Bộ luật Lao động (sửa đổi) có hiệu lực từ 2020 và những vấn đề Doanh nghiệp cần lưu ý

07/01/2020 07:04

(Pháp lý) - Một trong những điểm mới quan trọng được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, đặt ra thách thức lớn đối với các doanh nghiệp, chính là loại hợp đồng lao động. Cùng với nhiều nội dung sửa đổi khác kỳ vọng cải thiện đáng kể vấn đề việc làm và quan hệ lao động của Việt Nam, tạo nền tảng vững chắc cho hội nhập quốc tế và thương mại công bằng.

Điểm mới đáng chú ý của Bộ luật Lao động 2019 đó là có nhiều quy định bảo vệ quyền lợi người lao động tốt hơn (ảnh minh họa)

Nhiều điểm mới tác động tới cả người lao động và người sử dụng lao động

- Quy định thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp không thuộc tổ chức Công đoàn Việt Nam nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động trong quan hệ lao động, phù hợp với các Công ước của ILO, các cam kết quốc tế khác và tạo thuận lợi trong quá trình hội nhập quốc tế.

- Quy định linh hoạt hơn quyền lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp lao động sau khi tiến hành thủ tục hòa giải, không quy định sự can thiệp, giải quyết hành chính của nhà nước đối với giải quyết tranh chấp lao động. Bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan chuyên môn về lao động - thương binh và xã hội thuộc Ủy ban nhân dân là đầu mối tiếp nhận các yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động, có trách nhiệm phân loại, hướng dẫn hỗ trợ và giúp đỡ các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.

- Đặc biệt, điểm mới tác động tới cả doanh nghiệp và người lao động đó là Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào tiền lương doanh nghiệp.

- Lần đầu tiên mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Bộ luật Lao động đối với người làm việc không có quan hệ lao động về một số tiêu chuẩn lao động.

- Quy định về nguyên tắc nhằm bảo đảm quyền của các tổ chức đại diện người lao động và tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong đối thoại, thương lượng, xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.

Chế định về hợp đồng lao động quy định theo hướng bảo vệ tốt hơn đối với người lao động như: Quy định hợp đồng lao động là sự thỏa thuận về việc làm có trả công, tiền lương… Đồng thời, bổ sung quy định để nâng cao nhận diện về hợp đồng lao động; quy định hình thức giao kết hợp đồng lao động thông qua phương tiện điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản; người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần lý do mà chỉ cần báo trước theo thời hạn quy định tương ứng với các loại hợp đồng lao động.

- Quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong 1 năm nhằm bảo đảm quyền lợi lâu dài cho người lao động; Ngoài ra là quy định điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình nhằm chuẩn bị, ứng phó với quá trình già hóa dân số, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

- Quy định mở rộng phạm vi áp dụng của thỏa ước lao động tập thể ngành hoặc thỏa ước lao động tập thể nhiều doanh nghiệp nhằm khuyến khích áp dụng các thỏa thuận có lợi hơn đối với người lao động.

- Quy định cụ thể hơn về cơ chế nhằm bảo vệ tốt hơn cho lao động chưa thành niên và lao động nữ.

Những điểm mới quan trọng các doanh nghiệp cần lưu ý

- Lần đầu tiên luật hóa vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và tham gia xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động khác.

Bộ luật Lao động 2019 có tới 19 điểm mới sẽ tác động nhiều đến các doanh nghiệp

- Trong 19 điểm mới sẽ tác động nhiều đến các doanh nghiệp, thì một điểm được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm chính là loại hợp đồng lao động.

Pháp luật lao động hiện nay quy định tùy vào nhu cầu và lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động thì hai bên có thể lựa chọn thực hiện một trong ba loại hợp đồng, gồm: Hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn (từ 12 tháng đến 36 tháng) và hợp đồng lao động mùa vụ (dưới 12 tháng).

Tuy nhiên, tại Điều 20 Bộ luật Lao động (sửa đổi 2019) đã bỏ nội dung về hợp đồng mùa vụ hoặc theo một công việc có thời hạn dưới 12 tháng, thay vào đó chỉ còn 2 loại hợp đồng là: hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn.

Tại Điều 13 của Bộ luật Lao động sửa đổi có quy định về hợp đồng lao động. Theo đó, hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Trường hợp các bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động. Với quy định này, khi nhận người lao động vào làm việc thì chủ sử dụng lao động phải ký hợp đồng lao động và thực hiện đầy đủ chính sách về bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Ngoài ra, Luật cũng quy định không được sửa đổi thời hạn hợp đồng lao động; mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động; người sử dụng lao động được quyền ký kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn đối với lao động cao tuổi và lao động là người nước ngoài.

Các quy định trên nhằm tối đa hóa việc bảo vệ quyền lợi người lao động, nhưng lại đặt ra nhiều thách thức với doanh nghiệp.

- Về tiền lương, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp, tiền lương được thực hiện trên cơ sở thương lượng, thoả thuận giữa các bên; doanh nghiệp chủ động trong việc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động; bổ sung quy định trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận.

- Quy định đối thoại định kỳ tại doanh nghiệp được nâng lên 1 năm một lần.

- Quy định linh hoạt về đăng ký nội quy lao động bằng việc có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.

- Các quy định về giải quyết tranh chấp lao động linh hoạt hơn tạo thuận lợi cho cả người lao động và người sử dụng lao động.

Tiến sĩ Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam nhận xét: “Nội dung thay đổi quan trọng nhất trong Bộ luật Lao động sửa đổi 2019 tạo khung pháp luật tốt hơn về việc làm và quan hệ lao động, giúp tăng trưởng công bằng và bền vững, trong bối cảnh Việt Nam đang phấn đấu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao. Điều này cũng sẽ góp phần đáng kể để đạt được tiến bộ về việc làm thỏa đáng cho mọi người lao động, cả nam và nữ.

Luật Lao động sửa đổi của VN đóng vai trò quan trọng, mở đường cho việc thực hiện một cách đầy đủ Tuyên bố 1998 của ILO; thể hiện rõ những bước tiến quan trọng, tiệm cận và phù hợp hơn với cả bốn nguyên tắc cơ bản trong lao động đã được quốc tế công nhận. Tuy nhiên, cũng như ở nhiều nước khác, vẫn còn có những khoảng cách và nội dung có thể tiếp tục cải thiện”.

PV

Bạn đang đọc bài viết "Bộ luật Lao động (sửa đổi) có hiệu lực từ 2020 và những vấn đề Doanh nghiệp cần lưu ý" tại chuyên mục Kinh doanh & Pháp luật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin