Bảo hiểm xã hội (BHXH) là chính sách xã hội trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước có liên quan đến bảo đảm an toàn và chất lượng cuộc sống của người dân.Thực hiện tốt chính sách BHXH tự nguyện sẽ đem đến cơ hội hưởng “lương hưu” cho hàng chục triệu người không nằm trong diện bảo hiểm bắt buộc; đồng thời, giảm chi trợ cấp bảo trợ, cứu trợ cho ngân sách nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội bền vững và giữ vững ổn định chính trị - xã hội.Mục tiêu thực hiện việc mở rộng độ bao phủ BHXH và nâng cao hiệu quả của chính sách BHXH tự nguyện ở Việt Nam chính là phát huy đầy đủ vai trò trụ cột của chính sách an sinh xã hội, góp phần quan trọng không chỉ cho sự phát triển kinh tế mà còn nhằm mục tiêu ổn định xã hội và an sinh cho mọi người dân.
Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng. Tuy nhiên, nước ta cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ già hóa dân số nhanh. Theo dự báo của Liên Hợp quốc, số lượng người Việt Nam trên 65 tuổi sẽ tăng từ 6,3 triệu người hiện nay lên 18 triệu người vào năm 2040, chiếm tới hơn 18% dân số và chính thức trở thành quốc gia có cơ cấu dân số già. Chính vì vậy, nếu chúng ta không làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia BHXH tự nguyện thì trong tương lai Nhà nước sẽ phải chi trả số tiền trợ cấp xã hội rất lớn, tạo gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội, Nhà nước sẽ không đủ nguồn lực để trợ cấp cho người dân khi hết tuổi lao động đảm bảo cuộc sống.
Nước ta hiện có khoảng 55 triệu người trong độ tuổi lao động, nhưng mới có 13,82 triệu tham gia BHXH, chiếm 25,8% lực lượng lao động. Trong đó, có 13,59 triệu tham gia BHXH bắt buộc và 228.000 người tham gia BHXH tự nguyện.Có thể thấy, tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện mới chỉ chiếm khoảng 0,3 số lực lượng lao động.
Hội Nông dân Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho giai cấp nông dân Việt Nam. Hội có chức năng, nhiệm vụ tập hợp, tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân. Với hệ thống tổ chức từ Trung ương xuống tận cơ sở với 94.159chi Hội, 162.535 tổ Hội và 10.207.929hội viên và hơn 12,4 triệu hộ gia đình nông dân.Xác định công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia BHXHlà một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cấp Hội và phong trào nông dân trong cả nước. Nhận thức được tầm quan trọng của chính sách BHXH, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH với nông dân và chủ động chỉ đạo các cấp Hội phối hợp tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về BHXH.
Trong thời gian qua, các cấp Hội đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc tăng tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện.Các cấp Hội đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hội nghị, hội thi và tuyên truyền lồng ghép trong các buổi sinh hoạt định kỳ của các chi, tổ Hội ở cộng đồng; đăng tải các tin, bài về chính sáchBHXH tự nguyện trên Bản tin nội bộ và trên website của Hội Nông dân các tỉnh, thành phố; xây dựng các mô hình vận động nông dân tham gia BHXH. Đến nay, đã có 30 tỉnh, thành phố có đại lý thu BHXH do Hội Nông dân trực tiếp phối hợp thực hiện và đã thành lập được 4.058 đại lý thu BHXH. Điển hình như tỉnh Đồng Nai có 285 đại lý; Hà Tĩnh có 244 đại lý; Ninh Bình có 243 đại lý...
Hiện nay, đối với khu vực chính thức, các chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc bắt buộc được triển khai tương đối ổn định, trong khi đó khu vực phi chính thức, khu vực nông thôn việc triển khai chính sách BHXH tự nguyện còn gặp nhiều khó khăn. Điều đáng lưu ý đó là các sản phẩm bảo hiểm mang tính thương mại thì lại được không ít nông dân tham gia. Có thể thấy rằng, một trong những nguyên nhân cơ bản đó là chúng ta chưa làm tốt công tác tổ chức thực hiện chính sách, đặc biệt là công tác tuyên truyền, tư vấn và hỗ trợ nông dân liên quan đến hồ sơ, thủ tục để người dân thuận tiện khi tham gia BHXH.
Mặc dù Đảng và Nhà nước đã có chủ trương, chính sách nhằm khuyến khích nông dân tham gia BHXH tự nguyện. Cụ thể như trong Luật Bảo hiểm Xã hội mới ban hành và có hiệu lực từ 01/01/2016 đã có một số giải pháp linh hoạt để thu hút lao động tham gia BHXH tự nguyện như: không khống chế tuổi trần tham gia BHXH tự nguyện; hạ mức đóng tối thiểu bằng chuẩn nghèo nông thôn; linh hoạt trong phương thức đóng và tiến tới sẽ hỗ trợ mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện...
Về mức đóng tham gia BHXH, theo Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 quy định mức đóng của người tham gia BHXH là 22% thu nhập. Trong đó, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc chỉ phải đóng 8% thu nhập vào quỹ hưu trí và tử tuất; nông dân tham gia BHXH tự nguyện phải đóng 22% mức thu nhập vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Về mức hưởng, chế độ BHXH, người tham gia BHXH bắt buộc được hưởng chế độ 5 chế độ gồm: ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất hằng tháng, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Còn nông dân tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng chế độ 02 chế độ gồm: hưu trí và tử tuất (tuất một lần).
Về chính sách hỗ trợ mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện được áp dụng từ ngày 01/01/2018, có thể thấy rằng ngay cả mức hỗ trợ nông dân tham gia BHXH tự nguyện là “Hộ nghèo” hiện nay nếu tham gia ở mức tối thiểu bằng chuẩn nghèo nông thôn được Nhà nước hỗ trợ mức đóng cũng sẽ phải đóng ở mức cao hơn gấp gần 2 lần so với đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và mức hỗ trợ cũng chỉ được thực hiện trong thời gian 10 năm.So sánh, chế độ, chính sách tham gia giữa người tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện thì người nông dân là đối tượng chịu thiệt thòi rất lớn khi tiếp cận chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH vẫn còn mang nặng tính chất hành chính chưa thực sự coi đó là một dịch vụ công, chưa có được mạng lưới tuyên truyền và tư vấn bài bản để cung cấp dịch vụ công trong cộng đồng thuận tiện cho người dân tham gia. Nếu coi đó là cung cấp dịch vụ công thì phương pháp, cách thức và cơ chế thực hiện việc cung cấp dịch vụ công (tức là coi người dân là khách hàng của tổ chức cung cấp dịch vụ). Vì vậy, Hội xác định về phương thức tiếp cận tuyên truyền, vận động và tư vấn cho hội viên, nông dân tham gia BHXH tự nguyện phải đổi mới theo hướng phục vụ, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện tối đa cho người nông dân hiểu biết về chính sách và được hỗ trợ các thủ tục tham gia một cách thuận lợi nhất.
Công tác tuyên truyền, vận động đã triển khai thực hiện nhưng phương thức, cách làm còn nhiều điểm hạn chế. Đa số nông dân vẫn chưa được tuyên truyền, tư vấn để có sự hiểu sâu sắc về chính sách nên việc tham gia BHXH tự nguyện còn rất nhiều hạn chế... Mạng lưới tuyên truyền chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến nông dân còn thờ ơ với chính sách. Hệ thống tổ chức ngành bảo hiểm xã hội chủ yếu mới hướng vào đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, chưa phù hợp với đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và chỉ được triển khai đến cấp huyện; công tác tuyên truyền chưa huy động được sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, chưa phát huy được hết thế mạnh của các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là tổ chức Hội Nông dân Việt Nam.
Trong thời gian tới, các cấp Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn và vận động nông dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách bảo hiểm xã hội; nghiên cứu đề xuất với Đảng và Nhà nước bổ sung, sửa đổi các chế độ, chính sách của người tham gia BHXH tự nguyện tương đồng với chính sách BHXH bắt buộc hiện nay để khuyến khích người dân tham gia nhiều hơn; trước mắt đề nghị Chính phủ tăng mức hỗ trợ 30% mức đóng cho nông dân có mức sống trung bình; 40% cho hộ cận nghèo và 60% cho hộ nghèo khi tham gia BHXH tự nguyện; đồng thời, dành nguồn lực cho Hội để chủ động xây dựng đề án tuyên truyền, vận động nông dân tham gia BHXH tự nguyện.
Lều Vũ Điều
Phó Chủ tịch Thường trực BCH TW Hội Nông dân Việt Nam