Chính phủ chỉ đạo sát sao, cụ thể việc ban hành văn bản thi hành luật, nghị quyết

07/03/2024 16:23

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dành nhiều thời gian chỉ đạo "sát sao, thường xuyên, trực tiếp và cụ thể" công tác tổ chức triển khai thi hành pháp luật và xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết.

1-1709803499.jpg

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trình bày báo cáo của Chính phủ về việc tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5 - Ảnh: VGP/Hải Minh

Sáng 7/3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã trình bày báo cáo của Chính phủ về việc tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại hai kỳ họp này.

Tại hai kỳ họp nêu trên, Quốc hội đã thông qua 9 luật, 11 nghị quyết quan trọng liên quan đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, quyền, lợi ích trực tiếp của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân, phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19, giải quyết nhiều vấn đề chưa đồng bộ của hệ thống pháp luật sau quá trình rà soát.

Nhanh chóng ban hành kế hoạch triển khai thi hành luật, nghị quyết

Sau khi kết thúc các kỳ họp trên của Quốc hội, các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo các luật, nghị quyết đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các kế hoạch để triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Căn cước (Quyết định số 175/QĐ-TTg ngày 14/2/2024); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 14/2/2024) và dự kiến sẽ ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai,…

Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành kế hoạch thực hiện các luật: Luật Căn cước; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở…

Đối với các luật, nghị quyết còn lại, dự kiến trong tháng 3/2024, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ cũng sẽ ban hành các kế hoạch triển khai thi hành.

Phổ biến các luật, nghị quyết mới được ban hành

Đa số các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện lồng ghép nội dung chỉ đạo, hướng dẫn phổ biến luật, nghị quyết mới trong kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2024.

Bên cạnh đó, đã có 27/63 tỉnh, thành phố đã có kế hoạch, công văn hướng dẫn phổ biến các luật, nghị quyết mới. Các bộ, cơ quan ngang bộ đã tổ chức các hội nghị tập huấn, biên soạn tài liệu phục vụ việc phổ biến, giới thiệu luật, nghị quyết đến người dân và doanh nghiệp.

Bộ Tư pháp đã ban hành văn bản phối hợp với các bộ, ngành chủ trì tham mưu xây dựng luật, pháp lệnh mới biên soạn tài liệu giới thiệu 7 luật. Đối với Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng, Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo văn bản phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc biên soạn tài liệu giới thiệu; phối hợp với các cơ quan chủ trì soạn thảo các luật tổ chức biên soạn tài liệu giới thiệu nội dung cơ bản các luật mới.

Hiện nay, Bộ Tư pháp đã nhận được 7/9 tài liệu giới thiệu 7 luật và đã tổ chức biên tập, đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia.

Bên cạnh đó, trên cơ sở nền tảng các ứng dụng báo chí trên mạng xã hội, các website, các bộ, cơ quan ngang bộ cũng có những biện pháp để đẩy mạnh truyền thông, đưa nội dung luật, nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.

Giải pháp bảo đảm tiến độ, chất lượng văn bản thi hành luật, pháp lệnh

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát, xác định nội dung, lập danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo tăng cường thực hiện một số giải pháp nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng văn bản như: (i) Ban hành một văn bản để quy định chi tiết nhiều nội dung được giao; (ii) Tăng cường phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngay từ đầu quá trình soạn thảo để theo dõi, đôn đốc tình hình thực hiện, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình soạn thảo; (iii) Chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ động rà soát, gửi thông báo đến HĐND, UBND cấp tỉnh những nội dung luật, pháp lệnh, nghị quyết giao cho chính quyền địa phương quy định chi tiết để kịp thời xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết và tổ chức triển khai thi hành các luật, pháp lệnh một cách đồng bộ, hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết, trong đó xác định rõ tên văn bản, nội dung giao quy định chi tiết, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan phối hợp và thời hạn trình, ban hành văn bản.

Để quy định chi tiết các luật, nghị quyết được thông qua tại hai kỳ họp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ ban hành 56 văn bản, trong đó có 29 nghị định, 5 quyết định, 22 thông tư:

+ Luật Căn cước: Chính phủ ban hành 2 nghị định, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành 1 thông tư để quy định chi tiết 16 nội dung.

+ Luật Tài nguyên nước: Chính phủ ban hành 2 nghị định, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành 3 thông tư quy định chi tiết 29 nội dung.

+ Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Chính phủ ban hành 1 nghị định, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành 1 thông tư để quy định chi tiết 8 nội dung.

+ Luật Viễn thông: Chính phủ ban hành 3 nghị định, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành 2 thông tư quy định chi tiết 29 nội dung.

+ Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự: Chính phủ ban hành 2 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 quyết định, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành 1 thông tư quy định chi tiết 20 nội dung.

+ Luật Nhà ở: Chính phủ ban hành 3 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 1 quyết định, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành 1 thông tư, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành 1 thông tư, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành 1 thông tư quy định chi tiết 70 nội dung.

+ Luật Kinh doanh bất động sản: Chính phủ ban hành 2 nghị định, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành 1 thông tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành 1 thông tư quy định chi tiết 22 nội dung.

+ Luật Đất đai: Dự kiến Chính phủ ban hành 10 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 1 quyết định, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành 4 thông tư, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành 1 thông tư quy định chi tiết 106 nội dung.

+ Luật Các tổ chức tín dụng: Dự kiến Chính phủ ban hành 3 nghị định, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành 4 thông tư quy định chi tiết 11 nội dung.

+ Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu: Chính phủ ban hành 1 nghị định quy định chi tiết 3 nội dung.

Hiện các bộ được giao chủ trì soạn thảo đang tiến hành triển khai thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, với quyết tâm cao nhằm bảo đảm về tiến độ và chất lượng của văn bản.

Ngoài các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết nêu trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ còn có trách nhiệm rà soát, ban hành để sửa đổi, bổ sung các nghị định, quyết định và thông tư thuộc thẩm quyền để triển khai thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Đồng thời rà soát để xác định những văn bản liên quan có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn để đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời nhằm thực hiện thống nhất các quy định của pháp luật.

2-1709803504.jpg

Ảnh: VGP/Hải Minh

Công khai việc chậm, nợ ban hành văn bản

Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và báo cáo Chính phủ về tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ và phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật.

Chính phủ yêu cầu công khai tình hình soạn thảo và chậm, nợ ban hành văn bản trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ; thường xuyên có văn bản đôn đốc công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh; tổ chức các buổi làm việc, kiểm tra liên ngành và tổ chức các cuộc họp với các bộ, cơ quan ngang bộ nhằm trao đổi, thảo luận, đề ra các biện pháp xử lý một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện công tác.

Kết quả thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 736/KH-UBTVQH15

Theo yêu cầu tại Kế hoạch số 736 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã xây dựng, trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/1/2024 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Chính phủ đã thông qua đề nghị xây dựng: Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Đối với 2 dự án luật còn lại, Chính phủ đang đề xuất bổ sung vào Chương trình năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và thông qua tại Kỳ họp thứ 9).

Về cải cách thủ tục hành chính và tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5/1/2024, đề ra 17 chỉ tiêu cụ thể về cải cách thủ tục hành chính các bộ, ngành, địa phương cần đạt được trong năm 2024.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 104/QĐ-TTg ngày 25/1/2024 ban bành Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm trong năm 2024.

Chính phủ đang xem xét Đề án về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025. Sau khi xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp xây dựng dự thảo Quyết định bổ sung Phụ lục Danh mục và phân công cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV ban hành kèm theo Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của bộ, cơ quan ngang bộ nghiên cứu, sửa đổi Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Nghị quyết số 36/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công, Luật Cư trú, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Giám định tư pháp, Luật Thi hành án dân sự, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Kế toán, Luật Bình đẳng giới.

Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng mới dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo 3, 4 tuổi tại một số tỉnh, thành phố, dự án Luật điều chỉnh về bảo vệ dữ liệu cá nhân, dự án Luật điều chỉnh về khu công nghiệp, khu kinh tế.

Khó khăn, vướng mắc trong thi hành luật, nghị quyết

Trong quá trình triển khai thi hành luật, nghị quyết, Báo cáo của Chính phủ cho thấy còn một số khó khăn, vướng mắc như nội dung giao quy định chi tiết là khá lớn, thời gian ban hành gấp dẫn đến khó khăn trong việc bảo đảm có hiệu lực đồng thời của văn bản quy định chi tiết với luật, nghị quyết được Quốc hội ban hành.

Hoạt động phổ biến các luật, pháp lệnh, nghị quyết mới tại một số bộ, ngành, địa phương còn triển khai chưa kịp thời. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức phổ biến các luật, nghị quyết mới thông qua ở một số thời điểm chưa thường xuyên, chặt chẽ.

Còn tình trạng chờ hướng dẫn của cấp trên trong triển khai hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật thực hiện các luật, nghị quyết; nhiều địa phương chưa chủ động triển khai phổ biến các văn bản pháp luật mới.

Nguồn lực bảo đảm cho công tác thi hành pháp luật còn nhiều hạn chế: cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, triển khai thi hành pháp luật, cán bộ pháp chế còn thiếu về số lượng, kiêm nhiệm nhiều công việc, năng lực chuyên môn còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc tham gia công tác xây dựng pháp luật, triển khai thi hành pháp luật còn ở chừng mực nhất định./.

Bạn đang đọc bài viết "Chính phủ chỉ đạo sát sao, cụ thể việc ban hành văn bản thi hành luật, nghị quyết" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin