Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp thúc đẩy cải cách thể chế, vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội

18/06/2021 08:08

( Pháp Lý). Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, báo chí là kênh thông tin quan trọng giúp doanh nghiệp đưa ra hoạch định chiến lược, mô hình kinh doanh, lựa chọn lĩnh vực đầu tư. Đặc biệt, báo chí còn luôn đồng hành với doanh nghiệp thúc đẩy cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn, phát hiện, biểu dương những điển hình, nhân tố mới; đồng thời phát hiện, phê phán các tiêu cực, sai phạm, góp phần xây dựng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân hùng mạnh, tuân thủ pháp luật, phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm Công ty VinFast Hải Phòng năm 2020

Thúc đẩy cải cách thể chế

Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống có vai trò rất quan trọng của báo chí. Ví dụ Luật Doanh nghiệp sửa đổi, ngay từ khi chuẩn bị cho những bản dự thảo đầu tiên, báo chí đã tham gia tích cực trong việc đưa tin, tuyên truyền, mở các diễn đàn để doanh nghiệp góp ý, phản biện với mong muốn Luật được ban hành có hành lang pháp lý đầy đủ và chặt chẽ. Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) năm 2020 được đánh giá có những quy định sát thực tiễn, tư duy đổi mới, cải cách. Nếu không có báo chí tích cực phản ánh, đưa tin đa chiều từ ý kiến doanh nhân đến các chuyên gia thì khó có được sự đồng thuận rộng rãi để đạo luật được thông qua và đi vào đời sống doanh nghiệp.

Với chức năng phản biện xã hội, báo chí những năm qua đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp thúc đẩy cải cách thể chế.

Năm 2021, đánh dấu mốc quan trọng khi cả 04 luật điều chỉnh lĩnh vực kinh tế có hiệu lực, đó là: Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Đầu tư theo hình thức công tư. Cả 4 đạo luật quan trọng này đều có tác động mạnh mẽ đến hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Có thể nói, đây là những tác động cộng hưởng, tạo ra một hành lang pháp lý an toàn, minh bạch cho cả doanh nghiệp, nhà đầu tư trong đầu tư kinh doanh và huy động vốn. Trước khi các đạo luật quan trọng này được Quốc hội bấm nút thông qua, rất nhiều các cơ quan báo chí, trong đó có Tạp chí Pháp lý đã đăng tải các bài viết góp ý, phân tích về những bất cập, khuyết thiếu cần sửa đổi Luật.

Quang cảnh Diễn đàn "Doanh nghiệp và Báo chí 2020: Cơ hội hợp tác phát triển từ khủng hoảng Covid-19” do VCCI tổ chức (tháng 7/2020)

Hiện nay có nhiều tờ báo chuyên sâu về kinh tế, kinh doanh, doanh nghiệp, nhưng hầu hết các tờ báo đều có chuyên mục về kinh tế, về chính sách pháp luật kinh doanh… Báo chí thường xuyên phản ánh về những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ khi thực thi chính sách pháp luật của doanh nghiệp tới các cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời tuyên truyền pháp luật để các doanh nghiệp hiểu luật, thuộc luật để kinh doanh minh bạch và bền vững.

Là một cơ quan báo chí nghiên cứu chuyên sâu về khoa học pháp lý và kinh doanh quốc tế, Tạp chí Pháp lý nhiều năm nay đã có hàng trăm bài viết tham gia phản biện chính sách pháp luật. Đặc biệt, Tạp chí Pháp lý đã có nhiều tuyến bài phân tích sâu, góp ý kiến nghị sửa đổi các chính sách pháp luật kinh tế, kinh doanh bất cập. Năm 2020 và 2021 vừa qua, Tạp chí Pháp lý đã có nhiều bài viết phân tích góp ý kiến nghị các cơ quan chức năng sửa đổi bổ sung nhiều bất cập của các văn bản chính sách pháp luật kinh doanh thuộc các lĩnh vực đất đai, đầu tư, đấu giá, bất động sản, ngân hàng, thuế, chứng khoán….

Còn nhớ, năm 2020, nhiều cơ quan báo chí vào cuộc rất tích cực để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi những bất cập trong Nghị định số 20/2017/NĐ-CP có quy định về khống chế chi phí lãi vay đối với doanh nghiệp. Khoản 3, Điều 8 của Nghị định quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”. Có nghĩa là nếu chi phí lãi vay vượt mức 20% tổng lợi nhuận thuần của doanh nghiệp thì khoản vượt đó không được tính vào chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Quy định này gây ra thiệt hại đối với nguồn thu và năng lực cạnh tranh của không ít doanh nghiệp có giao dịch liên kết, nhất là các lĩnh vực cần đầu tư vốn lớn như bất động sản, công nghệ cao, chứng khoán.

Sau khi báo chí đồng loạt phản ánh, ngày 24/06/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2020/NĐ-CP sửa Nghị định 20, sửa khoản 3, Điều 8 theo nguyên tắc công khai, minh mạch, không phân biệt đối xử, bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tạo thuận lợi về chính sách thuế cho doanh nghiệp.

Mới đây nhất, VCCI thông tin tới báo chí để báo chí phản ánh tới cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải. Theo đó các doanh nghiệp, hiệp hội phản ánh, chi phí cho việc lắp camera khoảng 5-10 triệu đồng/xe khách và 5 triệu/xe tải; chi phí truyền dẫn dữ liệu khoảng 1.200.000 đồng – 1.500.000 đồng/năm. Đây là chi phí khá lớn, doanh nghiệp phải chi trả để thực hiện quy định này. VCCI cho rằng trong bối cảnh Chính phủ đang có nhiều chính sách cắt giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19, thì những quy định này gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo phản ánh từ các doanh nghiệp, quy định này trùng lặp về mục tiêu quản lý nhà nước. Hiện tại, theo quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải, doanh nghiệp vừa phải lắp camera, vừa phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Nhiều thông tin từ hai thiết bị này gần như trùng khớp nhau. Bên cạnh yêu cầu việc lắp các thiết bị này, các quy định hiện hành cũng yêu cầu về trách nhiệm của doanh nghiệp, bến xe hàng phải thực hiện một số nghĩa vụ để kiểm soát việc lái xe an toàn của lái xe. Do đó, có thể thấy, việc yêu cầu lắp camera tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp và gây lãng phí lớn về tài sản cho doanh nghiệp.

Vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội

Những năm gần đây, mối quan hệ gắn bó, đồng hành giữa báo chí với doanh nghiệp đã và đang thể hiện ngày càng rõ trong thực tiễn đời sống xã hội. Có nhiều cách luận giải song điểm đầu tiên quyết định đến mối quan hệ này đó là mục tiêu chung của báo chí và doanh nghiệp: Vì sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Doanh nhân, doanh nghiệp chính là nguồn đề tài phong phú, đa dạng; là nguồn cảm hứng để các tác phẩm báo chí thực sự phản ánh được hơi thở cuộc sống, có tính thực tiễn cao. Trong đó, hàng loạt những đề tài về kinh tế, đầu tư, kinh doanh, lợi nhuận, vốn, công nghệ, thị trường tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp, doanh nhân… luôn là đề tài “hot” để các cơ quan báo chí có được sức thu hút đối với đông đảo độc giả. Gắn bó với sự vận động, phát triển của các doanh nghiệp và nền kinh tế, báo chí kịp thời phản ánh, biểu dương những doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính đóng góp cho xã hội. Đồng thời cũng lên án hiện tượng doanh nghiệp trốn thuế, sản xuất hàng giả, hàng nhái, vi phạm pháp luật, gây tác động xấu đến xã hội… Báo chí còn thông tin về những bài học, về thành công và thất bại để cộng đồng các doanh nhân, doanh nghiệp cùng rút kinh nghiệm.

Xu thế chung của xã hội thông tin hiện nay, dù kinh doanh, sản xuất ở lĩnh vực nào thì các doanh nghiệp cơ bản đều đánh giá cao vai trò của báo chí trong quá trình phát triển lớn mạnh của doanh nghiệp. Nhất là trong việc lựa chọn đối tác; xây dựng và phát triển thương hiệu; quảng cáo sản phẩm; tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ; cập nhật kịp thời các thông tin về chính sách pháp luật của Nhà nước…

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: "Để xây đắp mối quan hệ cộng sinh giữa báo chí và doanh nghiệp, báo chí cần có trách nhiệm, công tâm với những tin, bài, thông tin trước khi đưa lên mặt báo, để không làm cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính bị tổn thương, đồng thời cũng không để cho các doanh nghiệp làm ăn bất chính, vô trách nhiệm với xã hội lợi dụng. Bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính là bảo vệ đất nước, bảo vệ nền kinh tế, duy trì việc làm, duy trì sinh kế cho người dân, duy trì nguồn thu ngân sách quốc gia, bảo vệ chủ quyền và an ninh kinh tế. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn báo chí tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp bằng cả trái tim, trí tuệ và ngòi bút”.

Khẳng định quan hệ báo chí - doanh nghiệp là quan hệ có lợi, hướng tới mục tiêu chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội – Mạc Quốc Anh luôn đánh giá cao vai trò của các cơ quan báo chí. Trong quan hệ với báo chí, doanh nghiệp đang nhận được 4 cái lợi khi được nói; được bảo vệ; được tư vấn, hỗ trợ, truyền thông, marketing; và được kết nối với cơ quan quản lý nhà nước.

“Cầu nối” giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, tiếp cận thị trường

Báo chí có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đối với doanh nghiệp báo chí không chỉ là cầu nối giữa khách hàng với doanh nghiệp, với các cơ quan chức năng mà còn là kênh thông tin đưa các sản phẩm của doanh nghiệp đến với cuộc sống.

Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, các cơ quan báo chí là đối tác không thể thiếu đối với doanh nghiệp trong công tác truyền thông. Thông qua các cơ quan báo chí, doanh nghiệp có thể truyền tải thông tin về sản phẩm, dịch vụ đến người tiêu dùng một cách đầy đủ nhất. Không chỉ vậy, các cơ quan báo chí có vai trò quan trọng trong việc truyền tải và phản ánh thông tin từ người tiêu dùng, giúp doanh nghiệp nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó khắc phục, cải thiện và phát triển thêm những sản phẩm, dịch vụ phù hợp thị trường. Người đọc sẽ được hưởng lợi khi những tin, bài của các cơ quan truyền thông đánh giá và phân tích đúng diễn biến vụ việc hay chất lượng của một sản phẩm, dịch vụ.

Báo chí có một vai trò quan trọng trong thúc đẩy doanh nghiệp phát triển sản xuất, tiếp cận thị trường (ảnh minh họa)

Theo nhận xét từ nhiều doanh nghiệp, 2 năm gần đây, báo chí rất tích cực và sát cánh cùng doanh nghiệp trong phòng, chống dịch Covid-19. Những chủ trương, chính sách của Nhà nước về phòng chống dịch được truyền thông một cách nhất quán. Thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp doanh nghiệp luôn theo dõi sát sao thông tin trên báo chí để đưa ra kế hoạch kinh doanh kịp thời. Như vậy, có thể nói mối quan hệ báo chí và doanh nghiệp là đồng hành “chia ngọt, sẻ bùi”; còn trong bối cảnh khó khăn chung do dịch bệnh Covid -19 gây ra là “đồng cam, cộng khổ” bởi tại thời điểm này cả doanh nghiệp và báo chí đều bị ảnh hưởng.

Trong thời điểm dịch bệnh Covid bùng phát lần thứ tư tại các khu công nghiệp Bắc Giang, báo chí đã phản ứng nhanh, vào cuộc sớm chia sẻ những khó khăn từ doanh nghiệp và người lao động. Trước những khó khăn của doanh nghiệp được báo chí phản ánh, ngày 28/5/2021, Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành công văn số 2059/TLĐ đồng ý lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid – 19 gây ra. Trước đó năm 2020, BHXH Việt Nam cũng đã lùi thời điểm đóng BHXH đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, hàng loạt chính sách về thuế cũng được xem xét miễn giảm đối với doanh nghiệp…

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tác động xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Báo chí đã vào cuộc kiến nghị tháo gỡ cho doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất và gần đây nhất là Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Để những chính sách này đến với doanh nghiệp một cách kịp thời, báo chí cũng có vai trò rất quan trọng, là cầu nối giúp cho doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt được những chính sách của Chính phủ, sớm ổn định sản xuất và vượt qua khó khăn.

Trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, báo chí còn là kênh thông tin chủ lực giúp các địa phương, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm qua nhiều kênh phân phối hữu hiệu. Trong đó phải kể đến chiến dịch truyền thông của báo chí tuyên truyền, vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng Việt Nam tới người tiêu dùng trong cả nước.

Ông Lê Quốc Hùng, Giám đốc Công ty Lê Quốc (Hải Phòng) chia sẻ với Phóng viên về sự phối hợp giữa báo chí và doanh nghiệp thực hiện trao quà từ thiện khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra.

Thay lời kết

Trên cơ sở tôn chỉ, mục đích hoạt động, từng cơ quan báo chí phải phát huy sứ mệnh của mình, thông tin trung thực, khách quan; thực hiện tốt vai trò cầu nối, góp phần tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến cộng đồng doanh nghiệp, phản ánh trung thực những khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình thực thi chính sách, thúc đẩy các cơ quan cải cách thể chế, tạo hành lang pháp lý vững chắc để doanh nghiệp phát triển.

Không ngừng thắt chặt mối quan hệ đồng hành, hợp tác hiệu quả giữa báo chí và doanh nghiệp chính là con đường để báo chí, doanh nghiệp cùng chia sẻ mọi khó khăn, thuận lợi; qua đó cùng hướng tới mục tiêu chung vì sự phát triển thịnh vượng của đất nước trong quá trình hội nhập.

Trong hành trình thực hiện mục tiêu chung ấy, báo chí và doanh nghiệp cần có sự tương trợ, nỗ lực cùng nhau, khơi thông nguồn lực, tiến về phía trước, đó là trọng trách to lớn mà cả báo chí và doanh nghiệp đều hướng tới trong tương lai.

Thành Chung

Bạn đang đọc bài viết "Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp thúc đẩy cải cách thể chế, vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin