Bài 25: Để không dám, không thể tham nhũng…

(Pháp lý) - Dù công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả tích cực, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp đã được điều tra, truy tố, xét xử. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng pháp luật về phòng, chống tham nhũng vẫn có những lỗ hổng, một số chế tài thiếu sắc bén, chưa đủ tính răn đe...

Bỏ lọt tội phạm tham nhũng ở cấp tỉnh?

Trong một báo cáo mới đây của Ban Nội chính Trung ương cho biết: từ năm 2014 đến nay, cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 840 tổ chức Đảng và 58.120 đảng viên vi phạm. Trong đó, hơn 2.700 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái. Nhất là Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra làm rõ nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, quyết định kỷ luật và đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật nhiều tổ chức Đảng và đảng viên là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước vi phạm, cả đương chức, chuyển công tác và đã nghỉ hưu. 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 9 trường hợp là Ủy viên Trung ương, nguyên là Ủy viên Trung ương đã bị kỷ luật, khai trừ đảng một Ủy viên Trung ương - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị. Cũng thời gian này, qua thanh tra, kiểm toán, cơ quan chức năng kiến nghị thu hồi trên 260.000 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự hơn 340 vụ, 436 đối tượng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, kiến nghị thu hồi trên 165.000 tỷ đồng và 12.000 ha đất; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 194 vụ, 335 đối tượng liên quan đến tham nhũng, kinh tế...

Công tác PCTN trong những năm qua đã đạt được những kết quả tích cực (ảnh minh họa)
Công tác PCTN trong những năm qua đã đạt được những kết quả tích cực (ảnh minh họa))

Một số địa phương đã chỉ đạo khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm minh cán bộ thuộc quyền quản lý có sai phạm liên quan đến tham nhũng, kinh tế. Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đến nay đã kết thúc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử sơ thẩm 35 vụ án/440 bị cáo, với 11 án tử hình cho 10 bị cáo; 20 án chung thân cho 19 bị cáo; 7 bị cáo bị phạt tù với mức án 30 năm; hơn 39 bị cáo bị phạt tù từ 12 tháng đến dưới 30 năm... Trong đó, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp được điều tra, truy tố, xét xử nghiêm khắc, đúng pháp luật. Điển hình là các vụ án: Vũ Quốc Hảo, Vũ Việt Hùng, Dương Chí Dũng, Huỳnh Thị Huyền Như, Nguyễn Đức Kiên, Lê Dũng, Châu Thị Thu Nga, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh, Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ, vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương.

Tuy việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã đạt được những hiệu quả nhất định, nhưng khi luận bàn về vấn đề này trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng thu hồi tài sản do tham nhũng là mục tiêu chính trong đấu tranh chống loại tội phạm này vẫn chưa đạt được như mong muốn. Thực tế, qua theo dõi một số vụ án lớn, thì số tiền thu về cho ngân sách quốc gia còn rất hạn chế. Như vụ cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại Vinashin, theo quyết định thi hành án, Phạm Thanh Bình và Trần Văn Liêm phải bồi thường thiệt hại cho các bên liên quan gần một nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 7/2017 vẫn chưa thi hành được khoản nào. Tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) cho thấy, hơn 92% số tiền tham nhũng bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được. Như vậy, việc thu hồi tài sản là quá nhỏ so với thiệt hại lớn mà tội phạm tham nhũng gây ra cho ngân khố quốc gia.

Một vấn đề nữa được đại biểu Hoàng Đức Thắng, tỉnh Quảng Trị chỉ ra, hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ tham nhũng nhỏ ở cấp xã, huyện hoặc những vụ đặc biệt nghiêm trọng được xã hội quan tâm do cơ quan điều tra trung ương vào cuộc xử lý. Dư luận xã hội và nhân dân rất quan ngại về tình hình tham nhũng cấp tỉnh ít được phát hiện và xử lý. Phải chăng chúng ta đang bỏ lọt tham nhũng ở khu vực này hay khi phát hiện thì xử lý theo kiểu khép kín nội bộ, phê bình nghiêm khắc, kiểm điểm rút kinh nghiệm. Vì thế, ông Thắng đề nghị Chính phủ cần xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu và không thể "giơ cao đánh khẽ", "rung cây dọa khỉ" mãi được.

Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Vinalines bị kết án tử hình vì liên quan đến những sai phạm tại Vinalines
Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Vinalines bị kết án tử hình vì liên quan đến những sai phạm tại Vinalines)

Luật chưa hoàn thiện, chế tài không sắc bén thì tham nhũng khó giảm

Thạc sỹ Phan Đăng Hải, Giảng viên khoa Luật, Học viện Ngân hàng cho rằng: chúng ta cần quan tâm đến khâu thực thi pháp luật, khâu này hiện nay còn yếu nên chống tham nhũng hiệu quả chưa cao. Việc xây dựng khuôn khổ pháp lý cho công tác PCTN là yêu cầu tiên quyết cho việc thực hiện có hiệu quả công tác PCTN trên thực tế. Thiếu khuôn khổ pháp lý hoàn thiện, đủ mạnh mẽ thì rất khó để có thể đạt được thành tựu. Ngoài ra, khi đã có khung pháp lý rồi, thì việc nghiêm túc thực hiện pháp luật cũng có ý nghĩa quan trọng trong công tác PCTN.

Nêu một ví dụ, Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, Luật PCTN cũng như các Nghị định, Thông tư liên quan đều đã có những quy định về kê khai, minh bạch tài sản đối với cán bộ, công chức và nhiều đối tượng khác. Tuy nhiên, vấn đề là cần phải kê khai thực chất và có giám sát, thẩm định chặt chẽ. Trong khi hiện nay, việc kê khai này cũng chỉ dừng lại ở “thống kê” và “khai báo”. Việc phát hiện sai phạm, xử lý vi phạm, tham nhũng qua công tác kê khai hầu như rất hiếm có. Theo đó, vị này cho rằng việc sửa Luật PCTN ngoài việc bổ sung các quy định, khắc phục các lỗ hổng cũng cần phải có cơ chế để làm thực chất và có chế tài nghiêm, giám sát chặt chẽ vấn đề tài sản của quan chức.

Luật sư Trương Quốc Hòe, Công ty Luật Interla cho rằng, nếu chỉ sửa đổi mình Luật PCTN thì khó mà chống tham nhũng hiệu quả, bởi vì còn rất nhiều Luật khác có lỗ hổng, tạo điều kiện cho tham nhũng. Do đó, song song với việc sửa Luật PCTN, cũng cần phải khắc phục các lỗ hổng của các luật chuyên ngành, ngăn chặn việc bắt tay “công – tư” trục lợi tài sản nhà nước, tham nhũng.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, về cơ bản, Luật PCTN ngay từ khi xây dựng có thể nói là luật tiến bộ, theo sát công ước quốc tế về PCTN. Tuy nhiên, không nên hy vọng Luật PCTN sẽ giải quyết được tất cả vấn đề, vì chống tham nhũng ở từng lĩnh vực còn phụ thuộc vào Luật chuyên ngành (như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Đấu giá, Luật Quy hoạch…), ta phải hoàn thiện và thực hiện tốt cả những Luật khác mới hy vọng chống được tham nhũng.

Theo Luật sư Hà, hiện nay, trong một số văn bản pháp luật vẫn còn tồn tại những kẽ hở tạo cơ hội cho cán bộ, doanh nghiệp trục lợi. Ví dụ, trong các quy định của Luật Đất đai 2013, những quy định về thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, tái định cư về đất được quy định khá cụ thể trong chương VI. Tuy đã khá chặt chẽ và cụ thể nhưng vẫn còn có những quy định có kẽ hở gây thiệt hại cho dân và “giúp” cho cán bộ và doanh nghiệp hưởng lợi. “Đầu tiên là hiện tượng nhiều doanh nghiệp (qua chính quyền) đứng ra thu hồi đất nông nghiệp, nhưng trả dân tiền bồi thường với giá rẻ, rồi sau đó doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng đất làm gia tăng giá trị lên nhiều lần. Đây là điều rất bất bình đẳng, kẽ hở lớn này có thể giúp quan chức, doanh nghiệp được lợi, đó là nguồn gốc của tham nhũng”, Luật sư Hà nói.

 Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật sư SBLAW trao đổi với PV Pháp lý
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật sư SBLAW trao đổi với PV Pháp lý)

Ngoài ra, Luật sư Hà cũng cho rằng, các quy định thu hồi đất để phục vụ mục đích quốc gia, công cộng tại Điều 62, nhất là tại khoản 3 điều này – các dự án có thu hồi đất do HĐND cấp tỉnh quyết là dễ lách luật nhất. Doanh nghiệp ban đầu có thể lập dự án với mục đích để phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng nhưng sau đó có thể sẽ xin chuyển đổi mục đích của một phần hay toàn dự án. Hoặc doanh nghiệp cố tình lập các dự án trong danh mục hưởng ưu đãi đầu tư, sau khi hưởng hết các ưu đãi đầu tư thì lại chuyển mục đích của dự án. Mặc dù Điều 35, Luật Đất đai quy định về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhấn mạnh: Quy hoạch và kế hoạch phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, được lập từ tổng thể đến chi tiết; … Điều 43 của Luật này cũng quy định việc lập quy hoạch và kế hoạch phải hỏi ý kiến của nhân dân, …Tuy nhiên các cấp thẩm quyền sửa đổi quy hoạch lại “bí mật”, thủ tục cũng khá đơn giản “giúp” nhiều doanh nghiệp lách luật. Việc đó tạo ra kẽ hở để doanh nghiệp “đi đêm” với quan chức, tạo ra những quyết định sửa đổi quy hoạch có lợi cho doanh nghiệp. Đó chính là nguyên nhân của thất thoát tài sản Nhà nước, thiệt thòi cho dân và mang tới lợi ích cho quan chức có quyền quyết định đồng nghĩa với tiêu cực, tham nhũng.

Luật sư Hà cho rằng, để tránh việc thất thoát tài sản của Nhà nước, hiện nay ta có nhiều giải pháp khác nhau nhưng quan trọng là phải bịt kín kẽ hở, hoàn thiện đồng bộ nhiều Luật kinh tế có liên quan, kết hợp với phòng ngừa và xử lý nghiêm minh khi phát hiện thất thoát, tham nhũng. Theo đó, phải bảo đảm công khai, minh bạch trong các dự án, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; bảo đảm vốn, tài sản của Nhà nước và giá trị doanh nghiệp được định giá đầy đủ, hợp lý, công khai, minh bạch.

Còn theo Thạc sỹ Phan Đăng Hải, nhiệm vụ chính của Luật PCTN là tạo ra một cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện và sâu rộng, qua đó góp phần xây dựng một cơ chế quản lý nhà nước, quản lý xã hội công khai, minh bạch, không để tham nhũng xảy ra; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng. Có thể nói, mặc dù việc PCTN được quy định khái quát, toàn diện trong Luật PCTN, tuy nhiên, những nội dung chi tiết cần phải được các văn bản Luật khác đề cập. Chính vì vậy, trong quá trình sửa đổi Luật PCTN cần phải tính đến việc hoàn thiện những văn bản khác như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công… để đảm bảo tính thống nhất. Những tồn tại, hạn chế trong thời gian vừa qua liên quan tới các văn bản nêu trên (như vấn đề bồi thường đất bị thu hồi, chỉ định thầu…) phải được đề cập trong Luật PCTN sửa đổi, từ đó có định hướng sửa đổi nội dung liên quan trong các văn bản Luật cụ thể.

Cần lưu ý rằng, trong công tác PCTN, việc chống tham nhũng không quan trọng bằng việc phòng ngừa tham nhũng diễn ra. Làm sao để cán bộ, công chức “không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng”. Để “không muốn tham nhũng” phải cải cách tiền lương, “không dám tham nhũng” phải tăng nặng chế tài, “không thể tham nhũng” phải bịt kín các kẽ hở của Luật, công khai, minh bạch, kiểm soát được tài sản của cán bộ công chức. Do đó, nếu không thay đổi đồng bộ, giải quyết triệt để những vấn đề còn tồn đọng, không chỉ trong Luật PCTN mà cả các Luật liên quan, thì chắc chắn tình trạng tham nhũng sẽ có chiều hướng tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, Thạc sỹ Hải thẳng thắn nêu quan điểm.

Hải Dương

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin