Cần xử lý hình sự kịch khung đối tượng đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép

28/07/2020 11:42

Sự việc hàng chục người Trung Quốc nhập cảnh trái phép và lưu trú nhiều ngày tại TP.Đà Nẵng và Quảng Nam dấy lên những lo ngại xen lẫn bức xúc, phẫn nộ trong dư luận. Bởi đây không còn là vụ lẻ tẻ mà đã thành đường dây có “đầu nậu” và nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19 qua con đường này là hiện hữu.

Quá phẫn nộ, bức xúc

Tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới. Đã có rất nhiều người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào nước ta và bị lực lượng chức năng ở các địa phương phát hiện. Mới đây nhất, sự việc hàng chục người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào nước ta thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Công an TP.Đà Nẵng đã khởi tố vụ án “Tổ chức cho người khác nhập cảnh vào Việt Nam trái phép” sau khi phát hiện 31 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào các ngày 11 và 16/7. Chưa dừng lại ở đó, chiều 18/7, Công an tỉnh Quảng Nam cũng phát hiện 21 người Trung Quốc lưu trú trái phép tại thị xã Điện Bàn và TP.Hội An, trong đó 17 người không có giấy tờ tùy thân. Điều đáng nói ở đây chính là việc xuất hiện những đường dây đưa người vượt biên giới để nhập cảnh trái phép vào nước ta.

Một nhóm người Trung Quốc bị phát hiện nhập cảnh trái phép ở Đà Nẵng.

Khi trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, ĐBQH Phạm Văn Hòa - Ủy viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội - đã thốt lên: “Quá bức xúc, quá phẫn nộ!”.

“Sau 99 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, ngành kinh tế nói chung, du lịch nói riêng đã khởi động trở lại đầy tín hiệu lạc quan, phấn khích. Tuy nhiên, trong ngày 24/7, chúng ta có thêm 1 ca lây nhiễm từ cộng đồng. Đây là ca lây nhiễm có sự bất thường. Tôi lo ngại vì việc đưa người nước ngoài, mà ở đây là người Trung Quốc, nhập cảnh trái phép rồi cư trú bất hợp pháp ẩn chứa nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Nhóm người Việt Nam đó tiếp tay cho người nước ngoài, vì chút lợi ích cá nhân lại bất chấp biết bao cố gắng, công sức, tiền của của cả nước để rắp tâm làm điều đáng lên án”, ĐBQH Phạm Văn Hoà bức xúc nói.

Ông Hoà cũng nhìn nhận, trước ca bệnh 416, dù không có ca nhiễm cộng đồng nhưng công tác phòng, chống dịch ở Việt Nam vẫn chưa ngưng. Chính phủ Việt Nam vẫn đang lo chuyện đón người Việt đi học, đi làm từ nước ngoài về, tổ chức cách ly nghiêm ngặt, chữa trị chu đáo. Mọi cố gắng nhằm không phát sinh ca bệnh mới trong cộng đồng. Đây thực sự là một cuộc chiến khốc liệt khi cả đất nước phải vào cuộc với sự huy động toàn lực cùng sự thống nhất cao độ của toàn thể nhân dân.

ĐBQH Phạm Văn Hoà bày tỏ sự bức xúc khi người Việt tiếp tay cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép.

Nhìn nhận thêm về sự việc này, ĐBQH Phạm Văn Hòa còn đặt ra câu hỏi: “Ngoài con số mà cơ quan chức năng đã phát hiện, liệu còn có bao nhiêu người khác chưa bị phát hiện? Quảng Nam, Đà Nẵng phát hiện ra, còn những tỉnh, thành khác có không? Họ đã và đang ở đâu, đang làm gì? Điều nguy hiểm ở đây là họ không được kiểm tra, giám sát y tế chặt chẽ từ biên giới. Nếu lỡ họ có bệnh và tiếp xúc với nhiều người trong cộng đồng thì hậu quả khó lường. Vụ việc thực sự nguy hiểm, rung hồi chuông báo động khẩn cấp, thức tỉnh sự chủ quan và bày ra nguy cơ bùng phát dịch trở lại nếu đất nước không kịp thời ngăn chặn những trường hợp tương tự”.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc trung tâm Điều tra dư luận xã hội (viện Xã hội học).

PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc trung tâm Điều tra dư luận xã hội (viện Xã hội học) - khi trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật đã nói rằng: “Đối với việc lưu trú từ vài ngày cho đến vài tuần của những người nước ngoài nhập cảnh trái phép trên địa bàn Quảng Nam hay TP.Đà Nẵng, tôi lên án thái độ thờ ơ, ý thức tồi tệ, vô trách nhiệm, sự tiếp tay vô nhân đạo của các chủ biệt thự, chủ khách sạn, chủ nhà trọ.

Hành vi đó không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tạo nên một nguy cơ hoàn toàn có khả năng về nguồn lây dịch bệnh khi không được kiểm soát. Thời điểm này, mỗi người dân càng phải nâng cao cảnh giác, có ý thức trong việc phát hiện, khai báo khi có người lạ xuất hiện trên địa bàn mình sinh sống để ngăn chặn những mầm họa một cách kịp thời”.

Phải xử lý hình sự kịch khung

Dư luận vô cùng phẫn nộ trước hành vi phạm tội của những kẻ đưa người nước ngoài trái phép vào Việt Nam trong tình cảnh cả nước phải hy sinh nhiều mặt để ngăn chặn dịch bệnh.

Khách sạn East Sea (Đà Nẵng), nơi đang cách ly nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Bày tỏ về vụ việc, luật sư Bùi Đình Ứng (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nhìn nhận: Đây là hành vi nguy hiểm, các đối tượng đã bất chấp quy định về luật pháp cũng như công tác phòng ngừa dịch bệnh của Việt Nam để thu lợi cá nhân. Phải lên án những hành vi có tính chất phá hoại này.

Theo Điều 348, Bộ luật Hình sự năm 2015, “Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép” có mức hình phạt cao nhất là 15 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

Những đối tượng nhập cảnh trái phép, cư trú trái phép tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là hành vi nguy hiểm cho xã hội, hoàn toàn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự để đảm bảo an ninh, an toàn cũng như phòng chống dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, luật sư cho hay, nếu những đối tượng vượt biên một mình, không theo đường dây môi giới hoặc không bắt được đối tượng cầm đầu thì sẽ vi phạm quy định về nhập cảnh trái phép theo Điều 347, Bộ luật Hình sự 2015. Mức phạt cao nhất là 3 năm tù.

Luật sư Bùi Đình Ứng (đoàn Luật sư TP.Hà Nội).

Trong trường hợp, những người tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và làm lây truyền dịch bệnh thì cần thiết phải áp dụng tình tiết tăng nặng hình phạt theo khoản 1, Điều 52, Bộ luật Hình sự năm 2015 là lợi dụng tình trạng dịch bệnh để phạm tội.

Đối với những đối tượng biết mình nhiễm Covid-19 nhưng cố tình nhập cảnh vào Việt Nam, cư trú trái phép hoặc thực hiện các việc hành vi đi lại, giao tiếp không tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lây truyền bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Vấn đề này cơ quan chức năng sẽ phải làm rõ.

“Việc để lọt các đối tượng nhập cảnh trái phép từ các nước có dịch không chỉ dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại mà còn ảnh hưởng đến an ninh chính trị, an toàn trật tự xã hội. Có những đối tượng nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích hoạt động phi pháp, thực hiện những hành vi trái pháp luật như sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tổ chức đánh bạc trên mạng internet với quy mô xuyên quốc gia gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh chính trị. Vì vậy, để đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật, các đối tượng này cần phải bị xử lý hình sự ở mức hình phạt cao nhất”, luật sư Ứng nhấn mạnh.

Dấu hỏi trong việc buông lỏng quản lý

Sự việc người nước ngoài dễ dàng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam chứng tỏ có lỗ hổng nhập cảnh. Trước đây đã có những bài học cay đắng từ việc bệnh nhân số 17 về nước không khai báo, không chịu cách ly, hay những người bay từ Anh về mà không được kiểm soát y tế chặt chẽ.

Sự việc lần này khiến dư luận không ngừng đặt ra những câu hỏi về trách nhiệm của lực lượng chức năng, từ biên giới, cửa khẩu, đến lực lượng tại các cơ sở.

Đà Nẵng ra quân tổng kiểm tra, rà soát người nước ngoài lưu trú trên địa bàn.

Về vấn đề này, ĐBQH Phạm Văn Hoà bày tỏ: “Lực lượng chức năng đã ngăn chặn, phòng ngừa ra sao mà để nhập cảnh trái phép lại không hề hay biết? Tại sao chỉ khi họ đến Đà Nẵng, Quảng Nam mới phát hiện được? Đề cao cảnh giác, trách nhiệm là điều cấp thiết và vô cùng quan trọng. Do vậy cần phải truy cho rõ nguồn gốc vụ việc, qua đó quy trách nhiệm cụ thể từng tổ chức cá nhân liên quan. Phải rà soát, kiểm tra xem có tình trạng đối tượng lợi dụng sự mất cảnh giác mà trốn sang không. Hay có sự móc ngoặc với những người có chức trách ở khu vực biên giới hay không”.

“Nếu không kiểm soát tốt ngay tuyến đầu, người nước ngoài nhập cảnh trái phép, rồi cư trú vào các khu dân cư thì rất khó phát hiện kịp thời. Việc có hay không sự móc ngoặc, tiếp tay để cho các đối tượng vượt biên trái phép cần truy tới tận cùng gốc rễ của vấn đề, làm rõ, xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa, đảm bảo không còn tình trạng này xảy ra sau này”, ông Hòa cho hay.

“Câu chuyện nhập cảnh trái phép không mới, đó là loại hình tội phạm đa dạng, biến tướng và tồn tại lâu nay. Sự việc tại Đà Nẵng hay Quảng Nam gây bức xúc dư luận hơn cả vì nó xảy ra vào thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến quá phức tạp trên toàn thế giới. Mục đích của những người này sang Việt Nam là gì, tránh dịch hay là có mưu đồ gì khác? Lực lượng chức năng để xảy ra sự việc như vậy là phải chịu trách nhiệm, đó là điều không phải bàn cãi. Cái chúng ta quan tâm, là khi cơ quan chức năng mạnh thì tội phạm sẽ giảm bớt; khi việc quản lý có sự buông lỏng, lơ là thì chắn chắn tội phạm sẽ bùng lên”

ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Phó Trưởng Đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng)

Theo nguoiduatin.vn

Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/can-xu-ly-hinh-su-kich-khung-doi-tuong-dua-nguoi-nuoc-ngoai-nhap-canh-trai-phep-a483766.html

Bạn đang đọc bài viết "Cần xử lý hình sự kịch khung đối tượng đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin