Theo tuần báo Orbe (Cuba), những diễn biến mới nhất của cuộc khủng hoảng chính trị tại Brazil cho thấy quốc gia rộng lớn nhất Mỹ Latinh này đang trải qua một cuộc “nổi loạn tư pháp”.
Cuộc “nổi loạn” này bắt nguồn từ vụ bê bối tham nhũng Lava Jato nổ ra năm 2014 và từng dẫn tới cuộc đảo chính nghị viện - tư pháp chống lại Tổng thống hợp hiến Dilma Rousseff năm 2016.
Đọ sức
Nhận định này được đưa ra lần đầu bởi chủ bút blog bình luận có uy tín tại Brazil mang tên O Cafezinho (Ly cà phê nhỏ) Miguel del Rosario trong một bài viết phân tích về cuộc thẩm vấn đầu tiên của quan tòa Sergio Moro đối với cựu Tổng thống Lula da Silva ngày 10/5 vừa qua, sự kiện mà ông đánh giá là thời khắc quyết định trong lịch sử các nền dân chủ thế giới.
Một bên là một chính trị gia có được sự ủng hộ của đại đa số người dân Brazil; phía bên kia là bộ máy Nhà nước và các phương tiện truyền thông, với tất cả các công cụ kiểm soát tuyên truyền. Đây là cuộc đọ sức giữa chính trị và “quái vật” người máy Frankenstein của bộ máy tư pháp, như sự ví von của Rosário.
Tại Brazil, có thể nhận ra tương đối dễ dàng cách thức mà giới đầu sỏ chính trị kiểm soát “con Frankenstein” tư pháp này: Thông qua những phương tiện truyền thông, mà điều kiện tập trung trong tay một số rất ít các gia đình quyền quý giúp cho giới đầu sỏ có một quyền lực ngoại lệ để gây áp lực tinh thần lên các quan tòa.
Quan điểm này cũng được Hạ Nghị sĩ Wadih Damous, thuộc Đảng Lao động (PT - đảng của các cựu Tổng thống Lula da Silva và Dilma Rousseff) chia sẻ sau khi được thông báo chính thức về những cáo buộc liên quan tới tội danh “tham nhũng bị động” chống lại ông Lula mà lực lượng Cảnh sát Liên bang đưa ra trong khuôn khổ chiến dịch Zelotes. Ông Damous còn gọi những cáo buộc phi lý này là một phần của “tình trạng đặc biệt” mà giới tư pháp sơ thẩm đã tự ý áp đặt lên đất nước.
Cũng có thể coi đây là một nền độc tài của hệ thống tư pháp Brazil, bao gồm các cơ quan khác nhau của ngạch quyền lực này: Bộ Công cộng (tương đương Bộ Nội vụ tại các nước khác), Cảnh sát Liên bang và thậm chí là cả Tập đoàn truyền thông Globo - cơ quan trên thực tế áp đặt thời gian biểu và ấn định các phán quyết của các quan tòa. Ngày nay, chính trị đã trở thành con tin của hệ thống đó, và những quan tòa sơ thẩm trở thành đội quân “đàn áp” của một “nhà nước ngoại lệ”.
Kết án trước khi xử?
Lần này Lula - người vẫn vững vàng ở vị thế chính trị gia có ảnh hưởng nhất tại Brazil - và 12 người khác bị tố cáo đã nhận một số lợi ích để đổi lại việc thông qua một biện pháp tạm thời cho phép hạ thuế hoạt động đối với một số cơ sở lắp ráp và sản xuất xe hơi tại khu vực phía Bắc, Đông Bắc và Tây Trung của đất nước. Biện pháp này trên thực tế được soạn thảo và áp dụng từ thời cựu Tổng thống hữu khuynh Fernando Henrique Cardoso.
Trong một văn bản phản biện, các luật sư biện hộ của vị cựu nguyên thủ theo tư tưởng tả khuynh này đã khẳng định làn sóng tấn công tư pháp nói trên chỉ càng củng cố lập luận rằng thân chủ của họ là nạn nhân của một chiến dịch truy đuổi chính trị bằng công cụ pháp lý, thực hành vẫn được định nghĩa trên trường quốc tế là một “lawfare” hay “gây chiến pháp lý” (chỉ việc tiến hành một quá trình tố tụng chống một đối thủ chính trị ngay khi không hội đủ bằng chứng và ít khả năng buộc tội, với mục đích chính là khiến đối thủ này không thể tham gia các hoạt động chính trị, đặc biệt là tranh cử, trong khoảng thời gian bị đang bị điều tra), đi ngược lại nhà nước dân chủ pháp quyền.
Những tiếng nói phản đối hành vi lạm dụng tư pháp chống cựu Tổng thống Lula - người đã công bố ý định ra tranh cử tổng thống vào năm 2018 và được đại đa số các nhà quan sát cho rằng nếu được quyền tranh cử sẽ chiến thắng dễ dàng - không chỉ giới hạn trong biên giới Brazil.
Luật sư Geoffrey Robertson, đại diện của cựu Tổng thống Lula da Silva trước Cao ủy Liên Hợp quốc về Nhân quyền tại Geneve, đã chỉ trích kịch liệt cái mà ông gọi “sự quái gở lạc thời đại của hệ thống tư pháp Brazil”, vốn được thừa hưởng từ Tòa án Dị giáo tại Tây Ban Nha và đã hoàn toàn bị loại trừ trong các tòa án châu Âu từ những năm 1980: Duy trì vai trò của quan tòa trong việc hướng dẫn và điều hành các cuộc điều tra về các hoạt động của bị cáo, để rồi sau đó chính ông này là người ra phán quyết về vụ kiện, điều dẫn tới tình trạng rằng trên thực tế các bị cáo đã có “bản án” từ trước khi ra tòa.
Trong trường hợp mang nặng tính chính trị như vụ điều tra ông Lula, đặc điểm không bình thường trên càng thêm trầm trọng khi hành xử của giới tư pháp Brazil với sự ủng hộ công khai dành cho quan tòa Moro, những hành động bất thường trong chiến dịch chống tham nhũng Lava Jato, và sự tham gia tích cực với quan điểm thù hằn công khai của các phương tiện truyền thông đối với ông Lula, càng tạo ra một không khí “kết án trước khi xử” đối với vị cựu Tổng thống đầy uy tín này...
Theo BaoPhapluat