(Pháp lý) - Hoa mai là loài hoa hé nở sớm nhất trong muôn loài hoa trước khi Xuân đến. Hoa mai tượng trưng cho sự thanh khiết, cao quý, cho nên người xưa vẫn ca tụng mai, lan, cúc, trúc là biểu tượng của người quân tử. Chơi mai, chơi lan là thú vui tao nhã. Người ta kể rằng ở Nam Định, cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX có một vườn mai đặc biệt, có tên là Cổ Mai trang, đây là vườn mai của gia tộc Tam nguyên Trần Bích San, một gia tộc khoa bảng và yêu nước. Đó là ngôi nhà số 7 phố Bến Ngự…
1. Khu đất của gia đình Tam nguyên Trần Bích San đến 1000 m2, do ông nội của Tam nguyên là cụ Trần Đình Lâm gây dựng. Ngôi nhà cổ năm gian, bề thế, phía trước nhà là vườn hoa trồng rất nhiều cây mai, vì thế dinh cơ này còn được biết đến là “Cổ Mai trang” – có nghĩa là vườn mai cổ thụ. Cuối năm, khi gió đông về, vườn mai kiêu hãnh khoe sắc đủ màu. Trong vườn có nhiều loại hoa, nhưng chủ yếu là mai, hoàng mai, bạch mai, hồng mai, thanh mai rồi song mai, tứ quý mai, mai chiếu thủy, đặc biệt là đàn hương mai là loại hoa mai có hương thơm quý phái. Có được vườn mai đa dạng, kỳ thú như thế bởi không chỉ cụ Trần Đình Lâm mà con cháu cụ ai cũng yêu mai, nên liên tục sưu tầm, bổ sung.
Đến đầu thế kỷ XX thì hầu như tất cả các loại mai quý, hợp với thời tiết khắc nghiệt của miền Bắc đều hội tụ ở Cổ Mai trang. Trong đó có loại cực kỳ quý hiếm như hoa mai bạch đào, hay nhất chi mai. Nhất chi mai chỉ sống ở những nơi có mùa đông và giá lạnh. Cây chậm lớn, gốc xù xì, thân đen óng, nụ màu đỏ, khi nở thì chuyển dần sang màu trắng với nhiều tầng cánh xếp vào nhau và cũng là lúc đẹp nhất, tàn thì lại chuyển dần về màu đỏ.
Mặc cho thời thế đổi thay, cho đến tận cuối những năm 70 của thế kỷ trước, mỗi năm, Cổ mai trang vẫn khoe sắc trong giá lạnh để đón xuân sang.
Cổ mai trang nổi tiếng vì hoa mai quý, nhưng còn nổi tiếng hơn bởi những người chủ nhà và tân khách các thế hệ thâm giao với gia chủ, thường xuyên hội tụ nơi đây để ngắm hoa, ngâm vịnh, bàn chuyện thời cuộc và chia sẻ nỗi niềm thương nhà, thương nước trước nạn ngoại xâm. Họ đều là danh sĩ xứ Sơn Nam…
2. Anh Trần Văn Đức, cháu đời thứ 5 của Tam nguyên Trần Bích San mời chúng tôi vào. Ngôi nhà ngói cổ năm gian, khung bằng gỗ lim chắc chắn với những nét đục chạm đơn giản. Bộ cửa được tạo tác cẩn thận, đẹp mắt.
Cúi đầu thắp một nén hương, chúng tôi bày tỏ niềm hân hạnh được thăm Cổ mai trang, thăm ngôi nhà của Tam nguyên Vị Xuyên, của một gia tộc khoa bảng và yêu nước. Gian giữa có bức hoành phi đề “Dịch thế tải đức”, có lẽ lấy chữ từ Kinh Dịch “Quân tử dữ hậu đức tải vật” – người quân tử lấy đức để nâng đỡ mọi vật, tạm hiểu là gia đình đã nhiều đời lấy hậu đức làm lẽ sống.
Anh Đức cho biết, ngôi nhà này do cụ Trần Đình Lâm xây dựng năm Kỷ Dậu (1849), tính đến các con anh Đức là tám thế hệ đã sinh sống tại ngôi nhà này.
Thế hệ thứ hai, con trai cả cụ Trần Đình Lâm là cụ Trần Doãn Đạt thi đỗ Phó bảng làm quan Án sát sứ Tuyên Hóa.
Thế hệ thứ ba, con trai cả cụ Trần Doãn Đạt là cụ Trần Bích San, đỗ đầu liên tiếp các khoa thi Hương, thi Hội, thi Đình, được mệnh danh là Tam nguyên Vị Xuyên. Con trai thứ của cụ Trần Doãn Đạt là cụ Trần Bạch Lân làm Tri phủ Nho Quan, tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp, bị đầy đi Côn Đảo và tịch thu gia sản.
Thế hệ thứ tư, con trai cụ Tam nguyên Trần Bích San là ông Trần Song Ứng cùng với vợ ông là bà Nguyễn Phượng Trìu đã đón ông Nguyễn Thượng Hiền và ông Tăng Bạt Hổ về ngôi nhà này chuẩn bị cho phong trào Đông Du. Khi ông Ứng không may lâm bệnh mất sớm, bà Nguyễn Phượng Trìu đã tiếp nối ý chí của chồng, bảo vệ, nuôi dưỡng các nhà hoạt động cách mạng…
Trong không gian yên tĩnh của ngôi nhà, tôi hình dung nơi này cách đây trên 100 năm trước, Phó bảng Trần Doãn Đạt dạy con rất nghiêm. Không biết chỗ nào xưa cụ Phó bảng dán đôi câu đối lớn làm phương châm xử thế để dạy con, dạy học trò: “Trí thân trực dục cao thiên nhận/ Xử thế tu đương hạ nhất tằng” nghĩa là: Lập thân những muốn cao nghìn trượng/ Xử thế ta nên hạ một tầng. Đôi câu đối vừa khích lệ khát vọng vươn lên những đỉnh cao, vừa nhắc nhở về đức khiêm nhường trong cư xử.
Khi con trai đỗ Tam nguyên ở tuổi 26, ông viết bài thơ “Gửi con”, trong đó có câu: “Hữu thức phi nan, nan thức đáo/ Vô danh bất hoạn, hoạn danh phù” có nghĩa là: Để hiểu biết thì không khó, khó ở chỗ biết tường tận, thấu đáo/ Không có danh tiếng không đáng lo, đáng lo ở chỗ có danh mà danh hão, danh không xứng với thực.
Có lẽ vì chịu ảnh hưởng của một người cha, người thầy ghét hư văn, chuộng thực chất như thế, nên trong bài "Văn sách thi Đình", ông luận về thi cử rằng: "Triều đình mở khoa thi kén người, cố nhiên đã có phép tắc sẵn, nhưng chỉ chuyên xét về mặt văn từ mà chưa để ý đến thực hành. Cho nên có kẻ sĩ bản thân đọc sách thánh hiền mà buông tuồng tửu sắc, trộm đạo, cờ bạc, thuốc phiện. Họ múa may bút mực chỉ để kiếm chút khoa danh, cầu một chức quan, để mà giở thói tham lam, bỉ ổi, không từ cái gì. Như thế thì hiền gì mà xứng, tài gì mà có thể chọn được...".
3. Trên đầu hồi có treo chân dung Tam nguyên Trần Bích San, mặc triều phục màu xanh, đội mũ cánh chuồn, nét mặt thư sinh. Trong nhà treo hai đôi câu đối ca ngợi Tam nguyên Trần Bích San. Đôi câu đối ngoài lấy từ hai câu thơ trong bài “Quá Hải Vân quan” tương truyền Trần Bích San viết khi vào nhậm chức Tri phủ Thăng Bình: “Văn phi sơn hải vô kỳ khí/ Nhân bất phong sương vị lão tài” nghĩa là: Văn không có sông núi thì không có khí lạ / Người chưa dãi dầu sương gió thì chưa thể già dặn.
Đôi câu đối phía trong, sát bàn thờ viết: “Nhất cử đăng khoa thiên hạ hữu/ Tam nguyên liên trúng thế gian vô”, nghĩa là: Thi một lần đỗ ngay thì thiên hạ đã có/ Ba lần đỗ đầu liên tiếp thì thế gian chưa có.
Quả thật, trong lịch sử các kỳ thi Nho học Việt Nam, kéo dài 845 năm, chỉ có tám vị Tam nguyên. Đó là Trạng nguyên Đào Sư Tích (1348 – 1396), Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ (1457 - 1531), Trạng nguyên Vũ Dương (? - ?), Hoàng giáp Nguyễn Đăng (1577-?), Bảng nhãn Lê Quý Đôn (1726 - 1784), Hoàng giáp Trần Bích San (1840 - 1877), Hoàng giáp Nguyễn Khuyến (1835-1909) và Thám hoa Vũ Phạm Hàm (1864 - 1906). Trong đó chỉ duy nhất có một người đỗ đầu ba khoa liên tiếp, đó là Trần Bích San.
Ông là bậc kỳ tài, tiếc là ông sinh bất phùng thời, đỗ đạt vào thời Nho học suy tàn, giặc Pháp xâm lăng, triều đình bất lực. Hoạn lộ của ông vì thế cũng thăng trầm. Năm 1864 - 1865, ông đỗ đầu cả ba kỳ thi nhưng cũng là giai đoạn thực dân Pháp đã chiếm xong Cao Miên và ba tỉnh miền Đông Nam Bộ, nhăm nhe chiếm cả ba tỉnh miền Tây.
Năm 1867, Trần Bích San được bổ làm Tri phủ Thăng Bình, rồi đổi đi Điện Bàn. Mấy tháng sau được thăng Án sát tỉnh Bình Định. Đó cũng là năm ba tỉnh miền Tây rơi vào tay giặc Pháp, khiến vị tiền bối Nam Kỳ khai khoa, lão thần của triều đình là Phan Thanh Giản phải tuẫn tiết. Ông có bài thơ bày tỏ nỗi niềm xót xa về sự kiện này: “Nam trung bất khả đạo / Di lỗ tối tung hoành / Trực quát tam châu địa / Hà lao nhất thốn binh…” Nghĩa là: Người Nam trung hiếu biết nói gì nữa, khi giặc dữ cực mạnh, chiếm ngay được ba tỉnh mà không mất một tên lính”…
Năm 1870, Trần Bích San được cử đi sứ Trung Hoa để thương thuyết về việc buôn bán với Hương Cảng. Sau đó, ông trở vào kinh sung chức Đại lý tự, rồi Nội các sự vụ. Vài tháng thăng Thị lang Bộ Lại rồi chỉ ít lâu sau được bổ đi làm Tuần phủ Hà Nội.
Khi làm quan ở Bình Định, thấy dân cơ cực, ông đã tấu trình xin mở doanh điền ở Tuy Viễn để làm kinh tế và giữ yên bờ cõi. Đi Trung Quốc trở về, ông có trình lên một bản điều trần đề nghị mở mang công nghiệp, mở cửa biển thông thương, cử người đi du học nước ngoài… Điều đó cho thấy ông là người có tư tưởng canh tân, muốn đất nước giàu mạnh, tiếc rằng như nhiều bản điều trần tiến bộ khác của Nguyễn Trường Tộ, của Bùi Viện… những đề xuất của ông không được triều đình tiếp thu.
4. Nhìn chân dung ông, với đôi mắt u uẩn, tôi thầm nghĩ rằng, chắc hẳn nỗi đau mất nước, lòng căm hận giặc Pháp lúc nào cũng chan chứa trong ông. Thầy dạy của ông là Hoàng giáp Phạm Văn Nghị - một người có tinh thần chống Pháp quyết liệt. Năm 1858, khi quân Pháp nổ súng đánh phá bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, ông dâng sớ kháng Pháp và lập ngay một đội quân nghĩa dũng gồm 365 người rồi xin vua cho vào Đà Nẵng đánh giặc. Năm 1873, Pháp đem quân đánh chiếm Hà Nội và Nam Định, Phạm Văn Nghị khi đó đã ngót 70 tuổi vẫn tổ chức dân binh chặn đánh quân Pháp rất anh dũng…
Học trò của cụ Hoàng giáp, ngoài hai vị Tam nguyên Trần Bích San, Nguyễn Khuyến, còn có Hộ bộ Thượng thư Phạm Thận Duật, Tiến sĩ Tống Duy Tân, Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi, Phó bảng Lã Xuân Oai, Phó bảng Đặng Ngọc Cầu, Thủ khoa Nguyễn Cao… là những ông quan đã không làm nhục quốc thể, là những sĩ phu chống Pháp quyết liệt.
Trần Bích San có bài thơ “Hải đào” thể hiện lòng căm thù giặc Pháp: “Hoàng đường thu dạ tịch / Ngọa thính hải đào minh / Quỷ quốc do vi ngạnh / Ba tâm tự bất bình” tạm dịch là: Đêm thu nơi phủ đường/ Nằm nghe sóng biển gầm/ Lũ giặc kia bạo ngược/ Sóng nước cũng hờn căm.
Tâm tư ấy mà phải thường xuyên giao thiệp với người Pháp, hẳn rất khó khăn đối với ông, trong khi triều đình đã từng bước buộc phải nhượng bộ. Người ta còn lưu truyền câu chuyện xảy ra tháng 3 năm 1868, lúc làm Tri phủ ở Thăng Bình, ông đã ra lệnh bắt giữ hai viên cố đạo Tây có thái độ nghênh ngang nhưng không có giấy tờ hợp lệ. Súy phủ Pháp ở Nam Kỳ phải can thiệp, trình việc lên vua đòi bắt vạ là ông cấm đạo.
Có giai thoại nói rằng, một lần Phó Thủy sư Đô đốc Dupré ở Sài Gòn ra ghé thăm xã giao ông. Dupré dắt theo một con chó. Chủ khách vừa an tọa thì con chó cũng nhảy lên nằm trên ghế đối diện. Ông nổi giận phủi áo đứng dậy không tiếp Dupré nữa và sai lính đánh chết con chó.
Đại Nam thực lục có ghi, năm 1877 vua Tự Đức cho là hai năm trước, nước Pháp sai sứ mang sang tiến tặng nước ta tàu, súng các loại, nên muốn cử phái đoàn sang Pháp đáp lễ. Triều đình tiến cử Tuần phủ Hà Nội Trần Hy Tăng. Ông được triệu về kinh, đổi bổ là Tả Tham tri bộ Lễ, sung làm Chánh sứ.
“Nguyên tuần phủ sung phái đi sứ là Trần Huy Tăng phụng mệnh đi về Kinh rồi ốm chết. Vua bảo rằng Hy Tăng xuất thân khoa giáp, có học, có kiến thức Trẫm đương mong thi thố, làm được việc mà anh khí phát tiết ra quá, không làm trọn được việc, chỉ mang chí ấy mà chết, xiết bao thương tiếc”. Vua Tự Đức làm bài thơ tỏ lòng thương tiếc, lại ban cho một tấm hai tấm lụa, năm tấm vải và cấp 2 trăm quan tiền, sai phu đưa thi hài ông về đến quê hương Nam Định. Quan tỉnh vâng mệnh ban rượu, đọc bài thơ của vua Tự Đức…
Chính sử chỉ ghi như vậy, nhưng đó là một bi kịch lớn. Nhiệm vụ của Chánh sứ lần này là bày tỏ lòng tri ân nước Pháp, trong khi lòng ông cuồn cuộn hờn căm. Pháp đã chiếm xong lục tỉnh Nam Kỳ, đang lăm le đánh chiếm Bắc Kỳ, thầy học, các bạn đồng môn và sĩ phu cả nước đang ngùn ngụt tinh thần chống Pháp… nếu ông bộc lộ thái độ chống Pháp thì không hoàn thành mệnh vua giao, nếu hoàn thành sứ mệnh thì phụ lòng dân, bài học cụ Phan Thanh Giản còn sừng sững đó.
5. Ngôi nhà Cổ mai trang nhìn ra phía con sông Đào, nơi trước đây có bến Đò Chè khách khứa tấp nập qua lại. Danh nhân, sĩ phu yêu nước qua lại ngôi nhà này rất đông, đó là Phạm Văn Nghị, Nguyễn Khuyến, Phạm Thận Duật, Tống Duy Tân, Vũ Hữu Lợi…
Năm 1883, thực dân Pháp chiếm Nam Định, chúng đã lấy ngôi nhà làm chỗ ở và làm việc cho viên Công sứ. Một thời gian sau, ngôi nhà là nơi ở của Tổng đốc Nam Định là cụ Cao Xuân Dục. Qua giai đoạn đó, các môn sinh của cụ Trần Đình Lâm đã góp tiền chuộc lại ngôi nhà để lấy chỗ thờ thầy học.
Nghe nói, khi có dịp đi qua đây, danh tướng Tôn Thất Thuyết, người cầm đầu phong trào Cần Vương, đã làm câu đối viếng Trần Bích San : “Lân quân độc thủ cô thành, quốc trung thần, gia hiếu tử / Sử ngã kinh qua thử địa, giang bán dạ, nguyệt trung thu” nghĩa là: “ Thương ông riêng tấm lòng thành, con hiếu của nhà, tôi trung của nước / Khiến tôi qua nơi đất cũ, dòng sông đêm vắng, vầng nguyệt giữa thu”
Khoảng năm 1915-1916, Lương Ngọc Quyến và Nguyễn Thượng Hiền cũng về ẩn náu tại ngôi nhà này. Các học sinh yêu nước thời đó như Đặng Xuân Khu, Nguyễn Đức Cảnh đều qua đây để đọc sách báo tiến bộ. Ngôi nhà cũng là nơi thành lập Chi hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đầu tiên của tỉnh Nam Định và khu vực Bắc Bộ.
Có thể nói đây là một địa chỉ văn hóa – lịch sử đặc biệt, hiếm có không chỉ đối với Nam Định mà đối với cả nước.
6. Trái với giá trị nhiều mặt của di tích, ngôi nhà như một viên ngọc quý đang lăn lóc giữa trần ai. Khoảnh sân trước ngôi nhà được tôn lên, mất bậc tam cấp, khiến ngôi nhà thấp xuống. Hơn nữa, sân chỉ còn lại hai mét chiều rộng, một phần lớn sân và vườn mai danh tiếng năm xưa đã bán cho người khác xây nhà cao tầng. Di tích không còn không gian riêng vốn có của nó.
Ba gian nhà giữa là nơi thờ tự, tiếp khách, gian buồng trong là nơi sinh hoạt của vợ chồng anh Đức, gian ngoài đường đã được cải tạo lại, vợ chồng anh trai anh Đức sử dụng. Vừa thờ cúng, vừa là di tích cấp quốc gia, vừa là nơi sinh sống nên dù cố gắng đến đâu, ngôi nhà cũng đang quá tải.
Cả hai đôi câu đối ca ngợi Tam nguyên Vị Xuyên mới làm treo trong nhà đều có chữ viết nhầm. Câu đối ngoài, chữ Phi là không, không có… viết nhầm thành chữ Phi có bộ Thảo đầu nghĩa là củ cải, là rau phỉ. Câu đối trong, chữ Trúng trong trúng cách, trúng tuyển, trúng cử bị viết nhầm thành Chúng là số đông, là nhiều, trong quần chúng, chúng sinh.
Một lỗi đáng tiếc trong phục chế nữa là cả ba gian nhà đều được làm mới ba bộ cửa võng vàng son chói lọi, với hình lưỡng long chầu nhật thường thấy ở các đình chùa miếu mạo. Theo truyền thống, nhà thờ tư gia, thay vì rồng, phượng người ta dùng hình cỏ cây hoa lá, nếu tạo hình rồng thì cũng là rồng hóa dưới dạng cây trúc, cây hoa, không bao giờ dám dùng rồng tả thực có chân móng, có bờm… Gia đình cụ Trần Bích San là đại trí thức Nho học, nên đương nhiên giữ phép tắc rất kỹ. Tôi chia sẻ nhận xét của mình, anh Đức thành thật nói là rất tiếc đã không biết những chuẩn mực đó.
**
Bâng khuâng hình dung Cổ Mai trang, tôi ao ước rằng một ngày đẹp trời nào đó tỉnh Nam Định và ngành văn hóa đầu tư thích đáng vào di tích này, lấy lại phần đất xưa, trồng lại vườn mai, tôn tạo lại ngôi nhà cho xứng đáng với giá trị lịch sử, văn hóa của nó… để nơi đây là một điểm đến nổi bật, thật sự là biểu tượng của vùng đất địa linh Nam Định với du khách gần xa, nhất là những ngày xuân trăm hoa khoe sắc.
Lưu Thái Bảo