
Quang cảnh Hội nghị “Liên kết phát triển du lịch một số tỉnh, thành trong khu vực Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên”
Hội nghị do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Cty TNHH MTV Quản lý khách sạn và khu nghỉ dưỡng FLC (FLC Hotels & Resorts) tổ chức vào chiều 30/5. Tham dự Hội nghị có ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; đại diện lãnh đạo các địa phương:Bình Định, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Lắk; cùng các chuyên gia du lịch, đại biểu đại diện các hãng hàng không, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trong và ngoài nước.
Cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch, nhân lực là 3 điểm nghẽn cốt lõi cần được ưu tiên tháo gỡ
Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng; phát triển sản phẩm du lịch văn hóa - ẩm thực; đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp; thông tin quảng bá du lịch… là những nội dung được các đại biểu tham dự Hội nghị quan tâm. Theo bà Trần Thị Kim Qui - Phó Tổng giám đốc FLC Hotels & Resorts, để trở thành điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước, các tỉnh duyên hải miền Trung - Tây Nguyên nói chung và Quy Nhơn nói riêng cần tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng, đặc biệt là hàng không.
Là đơn vị khai thác điểm đến, bà Qui cho biết, FLC Hotels & Resorts đã phải làm công việc “kép”: vừa đầu tư vào lưu trú, dịch vụ, trải nghiệm vừa đóng vai trò kết nối dòng khách - điều không thể tách rời khỏi năng lực vận chuyển. Tuy nhiên theo bà Qui, dù có hệ sinh thái dịch vụ tốt đến đâu, nhưng thiếu chuyến bay phù hợp, doanh nghiệp cũng khó đưa khách đến và giữ chân họ.

Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng, phát triển sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực… là những nội dung được các đại biểu tham dự Hội nghị quan tâm
Bà Qui chia sẻ: “Chúng tôi từng phối hợp với địa phương đề xuất triển khai các chuyến bay charter và đã nhận được sự quan tâm từ nhiều đối tác lữ hành. Tuy nhiên, một đoàn khách quốc tế quy mô gần 10.000 người dù rất muốn ký hợp đồng đưa khách về Quy Nhơn nhưng cuối cùng đã không thể thực hiện được do không có phương án đường bay thuận tiện”
Từ thực tế trên, bà Qui kiến nghị, cần xây dựng cơ chế phối hợp công - tư trong phát triển hạ tầng kết nối, nhất là hàng không, thông qua việc hỗ trợ mở rộng mạng lưới đường bay, xúc tiến các chuyến bay charter và tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng kế hoạch vận chuyển khách quốc tế đến các điểm đến mới nổi.
Đồng thời, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm du lịch văn hóa - ẩm thực; đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng dịch vụ và khả năng hội nhập quốc tế của doanh nghiệp du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới; có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, hướng tới tiêu chuẩn quốc tế và phát triển bền vững…
Quan điểm của bà Trần Thị Kim Qui nhận được sự đồng tình của CEO DA Trip - Choice Young Gill. Theo CEO này, muốn thu hút du khách Hàn Quốc đến với Quy Nhơn cần tháo gỡ một số khó khăn trước mắt như: thiếu đường bay thẳng từ Hàn Quốc; thiếu sản phẩm du lịch đa dạng; thiếu nhân lực giao tiếp bằng tiếng Hàn; thiếu thông tin quảng bá du lịch Quy Nhơn...
Ở góc độ tiếp cận khác, bà Phạm Hương Trang (Đại học RMIT) phân tích, xu hướng du lịch cá nhân hóa đang tác động mạnh mẽ tới lựa chọn điểm đến và sản phẩm du lịch. “Ngày nay, du khách chủ động tìm kiếm thông tin, đọc đánh giá và lựa chọn theo sở thích cá nhân. Họ ưu tiên các yếu tố bền vững, xanh và mong muốn trải nghiệm sâu sắc về văn hóa, tri thức bản địa. Điều này đòi hỏi các địa phương và doanh nghiệp phải tái cấu trúc sản phẩm, dịch vụ cho phù hợp”, bà Trang nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS. Lê Hồng Vương, Phó Trưởng khoa Du lịch (Đại học Văn Hiến), cho rằng du lịch xanh sẽ là hướng đi lâu dài. Đây là loại hình gắn liền với việc bảo vệ môi trường, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên và phát huy giá trị tri thức bản địa – những yếu tố đang ngày càng được du khách đề cao.
Tại Hội nghị, các diễn giả, doanh nghiệp du lịch, lữ hành đã thảo luận tập trung vào các vấn đề: (i) Triển khai chủ trương, chính sách của Trung ương về du lịch; (ii) Hạt nhân và động lực phát triển của Du lịch Việt Nam và kết quả hợp tác liên kết giữa các tỉnh, thành trong khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên; (iii) Giải pháp hỗ trợ, chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành và kết nối tuyến du lịch khu vực; (iv) Liên kết vùng, hợp tác công - tư trong điều phối tour tuyến Đà Nẵng - Bình Định - Khánh Hòa; (v) Vai trò của doanh nghiệp lữ hành trong xây dựng chuỗi giá trị inbound...
Các địa phương cần đa dạng hóa sản phẩm, đón đầu xu hướng du lịch xanh, bền vững…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang cho biết, khu vực Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên trong đó có Bình Định, có không gian văn hóa - tự nhiên đa dạng, độc đáo, giàu tiềm năng và bề dày lịch sử. Trong những năm qua, tỉnh Bình Định đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để từng bước đưa du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn. Bình Định cũng đã ký chương trình hợp tác, liên kết với 6 tỉnh duyên hải và Tây Nguyên, 5 tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung trong phát triển du lịch để hình thành các tuyến, tour liên tỉnh; kết nối tổ chức các sự kiện chung; hỗ trợ quảng bá chéo sản phẩm.

Các đại biểu tham quan gian hàng sản phẩm du lịch của Bình Định
Bức tranh du lịch Bình Định nhờ đó đã không ngừng bổ sung những sắc màu mới, rực rỡ và hấp dẫn hơn nhằm đưa nơi đây trở thành một trong những điểm đến an toàn, thân thiện đối với du khách trong và ngoài nước. Thế nhưng “việc liên kết du lịch giữa các địa phương vẫn còn nặng về hình thức, chưa tạo ra những sản phẩm thực sự khác biệt và hấp dẫn, chưa huy động được nhiều doanh nghiệp tham gia và còn thiếu cơ chế điều phối hiệu quả, ổn định” - ông Giang thẳng thắn nhìn nhận.
Ông Giang kỳ vọng sau Hội nghị này, không chỉ là các bản ghi nhớ được ký kết, mà sẽ là những tour du lịch mới ra đời, những dòng khách mới được chia sẻ, những sản phẩm liên kết mới được chào bán, và những giá trị mới cho người dân trong vùng được tạo ra. “Chúng ta liên kết không chỉ để phát triển du lịch, mà còn để cùng nhau phát triển, cùng nâng cao vị thế của vùng và của địa phương trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế”, Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định nhấn mạnh.

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương, doanh nghiệp và đối tác quốc tế, đặc biệt là thỏa thuận hợp tác giữa FLC Hotels & Resorts và các hãng lữ hành quốc tế nhằm thúc đẩy khai thác thị trường khách inbound.
Từ sản phẩm liên kết “5 địa phương – một điểm đến – Miền di sản diệu kỳ” giữa Đà Nẵng – Quảng Nam – Huế – Quảng Trị – Quảng Bình thực hiện khá hiệu quả trong thời gian qua; ông Tán Văn Vương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Đà Nẵng đề xuất có thể coi đây là một mô hình có thể áp dụng cho khu vực duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Theo ông Vương, xây dựng thương hiệu chung và tiếp thị điểm đến vùng sẽ giúp huy động nguồn lực hiệu quả, mở rộng không gian phát triển du lịch, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao sức hấp dẫn của khu vực.
Phát biểu tại hội nghị, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, để phát triển bền vững, các địa phương cần đa dạng hóa sản phẩm, đón đầu xu hướng du lịch xanh, bền vững và thông minh; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ để tạo nên những trải nghiệm độc đáo, gắn kết du khách với văn hóa địa phương.
Ông Siêu cho rằng: “Du lịch thế giới đang thay đổi mạnh mẽ. Trong khi đó, cải cách thể chế và vai trò ngày càng lớn của kinh tế tư nhân mở ra nhiều cơ hội mới. Đây là thời điểm thích hợp để các địa phương cùng hợp lực, nhất là khi địa giới hành chính được mở rộng. Với lợi thế kết nối, Bình Định có thể trở thành cực phát triển mới, là cầu nối giữa Tây Nguyên và duyên hải miền Trung”./.