Báo cáo điều tra khiến WHO mất kiên nhẫn với Trung Quốc

22/08/2021 10:12

Từ một tổ chức bị chỉ trích "thiên vị" Trung Quốc, WHO mất kiên nhẫn với Bắc Kinh sau báo cáo điều tra nguồn gốc Covid-19 khiến họ bị sốc.

Ngay từ khi Covid-19 bùng phát, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bị chỉ trích quá mềm mỏng với Trung Quốc. Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump năm ngoái cáo buộc WHO thúc đẩy "thông tin sai lệch của Trung Quốc về Covid-19" khi đe dọa rút tài trợ của Mỹ cho tổ chức này. Phó thủ tướng Nhật Bản cũng từng gọi cơ quan này là "Tổ chức Y tế Trung Quốc".

Tuy nhiên, trong cuốn sách "Dư chấn: Chính trị đại dịch và sự kết thúc của trật tự thế giới cũ" dự kiến xuất bản vào 24/8, hai tác giả Thomas Wright và Colin Kahl cho thấy Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã thay đổi thái độ thế nào với Trung Quốc.

Wright là một học giả tại Viện Brookings, chuyên về quan hệ toàn cầu của Mỹ, trong khi Kahl gần đây được phê chuẩn làm Thứ trưởng Quốc phòng về chính sách trong chính quyền Biden.

Theo hai tác giả, ông Tedros ban đầu công khai ca ngợi Trung Quốc một cách thận trọng, nhưng đồng thời cũng âm thầm gây áp lực với nước này. Tuy nhiên, Tổng giám đốc WHO đã thực sự mất kiên nhẫn với Bắc Kinh sau cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 hồi đầu năm nay.

11-1629601916.jpg
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong bài phát biểu được ghi hình sẵn gửi tới Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc tại Thượng Hải ngày 4/11/2020. Ảnh: AP.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Wright nói trong quá trình tìm tư liệu cho cuốn sách, ông nhận thấy cách tiếp cận thận trọng của WHO đối với Trung Quốc trái ngược với phong cách gay gắt của chính quyền Trump, dù cả hai đều có những lo ngại đối với Bắc Kinh.

Cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 được Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) phê chuẩn hồi tháng 5/2020. Ngay sau đó, một nhóm điều tra quốc tế do Peter Ben Embarek, quan chức WHO, dẫn đầu đã tới Vũ Hán, nơi đầu tiên bùng phát dịch Covid-19, để phối hợp cùng các nhà nghiên cứu Trung Quốc tìm hiểu về nguồn gốc đại dịch.

Khi đại dịch diễn biến nghiêm trọng hơn, con đường này rõ ràng trở nên rất khó khăn. Trump ban đầu ca ngợi cách Trung Quốc xử lý dịch ở Vũ Hán, nhưng khi virus lan tới Mỹ, ông đã nhận ra mối nguy hiểm chính trị mà đại dịch gây ra và quay sang chỉ trích Trung Quốc.

Nguồn gốc của đại dịch là vấn đề gây rất nhiều tranh cãi. Mặc dù một số nhà khoa học nói virus có thể đã truyền từ dơi sang người thông qua động vật trung gian, nhiều quan chức trong chính quyền Trump đã thúc đẩy ý tưởng virus có thể vô tình bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, với ngụ ý đổ lỗi cho Trung Quốc.

WHO hướng cuộc điều tra vào nguồn gốc Covid-19 từ động vật, nhưng ngay cả điều này cũng rất khó khăn. Sau bốn tuần ở Vũ Hán, trong đó có hai tuần cách ly, Ben Embarek nói trong cuộc họp báo hôm 9/2 rằng nhóm kết luận con đường lây lan qua động vật là "có khả năng" và giải thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là "cực kỳ khó xảy ra" và không đáng điều tra thêm.

Khi nhóm điều tra đưa ra nhận định này, các quan chức cấp cao của WHO ở Geneva đã bị sốc. "Chúng tôi gần như ngã ngửa", một quan chức nói.

Theo Wright và Kahl, các lãnh đạo WHO tại Geneva đã "choáng váng" với tuyên bố từ nhóm điều tra. Họ không tin rằng nhóm điều tra đã được tiếp cận thông tin một cách toàn diện để có thể loại bỏ giả thuyết này. Tedros đã trao đổi điều đó với nhóm điều tra, nhưng họ bảo vệ quan điểm.

Sau đó, khi nhóm công bố báo cáo điều tra và tiếp tục coi kịch bản virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là rất khó xảy ra, Tedros đã phản bác, nói rằng nghiên cứu này "chưa đủ sâu rộng" và "dữ liệu chưa được chia sẻ toàn diện và kịp thời".

Kể từ đó, mối quan hệ giữa WHO và Trung Quốc lao dốc. Cuốn sách của Wright và Kahl tiết lộ rằng Tổng giám đốc WHO sau đó nói với đặc phái viên của Trung Quốc tại Geneva rằng ông sẽ nói sự thật về báo cáo "ngay cả khi Trung Quốc không thích".

Quan chức Trung Quốc hồi tháng 7 nói họ không chấp nhận bất kỳ cuộc điều tra thêm nào về nguồn gốc Covid-19 tại nước này và cáo buộc Mỹ gây áp lực với giới khoa học. WHO tuần trước ra tuyên bố bác bỏ cáo buộc cho rằng "cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 đã bị chính trị hóa hay WHO hành động vì áp lực chính trị".

Trong một tài liệu công bố tuần trước, Ben Embarek mô tả cách quan chức Trung Quốc không muốn đề cập tới giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm trong báo cáo điều tra. Họ cuối cùng đồng ý thêm giả thuyết này vào báo cáo với điều kiện nhóm "không đề xuất thêm bất kỳ cuộc điều tra nào để theo đuổi giả thuyết đó".

Tuy nhiên, những thay đổi muộn màng của ông Tedros đối với Trung Quốc có thể không đủ xoa dịu những người chỉ trích ông. Một quan chức cấp cao trong chính quyền Trump nói với Wright và Kahl rằng WHO chỉ cứng rắn với Trung Quốc sau khi Trump rời nhiệm sở và cơ quan này nhận được sự hậu thuẫn từ Mỹ.

Nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc có thể mang lại hiệu quả. Theo Wright, cựu ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người khởi xướng giả thuyết nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm, "đã làm suy yếu nó bằng cách đưa nó đi quá xa", dẫn tới suy giảm ủng hộ từ các đồng minh.

Mặc dù một số quan chức của chính quyền Trump nhận ra mức độ nghiêm trọng của đại dịch từ rất sớm, họ đã xem nó qua lăng kính "vấn đề Trung Quốc", thay vì coi Covid-19 như tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.

"Sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc thực sự đã định hình nhiều thứ khác", Wirght nói thêm.

Là một tổ chức quốc tế với quyền lực hạn chế, WHO phải phụ thuộc vào các nước thành viên. "Mỹ tham gia WHO, làm việc với Trung Quốc tại WHO, thúc đẩy cải cách của WHO, nhưng cuối cùng nhận ra những cải cách đó khó có thể thành công bởi Trung Quốc và có thể nhiều nước khác không cam kết thể hiện mức độ minh bạch cao hơn", Wright cho hay.

Wright và Kahl kêu gọi thành lập một liên minh toàn cầu về ứng phó đại dịch, nơi các quốc gia có chung chí hướng có thể cùng góp sức với công việc của WHO.

Trung Quốc tuần trước nói với các nhà ngoại giao nước ngoài rằng thế giới nên tôn trọng báo cáo của nhóm điều tra nguồn gốc Covid-19 được công bố hồi tháng 3, trong khi tình báo Mỹ sắp hết thời hạn 90 ngày điều tra nguồn gốc nCoV mà Tổng thống Joe Biden yêu cầu.

Tại một cuộc họp báo giữa tuần này, Giám đốc chương trình khẩn cấp WHO Mike Ryan nói tổ chức đang âm thầm tìm cách thúc đẩy cuộc điều tra giai đoạn hai. "Chúng tôi đang nỗ lực, nhưng phải thừa nhận rằng điều đó không dễ dàng", ông nói.

Theo vnexpress.net

Nguồn bài viết: https://vnexpress.net/bao-cao-dieu-tra-khien-who-mat-kien-nhan-voi-trung-quoc-4343951.html

Bạn đang đọc bài viết "Báo cáo điều tra khiến WHO mất kiên nhẫn với Trung Quốc" tại chuyên mục Đọc chuyên sâu. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin