Chiều 21/2, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì buổi họp Hội đồng thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo vệ môi trường. Đồng chủ trì có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà, Thứ trường Bộ Tài nguyên và môi trường Võ Tuấn Nhân.
Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) số 55/2014/QH13 đã được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 23/6/2014 tại kỳ họp thứ 7, thay thế Luật BVMT 2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Luật BVMT đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác BVMT. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực thi cho thấy Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa điều chỉnh kịp thời với những thách thức mới đặt ra đối với công tác BVMT.
Từ thực tiễn thi hành Luật và để tiếp tục thể chế hoá chủ trương, quan điểm mới của Đảng và Nhà nước về BVMT, xây dựng hệ thống chính sách BVMT đồng bộ, thống nhất, sát với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, phù hợp với thông lệ quốc tế, cần thiết phải triển khai nghiên cứu, sửa đổi Luật BVMT hiện hành.
Tại cuộc họp, các đại biểu tham dự đã thẳng thắn trao đổi, thảo luận và đưa ra các quan điểm, đồng thời đề xuất các giải pháp liên quan đến quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường; quy chuẩn kỹ thuật môi trường; quản lý chất lượng môi trường; quản lý chất thải…
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan chủ trì soạn thảo; hồ sơ đầy đủ, trình tự thủ tục được thực hiện theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị chỉnh lý lại tên gọi cho phù hợp, làm rõ hơn trong tờ trình về lý do chuyển từ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều thành Luật bảo vệ môi trường sửa đổi. Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá kỹ hơn sự phù hợp với các chính sách trong tờ trình; rà soát kỹ các quy định để đảm bảo quy phạm hóa đầy đủ nội dung các chính sách.
Về tính hợp Hiến, hợp pháp, Thứ trưởng yêu cầu xem xét kỹ tính thống nhất với pháp luật hiện hành, nhất là trong điều kiện Luật Bảo vệ môi trường liên quan đến nhiều lĩnh vực khác, đảm bảo không mâu thuẫn với Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng… Bên cạnh đó, cần xem xét một số quy định có khả năng phát sinh hồi tố; nghiên cứu, lược bỏ bớt một số thủ tục, công đoạn không cần thiết về thủ tục hành chính mới; đề nghị các Bộ chủ động cho ý kiến, giúp đỡ cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát thật kỹ dự thảo Luật.
Theo baophapluat.vn
Nguồn bài viết: https://baophapluat.vn/tu-phap/bo-tu-phap-tham-dinh-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-luat-bao-ve-moi-truong-495410.html