Án hành chính chưa thi hành có xu hướng tăng và những quan ngại từ vụ án có hiệu lực 6 năm không được thi hành ở Vũng Tàu

(Pháp Lý) - Báo cáo của Chính phủ cho biết, trong 3 năm từ 2017 – 2019, cả nước có 1.052 bản án, quyết định của toà án về vụ án hành chính có nội dung theo dõi. Đến nay vẫn còn 339 bản án chưa được thi hành, chiếm 32%. Điều đáng quan ngại là trong số này có tới 316 bản án mà người thi hành là Chủ tịch UBND và UBND các cấp.

Có tình trạng khi bản án hành chính có hiệu lực thi hành, người phải thi hành án là UBND, chủ tịch UBND tiếp tục trì hoãn, không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ nội dung bản án tuyên (Báo cáo của Bộ Tư pháp).

Chỉ riêng trong 10 tháng đầu năm 2020, có tới 377 bản án, quyết định mà người phải thi hành án là cơ quan hành chính Nhà nước. Nâng tổng số án tồn đọng mà cơ quan hành chính Nhà nước phải thi hành lên tới 716 vụ việc. Tuy nhiên, đến thời điểm Bộ Tư pháp báo cáo chỉ mới thi hành xong 244/716 vụ việc, đạt tỷ lệ 34%. Số còn lại vẫn đang tiếp tục được thi hành… Số vụ án hành chính tồn đọng chưa thi hành xong có xu hướng ngày càng tăng.

Sau đây Pháp lý xin dẫn chứng một vụ án hành chính hơn 6 năm không được thi hành ở TP. Vũng Tàu đã được rất nhiều cơ quan báo chí đăng tải , nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm, để thấy mức độ rất “ nóng” của tình trạng tồn đọng án hành chính, tình trạng cán bộ không thượng tôn pháp luật . Tình trạng này rất cần Quốc hội và Chính phủ quan tâm có giải pháp quyết liệt xử lý trong thời gian tới.

Hơn 6 năm kể từ ngày có hiệu lực, án không được thi hành

Tại các bản án số 01/2014/HCST ngày 28/3/2014 và số 08/2014/HCPT ngày 25/7/2014, cả hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm của TAND thành phố Vũng Tàu và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đều tuyên bố toàn bộ hành vi hành chính của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc UBND thành phố Vũng Tàu về việc: Trả lại hồ sơ yêu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 909,8 m2 đất của ông Hoàng Bùi Hường và bà Dương Thị Liên đối với thửa đất số 26, tờ bản đồ số 68 tại số 2A, đường Nguyễn Chí Thanh, TP. Vũng Tàu là trái pháp luật và tuyên hủy bỏ văn bản số 3326/CV.VPĐKQSDĐ ngày 12/12/2011 của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc UBND TP. Vũng Tàu. Theo đó bản án khẳng định, hộ ông Hoàng Bùi Hường và bà Dương Thị Liên đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ.

Vị trí đất của ông Hoàng Bùi Hường sử dụng từ hàng chục năm qua được các cấp tòa khẳng định đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ.

Những tưởng, sau khi có kết luận tại hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm thì gia đình ông Hường, bà Liên sẽ được cấp GCNQSDĐ. Thế nhưng, việc cấp GCNQSDĐ cho công dân vẫn không được Văn phòng đăng ký QSDĐ TP. Vũng Tàu thực hiện. Ngày 25/9/2015, Chi cục Thi hành án dân sự TP. Vũng Tàu đã có văn bản số 729/CCTHA về việc đề nghị thi hành bản án 08/2014/HC – PT ngày 25/7/2014 gửi Văn phòng đăng ký QSDĐ TP. Vũng Tàu, đôn đốc thi hành bản án phúc thẩm hành chính đã có hiệu lực pháp luật.

Ngày 17/11/2015, UBND TP. Vũng Tàu có công văn số 76/UBND – TNMT gửi công an TP. Vũng Tàu đề nghị xác minh tính chính xác trong lời khai của các đương sự có liên quan đến việc xác nhận để ông Bùi Hoàng Hường xin cấp GCNQSDĐ tại địa chỉ 2A Nguyễn Chí Thanh, phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu.

Ngày 15/2/2016, công an thành phố Vũng Tàu có công văn phúc đáp số 24/CATP(Đ3) gửi chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu. Căn cứ vào báo cáo Đ3 của công an TP. Vũng Tàu, ngày 09/11/2016, UBND TP. Vũng Tàu có văn bản số 5081/UBND – TNMT do ông Hoàng Vũ Thảnh, Phó chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu ký gửi Chánh án TAND cấp cao tại TP. HCM và Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP. HCM về việc kiến nghị thực hiện thủ tục tái thẩm đối với bản án số 01/2014/HCST ngày 28/3/2014 của TAND TP. Vũng Tàu và Bản án phúc thẩm số 08/2014/HCPT ngày 25/7/2014 của TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tháng 7/2017, Viện KSND Cấp cao và TAND Cấp cao tại TP.HCM có thông báo kết quả giải quyết đơn đề nghị tái thẩm đều trả lời UBND TP. Vũng Tàu và chi nhánh VPĐKĐĐ TP. Vũng Tàu với nội dung, lý do mà UBND TP. Vũng Tàu và chi nhánh VPĐKĐĐ TP. Vũng Tàu đưa ra không phải căn cứ để kháng nghị vụ án theo thủ tục tái thẩm.

Ròng rã đã hơn 6 năm trôi qua, các kết luận tại bản án của hai cấp tòa vẫn không được Văn phòng đăng ký QSDĐ TP. Vũng Tàu thi hành?!

Nhiều cơ quan chức năng vào cuộc………

Hàng loạt các văn bản, thông báo, kết luận của các cơ chức năng đều khẳng định ông Hoàng Bùi Hường và bà Dương Thị Liên đủ điều kiện được cấp GCNQSDĐ thế nhưng UBND TP. Vũng Tàu vẫn “phớt lờ” 2 bản án đã tuyên của tòa, “phớt lờ” việc Viện KSND Cấp cao và TAND Cấp cao tại TP.HCM bác kháng nghị để ký quyết định 6195/QĐ-UBND ngày 29/11/2017 về việc xác lập, quản lý và sử dụng quỹ đất do Nhà nước quản lý trên địa bàn thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trong đó có phần diện tích 909,8m2 mà ông Hường và bà Liên đang sử dụng lại bị đưa vào danh mục đất do cá nhân lấn, chiếm?!

Theo Bộ TN&MT thì trường hợp thửa đất của ông Hường đang sử dụng đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ. Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng khẳng định thửa đất ông Hoàng Bùi Hường đang sử dụng không nằm trong quy hoạch đường giao thông.

Không chỉ vậy, mới đây, UBND TP. Vũng Tàu lại có thêm những động thái và việc làm không đúng quy định pháp luật khi thông báo về việc thu hồi đất, lập và triển khai dự án đường vào Chung cư tái định cư phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu để thu hồi đất và làm đường đi qua thửa đất của ông Hoàng Bùi Hường và bà Dương Thị Liên đã được các cơ quan có thẩm quyền khẳng định đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ, cho dù trước đó tại văn bản số 90/SXD – KTQH ngày 16/1/2014 của Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã khẳng định “theo các số liệu trích từ bản đồ quy hoạch thì thửa đất số 26 thuộc tờ bản đồ số 68 không có diện tích đất nằm trong quy hoạch đất giao thông”, văn bản nêu.

Ngày 26/4/2019, Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ TNMT có ý kiến và đề nghị Sở TNMT tỉnh BRVT kiểm tra, chỉ đạo, tiếp nhận, giải quyết thủ tục đề nghị đăng ký, cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật, theo yêu cầu đã giải quyết của Tòa án, Viện Kiểm sát, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người sử dụng đất đối với trường hợp người sử dụng đất đã sử dụng ổn định từ trước ngày 15/10/1993.

Ngay khi nhận được văn bản hướng dẫn của Tổng cục Quản lý Đất đai – Bộ Tài Nguyên – Môi trường(TN – MT), ngày 22/10/2019, sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có văn bản số 6263/STNMT – CCQLĐĐ về việc ý kiến đối với hồ sơ cấp GCNQSDĐ của ông Hoàng Bùi Hường tại phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu do ông Phan Văn Mạnh, PGĐ sở ký nêu rõ: Căn cứ các tài liệu, chứng cứ. Việc xem xét cấp GCNQSDĐ cho ông Hoàng Bùi Hường, bà Dương Thị Liên trên cơ sở thực hiện bản án các cấp đã có hiệu lực pháp luật; Thông báo của TAND cấp cao, Viện KSND cấp cao tại TP. HCM trả lời về việc không có cơ sở để thực hiện thủ tục tái thẩm và giám đốc thẩm đối với bản án hành chính phúc thẩm số 08/2014/HCPT ngày 25/7/2014 của TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và văn bản số 718 của Tổng cục Quản lý Đất đai – Bộ TNMT về việc hướng dẫn giải quyết hồ sơ cấp GCNQSDĐ của ông Bùi Hoàng Hường. Kính đề nghị UBND tỉnh xem xét giao UBND TP. Vũng Tàu căn cứ theo thẩm quyền, lập thủ tục công nhận quyền sử dụng đất cho ông Hoàng Bùi Hường và bà Dương Thị Liên đối với diện tích đất ở đô thị 150,0m2 theo hạn mức và diện tích đất nông nghiệp trồng cây lâu năm còn lại theo hiện trạng sử dụng đất. Ông Hoàng Bùi Hường, bà Dương Thị Liên phải thực hiện nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất theo quy định.

Liên tiếp trong tháng 3 và tháng 4/2020, Phó trưởng ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc Hội Đỗ Văn Đương đã có các văn bản số 62/BDN ngày 09/3/2020 về việc chuyển đơn của bà Hoàng Thị Hồi ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu –Người đại diện của ông Hoàng Bùi Hường và bà Dương Thị Liên tới Viện trưởng Viện KSND Tối cao và Bộ trưởng Bộ Công an; Văn bản số 99/BDN ngày 12/4/2020 gửi chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật, trả lời công dân và thông báo kết quả giả quyết đến Ban Dân nguyện để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Ngày 26/10/2020, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an cũng đã có phiếu chuyển đơn của bà Hoàng Thị Hồi tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của lãnh đạo UBND TP Vũng Tàu gửi đến Thanh tra tỉnh BRVT để giải quyết theo thẩm quyền. “Kết quả giải quyết đề nghị thông báo cho cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an để theo dõi”, phiếu chuyển đơn của cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an nêu rõ.

Mới đây, ngày 30/10/2020, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện – Ủy ban Thường vụ Quốc Hội cũng đã chuyển đơn kiến nghị bà Hồi đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc xem xét, chỉ đạo giải quyết theo quy định để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Trên đây chỉ là một trong nhiều vụ án hành chính tồn đọng dai dẳng trên thực tế. Vậy nguyên nhân do đâu và cần giải pháp mạnh gì đối với các quan chức không thượng tôn pháp luật, không chấp hành thực thi án hành chính…?

Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc Hội Lưu Bình Nhưỡng gửi văn bản v/v chuyển đơn của công dân liên quan đến vụ việc của ông Hoàng Bùi Hường tới Viện KSNDTC và Bộ Công an, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Giải pháp nào để “ xử lý” dứt điểm ..?

Báo cáo của Chính phủ cho biết, trong 3 năm từ 2017 – 2019, cả nước có 1.052 bản án, quyết định của toà án về vụ án hành chính có nội dung theo dõi. Đến nay vẫn còn 339 bản án chưa được thi hành, chiếm 32%. Điều đáng quan ngại là trong số này có tới 316 bản án mà người thi hành là Chủ tịch UBND và UBND các cấp.

BOX: Chỉ riêng trong 10 tháng đầu năm 2020, có tới 377 bản án, quyết định mà người phải thi hành án là cơ quan hành chính Nhà nước. Nâng tổng số án tồn đọng mà cơ quan hành chính Nhà nước phải thi hành lên tới 716 vụ việc. Tuy nhiên, đến thời điểm Bộ Tư pháp báo cáo chỉ mới thi hành xong 244/716 vụ việc, đạt tỷ lệ 34%. Số còn lại vẫn đang tiếp tục được thi hành…

Có tình trạng khi bản án hành chính có hiệu lực thi hành, người phải thi hành án là UBND, chủ tịch UBND tiếp tục trì hoãn, không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ nội dung bản án tuyên (Báo cáo của Bộ Tư pháp).

Câu hỏi đặt ra vì sao để xảy ra thực trạng trên ? Trong khi đó pháp luật về TTHC đã quy định khá đầy đủ về các biện pháp chế tài trong THA hành chính. Cụ thể nhất là nội dung điều chỉnh tại Điều 314 Luật TTHC, trường hợp người phải thi hành án (THA) chậm THA, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung án tuyên thì sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hình thức chế tài này còn được áp dụng đối với người lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc THA, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Thậm chí Nghị định 71/CP còn dành nguyên Chương III, 12 Điều luật (từ Điều 20 – Điều 31) để quy định về xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức trong THA hành chính nếu có các hành vi chậm THA, chấp hành không đúng nội dung bản án, lợi dụng chức vụ quyền hạn cản trở việc THA… Trong đó hướng dẫn rất chi tiết về các biện pháp chế tài áp dụng: từ các hình thức xử lý kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, buộc thôi việc) cho đến xử phạt VPHC, truy cứu trách nhiệm hình sự, trách nhiệm vật chất, công khai thông tin…

Thế nhưng theo Báo cáo của Bộ Tư pháp: “Chưa có trường hợp nào người phải THA hành chính bị xem xét, xử lý trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ THA hành chính, trong khi tòa án có thẩm quyền đã ban hành 240 quyết định buộc THA hành chính”.

Theo Báo cáo của Bộ Tư pháp: “Chưa có trường hợp nào người phải THA hành chính bị xem xét, xử lý trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ THA hành chính, trong khi tòa án có thẩm quyền đã ban hành 240 quyết định buộc THA hành chính”.

Từ phân tích trên cho thấy chế tài đã quá rõ, không thiếu, vấn đề là chúng ta phải kiên quyết xử lý những cán bộ không thượng tôn pháp luật, không thực thi án hành chính .
Tại kì họp Quốc hội đang diễn ra , vấn đề án hành chính không được thi hành , được rất nhiều Đại biểu QH quan tâm và kiến nghị nhiều giải pháp xử lý.

Về những tồn tại, hạn chế trong thi hành án hành chính, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, đây là một vấn đề xã hội hết sức quan tâm, liên quan đến thể chế pháp luật, liên quan đến quyết tâm thực hiện và ý thức chấp hành. Tới đây, cần nghiên cứu thể chế về xử lý thi hành án hành chính, có cơ quan thi hành án hành chính rõ ràng, có hiệu lực, hiệu quả, có quyền lực thật sự trong việc cưỡng chế thi hành án . Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện các văn bản dưới luật, nghị định, chỉ thị và giao trách nhiệm cho một cơ quan theo dõi, đôn đốc là Bộ Tư pháp. Đồng thời, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu để quy định cơ quan theo dõi xử lý kỷ luật đối với những người không chấp hành án hành chính, giao cho Thanh tra Chính phủ hoặc Bộ Nội vụ.

Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết: Tới đây, cần nghiên cứu thể chế về xử lý thi hành án hành chính, có cơ quan thi hành án hành chính rõ ràng, có hiệu lực, hiệu quả, có quyền lực thật sự trong việc cưỡng chế thi hành án . Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện các văn bản dưới luật, nghị định, chỉ thị và giao trách nhiệm cho một cơ quan theo dõi, đôn đốc là Bộ Tư pháp. Đồng thời, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu để quy định cơ quan theo dõi xử lý kỷ luật đối với những người không chấp hành án hành chính, giao cho Thanh tra Chính phủ hoặc Bộ Nội vụ.

Chỉ có làm mạnh, giao quyền lực thật sự cho cơ quan cưỡng chế thi hành án và xử lý nghiêm cán bộ, mới hi vọng tới đây sẽ giảm và không còn tình trạng án hành chính không được thi hành như thời gian qua. Có như vậy dân mới bớt khổ và bớt nhọc nhằn. Và chỉ có chế tài nghiêm minh thì cán bộ mới biết sợ mà chấp hành án hành chính và không dám làm sai.

Văn Thư – Hà Trang

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin