Chống chuyển giá đã trở thành “chuyên án” đặc biệt, đấu tranh cam go và kéo dài của các cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, những vụ chuyển giá đã được phanh phui và xử lý chỉ là những con số rất nhỏ so với số lượng thực tế các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá.
Chuyển giá đẩy rủi ro cho doanh nghiệp khác
Tại Việt Nam hiện nay, chuyển giá là hoạt động phổ biến không chỉ đối với các doanh nghiệp FDI mà còn diễn ra ở các doanh nghiệp trong nước. Chuyển giá không chỉ gây thất thu ngân sách Nhà nước mà còn làm méo mó môi trường kinh doanh, tạo sự cạnh tranh bất bình đẳng và chứa đựng nhiều rủi ro khác thậm chí có thể đẩy doanh nghiệp khác vào tình trạng phá sản.
Dẫn chứng về tình trạng rất đáng báo động này, ông Đoàn Duy Tiên - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước đưa ra con số: Tại Bình Dương, số doanh nghiệp FDI kê khai lỗ năm 2010 là 754/1.490 doanh nghiệp (chiếm 50,6%); trong đó có 200 doanh nghiệp lỗ quá vốn chủ sở hữu. Còn tại TP.HCM và Đồng Nai, tỷ lệ doanh nghiệp FDI khai lỗ lần lượt là 60% và 52,2%...
Trên thực tế, cũng đã có nhiều trường hợp “lỗ giả” bị phát hiện. Chẳng hạn như Công ty Hualon Corporation Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài đã hoạt động gần 20 năm tại Việt Nam, liên tục báo lỗ, chưa từng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhưng kết quả thanh tra phát hiện doanh nghiệp lãi lớn và truy thu thuế 78,1 tỷ đồng.
Metro Việt Nam cũng báo lỗ kéo dài. Thế nhưng, sau thanh tra, Tổng cục Thuế đã yêu cầu Metro điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu thuế tổng cộng 507 tỷ đồng.
Thậm chí có những trường hợp chuyển giá qua khai khống giá. Như kết quả giám định của Công ty Giám định quốc tế Thuỵ Sĩ cho thấy: Liên doanh Khách sạn Thăng Long đã khai khống giá thiết bị tới 40,43% (190.006 USD); Công ty ôtô Hoà Bình (Hà Nội) giá khai khống tới 27,51% (1.602.298 USD)…
Nhiều doanh nghiệp FDI, thương hiệu nước ngoài khác cũng nằm trong diện nghi vấn, như: Adidas Group, Hệ thống siêu thị Big C, Công ty PepsiCo Việt Nam, Công ty TNHH Sumitomo Bakelite Việt Nam, Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam...
“Khi một doanh nghiệp không phải đóng tiền thuế hay đóng thuế ít hơn sẽ có cơ hội tăng thị phần so với doanh nghiệp phải đóng nhiều tiền thuế hơn. Doanh nghiệp chuyển giá thu lợi cao hơn những doanh nghiệp khác có cùng điều kiện nhưng không thực hiện hành vi chuyển giá”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước Chuyên ngành VI cho biết.
PGS. Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính cũng cho rằng, với việc được lợi nhờ chuyển giá, các doanh nghiệp này có thể mua nguyên liệu đầu vào với giá cao làm cho các doanh nghiệp khác không thể mua được nguyên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh, đẩy các doanh nghiệp khác vào tình trạng phá sản.
Kiểm toán nhập cuộc
Chống chuyển giá đã trở thành “chuyên án” đặc biệt và đấu tranh cam go kéo dài của các cơ quan chức năng.
Nhiều biện pháp chống chuyển giá, xác định các giao dịch liên kết, xác định giá chuyển nhượng đã được thực hiện và đã phối hợp với các cơ quan chức năng như công an, tài chính; phối hợp với cơ quan thuế các nước để nắm bắt thông tin về giao dịch kinh tế của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, những vụ chuyển giá đã được phanh phui và xử lý chỉ là những con số rất nhỏ so với số lượng thực tế các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá.
Thực trạng trên xuất phát từ những bất cập trong quản lý, hành lang pháp lý về chống chuyển giá chưa hoàn thiện, quy định về chuyển giá và chống chuyển giá chưa đầy đủ, rõ ràng; chưa có quy chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan, như công an, tham tán kinh tế để giúp ngành thuế thu thập thông tin phục vụ công tác chống chuyển giá...
Ngoài ra, do xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, kéo theo đó là cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước lạc hậu không đáp ứng yêu cầu quản lý. Đặc biệt, hành lang pháp lý về chống chuyển giá chưa hoàn thiện. Trong khi cơ quan thuế chưa được giao thẩm quyền điều tra về thuế nên rất khó khăn trong đấu tranh chống chuyển giá.
Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, cơ quan này sẽ nhập cuộc cùng chống chuyển giá. Theo Luật Kiểm toán Nhà nước và các quy định hiện hành, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện kiểm toán tài chính công, kiểm toán thu thuế tại Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và hoàn toàn có đủ khả năng, cơ sở kiểm tra hoạt động chuyển giá trên địa bàn thông qua việc kiểm toán thu ngân sách tại các địa phương.
Theo đó, Kiểm toán Nhà nước sẽ xem xét lựa chọn các cuộc kiểm toán chuyên đề hay kiểm toán hoạt động kê khai nộp thuế, đối tượng giao dịch liên kết với mọi loại hình doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân…
Tuy nhiên, TS. Đặng Văn Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Kiểm toán Nhà nước) kiến nghị, về lâu dài cần xây dựng Luật Chống chuyển giá để tạo cơ sở pháp lý quan trọng nhất cho công tác này, đồng thời sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan như: Luật Doanh nghiệp, Luật Ðầu tư, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Dân sự…
Theo Thời báo Ngân hàng
Nguồn bài viết: http://antt.vn/chong-chuyen-gia-phanh-phui-va-xu-ly-chi-la-nhung-con-so-rat-nho-247115.htm