Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế kiểm soát xung đột lợi ích nhằm phòng chống tham nhũng trong khu vực công theo các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.

(Pháp lý) - Sáng 12/12/2024 tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo “Cơ chế kiểm soát xung đột lợi ích để phòng, chống tham những trong khu vực công – Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam”.
11-1734011682.jpg
Quang cảnh Hội thảo

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; ông Ryan McKean, Giám đốc cơ quan Phòng chống ma túy và thực thi pháp luật Quốc tế tại Hà Nội; ông Patrick Haverman, Phó Đại diện Thường trú Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.

12-1734011735.jpg
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết: Việc cải cách thể chế và hoàn thiện khung pháp lý luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Nhà nước Việt Nam, trong đó có các vấn đề về cải thiện cơ chế kiểm soát xung đột lợi ích nhằm phòng chống tham nhũng trong khu vực công theo các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.

Việc trở thành thành viên của UNCAC năm 2009 là một bước đi quan trọng thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong công cuộc phòng, chống tham nhũng. Do vậy, việc nghiên cứu, so sánh để đưa ra các khuyến nghị về chính sách, pháp luật nhằm hoàn thiện cơ chế kiểm soát xung đột lợi ích để PCTN trong khu vực công tại Việt Nam theo các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế là cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực,  ông Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.

13-1734011804.jpg
TS Trần Thùy Linh, đại diện nhóm nghiên cứu trình bày nội dung báo cáo tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe TS Trần Thùy Linh đại diện nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo nghiên cứu. Theo đó,  nhóm nghiên cứu đã tập trung nghiên cứu nhiều vấn đề quan trọng về“Cơ chế kiểm soát xung đột lợi ích để phòng, chống tham những trong khu vực công”, trong đó có thực tiễn thi hành pháp luật với hoạt động nhận diện, phòng ngừa và các biện pháp kiểm soát, xử lý xung đột lợi ích. Đặc biệt nhóm nghiên cứu cũng cung cấp những “Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam”, điển hình như kinh nghiệm của Đức trong việc ban hành quy định về cấm nhận quà tặng hoặc phần thưởng, tuy nhiên cho phép công chức được làm công việc được trả lương thứ hai nếu xin phép cơ quan giám sát trước; kinh nghiệm của Singapore trong thành lập cơ quan độc lập thực hiện chức năng chống tham nhũng, cơ quan giám sát kiểm soát xung đột lợi ích; kinh nghiệm của Liên bang Úc trong việc mở rộng việc điều chỉnh kê khai tài sản đối với công chức và người thân của họ…..

4-1734011829.jpg
Các chuyên gia phát biểu ý kiến tại Hội thảo

Tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo, TS. Đinh Văn Minh, nguyên vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra chính phủ nhận xét nhóm nghiên cứu đã chỉ rõ về các tiêu chuẩn pháp lý và thông lệ quốc tế liên quan đến kiểm soát xung đột lợi ích để ngăn ngừa và chống tham nhũng trong khu vực công. Tuy nhiên báo cáo chưa đưa ra quan niệm về cơ chế, chưa phân biệt giữa cơ chế và khuôn khổ pháp lý hay thể chế; một số quy định còn khá cứng nhắc và chưa phù hợp. Về các đề xuất hoàn thiện pháp luật còn chưa thật cụ thể và có những điểm chưa thuyết phục.

Theo ThS Nguyễn Thị Khánh, Khoa Luật quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, ĐHQGHN và TS Trương Hồng Hải, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội, Báo cáo chưa đánh giá được tính tương thích của pháp luật Việt Nam so với UNCAC một cách rõ rang, mới chỉ dừng lại ở việc liệt kê quy định của pháp luật Việt Nam mà không chỉ ra được bất kỳ sự hạn chế nào hay thiếu sót nào trong đó.   

Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các đại biểu, chuyên gia. Qua cuộc Hội thảo, chúng ta cần tiếp tục đúc kết kinh nghiệm quốc tế, cần tiếp tục tập trung nghiên cứu và hoàn thiện chính sách để kết quả trong phòng, chống tham nhũng được củng cố, hiệu quả hơn nữa.

Anh Vũ


 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin