Chiều 13/12, Nhóm Sáng kiến Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị bàn tròn Thủ tướng với mạng lưới chuyên gia toàn cầu về phát triển Việt Nam.
Đây là một trong nhiều hội nghị tham vấn chính sách cho Chính phủ với sự tham dự của đông đảo chuyên gia quốc tế và giới trí thức Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức nhằm góp phần tích cực tạo kênh đối thoại quan trọng đóng góp ý kiến phản biện vào quá trình hoạch định và điều hành chính sách của Chính phủ.
Hội nghị đã thảo luận về 3 chủ đề là định vị Việt Nam trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; chính sách công nghiệp cho Việt Nam trong giai đoạn tới; phá bỏ điểm nghẽn tăng trưởng và kiến tạo phát triển. Đây là những vấn đề Việt Nam đang rất quan tâm thúc đẩy, nhưng quá trình thực hiện vẫn còn gặp nhiều trở ngại, khó khăn.
PGS. Trần Ngọc Anh (Đại học Indiana, Mỹ) trong công trình nghiên cứu của mình đã chỉ ra những điểm nghẽn đối với sự tăng trưởng của Việt Nam như chi phí tài chính, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, hiệu quả của bộ máy hành chính… PGS Anh cho biết, nếu hiệu quả của chính quyền tăng 10% thì GDP tăng thêm được 3,6% và khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần xây dựng một hệ thống đánh giá hiệu quả hoạt động của mình với các chỉ số đo lường chất lượng cụ thể nhằm hướng tới một Chính phủ kiến tạo, phục vụ và hành động.
Đề cập đến các hạn chế trong quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam, GS. Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Nhật Bản) đã chỉ ra 3 thách thức của trào lưu công nghiệp hóa hiện nay đối với các nước đang công nghiệp hóa như Việt Nam, bao gồm cạnh tranh gay gắt giữa các nước công nghiệp mới do cầu giảm sau khủng hoảng toàn cầu năm 2008 và dư thừa năng lực sản xuất; nhiều nước ở giai đoạn thu nhập trung bình và trung bình thấp rơi vào tình trạng “thoát công nghệ hóa còn non”; nhu cầu sử dụng lao động trong sản xuất công nghiệp giảm mạnh do cách mạng công nghiệp ngày càng phát triển theo hướng tự động hóa và mạng hóa.
GS. Trần Văn Thọ cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, việc tránh được bẫy gia công khi tham gia chuỗi giá trị là một thách thức không nhỏ, đang là mối quan tâm, trăn trở của các nhà hoạch định chính sách.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng cho rằng, Chính phủ luôn cố gắng lắng nghe với tinh thần cầu thị các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, “lắng nghe hơi thở cuộc sống hiện nay, những vấn đề bất cập để có giải pháp ứng phó để phát triển bền vững”. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ trân trọng và sẽ tiếp tục dành nhiều thời gian hơn để lắng nghe các ý kiến của chuyên gia và “cuộc thảo luận của chúng ta sẽ kéo dài hơn chứ không chỉ có hơn hai tiếng đồng hồ”.
Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước ý kiến của chuyên gia cho rằng, trong khó khăn, Việt Nam vẫn có dư địa lớn để tăng trưởng. Điều đó củng cố thêm niềm tin rằng nếu quyết tâm hành động, tổ chức thực hiện tốt thì sẽ đem lại kết quả tốt. Từ ý kiến này, Chính phủ sẽ tiếp thu để có những điều chỉnh chính sách phù hợp hơn, hiệu quả hơn.
Thủ tướng tán thành cách đặt vấn đề của PGS. Trần Ngọc Anh về việc để xóa bỏ điểm nghẽn và đề nghị Bộ Nội vụ chủ trì cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu các mô hình chấm điểm hành chính công một cách thấu đáo. “Cái gì cũng cần được lượng hóa chứ không thể nói nhiệt tình một cách chung chung”, Thủ tướng nhấn mạnh và giao Văn phòng Chính phủ cùng Bộ Nội vụ phối hợp với nhóm Sáng kiến Việt Nam xây dựng hệ thống đánh giá quốc gia cho Chính phủ.
“Với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, tôi nhấn mạnh rằng Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn chào đón, cầu thị và mong muốn nhận được sự đóng góp, hỗ trợ của các nhà khoa học, các chuyên gia cả trong và ngoài nước. Và đây chỉ là cuộc họp mở đầu. Tôi mong muốn có sự hợp tác chặt chẽ hơn, cụ thể hơn, thường xuyên hơn để từ các ý kiến của quý vị, chúng tôi sẽ tiếp thu, xây dựng, sửa chữa, bổ khuyết những vấn đề về thể chế, chính sách hiện nay, góp phần phát triển đất nước Việt Nam”, Thủ tướng bày tỏ.
Theo Bao Phaply