Cảnh báo về nhiều dạng hợp đồng lạ không đúng quy định theo Luật Nhà ở

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) vừa đưa ra cảnh báo về nhiều dạng hợp đồng lạ, không đúng quy định theo Luật Nhà ở, đề nghị người dân cẩn trọng để tránh bị thiệt hại.

Hiện nay đã xuất hiện một số loại hợp đồng giao dịch có tên gọi như “Hợp đồng mua bán quyền căn hộ”, “Hợp đồng chuyển nhượng tài sản”, trong đó đối tượng mua bán là căn hộ du lịch hoặc quyền sử dụng căn hộ (chứ không phải quyền sở hữu). 

6-1631758295.jpeg
 

Các hợp đồng này đều không căn cứ vào Luật Nhà ở, văn bản đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai của Sở Xây dựng tỉnh, thành phố hay hợp đồng bảo lãnh của ngân hàng đối với nghĩa vụ tài chính của bên bán trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ bàn giao căn hộ, thời hạn sử dụng các loại căn hộ này ghi trong hợp đồng là 50 năm.

Hợp đồng mua bán quyền căn hộ chỉ đề cập đến quyền sử dụng căn hộ, quyền sử dụng phần diện tích thuộc sở hữu chung… mà không đề cập tới quyền sở hữu cũng như việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, những dạng hợp đồng này hoàn toàn không đúng quy định pháp luật, chưa được cơ quan quản lý nhà nước thông qua. Người dân trước khi thực hiện giao dịch cần lưu ý: 

Phải kiểm tra những thông tin cơ bản trong hợp đồng được bên bán cung cấp để xác định chính xác đối tượng mà mình muốn mua.

Ví dụ, đối với hợp đồng mua bán căn hộ chung cư, đối tượng mua bán là “căn hộ chung cư”; các căn cứ quan trọng xác lập hợp đồng mua bán căn hộ chung cư là Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; văn bản bảo lãnh của ngân hàng về việc bảo lãnh nghĩa vụ của chủ đầu tư liên quan đến việc chậm bàn giao căn hộ và thông báo của Sở Xây dựng tỉnh, thành phố về việc bán nhà ở hình thành trong tương lai (đối với hợp đồng mua bán căn hộ chung cư hình thành trong tương lai) hoặc biên bản nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng của cơ quan có thẩm quyền (đối với hợp đồng mua bán căn hộ có sẵn); mục đích sử dụng căn hộ: để ở.

Bên mua được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất… Trong trường hợp hợp đồng có những quy định gây khó hiểu hoặc “lạ lẫm” như “căn hộ du lịch”, “căn hộ khách sạn”, “hợp đồng mua bán quyền tài sản”, “hợp đồng chuyển nhượng tài sản”, “dự án không hình thành đơn vị ở”… bên mua cần yêu cầu đơn vị bán hàng giải thích và cung cấp cơ sở pháp lý, đồng thời tự mình tìm hiểu thêm thông tin qua nhiều kênh khác nhau (như các cơ quan xây dựng, các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng).

Xác minh thông tin về bản hợp đồng được cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể, đối với các hợp đồng liên quan đến bất động sản, theo quy định doanh nghiệp phải đăng ký hợp đồng mua bán căn hộ chung cư tại cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thẩm quyền trước khi giao kết với người tiêu dùng. 

Có một số trường hợp các chủ đầu tư đưa ra bản thông báo về việc chấp nhận đăng ký hợp đồng theo mẫu để tạo niềm tin cho khách hàng nhưng trên thực tế đó lại là thông báo chấp nhận cho một hợp đồng khác. Để tránh trường hợp trên khách hàng cần xác minh lại chính xác bản hợp đồng đã được cơ quan có thẩm quyền thông qua. 

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: https://doanhnghiephoinhap.vn/canh-bao-ve-nhieu-dang-hop-dong-la-khong-dung-quy-dinh-theo-luat-nha-o.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin