“Chặt” vòi bạch tuộc tham nhũng ở các Dự án cao tốc: Cần quan tâm giải quyết các kiến nghị của Bộ công an qua vụ án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi

(Pháp lý) - Còn nhớ, tại Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn, Thủ tưởng nhấn mạnh: "Chúng ta phải chống tiêu cực, tham nhũng trong xây dựng dự án, ăn cắp vật tư, vật liệu thi công làm cho đường chất lượng xấu, bán thầu. Đặc biệt, việc thông đồng cùng với sự buông lỏng của chủ đầu tư hoặc chủ đầu tư bị mua chuộc không phát hiện được tiêu cực dẫn tới nhiều hệ luỵ… Nếu đơn vị nào làm sai, thông đồng, tiêu cực thì sẽ bị xử lý nghiêm khắc nhất. ".

Sở dĩ người đứng đầu Chính Phủ khi đó nhấn mạnh như vậy là bởi trước đó đã có không ít vụ việc tiêu cực xảy ra trong lĩnh vực đầu tư xây dựng các dự án giao thông đường bộ, mà điển hình là vụ án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi - một vụ án đặc biệt nghiêm trọng đã được Bộ Công an điều tra xử lý.

Vấn đề quan trọng là qua vụ án này, các cơ quan quản lý cần rút ra được bài học gì về công tác phòng chống tham nhũng ? đặc biệt là có giải pháp pháp luật hữu hiệu nào để “chặt” vòi bạch tuộc tham nhũng ở các dự án cao tốc ..?

Hình ảnh mặt đường cao tốc tại km21 thuộc cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi bị lún võng

Bộ Công an chỉ ra 4 'lỗ hổng’ trong đầu tư cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Báo cáo kết quả điều tra vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Bộ Công an đã chỉ ra 4 ‘lỗ hổng’ trong đầu tư xây dựng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dẫn tới dự án vừa khai thác đã hư hỏng.

Thứ nhất, Tổng công ty VEC ký hợp đồng thuê liên danh tư vấn giám sát OC-KEI-SMEC (Nhật Bản) giám sát thi công đoạn cao tốc Đà Nẵng - Tam Kỳ (Quảng Nam), và CDM Smith (Mỹ) giám sát thi công đoạn Tam Kỳ - Quảng Ngãi, nhưng trên công trường chỉ có một số ít là kỹ sư nước ngoài, phần lớn là các kỹ sư người Việt yếu năng lực, thiếu kinh nghiệm giám sát dự án.

Các đơn vị tư vấn giám sát không có công cụ để kiểm tra chất lượng, thí nghiệm độc lập mà phụ thuộc vào nhà thầu thi công, vì vậy tư vấn giám sát không phát huy được tính độc lập, tự chủ về chuyên môn, không giám sát được chất lượng công trình nhưng vẫn ký xác nhận chất lượng công trình.

‘Lỗ hổng’ lớn nhất trong thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được chỉ ra là các nhà thầu nước ngoài có năng lực như: Công ty OHL (Tây Ban Nha) thi công gói thầu số 7; Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) thi công gói thầu A1 và A4; liên danh Tập đoàn Sơn Đông - Giang Tô (Trung Quốc) thi công gói thầu A2, A3; Tập đoàn Posco (Hàn Quốc) thi công gói thầu A5, sau khi trúng thầu không trực tiếp thi công mà đi thuê rất nhiều thầu phụ Việt Nam làm các hạng mục chính, quan trọng của dự án.

Tại gói thầu A3 do liên danh Tập đoàn Sơn Đông - Giang Tô trúng thầu, liên danh này đã chia nhỏ gói thầu A3 cho nhiều thầu phụ trong nước làm. Chỉ một đoạn ngắn từ km101+800 đến Km102+400 (dài 0,4km) của gói thầu A3 cũng được giao tới 4 nhà thầu thực hiện.

Việc liên danh Tập đoàn Sơn Đông - Giang Tô ‘băm nát’ gói thầu nhưng không có cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá năng lực thầu phụ, thầu thứ cấp, dẫn đến mất khả năng kiểm soát chất lượng công trình xây dựng. Liên danh nhà thầu Trung Quốc này cũng tự giải thể khi dự án còn nhiều công đoạn chưa thực hiện, công trình chưa được bàn giao.

Bên cạnh đó, dù cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được thông tuyến từ tháng 9-2018 nhưng còn nhiều hạng mục chưa hoàn thành. Trong đó có 58 đường gom, đường ngang dân sinh, đường mượn của dân để thi công công trình, đường 24B kết nối với nút giao Bắc Quảng Ngãi chưa được thi công hoàn trả cho địa phương. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết nối giao thông, đến đi lại, sinh hoạt của người dân, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Bộ Công an kiến nghị gì ?

Theo điều tra, dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là dự án trọng điểm, có vốn lên tới 34.516 tỉ đồng do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, tổng chiều dài gần 140km. Giai đoạn 1 của dự án dài 65km, từ TP Đà Nẵng tới TP Tam Kỳ (Quảng Nam), giai đoạn 2 dài hơn 74km.

Đến nay, riêng 65km thuộc giai đoạn 1 dự án đã có tới 380 điểm hư hỏng trên tuyến chính (trung bình 1km có 6 điểm hư hỏng).

Theo kết luận điều tra, giai đoạn 1 của dự án có 7 gói thầu được VEC ký kết thực hiện thi công. Quá trình điều tra, cơ quan điều tra phát hiện nhiều bất cập, sơ hở trong quản lý, thực hiện đầu tư, xây dựng Dự án nên đã tham mưu cho Bộ Công an báo cáo Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải một số nội dung.

Theo đó, cần khẩn trương rà soát hệ thống văn bản pháp luật có liên quan công tác thi công, giám sát, thanh quyết toán… Lý do, đơn vị thiết kế kỹ thuật dự án đã không tham gia công tác điều chỉnh thiết kế khi có phát sinh, không tham gia giám sát tác giả thiết kế…

Cũng theo cơ quan điều tra, việc lựa chọn nhà thầu nước ngoài tham gia thi công, giám sát có chi phí rất lớn nhưng thực tế lại do các đơn vị, kỹ sư người Việt Nam thực hiện ở hiện trường. Vấn đề chia nhỏ gói thầu khi thực hiện dự án làm mất kiểm soát chất lượng trong công tác thi công, phân bổ và bố trí nguồn vốn thực hiện dự án.

Để tăng hiệu quả dự án xây dựng, phía điều tra cho rằng cần thể chế hóa, quy định cụ thể về năng lực, tài chính, nhân sự, máy móc… của nhà thầu phụ và các cá nhân được nhà thầu chính chọn thực hiện thi công, giám sát. Trong đó, các dự án quan trọng của quốc gia cần có quy định, điều kiện tiêu chuẩn cao hơn.

'Băm nát', chia nhỏ gói thầu là một trong những nguyên nhân dẫn tới mất kiểm soát chất lượng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Đặc biệt, cơ quan điều tra cho rằng cần tránh tình trạng chia nhỏ các gói thầu, nhà thầu chính giao cho nhiều nhà thầu phụ không đủ năng lực dẫn tới không kiểm soát được chất lượng công trình.

Ngoài ra, cần tháo gỡ khó khăn về vốn để chủ đầu tư, nhà thầu thi công hoàn thành các hạng mục công trình, hoàn trả các đường công vụ, đường dân sinh, đường mượn của nhân dân nơi có dự án đi qua.

Từ các ‘lỗ hổng’ quản lý chất lượng công trình trên, Bộ Công an kiến nghị Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương rà soát lại các văn bản pháp luật có liên quan trong tất cả các khâu đấu thầu, thi công, giám sát, thanh quyết toán để khắc phục bất cập. Đặc biệt trong đấu thầu phải khắc phục triệt để tình trạng chia nhỏ, ‘băm nát’ gói thầu, giao nhiều nhà thầu phụ, thầu thứ cấp không đủ năng lực làm dự án, dẫn đến mất kiểm soát chất lượng.

8 trong số 36 bị can bị đề nghị truy tố vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi - Ảnh: Bộ Công an

Phải “chặt” cho được “vòi bạch tuộc” tham nhũng ở các Dự án cao tốc…

Với vụ án nghiêm trọng xảy ra ở cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, danh sách 36 bị can đã bị đề nghị truy tố chưa chắc đã dừng lại. Chỉ biết rằng những “ vòi bạch tuộc” rút ruột công trình dự án trong vụ án này đã “ góp phần” làm suy giảm nguồn lực của đất nước.

Hẳn qua vụ án này, các cơ quan quản lý trong đó có các Bộ ngành, đặc biệt là Bộ GTVT đã rút ra được những bài học xương máu.

Chúng tôi cho rằng yêu cầu quan trọng nhất lúc này đặt ra đối với các Bộ ngành là cần tiếp thu và nhanh chóng giải quyết cho được các kiến nghị rất trúng của Bộ Công an. Trong đó cần sửa ngay những qui định bất cập, có kẽ hở để các đối tượng lách luật.

Một số giải pháp khác theo chúng tôi cũng rất thiết thực đó là: Phát động phong trào tố giác hành vi bán thầu, thông thầu, ăn cắp , rút lõi vật tư; Có cơ chế bảo vệ và phần thưởng xứng đáng cho báo chí và người dân tố giác hành vi bán thầu, thông thầu, ăn cắp, rút lõi vật tư; Công tác quản trị, con người, chế tài của luật cũng đặc biệt quan trọng. Đặc biệt các cơ quan tố tụng cần có biện pháp nghiệp vụ để điều tra ra các phi vụ “ đi đêm”, đưa nhận hối lộ để được trúng thầu hoặc đưa nhận hối lộ để ăn cắp rút lõi vật tư. Cần xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, xử đúng tội với chế tài mạnh, không bỏ lọt tội phạm.

Chỉ có như vậy mới có tác dụng răn đe tội phạm nguy hiểm này. Và có như vậy mới “chặt đứt” được những vòi bạch tuộc đang “ nhòm ngó” tính vươn tới “ rút ruột” các dự án cao tốc khác…..

Lê Phúc

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin