Chống tham nhũng: Kinh nghiệm ở một số nước

(Pháp lý) - Tham nhũng là một căn bệnh có thể gây thiệt hại rất lớn cho tài sản Nhà nước, tập thể và công dân, làm thay đổi, đảo lộn những chuẩn mực pháp luật, đạo đức xã hội, tha hóa công chức… nên không quốc gia nào không coi chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Lắp đặt camera để bài trừ nạn tham nhũng

Tại buổi họp báo mới đây, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết, sẽ cho lắp đặt camera an ninh tại các cơ quan của Chính phủ để giám sát hoạt động của công nhân, viên chức Nhà nước và bài trừ nạn tham nhũng.

Những camera này có thể liên kết trực tiếp với thiết bị di động của Tổng thống, bởi vậy đích thân vị lãnh đạo đứng đầu nước này có thể theo dõi hoạt động của các nhân viên dưới quyền mình.

Việc lắp đặt các camera an ninh tại các công sở sẽ giúp giám sát nhất cử nhất động của các cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Tổng thống Philippines tuyên bố sẽ chỉ dừng việc này lại nếu nạn tham nhũng được xóa sổ.

Theo ông Duterte, các camera sẽ được lắp đặt ở khu vực công. Ông tin rằng kế hoạch sẽ khiến không ai dám có hành vi tham nhũng. Nếu nhân viên Chính phủ bị phát hiện tham nhũng, họ sẽ bị đưa tới khu vực xung đột ở đảo Mindanao.

Ông Duterte nhậm chức Tổng thống Philippines hồi tháng 6 năm nay với các cam kết xây dựng một Chính phủ vì lợi ích của người dân, trong sạch, trách nhiệm và không tham nhũng.

Việc lắp đặt camera đã được thực hiện ở nhiều nước bên cạnh đường dây nóng để công dân có thể phản ánh những hiện tượng tham nhũng đến người có trách nhiệm.

Đề cao giáo dục

Ở Hàn Quốc, Australia, nội dung phòng, chống tham nhũng được đưa vào giảng dạy trong hệ thống trường học để giúp học sinh ý thức được nguyên nhân, hậu quả, tác hại của việc tham nhũng và giáo dục ý thức lên án tham nhũng ngay từ khi còn nhỏ. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền phòng, chống tham nhũng trên các phương tiện thông tin đại chúng, thành lập trung tâm thông tin về tham nhũng và lập quỹ chống tham nhũng… Tuy nhiên, khi những hành vi tham nhũng được điều tra làm rõ thì các hình phạt nghiêm khắc cũng được áp dụng đối với các quan chức tham nhũng, bất kể đó là ai, dù là chính khách hay công chức bình thường. Kết quả của việc xử lý được công khai để nhân dân giám sát. Chính điều này đã tạo điều kiện cho cuộc chiến chống tham nhũng được tiến hành mạnh mẽ và rộng khắp.

Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, chỉ số minh bạch của Hong Kong hiện tại đạt mức 75 điểm, đứng thứ 15 trên 177 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc diện điều tra, trên cả Nhật Bản (thứ 18) và Mỹ (thứ 19). Có được kỳ tích này do họ bắt đầu từ giáo dục. Công tác giáo dục chống tham nhũng được bắt đầu trường mẫu giáo. Ủy ban độc lập chống tham nhũng (ICAC), hư cấu ra các tình huống đạo đức khó xử mà nhân vật trung thực luôn là người chiến thắng. "Chúng tôi không dạy học sinh luật pháp mà định hướng giá trị sống cho các em", bà Monica Yu, giám đốc Trung tâm phát triển đạo đức Hong Kong thuộc ICAC, cho biết.

Sau khi áp dụng biện pháp trên với hai thế hệ, thái độ của người dân Hong Kong trước vấn đề tham nhũng đã có sự biến chuyển lớn.

Hà Lan thì tổ chức nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý những lĩnh vực có thể phát sinh hành vi tham nhũng và kiểm soát chặt chẽ hoạt động của những công chức làm việc trong các lĩnh vực đó. Từ đó, xây dựng hệ thống quyền hạn và trách nhiệm của các công chức nhà nước, trong đó ghi rõ trách nhiệm đối với công chức vi phạm đạo đức công vụ; xây dựng hệ thống an ninh quốc gia chuyên trách có quyền hạn rất lớn trong việc phát hiện các hành vi tham nhũng và chống tham nhũng. Tổ chức hệ thống khắt khe và khách quan để tuyển chọn công chức vào những chức vụ có điều kiện dẫn đến hành vi tham nhũng.

Ở Singapore, các biện pháp hành chính phòng ngừa tham nhũng đi đôi với giáo dục. Chính phủ đã ban hành một số biện pháp hành chính nhằm giảm thiểu cơ hội phát sinh tham nhũng, đó là: Thay cảnh sát viên biệt phái bằng điều tra viên nhân sự; Hợp lý hoá các thủ tục hành chính và thường xuyên tiến hành xem xét lại các thủ tục hành chính của các bộ ngành dễ bị tham nhũng chi phối; Dẹp bỏ quan liêu hành chính; Xem xét mức lương của viên chức nhà nước để đảm bảo rằng họ được trả công một cách xứng đáng; Nhắc nhở các nhà thầu làm công trình của nhà nước rằng đút lót viên chức nhà nước quản lý dự án có thể dẫn đến việc chấm dứt hợp đồng.

Thực tế cho thấy một bộ máy hành chính kém hiệu quả sẽ là một bộ máy đậm mầu sắc quan liêu, thủ tục rườm rà, phiền nhiễu, có nhiều kẽ hở cho viên chức lợi dụng nhận hối lộ và bòn rút công quỹ khi đồng lương ít ỏi. Vì vậy, đi đôi với việc cải cách hành chính cần phải đảm bảo mức lương tốt cho quan chức thì sẽ giảm rất nhiều cơ hội tham nhũng bởi nếu quan chức có lương cao thì họ sẽ không dại gì nhận một khoản tiền hối lộ nào đó để rồi mất đi tất cả.

Bên cạnh chính sách lương là việc giáo dục lòng tự trọng, xem tham nhũng như là nỗi sỉ nhục danh dự và là nỗi sợ hãi khi bị áp dụng chế tài pháp luật. Thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện, các diễn đàn về cạm bẫy của tham nhũng cho viên chức nhà nước đồng tư vấn cũng để giúp họ biết cách phòng tránh việc dính líu vào tham nhũng. Ngoài ra, CPIB cũng tiến hành các buổi trao đổi với tên gọi: “Hành trình học hỏi” cho học sinh các trường trung học nhằm giúp cho thế hệ trẻ có những nhận thức nhất định về hành vi tham nhũng.

Chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng đối với mỗi quốc gia (ảnh minh họa)
Chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng đối với mỗi quốc gia (ảnh minh họa))

Kiểm tra, giám sát lẫn nhau

Ở Mỹ và các nước Tây Âu việc chống tham nhũng được nhấn mạnh ở khâu thể chế, tức là việc tổ chức bộ máy nhà nước sao cho các nhánh quyền lực có thể kiểm tra, giám sát lẫn nhau và thiết lập sự kiểm soát từ phía xã hội. Xây dựng một cơ chế kiểm soát quyền lực đủ sức ngăn chặn các hành vi lạm quyền, chuyên quyền, sử dụng quyền lực vì mục đích tối đa hóa lợi ích của bản thân...

Trong khi đó, ở một số quốc gia phát triển khác ở châu Á như Hàn Quốc, Singapore, Chính phủ đã xây dựng một hệ thống các thiết chế kiểm soát quyền lực hết sức chặt chẽ, đó là thành lập các tổ chức độc lập thuộc cơ quan hành pháp và các bộ phận chuyên trách chống tham nhũng như: Văn phòng Tổng thống, Văn phòng Thủ tướng, Viện Kiểm toán và thanh tra, Uỷ ban giám sát tài chính, Uỷ ban chống tham nhũng, Cơ quan cảnh sát điều tra... Các cơ quan khác độc lập với cơ quan hành pháp như: Tòa án, Uỷ ban bầu cử quốc gia, Hiệp hội công dân và các cơ quan thông tin đại chúng nhằm kiểm soát quyền lực và ngăn chặn tham nhũng.

Thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch

Ở nhiều quốc gia phát triển như CHLB Đức, Anh, Đan Mạch, Thụy Điển, Australia… nhờ thực hiện tốt nguyên tắc này mà đã góp phần ngăn ngừa tham nhũng một cách có hiệu quả nhất.

Ở Australia, theo pháp luật nước này, Chính phủ có trách nhiệm phải công khai các quy trình, thủ tục, công khai rút thăm làm thủ tục hành chính thông qua máy, mọi người đều biết thứ tự của nhau và ngăn ngừa tham nhũng do chạy chỗ, coi trọng tính công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, mua sắm tài sản công. Các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán, Ủy ban liêm chính cảnh sát được quyền yêu cầu bắt buộc đối tượng điều tra phải cung cấp thông tin, giải trình, nếu phát hiện cung cấp sai thì có thể bị khép vào tội hình sự.

Trong khi đó, luật pháp của Anh, CHLB Đức, Thụy Điển quy định, tất cả các tài liệu của Chính phủ và các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương (trừ tài liệu thuộc bí mật quốc gia) đều phải được đăng tải công khai trên báo chí và trên mạng Internet, kể cả mức lương của Thủ tướng và các Bộ trưởng; Mọi công chức nhà nước đều có quyền và trách nhiệm cung cấp các thông tin về tổ chức và hoạt động của cơ quan mình cho phóng viên báo chí và không ai được phép điều tra, tìm hiểu để xác định nguồn của các thông tin đã được đăng tải trên báo chí. Chính vì vậy, quá trình thực thi pháp luật được đảm bảo, và nạn tham nhũng không có nhiều cơ hội để tồn tại.

Thành lập tổ chức chống tham nhũng độc lập

Đấu tranh chống tham nhũng tức là đấu tranh chống lại các hành vi trái pháp luật của những người có chức vụ, quyền hạn nằm trong bộ máy nhà nước, hay nói cách khác là đấu tranh với thói hư tật xấu của những kẻ cầm quyền. Cuộc chiến này không giống như hoạt động chống các tội phạm thông thường. Do đó, để đạt hiệu quả không nên chỉ chú trọng giao nhiệm vụ chống tham nhũng cho các cơ quan bảo vệ pháp luật mà phải thành lập tổ chức chống tham nhũng độc lập với các cơ quan nhà nước, trực thuộc người đứng đầu Chính phủ.

Kinh nghiệm này đã được áp dụng và mang lại những kết quả to lớn tại nhiều quốc gia như Anh, Mỹ, CHLB Đức, Singapore, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc… Các nước này đã thành lập các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng trực thuộc Tổng thống hoặc Thủ tướng, có vị trí độc lập với cơ quan hành pháp và các cơ quan khác. Người đứng đầu các cơ quan này do Tổng Thống, Thủ tướng hoặc Nhà vua bổ nhiệm. Như Cơ quan điều tra tham nhũng Singapore (CPIB), là cơ quan độc lập, tách khỏi các cơ quan khác, trực thuộc Thủ tướng Chính phủ có quyền độc lập điều tra và ngăn chặn tham nhũng; ủy ban chống tham nhũng quốc gia Indonesia (KPK) là cơ quan độc lập với cơ quan hành pháp, lập pháp, chịu trách nhiệm trước nhân dân và không lệ thuộc bất cứ cơ quan quyền lực nhà nước nào; Cục phòng ngừa tham nhũng Quốc gia Trung Quốc được được đặt tại Bộ Giám sát, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, có nhiệm vụ biên soạn, lập kế hoạch, thiết lập chính sách và kiểm tra, giám sát phòng, chống tham nhũng toàn quốc...

Chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là không có vùng cấm, không khoan nhượng
Chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là không có vùng cấm, không khoan nhượng)

Phải từ trên xuống dưới

Chống tham nhũng phải bắt đầu từ trên xuống dưới. Muốn trị tận gốc căn bệnh tham nhũng, cần phải bắt đầu từ lãnh đạo cấp trên, từ các cơ quan, các tổ chức có quyền hoạch định, thực thi và kiểm soát chính sách, có quyền điều phối nguồn lực và tài chính, vì rằng, đó chính là các cơ quan và cá nhân đại diện cho quyền lực của Đảng và Nhà nước, là khâu gần với các hành vi tham nhũng hơn cả. Một khi các cơ quan công quyền và đội ngũ lãnh đạo trong các tổ chức Đảng và Chính phủ đều trong sạch thì khả năng xảy ra tham nhũng càng ít. Mặt khác, nếu xử lý kịp thời và nghiêm minh hành vi tham nhũng của cán bộ lãnh đạo cấp cao thì các vụ án tham nhũng sẽ được diệt trừ tận gốc.

Vì vậy, điều trước tiên để chống tham nhũng có hiệu quả, đòi hỏi một quyết tâm thực sự bài trừ và phòng ngừa tham nhũng của Chính phủ, của những nhà lãnh đạo cao nhất. Điều này đòi hỏi bản thân các nhà lãnh đạo phải nêu một tấm gương về sự mẫu mực, tận tụy, kiên định và trong sạch trong quá trình lãnh đạo, bởi đó sẽ trở thành gốc rễ để loại trừ tình trạng hối lộ và bảo trợ về mặt chính trị cho tham nhũng.

Ở Nga, Chính phủ đã thực hiện chiến dịch “bàn tay sắt” trong cuộc chiến với nạn tham nhũng, kiên quyết xử lý những quan chức lạm quyền trong bộ máy nhà nước, đặc biệt là các quan chức ở Trung ương, nhất là trong bộ máy hành pháp có hành vi tham nhũng, bao che cho tội phạm tham nhũng. Trong chiến dịch chống “tội phạm đeo quân hàm” năm 2007, hàng loạt sĩ quan, trong đó có cả những sĩ quan cấp tướng đã bị truy tố trước pháp luật. Hàng loạt các nhân vật cấp cao trong bộ máy Đảng, Chính phủ cũng bị miễn nhiệm, cách chức, truy tố vì liên quan đến tham nhũng như: Viện trưởng Viện Công tố Liên bang Vladimia Uxtinop; Phó Ban điều tra các vụ án đặc biệt quan trọng thuộc Cục Điều tra thi hành án Moscow Dumovets về tội nhận 0,5 triệu USD tiền hối lộ để tha bổng hai bị cáo phạm tội buôn lậu.

Năm 1979, ông Lý Quang Diệu, đương kim thủ tướng của Singapore đã phát biểu: “Một khi những nhà lãnh đạo chủ chốt kém liêm khiết, không nghiêm khắc đòi hỏi những chuẩn mực cao, lúc đó cấu trúc toàn vẹn của hệ thống hành chính sẽ yếu đi và cuối cùng nó sẽ sụp đổ. Singapore chỉ có thể tiếp tục tồn tại nếu như các bộ trưởng và viên chức cao cấp đều liêm khiết và làm việc hiệu quả. Lãnh đạo tối cao của Chính phủ phải làm gương, không ai được vượt quá luật pháp, nếu không mọi người sẽ cảm thấy hoài nghi và cười nhạo đối với ý nghĩa và sự công bằng của luật pháp. Chính nhờ quyết tâm mạnh mẽ chống tham nhũng này, mà nhiều năm nay, Singapore luôn là một trong những nước có tỷ lệ tham nhũng thấp nhất thế giới.

Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu
Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu)

Phát huy vai trò của báo chí

Thực tế cho thấy, báo chí không chỉ có công lớn trong việc phát hiện, bóc trần các hành vi tham nhũng mà nó còn là lực lượng chủ yếu để tuyên truyền vận động nhân dân, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân trong đấu tranh chống tham nhũng. Tuyên truyền những hình mẫu về chống tham nhũng, những gương điển hình, cách làm hay trong chống tham nhũng. Báo chí thông tin kịp thời, khách quan tình hình tham nhũng, chống tham nhũng, phản ánh trực tiếp những vụ, việc tham nhũng, kể cả những vụ, việc chưa được làm sáng tỏ, tạo sức ép dư luận xã hội, hình thành các phong trào chống tham nhũng. Chính vì vậy, việc phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh chống tham nhũng có một ý nghĩa rất to lớn, nó giúp các cơ quan chức năng phát hiện kịp thời các hành vi tham nhũng, đưa ra ánh sáng những hiện tượng tham nhũng trong các cơ quan Nhà nước và trong các doanh nghiệp, truyền đạt tiếng nói của người dân, góp phần tạo ra sự đồng thuận của công chúng để chống tham nhũng hiệu quả hơn.

Đây là một kinh nghiệm hết sức quý báu mà các nước phát triển như Mỹ, Tây Âu và nhiều quốc gia ở châu á đã áp dụng và mang lại những thành công to lớn. Ở Đan Mạch, báo chí có quyền lực rất lớn, giám sát cả ba nhánh quyền lực là lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Ở Hàn Quốc, báo chí được coi là lực lượng chủ yếu và có vai trò rất lớn trong tuyên truyền, vận động người dân, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân trong đấu tranh phòng chống tham nhũng. Báo chí cung cấp thông tin kịp thời, khách quan tình hình tham nhũng. Đồng thời, nêu gương các điển hình trong công tác phòng chống tham nhũng. Báo chí còn là cầu nối giữa người dân và các cơ quan chức năng trong thực thi pháp luật về phòng chống tham nhũng. Vì vậy, các cơ quan sử dụng báo chí như một công cụ, một lực lượng hữu hiệu để thúc đẩy phong trào chống tham nhũng và thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia chống tham nhũng.

Trần Vị Lương (tổng hợp)

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin