Sáng 12/9, tại Hà Nội, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 chính thức khai mạc phiên toàn thể với chủ đề "Những ưu tiên của ASEAN trong Cách mạng công nghiệp 4.0".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab đồng chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; các nguyên thủ, lãnh đạo các nước ASEAN và các nước đối tác cùng hơn một nghìn đại biểu là thành viên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới; các doanh nghiệp ASEAN, thế giới và Việt Nam.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF Klaus Schwab khẳng định, đây là Hội nghị thượng đỉnh cao cấp nhất từng có về ASEAN. Chủ tịch WEF cho rằng, dù còn nhiều khác biệt nhưng “không nên quên rằng chúng ta có mối quan tâm chung và trách nhiệm chung với thế giới".
Theo Chủ tịch Klaus Schwab, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ thay đổi mô hình kinh doanh, tính kinh tế, xã hội một cách cơ bản và mang tính đột phá. Sự cạnh tranh toàn cầu được xác định bởi năng lực cạnh tranh chứ không còn bởi giá thành. Trong bối cảnh đó, các quốc gia đã thành công trong làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có hệ sinh thái sáng tạo và hệ sinh thái doanh nhân.
Chủ tịch Klaus Schwab cho rằng, để có thể định hướng thành công trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi chính phủ các nước ASEAN cần tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sự cộng tác giữa chính phủ và doanh nghiệp là rất quan trọng để đạt được tiến bộ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ông Klaus Schwab tin tưởng, các quốc gia ASEAN với tầm nhìn phù hợp, với chính sách tối ưu, dân số trẻ và tinh thần kinh doanh cao sẽ là những người đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cho ASEAN vô cùng lớn
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, khi nghĩ đến ASEAN, nhiều người từng nghĩ đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên hết sức phong phú và giàu tiềm năng, là một công xưởng sản xuất của thế giới. Tuy nhiên, trong làn sóng của Cách mạng công nghiệp 4.0, sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật, ASEAN ngày nay còn được biết đến như là một trong những nơi khởi nguồn của nhiều ý tưởng mới, sáng tạo trên thế giới. Chính công nghệ cao và nền kinh tế số mới là những lĩnh vực đầy tiềm năng của ASEAN với dự báo sẽ tăng gấp 4 lần, lên tới trên 200 tỷ USD vào năm 2025.
Theo Thủ tướng những cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cho các nước ASEAN là vô cùng lớn, trước tiên là tạo sự đột phá về năng suất trên 5 ngành công nghiệp lớn là: Điện tử, hóa chất và dầu khí, hàng tiêu dùng, thực phẩm và dược phẩm.
Hai là, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm hơn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc trên cơ sở ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra kết nối và chia sẻ các giá trị và sự sáng tạo mới.
Ba là, phát huy các doanh nghiệp nhỏ và vừa - xương sống của các nền kinh tế ASEAN và là nơi khởi nguồn của nhiều ý tưởng mới. Cách mạng 4.0 mở ra cơ hội kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa với các thị trường xuyên quốc gia và toàn cầu.
Bốn là, đi tắt trong chính sách công nghiệp hóa. ASEAN có thể vượt qua các giai đoạn phát triển công nghiệp truyền thống bằng cách mạnh dạn phát triển trí tuệ nhân tạo, robot, tự động hóa, máy bay không người lái, thiết bị vệ tinh, hệ thống cảm biến… nhằm nâng cao năng suất, sử dụng hiệu quả nguồn lực và tài nguyên.
Tuy nhiên, những thách thức mà ASEAN phải đối mặt cũng rất lớn. Điều nhận thấy rõ là nguy cơ mất việc làm khi áp dụng tự động hóa. Theo ILO, 56% số việc làm của 5 nước ASEAN có khả năng chuyển sang trí tuệ nhân tạo và robot và do đó, có nguy cơ chấm dứt kỷ nguyên công xưởng châu Á truyền thống của các nước. Ngược lại, nhiều chuyên gia nói rằng nhiều sinh kế cho người dân sẽ được xuất phát từ cuộc Cách mạng 4.0.
Thủ tướng đề xuất 5 ưu tiên
Theo Thủ tướng, Cách mạng 4.0 có tiềm năng làm tăng tốc thu nhập đối với người dân và quốc gia có tài năng và có trí thức,… “Trong bối cảnh đó, ASEAN của chúng ta tự hào có một Singapore là hình mẫu thành công về tinh thần tiên phong trong nền kinh tế số, đã vận dụng những thành tựu của cách mạng 4.0 để đạt mức phát triển vượt bậc thời gian qua”.
Đứng trước những cơ hội và thách thức, các nước ASEAN cần đặt ra những ưu tiên của mình trên cơ sở lăng kính của cả khối. Từ cách tiếp cận này, Thủ tướng đề xuất một số ưu tiên.
Một là, kết nối số, chia sẻ dữ liệu. Lãnh đạo ASEAN đã thông qua kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN về hạ tầng, thể chế và con người trong cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng đề nghị các bên trao đổi để có kết nối số được lồng ghép và nâng cao hiệu quả của các kết nối, cùng với chú trọng phát triển thương mại điện tử, Chính phủ điện tử, thanh toán điện tử… đồng thời, chúng ta cần xây dựng các nguyên tắc của ASEAN về hợp tác chia sẻ dữ liệu nhằm điều chỉnh cách thức và điều kiện để dữ liệu có thể được chia sẻ và sử dụng hiệu quả.
Hai là, hài hòa môi trường kinh doanh, các hạ tầng kết nối về tài chính, ngân hàng, thị trường, truyền thông, logistics…cần phải hoạt động ở quy mô khu vực. Trên cơ sở đó, cần xây dựng cơ chế hài hòa, môi trường kinh doanh hệ thống pháp luật và quy định giữa các thành viên ASEAN giúp các doanh nghiệp nội khối có thể đạt được lợi thế nhờ quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu. Liên kết cơ chế một cửa ASEAN và hải quan là một ví dụ cụ thể được triển khai thực tế nhiều năm qua.
Thủ tướng cho biết, tại hội nghị này thông qua cấp bộ trưởng, Việt Nam sẽ đưa ra các sáng kiến mới về hòa mạng di động 1 giá cước toàn ASEAN. Nhắc đến thông tin doanh nghiệp Go-Jerk của Indonesia và Go-Viet sẽ khai trương dịch vụ vận chuyển hành khách trên nền tảng Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự tham dự của Tổng thống Indonesia, Thủ tướng cho rằng, điều đó hứa hẹn sẽ có nhiều hợp tác tốt đẹp trong tương lai. “Chính phủ Việt Nam mong muốn được nhìn thấy nhiều hơn nữa những hợp tác như vậy để nói với toàn thế giới rằng, không khí hợp tác khởi nghiệp đang thực sự lan tỏa trong ASEAN”.
Ba là, thúc đẩy hình thành và kết nối các vườn ươm sáng tạo. Trong thời đại 4.0, nhiều nước ASEAN đã có các trung tâm đổi mới sáng tạo và vườn ươm cấp quốc gia. Thủ tướng đề nghị xây dựng khuôn khổ kết nối vườn ươm quốc gia và mạng lưới vườn ươm rộng lớn hơn của cả khu vực.
Bốn là, tìm kiếm phát huy tài năng. Theo một báo cáo năm 2017 của Google tình trạng thiếu kỹ sư lành nghề là một thách thức lớn đối với ASEAN, chính vì vậy Thủ tướng đề nghị một chiến lược ươm mầm các tài năng các nước ASEAN.
Năm là, hình thành mạng lưới giáo dục ASEAN và hệ thống học tập suốt đời. Dưới tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi sự chuyển đổi mạnh mẽ về giáo dục phù hợp với xu thế phát triển mới, sự biến đổi liên tục của nghề nghiệp, Thủ tướng đề nghị hình thành mạng lưới kết nối về giáo dục và xây dựng hệ thống học tập suốt đời ở các nước ASEAN. Thủ tướng nhấn mạnh, với dân số hơn 640 triệu người, chiếm 8,5% dân số thế giới, quy mô kinh tế năm 2017 đạt hơn 2.760 tỷ USD, ASEAN giờ đây đã là nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á và thứ 5 của thế giới.
Cùng với việc hướng ra bên ngoài, Thủ tướng đề nghị phát huy thị trường nội khối là một thị trường đủ lớn cho các chiến lược phát triển, hướng đến thị trường ASEAN 2025 – một ASEAN mở, hợp tác đa dạng; trong đó có vai trò quan trọng và sự hợp tác tích cực của WEF – nơi khởi nguồn của nhiều ý tưởng chiến lược sáng tạo toàn cầu. Trong bối cảnh lan tỏa Cách mạng công nghiệp 4.0, môi trường khu vực và toàn cầu cạnh tranh gay gắt, cần phải chung tay hợp tác, tăng cường đoàn kết, phát huy sức mạnh nội khối để xây dựng một ASEAN hòa bình, ổn định và tự cường dựa trên luật lệ hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm. ASAN đã và sẽ tiếp tục nỗ lực khẳng định vai trò trung tâm ở khu vực cùng với các đối tác duy trì hòa bình, ổn định đảm bảo tự do, lưu giữ hàng hóa trên không, trên bộ và trên biển. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố khai mạc Hội nghị WEF ASEAN 2018.
Với chủ đề “Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, Hội nghị WEF ASEAN 2018 đóng vai trò là một diễn đàn lớn và có uy tín trong khu vực, có sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu là lãnh đạo nhiều nước trong và ngoài khu vực, nhiều tổ chức quốc tế lớn và đông đảo lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới. Đáng chú ý, đây sẽ là nơi hội tụ của 80 start-up hàng đầu khu vực ASEAN, trong đó, phần lớn là các start-up accelerator (tăng tốc khởi nghiệp), các quỹ đầu tư mạo hiểm, các chuyên gia công nghệ và các nhà lãnh đạo truyền thông.
Bao gồm khoảng gần 60 phiên thảo luận, Hội nghị WEF ASEAN là diễn đàn để các nhà lãnh đạo và các doanh nghiệp hàng đầu thế giới và khu vực chia sẻ ý tưởng, chính sách, biện pháp về phát triển khởi nghiệp, tranh thủ cơ hội cũng như hợp tác giải quyết các vấn đề cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra cho các nước ASEAN và khu vực.
Đặc biệt, trong khuôn khổ Hội nghị WEF ASEAN 2018 cũng sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam. Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 là cơ hội để thúc đẩy các đối tác tăng cường hợp tác với Việt Nam, các tập đoàn hàng đầu thế giới có tiềm lực tài chính, công nghệ và thị trường quan tâm, tăng cường đầu tư vào Việt Nam, góp phần tích cực mở rộng thị trường, tranh thủ nguồn vốn có chất lượng, công nghệ hiện đại phục vụ tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Theo Xuân Lan (congly.vn)
Nguồn bài viết: https://congly.vn/thoi-su/chinh-thuc-khai-mac-dien-dan-kinh-te-the-gioi-ve-asean-2018-267672.html