Chống tham nhũng trong đại dịch Covid-19: Cần thực hiện nghiêm 7 nguyên tắc vàng.

(Pháp lý) - Tính đến cuối tháng 3/2021, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng tới 213 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 128 triệu ca mắc, trên 2,8 triệu người tử vong. Song hành với dịch bệnh, một vấn đề cũng rất đáng quan ngại đó là vấn nạn trục lợi, tham nhũng. Nhiều nước trên thế giới, các tổ chức y tế phải thực hiện một cuộc đua “kép”: vừa tìm cách chống đại dịch, vừa lo chống tham nhũng, trục lợi trong đại dịch.

Nhiều nước cảnh báo tình trạng tham nhũng trục lợi từ đại dịch

Khi đại dịch xảy ra, cũng là lúc nhiều quan chức của một số quốc gia coi đó là “miếng mồi béo bở” để trục lợi trong các chiến dịch cứu trợ cho dân nghèo đang vật lộn với những đe dọa của virus tử thần.

Tại Colombia, theo điều tra của Chính phủ nước này cho thấy, các nhà chức trách địa phương mua cá ngừ đóng hộp với giá 5 USD/hộp để phát cho người dân gặp khó khăn vì dịch bệnh. Trong khi bình thường, nó chỉ có giá khoảng 1,5 USD.

Bộ trưởng Xã hội Indonesia bị bắt vì nghi tham nhũng trợ cấp xã hội Covid-19

Bộ Y tế Bolivia đặt mua 179 máy thở từ một nhà sản xuất ở Tây Ban Nha với giá 27.683 USD/chiếc, tổng số tiền gần 5 triệu USD, qua một công ty Tây Ban Nha khác làm trung gian. Tuy nhiên, thông tin sau đó cho biết, nhà sản xuất từng chào giá chỉ bằng một nửa, khoảng 10.312 USD - 11.941 USD/chiếc. Tổng thống lâm thời Jeanine Anez cho hay Bô-li-vi-a đã chuyển hơn 2 triệu USD cho số máy thở trên và sẽ "không trả thêm xu nào". Bà cam kết sẽ "thu hồi lại từng đồng cho người dân Bô-li-vi-a".

Tại Brazil - quốc gia chịu ảnh hưởng do dịch bệnh nặng nề hiện đứng thứ 3 trên thế giới, một lượng lớn quỹ khẩn cấp của Chính phủ để chống lại đại dịch COVID-19 bị biển thủ. Mức độ tham nhũng tại quốc gia này bị cho là “quá sức tưởng tượng”. Khi các nhà chức trách đổ xô mua máy thở, giường chăm sóc đặc biệt, khẩu trang và thuốc rửa tay, Quốc hội nước này đã thông qua một dự luật vào tháng 4 cho phép tất cả các cấp chính quyền mua hàng khẩn cấp mà không cần thông qua đấu thầu hoặc các quy trình thông thường. Bởi thế, máy thở đã được mua với mức giá cao vô lý từ một… cửa hàng rượu ở bang Amazonas hay nhiều bệnh viện dã chiến tại Rio de Janeiro được xây dựng nhưng chưa bao giờ được mở cửa…

Tại Nam Phi (đứng thứ 16 về số ca mắc), những nỗ lực tài chính ứng phó với COVID-19 đã bị “ăn mòn” bởi các cáo buộc tham nhũng. Bởi thế, dù được xem là quốc gia có kịch bản chuẩn bị tốt nhất ứng phó với COVID-19 trong số các quốc gia châu Phi cận Sahara, nhưng vấn nạn tham nhũng nhức nhối tồn tại suốt nhiều năm nay đã làm suy yếu các cơ quan, bao gồm cả hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe nơi đây. Tổng thống Cyril Ramaphosa thừa nhận, thực phẩm cho người nghèo, trang thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) cho nhân viên y tế và trợ cấp cho những người bị mất việc bởi đại dịch đều đã bị tham nhũng “ghé thăm”.

Theo tờ The Washington Post, khi diễn biến dịch COVID -19 lên tới đỉnh điểm, chính phủ nhiều nước cấp tốc chi hàng tỷ USD để mua vật tư y tế, cũng như đưa ra các gói hỗ trợ từ vài chục đến hàng nghìn tỷ USD để ứng phó dịch cũng như giảm nhẹ tác động kinh tế - xã hội do COVID-19 gây ra. Do phải ưu tiên tốc độ để nhanh chóng có được sản phẩm thiết yếu, những thủ tục đấu thầu, kiểm tra vốn có nay được đơn giản hóa hoặc bỏ qua. Những quan tham và kẻ gian lợi dụng tình thế, kẽ hở đó để đẩy giá và thực hiện hành vi tham nhũng.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia khẳng định, khi đại dịch COVID-19 diễn ra đã xuất hiện nhiều nguy cơ tham nhũng bởi các quốc gia trên thế giới tăng chi tiêu công cho các ngành y tế, giáo dục và các dịch vụ xã hội đặc biệt. Qua kết quả khảo sát công tác giám sát các gói hỗ trợ liên quan đến đại dịch COVID-19 tại 10 nước khu vực Đông Nam Á, các chuyên gia cũng nhận định trong lĩnh vực y tế cũng có rất nhiều nguy cơ tham ô, tham nhũng liên quan đến việc sản xuất, thử nghiệm, phân phối dược phẩm, vắc xin.

“Thậm chí, có hành vi làm thuốc giả, cấp phép đưa ra thị trường hoặc tuồn dược phẩm, thiết bị, vật tư y tế ra thị trường chợ đen để bán giá cao, gây khan hiếm cho thị trường chính thức”. Đó là việc lợi dụng khi ngành y tế có nhu cầu cao, phải mua sắm các thiết bị, vật tư, vật dụng y tế để xét nghiệm chẩn đoán dịch bệnh, cấp cứu điều trị bệnh nhân, khi mua thuốc, vắc xin phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 để tham nhũng. Trong đó, có nguy cơ lợi dụng việc thiếu hiểu biết sâu về sức khỏe, về thiết bị y tế, về thuốc, vắc xin của người dân để vụ lợi.

Nhiều quan chức bị bắt

Theo Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC), trong 2 năm chống dịch Covid-19 là “thời gian đặc biệt để nói về ngành y, với tôn vinh sự hi sinh của các y bác sỹ trên trận tuyến cứu người, nhưng cũng thật đáng buồn, cả với lên án sự bán rẻ đạo đức của các quan chức y tế tham nhũng”.

Ở nhiều quốc gia, tư lệnh ngành y đã bị sa thải, ngay trong lúc “nước sôi lửa bỏng” cần sự tập trung cao độ nhất của hệ thống lãnh đạo y tế. Ở Zimbabwe, Bộ trưởng Y tế bị bắt giữ, cách chức vì cáo buộc tham nhũng, lạm dụng chức vụ trong vụ ký hợp đồng trị giá 20 triệu USD với một công ty có tuổi đời 2 tháng, trụ sở tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), để cung cấp thiết bị bảo hộ cá nhân và bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19. Quan chức này phải đối mặt với bản án lên tới 15 năm tù và khoản tiền phạt lớn.

Tại Guatemala, tham nhũng xuất hiện chỉ 5 ngày sau ca bệnh đầu tiên. 2 thứ trưởng y tế nước này bị sa thải, nhiều quan chức y tế khác bị điều tra. Tháng 8/2020 vừa qua, người đứng đầu phụ trách vấn đề y tế của bang Brasilia (Brazil) cũng đã bị bắt giữ vì cáo buộc nhận hối lộ trong quá trình mua sắm bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19.

Sau khi Tổng thống Bolivia , ông Anez ra lệnh mở cuộc điều tra, Bộ trưởng y tế Marcelo Navajas cùng 2 quan chức y tế khác bị bắt. 2 nhân viên ngân hàng Phát triển Liên Mỹ - nơi thực hiện các thủ tục thanh toán hợp đồng- cũng bị triệu tập để thẩm vấn.

Tình hình đặc biệt nghiêm trọng hơn tại những nơi nạn tham nhũng vẫn hoành hành. Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) ở Mỹ Latinh cảnh báo tham nhũng liên quan đến việc mua vật tư và thiết bị y tế tại khu vực này có thể gia tăng đáng kể, sau khi Viện công tố Panama mở cuộc điều tra tham nhũng liên quan tới Phó Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống về hợp đồng mua 100 máy thở di động từ một nhà cung cấp không xác định với mức giá 48.950 USD/bộ, cao hơn nhiều so với mức dao động 6.000-10.000 USD/bộ trước thời điểm diễn ra dịch.

Trước đó, cơ quan chống tham nhũng của nước này cũng mở cuộc điều tra về những bất thường trong hợp đồng trị giá 168 triệu USD với một công ty của Mexico về việc phân phối thuốc chữa bệnh trong gói bảo hiểm xã hội của người dân nước này. Tại Goatemala,, công tố viên Jordán Rodas Andrade yêu cầu Chính phủ cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế Hugo Monroy Castillo bởi những cáo buộc thực hiện các giao dịch và hợp đồng có yếu tố bất thường về mua vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19.

Tại Honduras, Bộ Hành chính công nước này cho biết đang điều tra nhiều khiếu nại của các tổ chức xã hội dân sự về cáo buộc tham nhũng trong các giao dịch cũng như hợp đồng mua thiết bị y tế được thực hiện bởi nhiều quan chức trong những lĩnh vực liên quan tới công tác phòng, chống dịch.

7 nguyên tắc vàng – “lớp màng” chống tham nhũng trong đại dịch

Ủy ban Chống tham nhũng Maldives (ACC) vừa công bố 7 Nguyên tắc về phòng, chống tham nhũng. Các nguyên tắc này được Tổ chức Minh bạch quốc tế và Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC) đồng tình và coi đây là “lớp màng ngăn chặn tham nhũng trong đại dịch”. Trong đó, nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm công bằng, minh bạch trong giải ngân gói cứu trợ của Chính phủ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Thứ nhất, tăng cường cơ chế minh bạch và trách nhiệm giải trình: Chính phủ cần cung cấp tất cả thông tin liên quan đến COVID-19, bao gồm các biện pháp, quyết định công khai để người dân có thể truy cập, tăng tính minh bạch trong xây dựng các chính sách và phân bổ nguồn lực đối phó với COVID-19, đồng thời, tiếp tục hoạt động trong một hệ thống bảo đảm trách nhiệm giải trình. Đồng thời, Chính phủ nên tăng cường các biện pháp bảo vệ "người thổi còi" (whistle-blower), thực hiện các giao dịch tài chính liên quan đến đại dịch theo đúng quy định của pháp luật, minh bạch và tiến hành kiểm toán đặc biệt khi khủng hoảng về y tế qua đi.

Bộ trưởng Xã hội Indonesia bị bắt vì nghi tham nhũng trợ cấp xã hội Covid-19

Thứ hai, giảm tham nhũng trong hệ thống tài chính và mua sắm công: Chính phủ các nước nên tuân thủ các tiêu chuẩn tài chính công được quy định trong Luật Tài chính công và Luật Trách nhiệm Tài chính cùng các hướng dẫn đã ban hành, ngay cả trong các trường hợp khẩn cấp. ACC nhấn mạnh rằng, hàng hóa, dịch vụ phải được mua sắm với mức giá cạnh tranh trên thị trường, để bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dân.

Thứ ba, tăng cường cơ chế giám sát: Cần mở rộng vai trò của các nhà báo điều tra và tầm quan trọng của sự giám sát từ công chúng đối với các phản ứng của Chính phủ liên quan tới COVID-19.

Thứ tư, thiết lập công bằng xã hội và bảo đảm liêm chính trong việc ra quyết định: Các cá nhân không thực hiện đưa và nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ quyền hạn nhằm mang lại lợi ích riêng giữa bối cảnh đại dịch, trong các trường hợp như: chuyển các cá nhân đến cơ sở cách ly, cung cấp nhu cầu cần thiết cho những người trong cơ sở cách ly, ưu tiên điều trị cho bệnh nhân, việc phân bổ thuốc men, thuê các chuyến bay cứu hộ đưa người Maldives trở về nước, gửi các gói chăm sóc cho người dân Maldives ở nước ngoài…

Thứ năm, bảo đảm liêm chính trong các gói và chương trình kích thích cứu trợ được đưa ra do khủng hoảng: Chính phủ tiến hành đánh giá nguy cơ đi kèm với bất kỳ chương trình hoặc nỗ lực cứu trợ nào, và thêm vào đó, các thách thức, nguy cơ phải được xác định ngay cả trong trường hợp không thể đánh giá nguy cơ.

Chính phủ nên hoạt động với sự liêm chính và bảo đảm một cơ chế công bằng được tuân thủ trong việc cho thuê những mảnh đất có mục đích sử dụng đặc biệt và trong phân bổ nguồn lực cho các mục tiêu kinh tế.

Thứ sáu, tăng cường hệ thống quản lý hồ sơ: Tất cả các quyết định của Chính phủ, bao gồm cả giao dịch tài chính, nên được ghi lại và lưu bằng văn bản một cách chi tiết và minh chứng tài chính.

Và cuối cùng: Chính phủ tăng cường kiểm soát nội bộ và không trao toàn quyền cũng như trách nhiệm cho một hoặc một vài cá nhân. Những nhân viên làm việc tại nhà cũng cần được theo dõi và giám sát đúng cách để bảo đảm sử dụng hiệu quả công quỹ.

Việt Nam xử nghiêm các đối tượng tham nhũng, trục lợi trong đại dịch

Cuối tháng 12/2020, Toà án nhân dân TP Hà Nội đã tiến hành tuyên án các bị cáo trong vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội. Hội đồng xét xử quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Nhật Cảm, nguyên Giám đốc CDC Hà Nội 10 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng về tội danh nêu trên, chín bị cáo còn lại trong vụ án chịu mức án từ 36 tháng tù treo đến 6 năm 6 tháng tù giam.

Trước đó, theo cáo trạng, từ đầu năm 2020, CDC Hà Nội đã mua một số Hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm Covid-19, nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19. Hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm Covid-19, khi nhập về Việt Nam giá khoảng hơn hai tỷ đồng. Tuy nhiên, CDC Hà Nội đã mua vào với giá cao gấp khoảng ba lần giá nêu trên. Kết quả điều tra xác định các bị can trong vụ án đã câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị Hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm Covid-19, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.

Việc khởi tố, truy tố và đem ra xét xử trong vụ án CDC là một ví dụ về hành động quyết liệt chống tham nhũng của Chính phủ Việt Nam.

Trần Nguyễn

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin