình. Tiến sĩ Đỗ Đức Cường cho biết, cách đào tạo của ông là không để các bạn trẻ thấy sự xuất hiện của ông với tư cách người thầy, mà chỉ là người bạn “lớn tuổi” chia sẻ kinh nghiệm. Ông khuyến khích họ nói ra những điều họ nghĩ và biết tự sửa sai. Trong số các em, các cháu đã được ông hướng dẫn, nhiều em đã trở thành những chuyên gia quốc tế “thượng thặng”, được các nước đánh giá cao.

Cống hiến cho quê hương và được người đời khen ngợi, Tiến sĩ Đỗ Đức Cường vẫn rất khiêm tốn: “Những gì tôi đã làm cho Việt Nam không phải là cái công, mà là trách nhiệm của một người con đối với nòi giống, tổ tiên. Chúng tôi như những con ong bay đi bốn phương hút mật để trở về làm đầy túi mật cho quê hương mình. Đó là bản năng cuả loài ong chứ không phải là công lao… ”

….

Nhọc nhằn vươn lên từ gian khó. Từ trí tuệ hơn người, họ thành đạt và ghi dấu ấn của mình. Thế đó, không ồn ào, không làm màu, những trí thức và doanh nhân gắn chặt với gốc rễ quê hương của mình theo những cách khác nhau như ông Bên, ông Vân và bà Kim Ngọc, ông Cường đã mang lại cho mọi người những bài học và tấm gương về lòng yêu nước. Yêu nước là yêu lấy đồng bào của mình, là làm hết sức để cải thiện cuộc sống của con người sống trên quê hương mình, bằng những việc làm cụ thể. Cần lắm thay những con người, những tấm lòng như thế giữa thời buổi kinh tế hội nhập.

Vũ Anh Tuấn (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Chung tấm lòng giản dị: Yêu nước là lo cho thế hệ tương lai" tại chuyên mục Đọc chuyên sâu. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin