Bình ổn giá thịt heo: cần giải pháp đồng bộ

Để đưa giá thịt heo xuống 70.000 đồng/kg ngay trong tháng 4/2020, sáng nay 30/3, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường có cuộc họp với 15 doanh nghiệp, tập đoàn chăn nuôi hàng đầu.

Heo hơi: cung chưa theo kịp cầu

Giá heo hơi hôm nay (30/3/2020) tại miền Bắc dao động từ từ 81.000 - 85.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá heo hơi tại miền Trung tương đối ổn định: mức giá 80.000 đồng/kg là giá phổ biến ghi nhận được ở rất nhiều địa phương như Quảng Nam, Bình Thuận, Huế, Quảng Ngãi, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị. Tại các tỉnh thành phía Nam, giá heo hơi ngày 30/3 đang dao động quanh mức từ 74.000 đồng/kg - 81.000 đồng/kg. Tại các chợ truyền thống, theo phản ánh của tiểu thương, do nhu cầu dự trữ thực phẩm của người dân gia tăng, nên chợ hai hôm nay bán nhanh hơn ngày thường.

Theo nhận định của giới chăn nuôi, giá heo hơi ở mức cao trong mấy ngày qua bởi các nguyên nhân: nguồn cung giảm, nhu cầu sử dụng thịt heo có dấu hiệu tăng. Dịch tả heo châu Phi đã làm cho tổng đàn heo cả nước giảm mạnh và việc tái đàn diễn ra rất chậm vì người chăn nuôi còn lo sợ dịch bệnh bùng phát trở lại mặc dù hiện nay dịch tả heo châu Phi đã được khống chế ở nhiều địa phương.

Bộ NN&PTNT đề nghị các DN chăn nuôi giảm giá heo hơi xuống bình quân còn 70.000 đồng/kg từ 1/4/2020.

Trước đó vào ngày 20/3/2020, theo chỉ đạo của Chính phủ về giải pháp bình ổn giá thịt heo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chủ trì, phối hợp với các địa phương và cơ quan liên quan để triển khai các giải pháp đưa giá heo hơi về mức như trước khi có dịch bệnh tả heo Châu Phi bằng các biện pháp phù hợp ngay trong tháng 4/2020.
Thời điểm hiện tại, do tác động của dịch Covid 19 đang diễn ra và dịch tả heo châu Phi vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt, để ổn định nguồn cung thịt heo an toàn và giá cả hợp lý, cần có sự chung tay của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành chăn nuôi, chế biến thịt và cả những doanh nghiệp bán lẻ.

Cần sự đồng thuận từ khâu chăn nuôi, chế biến thịt cho đến bán lẻ

Tại cuộc họp hôm nay, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn như CP Việt Nam, Dabaco, Mavin, GreenFeed… đã phối hợp, đồng hành cùng Chính phủ, thực hiện cam kết giảm giá thịt heo để giữ vai trò đầu tàu ổn định thị trường. Đến nay, các doanh nghiệp này đã hạ giá bán xuống còn 73.000 - 76.000 đồng/kg heo hơi.

Là một doanh nghiệp sở hữu chuỗi 3F hoàn chỉnh từ trang trại đến bàn ăn và cả hệ thống bán lẻ hiện đại với hơn 3.000 siêu thị và siêu thị mini VinMart/VinMart+, tập đoàn Masan đã tập trung nguồn lực cho việc cung ứng thịt heo MEATDeli qua các kênh bán lẻ hiện đại trực tiếp (siêu thị, các cửa hàng thực phẩm và cửa hàng riêng của MEATDeli) và cả qua hình thức trực tuyến (đặt hàng online hay qua điện thoại). Tuy nhiên, trang trại chăn nuôi của Masan hiện tại vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu sản phẩm gia tăng đột biến của người tiêu dùng. Ngay như trong tuần qua, nhu cầu mua sản phẩm thịt mát MEATDeli của người tiêu dùng tăng gấp 4-5 lần nhưng Masan chỉ có thể đáp ứng được ¼ nhu cầu đó.

Giá trị thị trường thịt heo tại Việt Nam ước tính vào khoảng 10,2 tỷ đô.

Để đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho thị trường, Masan đã đưa ra 4 đề xuất để gia tăng sự kết nối của doanh nghiệp chăn nuôi với nhà chế biến và chuỗi bán lẻ. Từ đó, người tiêu dùng và ngành chăn nuôi đều được hưởng lợi:

1. Chính phủ, Bộ Nông nghiệp có định hướng để các doanh nghiệp chăn nuôi lớn như CP, Dabaco, De Heus, Japfa… có thể cùng ngồi lại để bàn phương án hợp tác, phối hợp cùng nhau trong toàn chuỗi cung ứng, giải quyết đồng bộ từ nguồn cung, khâu giết mổ đến đưa sản phẩm ra thị trường, tiến tới giảm thiểu các khâu trung gian.

2. Như chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ sau dịch tả heo châu Phi bùng phát, trải qua cơn khủng hoảng về heo, nguồn heo giống là rất thiếu. Hiện Masan đang tập trung đầu tư tái tạo và bảo tồn các giống cụ kị. Tuy nhiên, sức của một doanh nghiệp riêng lẻ không thể đủ. Vì vậy, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có cơ chế để quy hoạch một vùng để các doanh nghiệp cùng nhau tập hợp lại để cùng đầu tư, gây giống, phát triển đàn heo ở Việt Nam, nhất là giống heo quý, tốt. Đây là chìa khóa phát triển bền vững ngành chăn nuôi.

3. Trong bối cảnh dịch Covid 19 đang lan ra toàn cầu, nhiều quốc gia đã ban hành các lệnh cấm xuất khẩu lương thực dẫn đến các doanh nghiệp chăn nuôi đang thiếu hụt thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản. Vì vậy, việc nhập khẩu nguồn nguyên vật liệu thức ăn chăn nuôi là rất cần thiết.

4. Dù tất cả các doanh nghiệp chăn nuôi đều đang rất nỗ lực nhưng thực tế, việc khôi phục sản lượng đàn heo Việt Nam khó có thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Vì vậy, cần khuyến khích gia tăng nguồn đạm động vật thay thế cho thịt heo như thịt gà hay cá. Theo thống kê, thị trường thịt heo tại Việt Nam trị giá lên đến 10,2 tỷ USD mỗi năm và giá trị thị trường ngành đạm từ Cá vào khoảng 5 tỷ USD.

Có thể thấy, các doanh nghiệp đầu tàu trong ngành chăn nuôi và chế biến thịt đã thể hiện vai trò tích cực trong việc đồng hành cùng Chính phủ về việc hạ giá thành chăn nuôi và giảm giá bán thịt heo để sớm bình ổn giá cả thực phẩm. Nếu thực hiện thành công, các giải pháp này sẽ là tín hiệu tích cực để hiện đại hóa ngành chăn nuôi, phát triển nông nghiệp Việt Nam theo hướng bền vững và người tiêu dùng có được những sản phẩm chất lượng, giá cả bình ổn.

PV

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin