10 phát ngôn đáng suy ngẫm của ĐBQH

18/12/2016 19:39

(Pháp lý) - Năm 2016 - năm bản lề của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và cũng là năm chuyển giao kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.  Qua 2 kỳ họp đầu tiên của QH khoá XIV, đã có những ý kiến, phát ngôn rất thẳng thắn từ các vị dân biểu góp ý xây dựng hoàn thiện chính sách pháp luật , góp ý công tác cán bộ, công tác phòng chống tham nhũng... Pháp lý xin lựa chọn, tổng hợp lại để chúng ta cùng suy ngẫm.

1. ĐBQH Lê Như Tiến: “Đi trên thảm nhưng mà vẫn nhức nhối vì hàng đinh ở dưới”

Dẫn lại lời của ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) tại phiên thảo luận gần đây, rằng “đất lành chim đậu nhưng chim chưa đậu đã nhậu hết chim”, tại phiên thảo luận về kinh tế-xã hội tại hội trường Quốc hội sáng 1.4, ĐBQH Lê Như Tiến (Quảng Trị) nói: “…mời gọi các nhà đầu tư nhưng “trên trải thảm, dưới rải đinh”, nhà đầu tư tuy đi trên thảm nhưng mà vẫn nhức nhối vì hàng đinh ở dưới”.

image001

Ông Tiến cho rằng, chủ trương của Nhà nước là tạo điều kiện để kêu gọi, thu hút đầu tư nước ngoài, tuy nhiên việc thực hiện tại nhiều địa phương vẫn còn khoảng cách xa so với thực tế. Nhiều nơi làm khó các nhà đầu tư, một số người thi hành công vụ vòi vĩnh, nhũng nhiễu trắng trợn đòi tiền lót tay, tiền bôi trơn làm cho nhà đầu tư khốn đốn, doanh nhân nản lòng…

2. ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: “Bao giờ dân có quyền thay thế cán bộ hư hỏng”

image003

Đề cập đến vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nêu câu hỏi bao giờ dân có quyền thay thế lãnh đạo hư hỏng, rồi ông phân tích: “Hiện nay người dân không có quyền này. Trong khi Hiến pháp đã quy định nhưng cơ chế lại chưa tạo ra được cho người dân có quyền ấy”. Theo ông Nghĩa, từ cấp xã cho đến cấp huyện... biết bao nhiêu quan chức tham nhũng, làm việc bậy bạ, người dân cứ khiếu nại tố cáo, nhưng cuối cùng họ vẫn không có quyền đưa ra quyết định việc thay thế những cán bộ, quan chức hư hỏng.

3. ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh: “Nơi nào còn oan sai, tôi sẽ đến tham gia tháo gỡ”

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 29-7, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) khẳng định: “Tôi là đại biểu của nhân dân, nơi nào còn oan sai, tôi đã hứa với cử tri sẽ tham gia tháo gỡ”. Bà Khánh nói điều này khi tâm sự về vụ án Trần Văn Vót (Hà Nam), có dấu hiệu oan suốt 24 năm qua.

image005

Bà cho biết, suốt 23 năm qua, gia đình ông Trần Văn Vót đã làm nhiều đơn, báo chí cũng lên tiếng nhưng chưa có cơ quan liên quan nào lên tiếng về nỗi oan của gia đình ông Vót. Sau khi trúng ĐBQH khóa XIV, bà đã nhận được đơn kêu oan của gia đình ông Vót. “Lần đầu tiên, có lẽ trong cuộc đời làm ĐBQH, tôi đã phải viết một bản kiến nghị đầy nước mắt đối với vụ án của ông Trần Văn Vót. Có lẽ chúng tôi sẽ kiến nghị thành lập một đoàn giám sát về vụ án này, để sớm trả tự do cho ông Vót, để ông Vót sớm đoàn tụ gia đình, chăm sóc phụng dưỡng mẹ già trong những ngày cuối đời”, bà Khánh nói.

4. ĐBQH Phạm Văn Rinh: “Phải giám sát cả cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội”

image007

ĐBQH Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho rằng, một trong những hoạt động nổi bật của Quốc hội khóa XIII là việc lấy phiếu tín nhiệm. Điều này thể hiện sự dân chủ trong hoạt động của Quốc hội. Hoạt động Quốc hội ngày càng dân chủ, thẳng thắn và có trách nhiệm với cử tri hơn. “Chúng ta lấy phiếu tín nhiệm được Quốc hội và nhân dân đồng tình. Như vậy những khóa tới tôi cho rằng cần phải đổi mới hơn nữa giám sát trực tiếp, giám sát gián tiếp đối với những người giữ các chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt phải giám sát cả cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội”.

5. ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền: “Bộ trưởng có đau lòng hay không”

Trả lời chất vấn xung quanh vụ giáo viên bị điều đi làm tiếp tân ở Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ lúng túng diễn đạt không rõ ý: “Cán bộ địa phương cũng là vì vui vẻ thôi nhưng đôi khi làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà giáo”, khiến nghị trường Quốc hội nóng lên khi nhiều đại biểu giơ bảng xin tranh luận đến cùng với Bộ trưởng. Trong khi đó ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) tỏ rõ quan điểm: “Bộ trưởng nhận trách nhiệm nhưng lại dùng từ “chỉ vui vẻ thôi” thì tôi với góc độ về giới, đặc biệt tôi là một nữ đại biểu, tôi không biết Bộ trưởng có đau lòng hay không. Còn tôi thấy mình thực sự đau lòng”.

“Có lẽ là do tôi diễn đạt chưa rõ. Xin báo cáo lại để đại biểu thông cảm” - Bộ trưởng trần tình.

6. ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: “Bộ trưởng có dám thực hiện cam kết từ chức trước Quốc hội ?”

image011

Tại phiên trả lời chất vấn sáng 15/11, sau khi người đứng đầu Bộ Công Thương ông Trần Tuấn Anh khẳng định với Quốc hội dự án thép Cà Ná (Ninh Thuận) được bổ sung vào quy hoạch đúng quy trình, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội cho hay chủ đầu tư Tôn Hoa Sen hứa với Thủ tướng trường hợp có sai phạm trong thực hiện dự án thì “giao hết tài sản cho Thủ tướng”, vậy nếu sau này dự án có hệ lụy thì “Bộ trưởng có dám thực hiện cam kết từ chức trước Quốc hội?”. Câu hỏi của ĐB Nhưỡng làm cho nghị trường sôi động.

7. ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm: “Chúng ta sửa luật cần tạo ra quyền uy của pháp luật…”

image013

Trong phiên thảo luận tổ về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), sáng 31/10, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm - Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, đã nêu ra một thực trạng là cơ quan Bộ nào cũng muốn có trụ sở riêng. Bà cũng bày tỏ lo ngại về bất lực trong thu hồi tài sản công không sử dụng. “TP HCM có nhiều trụ sở bỏ trống không phải 2 năm mà mấy chục năm không làm gì cả, nhưng không thu hồi được... HĐND đi giám sát thấy thực tế này và đề nghị thu hồi để làm bệnh viện, trường học nhưng không được. Kể cả thành phố đưa đất, ứng vốn để xây dựng nhưng sau đó đề nghị giao lại trụ sở cũng không được”, bà Tâm dẫn chứng. Bà đề xuất: “Tôi đề nghị thêm quy định giám sát của người dân và cơ quan truyền thông trong vấn đề tài sản công. Lâu nay nhiều vụ việc làm thất thoát tài sản nhà nước, hay tham nhũng đều do báo chí phát hiện, trong khi nội bộ cơ quan đơn vị lại không phát hiện ra… Chúng ta sửa luật cần tạo ra quyền uy của pháp luật chứ không phải nói cho có”.

8. ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: “Cứ cháy nhà, chết người mới rà soát, xử nghiêm”

image015

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) –Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc Hội đã thẳng thắn bày tỏ bức xúc trên nghị trường trước việc nhiều vụ hỏa hoạn, tai nạn nghiêm trọng xảy ra và quản lý Nhà nước thường “chạy” theo sau. Ông Cương bức xúc: “Cứ cháy nhà, chết người mới rà soát, xử nghiêm”.

"Tôi đã từng phát biểu trước Quốc hội là những vấn đề bức xúc đó đều có 1 điểm chung, nguyên nhân là do sự vận hành của bộ máy Nhà nước và thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ công chức. Thực tế, những vấn đề xảy ra cái gì cũng có thể được giải thích do buông lỏng quản lý và sự giải thích đó luôn luôn đúng", ông Cương nói.

Ông Cương cũng nhìn nhận thực tế hiện nay, quản lý Nhà nước luôn đi sau các vấn đề cần được quản lý, khi xảy ra sự vụ bức xúc đều được giải thích do buông lỏng quản lý.

Ông Cương điểm lại hàng loạt vụ việc như sập mỏ khai thác đá, vài chục người chết; sạt lở bãi thải, vài gia đình bị chôn vùi; lật du thuyền trái phép, nhiều người chết; cháy cơ sở karaoke ở Hà Nội làm chết nhiều người... và bày tỏ: "Cứ xảy ra rồi đại diện chính quyền mới đến, tuyên bố sẽ rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm sai phạm. Vâng, lẽ ra việc đó phải làm từ lâu rồi chứ không đợi đến khi xảy ra mới làm".

9. ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: “Tình trạng tham nhũng vẫn tiếp tục hồn nhiên nhảy múa trên lưỡi gươm của pháp luật”

Trước việc báo cáo của Chính phủ nêu tình hình tham nhũng “đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến, tính chất rất nghiêm trọng và chưa được đẩy lùi”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu băn khoăn vì sao “chúng ta có đầy đủ bộ máy, có các cơ các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng…, mà dường như tình trạng tham nhũng vẫn tiếp tục hồn nhiên nhảy múa trên lưỡi gươm của pháp luật”.

Ông Nhưỡng đặt vấn đề “phải chăng có tình trạng tham nhũng chồng tham nhũng, trách nhiệm cơ quan chống tham nhũng thế nào?”.

Cũng theo đại biểu Nhưỡng, cử tri rất bức xúc tình hình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chủ trương đúng đắn nhưng bị lợi dụng, nhiều tài sản nghìn tỷ của nhà nước bị hạ giá bằng những mánh khoé trong định giá tài sản để chuyển sang cho tư nhân. “Trong khi người dân chắt chiu lo từng bữa cơm thì tình hình như vậy là rất nhức nhối”, ông Nhưỡng nói.

10. ĐBQH Dương Trung Quốc: “Thông điệp của Chính phủ nhiệm kỳ này là hướng tới một Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính, đặt cho chúng ta những hy vọng tốt đẹp, nhưng cũng đòi hỏi chúng ta phải có trách nhiệm như những người trong cuộc. Vậy, dấu ấn của Quốc hội trong báo cáo của Chính phủ ở đâu?”

Câu hỏi này được đại biểu Dương Trung Quốc - người đã bốn nhiệm kỳ tham gia Nghị trường đặt ra trong phiên thảo luận sáng 3/11 của Quốc hội.

Đặt câu hỏi về dấu ấn của Quốc hội, ông Quốc nói, đặc trưng thể chế chính trị của chúng ta là chưa chấp nhận nguyên lý tam quyền phân lập, mà ba quyền đó chỉ là sự phân công để phối hợp hành động trong một mục tiêu chung.

image019

Do vậy, theo ông, Quốc hội nào thì Chính phủ nấy. Một Quốc hội kém năng lực thì sẽ có một Chính phủ kém chất lượng. Do vậy, không thể không nhìn nhận vai trò Quốc hội trong những thành bại của Chính phủ.

Điều đại biểu Dương Trung Quốc băn khoăn, là hầu như không khi nào báo cáo Chính phủ đề cập đến tác động cả tích cực và tiêu cực của Quốc hội khi thực thi quyền năng và trách nhiệm của mình. Trong khi rõ ràng nếu chất lượng lập pháp của Quốc hội kém thì năng lực quản lý của Chính phủ bị ảnh hưởng, và nếu Quốc hội giám sát lỏng lẻo thì hành pháp sẽ nảy sinh tiêu cực.

“Báo cáo của Chính phủ thường lựa chọn cách ứng xử khôn ngoan, là tỏ ra rất khiêm nhường trước Quốc hội như cơ quan quyền lực cao nhất, và luôn kêu gọi Quốc hội tăng cường giám sát. Nhưng trong thực tế, Quốc hội hình như vẫn đứng ngoài những quyết định của Chính phủ. Cho nên khi hành pháp có sai lầm, dường như Quốc hội và rộng hơn là các tổ chức đại biểu dân cử luôn thể hiện sự vô can của mình”, ông Quốc thẳng thắn nhìn nhận.

Và ông khái quát, nợ công cao, tài sản hư hao, vấn nạn tham nhũng... là trách nhiệm của Chính phủ, nhưng cũng có một phần của Quốc hội.

Đề nghị trong báo cáo của Chính phủ tại Quốc hội, cần dành một phần phát biểu về Quốc hội, rằng Chính phủ không chỉ tuân thủ, chịu sự giám sát thực hiện nghị quyết của Quốc hội, mà còn cần đòi hỏi Quốc hội những gì để Chính phủ làm tốt hơn, ít sai phạm hơn.

“Đó cũng chính là một trong những biểu hiện của một Chính phủ kiến tạo và liêm chính, mà chúng ta đều mong muốn và hy vọng”, ông Quốc nhấn mạnh.

Minh Trung – Đức Hạnh (tổng hợp và bình chọn)

Bạn đang đọc bài viết "10 phát ngôn đáng suy ngẫm của ĐBQH" tại chuyên mục Góp ý chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin