(Pháp lý) - Sau tám mươi năm dưới ách nô lệ của thực dân Pháp, bằng cuộc cách mạng long trời lở đất tháng Tám năm Bốn lăm, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, đã giành lại chính quyền, nước ta đã được độc lập, dân ta đã được tự do. Tết Bính Tuất - 1946 là tết độc lập đầu tiên của dân tộc.
Hơn ba mươi năm bôn ba khắp bốn biển năm châu, xa quê hương, xa đất nước, tiếp cận với nhiều nền văn hóa và nhiều phong tục tập quán khác nhau ở các châu lục trên thế giới, nhưng Bác vẫn nhớ về ngày tết cổ truyền của dân tộc với đầy đủ quan niệm và tình cảm thiêng liêng của một người con đất Việt. Ngay từ cuối tháng Chạp năm Ất Dậu, Người đã sớm nghĩ về cái Tết độc lập đầu tiên của dân tộc. Nhưng không phải là Người lo chuẩn bị sắm sửa gì cho riêng mình, mà Người nghĩ nhiều đến đồng bào, chiến sỹ. Người lo tết cho toàn dân tộc. Khi còn hơn chục ngày nữa mới đến tết, ngày 20 tháng Giêng năm 1946 (là ngày 18 tháng Chạp năm Ất Dậu), Bác đã viết thư gửi đồng bào nhân dịp Tết cổ truyền sắp đến: “Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng đồng tình và bác ái. Trong lúc này toàn quốc đồng bào từ giàu đến nghèo, từ già đến trẻ, ai cũng sửa soạn ăn tết mừng xuân. Tôi kêu gọi đồng bào và các đoàn thể làm thế nào để chia sẻ cuộc vui xuân mừng tết với:
Những chiến sỹ oanh liệt ở trước mặt trận.
Những gia quyến các chiến sỹ
Những đồng bào nghèo nàn.
Sao cho mọi người đều được hưởng các thú vui về Tết, Xuân đầu tiên của nước Việt Nam độc lập”.
Cũng nhân dịp sắp đến tết độc lập đầu tiên của dân tộc, Bác đã viết thư cho thanh niên và nhi đồng toàn quốc. Thư Bác viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Người khuyên bảo các cháu: “ Năm mới chúng ta thực hành đời sống mới để trở nên những công dân mới, xứng đáng với nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”.
Đêm Ba mươi tết, Bác đã đi thăm và chúc tết một số gia đình ở thủ đô. Bác đến một cách bất ngờ, không báo trước. Bác muốn được trực tiếp thấy sự chuẩn bị ăn tết của đồng bào. Trong số các gia đình được Bác đến thăm, có gia đình thuộc nhà nghèo, chủ nhà làm nghề kéo xe. Có gia đình là quan lại cũ, có gia đình là viên chức nghèo và có gia đình làm nghề buôn bán... Bác muốn biết sự ăn tết của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội.
Cũng đêm ba mươi tết độc lập đầu tiên này, sau khi đi thăm một số gia đình người dân, Bác đã hòa vào dòng người dân thủ đô viếng đền Ngọc Sơn và đón giao thừa tại đây. Vị lãnh tụ tối cao của dân tộc sống bình dị giữa nhân dân, hòa vào nhân dân, sống bình dị với đầy đủ quan niệm và thi lễ đúng với phong tục cổ truyền của dân tộc trong ngày Tết Nguyên đán. Đêm giao thừa đầu tiên được hưởng tự do, Bác đã hòa cùng dòng người ấm cúng để hưởng niềm vui đón năm mới bên hồ Gươm, trên cầu Thê Húc và đền Ngọc Sơn, giữa lòng thủ đô.
Sáng mùng Một Tết Bính Tuất, Bác dậy sớm để khai bút. Một phong tục đẹp, một nét văn hóa cổ truyền của dân tộc được Người thi lễ một cách trang trọng. Những dòng chữ đầu tiên của năm mới, dòng chữ khai bút, Bác đã giành cho nhân dân và chiến sỹ. Bác viết thư gửi đồng bào và chiến sỹ nhân dịp năm mới. Bác chúc đồng bào:
Trong năm Bính Tuất mới,
Muôn việc đều tấn tới.
Kiến quốc mau thành công,
Kháng chiến mau thắng lợi.
Việt Nam độc lập muôn năm !”
Nhà cách mạng Phạm Văn Đồng đã từng viết: “Bình sinh Hồ Chủ tịch là người rất giản dị, lão thực.
Hồ Chủ tịch là người Việt Nam, Việt Nam hơn người Việt Nam nào hết. Ngót ba mươi năm bôn tẩu bốn phương trời, Người vẫn giữ thuần túy, phong độ, ngôn ngữ, tính tình, của một người Việt Nam” (Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc - PhạmVăn Đồng).
Người “là người Việt Nam hơn người Việt Nam nào hết”, ấy chính là cái vĩ đại ở Người. Vị lãnh tụ tối cao của dân tộc, vị Chủ tịch nước, lo toan cả một sự nghiệp, nhưng cũng không quên chăm lo cái tết cho từng người dân nghèo, trăn trở chia sẻ cùng các chiến sỹ nơi mặt trận. Còn nhớ, hồi Bác mới về nước để lãnh đạo cách mạng. Lúc này Bác đang ở Pác Bó (Cao Bằng).
Ngày Tết, bà con trong làng đến chúc Tết Bác. Bác đã tự tay vẽ một bức tranh Phật treo trên vách đá cho bà con có chỗ lễ. Ai đến Bác cũng mừng tuổi cho một xu. Đồng xu mừng tuổi được Bác gói trong giấy hồng điều xinh xắn. Một chi tiết nhỏ trong ngày đầu năm mới cổ truyền, một nét văn hóa, một phong tục đẹp của dân tộc... Bác cũng rất chu đáo.
Có lẽ, trên thế giới này, hiếm có vị lãnh tụ, vị nguyên thủ quốc gia nào có nhân sinh quan, tác phong và lối sống rất đỗi bình dị, “Lão thực và giản dị” như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó chính là cái vĩ đại của Người.
LÂM BẰNG