Câu hỏi về tương lai của Facebook sau quyết định chặn tin tức đối với Australia

Quyết định chặn tin tức với Australia của Facebook đã đặt ra những câu hỏi mới về tương lai của nền tảng mạng xã hội đang được khoảng 2 tỷ người sử dụng này và mối quan hệ của nó với truyền thông.

Facebook thông báo sẽ hạn chế chia sẻ các nội dung tin tức quốc tế ở Australia. Ảnh: EPA-EFE/TTXVN

Thách thức nỗ lực của Australia trong việc buộc các công ty công nghệ trả tiền cho nội dung tin tức xuất hiện trên các nền tảng số, Facebook quyết định "chặn" nội dung tin tức đối với nước này.

Quyết định này của Facebook đã đặt ra những câu hỏi mới về tương lai của nền tảng mạng xã hội đang được khoảng 2 tỷ người sử dụng này và mối quan hệ của nó với truyền thông.
Giới chuyên gia chỉ ra rằng dù không được thành lập như một cơ quan báo chí, và theo Facebook, các nội dung tin tức chỉ chiếm 4% nội dung hiển thị trên trang của người dùng, nhưng nền tảng này đã trở thành một nguồn thông tin quan trọng đối với nhiều người trên thế giới, đặc biệt là những người dùng Internet trẻ tuổi, trong khi báo chí truyền thống đang mất dần chỗ đứng của mình.
Bà Kjerstin Thorson, Giáo sư chuyên ngành truyền thông xã hội của Đại học Michigan State University, cho rằng đây là minh chứng rõ nét cho sức mạnh của Facebook. Bà Thorson lưu ý rằng hành động của Facebook có thể lấy đi của người dùng nguồn thông tin chất lượng cao, nhưng không vì thế mà người ta không còn mong muốn được biết tin tức. Và đây sẽ là cơ hội cho những tin đồn và nguồn thông tin độc hại được phổ biến.
Quyết định của Facebook được đưa ra khi Chính phủ Australia quyết tâm thúc đẩy việc ban hành Bộ quy tắc thương lượng truyền thông nhằm buộc các công ty công nghệ trả tiền cho nội dung tin tức xuất hiện trên các nền tảng số.
Ông Campbell Brown, người đứng đầu bộ phận phụ trách mối quan hệ của Facebook với các đối tác tin tức, cho rằng biện pháp trên của Australia không nhận thức được bản chất của mối quan hệ giữa nền tảng của Facebook và các nhà phát hành tin tức.

Theo ông, ngược lại với ý kiến của nhiều người, Facebook không đánh cắp các nội dung tin tức, mà chính các nhà phát hành đã lựa chọn chia sẻ thông tin trên Facebook. Từ việc tìm kiếm độc giả và người theo dõi đến tạo ra doanh thu, các cơ quan báo chí sẽ không dùng Facebook nếu nền tảng này không giúp gì được cho lợi nhuận của họ.
Ông Chris Moos, nhà nghiên cứu và giảng viên trường Said Business School thuộc Đại học Oxford, cho rằng mâu thuẫn ở Australia xoay quanh việc tái đàm phán một mối quan hệ đã căng thẳng suốt nhiều năm.

Theo ông, dù Facebook có vẻ như đang có lợi thế, nhưng “gã khổng lồ" mạng xã hội này sẽ đánh mất sự hấp dẫn của mình nếu không có các nội dung tin tức chuyên nghiệp. Chuyên gia này khẳng định các cơ quan báo chí và Facebook đều cần đến nhau, hai bên đều có động lực để hợp tác đi đến đồng thuận./.

Theo bnews.vn

Nguồn bài viết: https://bnews.vn/cau-hoi-ve-tuong-lai-cua-facebook-sau-quyet-dinh-chan-tin-tuc-doi-voi-australia/187134.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin