Bài học cho Doanh nghiệp Việt khi hợp tác với đối tác ngoại nhìn từ vụ WHAUP khởi kiện Aqua One

21/10/2021 10:10

Mới đây một sự kiện xôn xao giới đầu tư, tài chính – WHAUP ( một DN của Thái Lan) đã đệ đơn kiện Aqua One ( DN của Shark Liên)  lên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và yêu cầu Aqua One  thực hiện nghĩa vụ theo các điều khoản trong hợp đồng mua bán cổ phần. 

Xung quanh sự kiện này, Phóng viên Tạp chí điện tử Pháp lý đã phỏng vấn Luật gia Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam (VLCAC) - người có rất nhiều kinh nghiệm và uy tín trong việc tham gia tư vấn, giải quyết các vụ tranh chấp thương mại tại Việt Nam và Quốc tế.

11-1634717298.jpg
Luật gia Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam – VLCAC trả lời phỏng vấn PV Pháp lý

Aqua One có thể phải gánh chịu những hệ quả pháp lý rất bất lợi nếu bị xử thua kiện

Phóng viên: Thưa Ông, mới đây Công ty WHAUP (SG) 2DR, một công ty con của WHA Utilities and Power Public Company Limited (WHAUP) của Thái Lan – một cổ đông lớn nắm giữ 34% vốn của Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống đã chính thức khởi kiện kiện Aqua One và ông Đỗ Tất Thắng (người đã bán cổ phần cho WHAUP) lên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam do không thực hiện đúng cam kết theo thỏa thuận mua bán cổ phần đang gây xôn xao giới tài chính. Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về vụ kiện này?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Quả thật, tôi không quá bất ngờ khi biết được thông tin về vụ kiện. Bởi, với kinh nghiệm nhiều năm tham gia tư vấn pháp lý cho Doanh nghiệp tôi thấy rằng, khi tham gia vào các thương vụ làm ăn với các nhà đầu tư nước ngoài thì Doanh nghiệp Việt của mình thường rất dễ vướng vào tranh chấp không đáng có. Thực tế từ trước đến nay cũng đã có rất nhiều vụ tranh chấp kiện tụng giữa Doanh nghiệp Việt Nam với các nhà đầu tư hoặc các định chế tài chính nước ngoài và thường phải chịu những hệ quả pháp lý bất lợi.

Trong vụ việc này, tôi thấy rất tiếc hay nói đúng hơn là buồn. Bởi, Aqua One bị đối tác nước ngoài khởi kiện với lý do không thực hiện đúng cam kết theo thỏa thuận hợp đồng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Aqua One.

Phóng viên: Là một Trọng tài viên đã từng tham gia giải quyết nhiều vụ tranh chấp mua bán, sáp nhập, đầu tư trong nước và quốc tế. Bằng kinh nghiệm của mình, Ông có đánh giá gì về vụ kiện này? Liệu rằng Aqua One có thể có được ưu thế nào hay không?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Theo quy định hiện hành, với vụ tranh chấp được giải quyết tại Trung tâm trọng tài, sau khi người có yêu cầu nộp đơn và hồ sơ khởi kiện tại Trung tâm trọng tài và được Trung tâm trọng tài thụ lý đơn khởi kiện thì Trung tâm trọng tài gửi cho Bị đơn bản sao đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo. 

Nếu các bên không có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài không có quy định khác, thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo, bị đơn phải gửi cho Trung tâm trọng tài bản tự bảo vệ…

12-1634717298.jpg
Đối tác Thái Lan cho rằng Aqua One "lật kèo" trong thương vụ mua bán cổ phần Nhà máy nước mặt sông Đuống ?.

Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có thông tin về việc thụ lý đơn Công ty WHAUP cũng như các thông tin khác liên quan đến việc giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, thông thường trong các vụ tranh chấp thương mại, thì sẽ căn cứ vào những thoả thuận trong hợp đồng đã ký kết để phân xử đúng sai. Trong vụ việc này, nếu chỉ nhìn vào thông tin khởi kiện mà WHAUP công bố thì Aqua One đang gặp khá nhiều bất lợi. 

Bởi, theo như thoả thuận, WHAUP mua lại 34% cổ phần Nhà máy Nước mặt Sông Đuống từ ông Đỗ Tất Thắng với giá 1.886 tỷ đồng, tương đương 2,5 tỷ baht. Phía WHAUP được quyền bán toàn bộ cổ phần của mình trong Nhà máy Nước mặt Sông Đuống cho Công ty Cổ phần nước Aqua One, với giá đã mua cộng với chi phí ghi sổ theo quy định trong hợp đồng nếu CTCP Nước mặt Sông Đuống không chuyển cho WHAUP giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sửa đổi trước ngày 25/10/2020, bao gồm nội dung nâng công suất khai thác của công ty Sông Đuống từ 300.000 m3/ngày lên 600.000 m3/ngày.

Tuy nhiên, Nước mặt Sông Đuống, Aqua One và ông Đỗ Tất Thắng đã không cung cấp được giấy chứng nhận đúng thời hạn. Chính điều này khiến cho WHAUP kích hoạt điều khoản quyền bán lại này.

Theo đó, ngày 23/11/2020, WHAUP đã gửi thông báo cho Aqua One, yêu cầu Aqua One có nghĩa vụ mua toàn bộ cổ phần từ WHAUP trước ngày 7/6/2021 theo thỏa thuận mua bán cổ phần. Thế nhưng, Aqua One vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ mua cổ phần theo như thỏa thuận trước đó.

Như vậy, nếu đúng như cáo buộc từ WHAUP thì Aqua One đã không thực hiện đầy đủ các cam kết cũng như nghĩa vụ theo như thoả thuận. Điều này có thể khiến Aqua One phải chịu những hệ quả pháp lý rất bất lợi nếu bị xử thua kiện như buộc thực hiện nghĩa vụ. Thậm chí có thể phải chịu chế tài như phạt vi phạm hợp đồng hoặc bồi thường thiệt hại nếu có. Đây là một bài học không chỉ đối với Aqua One cũng như Doanh nghiệp Việt khi làm ăn ký kết hợp đồng với nước ngoài.

13-1634717298.jpg
Công ty Cổ phần Nước Aqua One (do bà Đỗ Thị Kim Liên (shark Liên) làm người đại diện pháp luật) có thể phải gánh chịu những hệ quả pháp lý rất bất lợi nếu bị xử thua kiện

Bài học nào cho Doanh nghiệp Việt ?

Phóng viên: Như Ông đã nói, khi tham gia vào các thương vụ làm ăn với các nhà đầu tư nước ngoài thì Doanh nghiệp Việt của mình thường rất dễ vướng vào tranh chấp không đáng có và thường phải chịu những hệ quả pháp lý bất lợi. Vậy, nguyên nhân nào dẫn đến điều này, thưa Ông?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Trong câu chuyện hợp tác giữa các doanh nghiệp với các nhà đầu tư thì vai trò của nhà tư vấn về tài chính cũng như tư vấn về pháp lý là không thể thiếu. Ở những nước phát triển trong các thương vụ mua bán hay là đầu tư thì bao giờ cũng có sự tham gia của các nhà tư vấn về tài chính và tư vấn về pháp lý. 

Một thương vụ đầu tư vốn tư nhân hay là mua bán, sáp nhập doanh nghiệp sẽ rất phức tạp và nhiều điều khoản cần phải đàm phán rất chi tiết và chặt chẽ khi ký hợp đồng. 

Trong khi các nhà đầu tư, đối tác nước ngoài luôn có đội ngũ nhà tư vấn tài chính, pháp lý chuyên nghiệp tham gia ngay từ đầu để ràng buộc các yêu cầu và đưa cam kết của chủ doanh nghiệp vào hợp đồng. Trái lại tại Việt Nam, rất nhiều các chủ doanh nghiệp thường quá tin vào mình hoặc là quá tiết kiệm, họ làm doanh nghiệp thành công nên họ tự tin là sẽ làm được và đưa ra những cam kết mà bản thân họ cũng không chắc chắn có thực hiện được hay không. Họ cũng không có thói quen thuê luật sư chuyên ngành thực hiện soạn thảo rà soát hợp đồng. Khi xảy ra tranh chấp, tòa án hay trọng tài sẽ căn cứ vào hợp đồng mà hai bên đã ký với nhau để xử và tất nhiên khó tránh khỏi những hệ quả pháp lý bất lợi nếu hợp đồng không chặt chẽ hoặc không tuân thủ đúng cam kết theo hợp đồng đã kí.

Phóng viên: Theo Ông từ vụ việc này, rút ra được bài học gì cho Doanh nghiệp Việt  trong những thương vụ làm ăn với nước ngoài?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Dù kết quả vụ kiện này có thế nào đi chăng nữa thì các Doanh nghiệp Việt cũng sẽ rút ra bài học vô cùng đắt giá trong các thương vụ hợp tác kinh doanh với nước ngoài. Nếu ngay từ đầu, có sự tham gia của các nhà tư vấn pháp lý chuyên nghiệp, am hiểu luật pháp Việt Nam cũng như quốc tế và có kinh nghiệm soạn thảo để đưa ra các điều khoản thương mại, các tình huống giả định cũng như xây dựng kế hoạch kinh doanh sát với khả năng, năng lực của doanh nghiệp… thì sẽ hạn chế được những điều khoản bất lợi hoặc dự báo những điều khoản không thể thực hiện nhằm tránh vướng vào tranh chấp kiện tụng như Aqua One.

Phóng viên: Ông có lời khuyên nào đối với Doanh nghiệp Việt  khi tham gia vào các thương vụ tương tự?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Theo tôi, trước khi tham gia vào các thương vụ kinh doanh quốc tế, Doanh nghiệp Việt cần tìm hiểu kỹ các đối tác. Bởi, có nhiều trường hợp vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận và tối thiểu hóa rủi ro, họ có thể khôn khéo cài cắm các điều khoản vào hợp đồng để có lợi nhất cho mình. 

Đồng thời DN cần phải thuê các tổ chức tư vấn pháp lý chuyên nghiệp đủ năng lực, hiểu rõ luật pháp quốc tế và có kinh nghiệm soạn thảo, hiểu rõ các điều khoản của hợp đồng thay vì chỉ đơn thuần sử dụng bộ phận pháp chế nội bộ hoặc thuê tư vấn thiếu năng lực để xem xét các điều khoản hợp đồng, đặc biệt là những hợp đồng bằng tiếng Anh với các câu chữ cài cắm.

Đặc biệt, lãnh đạo doanh nghiệp cần luôn tỉnh táo và nghiêm túc xem xét những cảnh báo từ các chuyên gia tư vấn. Nếu có những điều khoản bất lợi hoặc bất khả thi, thì phải đàm phán lại cho phù hợp hoặc từ chối nếu cần thiết trước khi đặt bút kí hợp đồng.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Ông ! 

Đinh Chiến (thực hiện)
 

Bạn đang đọc bài viết "Bài học cho Doanh nghiệp Việt khi hợp tác với đối tác ngoại nhìn từ vụ WHAUP khởi kiện Aqua One" tại chuyên mục Kinh nghiệm pháp lý. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin