Bồi thường oan sai: Số tiền lớn nhưng thu từ người gây oan sai ít

03/04/2021 06:23

Tại họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp chiều 2/4, trả lời câu hỏi của Báo Điện tử Chính phủ liên quan đến trách nhiệm bồi hoàn của cán bộ, công chức gây oan sai, ông Lê Thái Phương, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) cho biết, tổng số tiền mà Nhà nước bỏ ra để bồi thường cho người bị oan sai là 225 tỷ đồng, nhưng số tiền thu được từ công chức làm gây oan sai chỉ hơn 2 tỷ đồng.

5j4a6761-1624377455.jpg
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự. Ảnh: VGP/ Lê Sơn.

Quý I: Phát hiện 57 văn bản trái luật

Theo đó, trong 11 năm qua đã thụ lý 480 vụ việc đòi bồi thường của công dân bị oan sai, giải quyết xong 420 vụ.

Ông Lê Thái Phương cho hay: Hiện nay theo quy định về Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và văn bản hướng dẫn thi hành, đã dự liệu và điều chỉnh nhiều nội dung hỗ trợ người bị hại. Nếu người bị oan sai chưa biết gửi đơn đến cơ quan nào để đòi bồi thường, có thể gửi đơn tới Sở Tư pháp nơi mình cư trú và trong 5 ngày làm việc Sở phải trả lời cho người dân.

Đó là, ghi nhận một số thẩm quyền như cơ quan quản lý bồi thường phải đôn đốc cơ quan nhanh chóng giải quyết; giải đáp vướng mắc cho các cá nhân; thiết lập và chính thức thừa nhận hỗ trợ người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường. Chức năng này do 2 cơ quan thực hiện là Trung tâm hỗ trợ việc yêu cầu bồi thường thuộc Cục Bồi thường Nhà nước, và UBND cấp tỉnh.

Trả lời phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về việc phát hiện các văn bản trái luật qua công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật quý I/2021, ông Hoàng Xuân Hoan, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, qua rà soát đã phát hiện 57 văn bản trái pháp luật. Trong đó, có 1 văn bản của bộ ngành Trung ương, 56 văn bản của cấp tỉnh. Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm cá nhân thì chưa nhiều vì việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải qua nhiều khâu, nhiều người tham gia.

Liên qua đến thu hồi tài sản trong các vụ án của ông Đinh La Thăng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Sơn cho biết đến nay ông Thăng mới thi hành được 8 tỷ trong số hơn 600 tỷ đồng phải thi hành từ các bản án của Toà.

Theo ông Sơn, khó khăn vướng mắc của những vụ án này đã báo cáo cấp có thẩm quyền, số tiền phải thi hành rất lớn, nhưng khi xét xử và tổ chức thi hành án thì tài sản xác minh, kê biên trong quá trình điều tra truy tố thì không nhiều. Cơ quan thi hành án phải tiến hành kê biên, truy tìm tài sản của bị cáo như động sản, bất động sản, tài khoản để tổ chức thi hành án.

5 năm: Kỷ luật 464 cán bộ thi hành án dân sự

Về việc một số người bị oan sai được Nhà nước bồi thường số tiền lớn nhưng lại phải trả cho luật sư hoặc công ty luật rất nhiều tiền như báo chí phản ánh vừa qua, bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, cho biết đang nghiên cứu vụ việc. Đến nay chưa rõ người liên hệ với người được bồi thường với tư cách cá nhân hay công ty luật và có phải luật sư hay không.

Theo bà Mai, có 2 khía cạnh. Nếu họ liên hệ với tư cách cá nhân mà không phải luật sư thì xử lý theo pháp luật dân sự. Nếu là luật sư và đòi thù lao 900 triệu đồng thì đã có quy định pháp luật (Luật Luật sư và văn bản pháp lý) và điều chỉnh bởi đạo đức nghề nghiệp.

“Chúng tôi khuyến cáo người dân, doanh nghiệp nên có hợp đồng pháp lý bằng văn bản, một trong những điều khoản quan trọng là về thù lao, để tránh những vụ việc như báo chí đã nêu”, bà Mai nói.

Liên quan đến việc gây rối tại Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội ngày 23/3 vừa qua, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, khẳng định sẽ phải xử lý thật nhanh và chính xác, kịp thời.

Theo ông Sơn, sáng ngày 23/3 tại cổng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội có khoảng 20 người tự xưng là giáo viên, phụ huynh Trường Newton và Trường Pascal yêu cầu gặp lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự Hà Nội.

Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đã bố trí cán bộ tiếp công dân hướng dẫn nhóm người này làm thủ tục đăng ký tiếp dân. Nhóm người này đã xuất trình Chứng minh thư nhân dân nhưng không xuất trình giấy tờ và đã có những hành vi, lời nói không đúng mức, quá khích.

Theo báo cáo của Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội và Tổng cục Thi hành án dân sự gửi lãnh đạo Bộ Tư pháp thì đây là những “hành vi không đúng pháp luật, không đúng mực, xúc phạm đến cán bộ thi hành án dân sự”.

Tuy nhiên, ông Sơn cho biết đến nay cũng có luồng thông tin nói rằng nhóm người này cũng bị cán bộ thi hành án ứng xử không đúng mực.

“Chúng tôi đã có chỉ đạo đối với Cục Thi hành án dân sự Hà Nội. Cục Thi hành án Hà Nội cũng đã có công văn gửi Công an quận Hà Đông, Công an phường Mộ Lao (quận Hà Đông) để làm rõ. Chúng tôi chưa có cơ sở kết luận nhưng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đã chủ động yêu cầu cơ quan có thẩm quyền vào cuộc. Tinh thần là xử lý nghiêm minh, ai sai đến đâu xử lý đến đó cho phù hợp quy định pháp luật”, ông Sơn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó đã chỉ đạo Cục Thi hành án dân sự Hà Nội phải rà soát toàn bộ việc giải quyết khiếu nại, tiếp công dân.

Trả lời Báo Điện tử Chính phủ về việc có bao nhiêu cán bộ trong hệ thống Thi hành án dân sự bị kỷ luật trong 5 năm qua, ông Sơn cho biết, trong 5 năm (2015-2020) có 464 cán bộ bị kỷ luật các hình thức, nhiều người bị truy tố hình sự.

Theo baochinhphu.vn

Nguồn bài viết: https://m.baochinhphu.vn/story.aspx?did=427592

Bạn đang đọc bài viết "Bồi thường oan sai: Số tiền lớn nhưng thu từ người gây oan sai ít" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin