Không thể phủ nhận vai trò của kinh tế tư nhân nhưng cần đổi tư duy hoàn toàn để đổi lại vai trò của các thành phần kinh tế khi hội nhập.
Ưu đãi cho ai là trước tiên?
TS. Huỳnh Thế Du - Giảng viên Chính sách công Giám đốc Đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright đã có những đánh giá về ưu đãi cho doanh nghiệp tư nhân còn đặc biệt hạn chế và mất công bằng trong khi các doanh nghiệp FDI luôn đòi hỏi các ưu đãi lớn hơn nữa.
Theo TS. Huỳnh Thế Du, các thành phần kinh tế ở Việt Nam và vai trò của nó đã bị đảo ngược suốt nhiều năm qua. Khu vực doanh nghiệp nhà nước được cho là tiêu tốn nhiều nguồn lực nhất nhưng hiệu quả lại thấp nhất thì đang nhận được vị trí ưu tiên số 1. Thứ hai là các DN FDI và cuối cùng mới tới những doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Nhóm DN tư nhân trong nước lại chia làm hai nhóm. Nhóm có quan hệ thân hữu, hay những doanh nghiệp sân sau vẫn đang nhận được ưu đãi nhất định. Riêng nhóm doanh nghiệp tư nhân đang tự thân nỗ lực khai thác sức mạnh cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước nhưng không có quan hệ thì đang đứng cuối cùng bảng thứ tự ưu tiên và phải chịu nhiều thiệt thòi nhất. Đây chính là nghịch lý ngược, gây ra nhiều tác động tiêu cực tới khu vực kinh tế trong nước.
Dễ thấy, một chính sách đặt quá nhiều ưu đãi cho FDI chưa hẳn sẽ tốt cho nền kinh tế nước đó, cụ thể ở đây là Việt Nam. Trong nhiều năm mở cửa, thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhưng sự lan tỏa, tính liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước gần như không đạt được kết quả như kỳ vọng.
Trong khi đó, một nguyên tắc hiển nhiên là khi nguồn ngân sách có hạn, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nếu ưu đãi cho DN FDI một, doanh nghiệp trong nước sẽ khó khăn thêm một.
Việc đặt ra yêu cầu phải hạn chế “quyền đòi hỏi” của các DN FDI là rất khó. Muốn hạn chế được quyền đòi hỏi của DN FDI, trước tiên phải phân tích được lợi thế cạnh tranh của mình trong từng lĩnh vực, từng địa phương cụ thể. Nếu lợi thế của Việt Nam là ưu tiên hàng đầu với DN FDI và không cần ưu đãi họ vẫn phải vào thì dứt khoát không sử dụng chính sách ưu đãi nữa.
Nhưng ở Việt Nam trước nay việc đánh giá lợi thế so sánh còn yếu mới dẫn tới tình trạng chính sách quản lý cứ phải chạy theo đòi hỏi ưu đãi của các doanh nghiệp FDI.
Về nguyên tắc khi thu hút FDI vấn đề lợi ích luôn phải đặt trong tổng thể lợi ích chung của cả quốc gia, nhất là trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam đang cần thu hút đầu tư nước ngoài.
Rõ ràng không thể phủ nhận vai trò của DN FDI với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, chính sách ưu đãi hiện nay đang thiên về hướng theo kiểu loại trừ. Tức là chỉ một vài trường hợp được hưởng ưu đãi, còn phần đông dân chúng hay cả nền kinh tế Việt Nam không được gì cả.
Vì vậy, nếu để cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, quyền chủ động phụ thuộc vào năng lực, điều hành của bộ máy, hệ thống quản lý. Năng lực, trình độ của cơ quan quản lý có đủ khả năng để đánh giá, phân tích được lợi thế của mình hay không?.
Trục trặc lớn nhất của Việt Nam không nằm ở chính sách hỗ trợ. Vấn đề ở đây là thứ tự ưu tiên và vấn đề lựa chọn phân bổ nguồn lực không dựa trên hiệu quả, không dựa trên sức cạnh tranh mà lại dựa trên mối quan hệ thân hữu và lợi ích nhóm…
Do đó, phải có tiêu chí chung. Ưu đãi phải dựa trên hiệu quả, không phân biệt đó là DN nào. Từ những tiêu chí cụ thể sẽ có những ưu tiên, ưu đãi cụ thể cho từng doanh nghiệp, từng lĩnh vực.
Tạo hệ thống tín dụng minh bạch, bình đẳng
PGS.TS Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh về thực trạng lâu nay, trong hệ thống tín dụng của Việt Nam tồn tại doanh nghiệp được vay, doanh nghiệp không được vay, nếu vay được cũng rất khó, lãi suất cao, thậm chí có thời kỳ doanh nghiệp Việt Nam phải vay với lãi suất lên đến 20%/năm...
Bởi vậy, phải có một hệ thống tín dụng cho vốn vận hành tốt, minh bạch, bình đẳng, với lãi suất phù hợp. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến nhiều vấn đề khác để doanh nghiệp tự lớn lên, tự cạnh tranh, đào thải lẫn nhau, khi ấy nền kinh tế sẽ tự cấu trúc lại, bao gồm một hệ thống doanh nghiệp trong đó có khoảng 80% là các doanh nghiệp khỏe chẳng hạn, chỉ còn lại 20% doanh nghiệp yếu kém và những doanh nghiệp ấy sẽ bị đào thải.
Còn như lâu nay, doanh nghiệp Việt cứ bị bóp cổ, bao nhiêu năm vẫn như đứa trẻ con, làm sao họ sử dụng vốn tốt được? Phải chăm lo cho doanh nghiệp như người trồng vườn chăm sóc cây, đất tốt, không khí tốt... thì cây mới lớn lên được. Đó là điều căn bản nhất.
Giống như nước chảy chỗ trũng, nếu môi trường kinh doanh tốt, có khả năng sinh lợi cao thì vốn tự khắc được đẩy vào. Trong trường hợp của các doanh nghiệp tư nhân nói trên cũng vậy, quan trọng là phải có hệ thống vốn vận hành tốt để doanh nghiệp dựa vào đó phát triển.
TS Nguyễn Đình Cung - quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư cũng cho rằng, cần áp đặt kỷ luật thị trường cạnh tranh với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
"Hiện, mỗi khi các tập đoàn, tổng công ty khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm thì bộ trưởng có liên quan thường trực tiếp chỉ đạo, yêu cầu các doanh nghiệp khác phải mua sản phẩm (liên quan) đang khó tiêu thụ. Hoặc khi tập đoàn, tổng công ty không còn cách nào khác để tìm vốn kinh doanh vẫn được nhà nước chỉ định cho vay với lãi suất rất thấp, thậm chí bằng 0%", ông Cung nói.
Theo Bao Datviet