(Pháp lý) - Ngày 18/9, tại Hà Nội , Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học và tôn vinh “đức vua Lê Thánh Tông – Nhà văn hóa kiệt xuất, nhà cải cách đổi mới đất nước”. Vua Lê Thánh Tông sinh năm 1442 mất năm 1497 là hoàng đế thứ 5 của nhà Lê Sơ trong lịch sử Việt Nam.
Trong thời kì cầm quyền của vua Lê Thánh Tông, nước Đại Việt phát triển rực rỡ về mọi mặt từ kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, quân sự và trở thành một cường quốc, làm cho nền quân chủ chuyên chế Việt Nam đạt đến đỉnh cao.
Đặc biệt, thời trị vì, vua Lê Thánh Tông được biết đến là người hoàn chỉnh Bộ luật Hồng Đức – thành tựu đỉnh cao của lập pháp thời kì phong kiến.
Bộ Luật Hồng đức còn gọi là Quốc triều hình luật của nhà Hậu Lê. Với bộ luật này, Đại Việt đã hình thành một nhà nước pháp quyền sơ khởi và thuộc loại sớm trên thế giới. Vua Lê Thánh Tông đã chỉ đạo việc biên soạn, ban hành luật pháp, nhằm thể chế hóa một nhà nước phong kiến Đại Việt. Phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Hồng Đức bao trùm hầu hết các lĩnh vực cuộc sống đương thời và các mối quan hệ xã hội, gia đình. Trước hết là bảo vệ chế độ quân chủ phong kiến thể hiện ở các điều luật về tô thuế, phu dịch, sung quân... đặc biệt là chuẩn mực đặt ra để đảm bảo trật tự, kỉ cương xã hội.
Chính sách ruộng đất rất quan trọng với nền kinh tế của đất nước nông nghiệp được thể hiện rất minh bạch trong Bộ luật Hồng Đức. Các quy định chế tài về điển sản, hương hỏa, thừa kế ruộng đất, thủ lợi, đê điều, mùa màng và cả chế độ thuế khóa... đã thể hiện sự quản lý ruộng rất chặt chẽ.
Không chỉ vậy Bộ Luật Hồng Đức còn thể hiện rõ ràng ý chí độc lập, ý thức chủ quyền quốc gia thể hiện qua việc đảm bảo các lợi ích của cộng đồng dân cư, tôn trọng phong tục tập quán và cả những chính sách ưu ái với các đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhiều bản tham luận tại Hội thảo này đã tái khẳng định các thành tựu quan trọng dưới thời kì cầm quyền của vua Lê Thánh Tông. Hội thảo đã đánh giá các giá trị tư tưởng đạo đức và cống hiến của vua Lê Thánh Tông đối với dân tộc trong thời kỳ Hậu Lệ, từng bước xác lập các căn cứ khoa học làm cơ sở để nhà nước và tổ chức UNESCO xem xét việc công nhận vua Lê Thánh Tông là danh nhân văn hóa thế giới.
Cũng trong khuôn khổ tổ chức hội thảo, còn có cuộc họp mặt dòng họ Lê và người tham dự cũng được nghe, xem nhiều tiết mục văn hóa, văn nghệ của người họ Lê tổ chức.
Phan Tĩnh