Bà Nguyễn Thị Bình – một Chính trị gia bản lĩnh vượt thời gian

07/03/2017 12:08

(Pháp lý) - Vì bài viết “Phan Châu Trinh – một nhà Nho đi trước thời đại” trong số báo xuân Bính Thân mà sau đó tôi có dịp đến thăm bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước. Tết năm nay, bà tròn 90 tuổi nhưng bà vẫn minh mẫn, không ngừng quan tâm, trăn trở đến hiện tình đất nước, đến sự nghiệp giáo dục đào tạo.

1. Hôm đó, theo hẹn tôi đến Bệnh viện Quân đội 108 thăm bà Nguyễn Thị Bình, vì tuổi cao nên bà thường vào bệnh viện cho tiện chăm sóc y tế. Đến nơi thấy bà đang tiếp một vị khách vào thăm, tiếng nói vẫn mạch lạc, khúc chiết. Chờ cho khách ra tôi mới vào chào bà.

Bà ngồi trên ghế, khỏe mạnh, minh mẫn. Câu chuyện mở đầu bằng những bài tôi viết về cụ Phan Châu Trinh đăng trên Tạp chí Pháp Lý và báo Công Lý nhân Kỷ niệm 90 năm đám tang cụ Phan Châu Trinh chấn động lịch sử Việt Nam. Để viết những bài này, tôi đã tìm đọc tác phẩm của cụ, những bài nghiên cứu về cụ Phan và phong trào Duy Tân, thăm viếng đền thờ, lăng mộ cụ tại TP. Hồ Chí Minh.

Bà Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Pari ngày 27/1/1973 (ảnh tư liệu)
Bà Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Pari ngày 27/1/1973 (ảnh tư liệu))

Quả thật, những nghiên cứu gần đây đã nhận thức lại và thực hành con đường mà cụ Phan Châu Trinh đã khởi xướng. Cùng là những nhà cách mạng tiền bối, nhưng cụ Phan Châu Trinh đi con đường khác cụ Phan Bội Châu. Cụ chủ trương nhiệm vụ cấp bách lúc bấy giờ là khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Khai dân trí là bỏ lối học tầm chương trích cú, mở trường dạy chữ Quốc ngữ, kiến thức khoa học thực dụng, bài trừ hủ tục. Chấn dân khí là thức tỉnh tinh thần tự lực tự cường, mọi người giác ngộ được quyền lợi của mình, giải thoát được nọc độc chuyên chế. Hậu dân sinh là phát triển kinh tế, cho dân khai hoang làm vườn, lập hội buôn, sản xuất hàng nội hóa…

Cụ không chủ trương dùng bạo lực cách mạng mà “ỷ Pháp cầu tiến bộ” tức là dựa vào chính người Pháp để cải tạo xã hội. Quả thật, sau này Việt Nam có một thế hệ vàng những trí thức được Pháp đào tạo, trở thành những người góp phần quan trọng loại bỏ chủ nghĩa thực dân ra khỏi Việt Nam và góp phần cải tạo xã hội. Ngày nay, với nền kinh tế tri thức, Việt Nam đang tiếp thu, tiếp nhận khoa học, công nghệ, kinh nghiệm quản trị, những tinh hoa tri thức của nhân loại từ những nước phát triển, trong đó nhiều nước là cựu thù trước đây… cho thấy viễn kiến của cụ Phan Châu Trinh – một nhà Nho đi trước thời đại.

Nghe tôi chia sẻ đôi điều nhận thức về cụ Phan khi viết bài về cụ, bà Nguyễn Thị Bình nói: “Cụ nói có ý là độc lập rất quan trọng, muốn có độc lập thì phải có đầu óc; độc lập rồi cũng phải có đầu óc, nếu không có đầu óc thì không phát triển mà không phát triển thì cũng không độc lập được”.

Mới đây, Tổng thống Mỹ Obama đến Việt Nam, trong diễn văn của mình đã nhắc đến Phan Châu Trinh như một đại diện cho trí thức Việt Nam. Rõ ràng, càng ngày Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung càng đánh giá cao tư tưởng của cụ. Khi tôi nhắc đến chuyện này, bà Nguyễn Thị Bình nói: - Đánh giá một con người phải có quan điểm lịch sử. Chúng ta thấy rằng trong thời điểm đó Cụ nghĩ được như thế là quá tốt. Tiếp thu ý của Cụ, ngày nay chúng ta muốn phát triển thì phải có văn hóa, có tri thức.

 Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình)

2. Nhìn nhận thực tế hiện nay, bà Nguyễn Thị Bình cho rằng: “Vừa qua mình quan tâm phát triển kinh tế là đúng nhưng không quan tâm đúng mức đến văn hóa, giáo dục, đến đạo đức xã hội cho nên con người hư hỏng nhiều. Con người mà hư hỏng thì kinh tế cũng không phát triển được, vì thế tôi vừa viết xong một đề tài, đưa ra một kiến nghị quan tâm vấn đề chấn chỉnh văn hóa, đạo đức xã hội, quan tâm nhiều hơn nữa đến chất lượng con người. Con người phải có nhân cách. Bây giờ chạy theo đồng tiền nhiều quá dẫn đến hư hỏng… Cho nên phải bắt đầu từ giáo dục, từ thanh thiếu niên đi lên”.

- Giả sử được giao trọng trách thì bác làm việc gì đầu tiên ạ?!

- Phải nói thật là cần có một cuộc cách mạng về văn hóa, về con người, bắt đầu từ giáo dục. Trong bối cảnh toàn cầu hoá ngày càng sâu rộng, khoa học – công nghệ ngày càng tiến triển mạnh mẽ, nhiều vấn đề về môi trường, dân số, khí hậu… nảy sinh ngày càng gay gắt, đòi hỏi giáo dục phải có sự thay đổi căn bản và toàn diện để nâng cao trí tuệ và năng lực của con người Việt Nam. Bà cho rằng: Ở mỗi thời đại, mỗi quốc gia, dân tộc lại cần có lời giải đáp riêng của mình. Đó là, “Con người, trước hết là trẻ em, cần phải học những gì và tại sao lại phải học những điều đó?” Gần đây hơn, do sự phát triển của xã hội, lại thêm: “Làm thế nào để mọi trẻ em đều được học và đều học được?”. Dù nhiều đề tài, đề án nhưng suy đến cùng phải chăng mọi nghiên cứu về khoa học giáo dục đều hội tụ ở chỗ tìm đáp án cho hai câu hỏi đó sao cho phù hợp với thực tiễn đất nước và đặc điểm thời đại?

3. Trên bàn trước mặt bà Nguyễn Thị Bình tôi thấy một tập tài liệu đánh máy, đó là những kiến nghị về văn hóa, giáo dục mà bà vừa hoàn thành và cuốn “Chiến tranh không có khuôn mặt một phụ nữ” của Svetlana Alexievich, chủ nhân giải Nobel Văn học 2015. Có lẽ đây là cuốn tác giả mới viết lại, được nhà văn Nguyên Ngọc dịch và mới xuất bản ở Việt Nam. Tựa đề cuốn sách khiến tôi liên tưởng ngay đến cuộc chiến tranh nửa cuối thế kỷ XX tại Việt Nam có những khuôn mặt phụ nữ, trong đó bà Nguyễn Thị Bình đã tham gia, đã can dự để kết thúc cuộc chiến bằng Hòa đàm Paris 1973, là một khuôn mặt nổi tiếng.

Trong cuốn sách này, tác giả đã đi gặp và trò chuyện với hàng nghìn phụ nữ, nghe họ kể về Chiến tranh thế giới thứ hai mà họ bị cuốn vào đó. Rất nhiều câu chuyện được kể lại.

Svetlana Alexievich cho biết: Cuộc chiến tranh “phụ nữ” có những màu sắc riêng của nó, những mùi riêng của nó, nguồn chiếu sáng riêng và không gian cảm xúc riêng của nó. Ở đấy, ta không thấy anh hùng cũng chẳng thấy chiến công không tưởng tượng nổi, mà chỉ đơn giản có những cá nhân bị cuốn vào một công việc phi nhân của nhân loại.

Trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bình không tham gia với tư cách một người lính. Bà kể rằng sau khi Cách mạng tháng Tám nổ ra thì tất cả đi theo cách mạng, đi theo kháng chiến. Vì bà vừa có trình độ tú tài và biết tiếng Pháp nên rất thuận lợi trong công việc. Lúc bây giờ, cách mạng cần một người có bản lĩnh chính trị, có trình độ văn hóa, ngoại ngữ để làm đối ngoại nên bà đã được lựa chọn đi làm trưởng đoàn đàm phán của Hội nghị Paris.

 Bà Nguyễn Thị Bình và tác giả
Bà Nguyễn Thị Bình và tác giả)

Không lâu sau, bà làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, khi ấy mới 41 tuổi, nhưng bà đã hoàn thành nhiệm vụ khá nặng nề nhưng rất vinh quang ở Hội nghị Paris. Trong cuốn hồi ký của bà, nhà văn Nguyên Ngọc đã viết: “Có lẽ bà là người Việt Nam có nhiều bạn bè nhất trên thế giới, từ những người dân thường cho đến các nguyên thủ quốc gia nổi tiếng và thuộc nhiều chế độ chính trị khác nhau. Những năm tháng ấy, bà có mặt ở hầu khắp hành tinh, và thật lạ, thật đẹp, hình ảnh của một Việt Nam đang chiến đấu khốc liệt lại được đại diện không phải bằng một chiến binh đằng đằng sát khí mà là một phụ nữ nhỏ nhắn, khiêm nhường mà uyên bác, gần gũi mà sang trọng, sự kiên định không gì lay chuyển nổi lại được thể hiện chính bằng một vẻ thong dong đầy tự tin... Bà gọi công việc đó là “ngoại giao nhân dân”, nghĩa là con người đến với con người, trái tim đến với trái tim. Bà đem bạn bè về cho dân tộc. Và đấy là một trong những nhân tố quan trọng quyết định thắng lợi kỳ lạ của Việt Nam trong thế kỷ qua...”.

Sau đó bà có 10 năm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Đến năm bà 60 tuổi, bà công tác 10 năm nữa với cương vị Phó Chủ tịch nước. Hiện bà đang giữ cương vị Chủ tịch danh dự Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam và Chủ tịch danh dự của Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh. Dù tuổi đã cao sức đã yếu nhưng bà vẫn dành thời gian và tâm huyết nghiên cứu về cải cách và đổi mới giáo dục.

Chúc sức khỏe rồi chia tay nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, tôi nhớ mãi về suy tư của bà với hiện tình đất nước rằng: “Bây giờ phải xác định chúng ta đang ở đâu, thế giới đang ở đâu và ta sẽ đi như thế nào, vì bây giờ không còn như mấy chục năm trước”…

Nguyễn Phan Khiêm

Bạn đang đọc bài viết "Bà Nguyễn Thị Bình – một Chính trị gia bản lĩnh vượt thời gian" tại chuyên mục Đọc chuyên sâu. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin