Sáng ngày 25/8, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại (sau đây gọi tắt là Dự thảo hồ sơ).
Thay mặt Hội Luật gia Việt Nam - cơ quan chủ trì soạn thảo, ông Nguyễn Văn Huệ - Trưởng Ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam đã trình bày tóm tắt Dự thảo hồ sơ.
Theo đó, về cơ sở chính trị, pháp lý, Nghị quyết số 49 - NQ/TW, Báo cáo Chính trị Đại hội XIII của Đảng và gần đây là Nghị quyết số 27/NQ-TW về tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới đã luôn quan tâm, khuyến khích sự phát triển của TTTM.
Ông Nguyễn Văn Huệ - Trưởng ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam trình bày tại Hội thảo
Từ góc độ thực tiễn, sau 12 năm thi hành Luật TTTM 2010, các tổ chức trọng tài và trọng tài viên phát triển cả về số lượng và chất lượng; số lượng vụ tranh chấp được giải quyết thông qua trọng tài ngày một tăng; lĩnh vực tranh chấp ngày càng đa dạng, phong phú, giá trị tranh chấp ngày càng lớn.
Qua đó cho thấy, Luật TTTM đã tạo ra những dấu ấn cho sự phát triển của thể chế trọng tài thương mại, góp phần tích cực vào công cuộc cải cách tư pháp của nước ta. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành cho thấy Luật cũng đang bộc lộ những hạn chế, bất cập.
Cùng với đó, Việt Nam đang hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế toàn cầu với việc gia nhập WTO từ năm 2006 và hàng chục hiệp định thương mại tự do và đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, RCEP. Trong nền kinh tế toàn cầu, giải quyết tranh chấp lựa chọn (ADR) đang là xu thế phổ biến và mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần tăng cường tính cạnh tranh ở khía cạnh đảm bảo giải quyết tranh chấp thương mại cả trong nước lẫn tranh chấp quốc tế nhanh, hiệu quả và bình đẳng.
Cũng đặt trong bối cảnh này, Luật TTTM chưa thể đáp ứng yêu cầu. Mặc dù Luật đã tiếp nhận các nguyên tắc cơ bản của Luật mẫu UNCITRAL song ở nhiều khía cạnh cụ thể, quan trọng thì Luật TTTM năm 2010 chưa phù hợp với Luật mẫu. Năm 2013, chuyên gia của UNCITRAL đã chỉ ra 13 điểm chưa phù hợp của Luật TTTM với Luật mẫu. Việc này cũng đã gây bất lợi cho các tổ chức Trọng tài của Việt Nam.
“Từ những cơ sở, lý lẽ trên cho thấy việc sửa đổi Luật TTTM là cần thiết”, ông Nguyễn Văn Huệ khẳng định.
Theo đó, việc sửa đổi Luật TTTM nhằm hoàn thiện thể chế về trọng tài thương mại và pháp luật liên quan đảm bảo trọng tài thực sự là thiết chế hiệu quả đáp ứng nhu cầu thực tiễn giải quyết tranh chấp đầu tư, kinh doanh, thương mại, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, Luật mẫu UNCITRAL và thông lệ quốc tế về trọng tài thương mại.
Xây dựng, ban hành cơ chế tăng cường sự kiểm tra, giám sát việc triển khai thi hành quy định của Luật trọng tài thương mại, đặc biệt là việc hủy phán quyết trọng tài. Xây dựng cơ chế phối hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành phán quyết trọng tài.
Nâng cao năng lực của các Trung tâm trọng tài, đội ngũ trọng tài viên đáp ứng yêu cầu giải quyết tranh chấp trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của trọng tài thương mại.
Toàn cảnh hội thảo
Để đạt được các mục tiêu đề ra, dự án Luật này dự kiến xây dựng 4 nhóm chính sách lớn.
Thứ nhất, quy định rõ và mở rộng phạm vi giải quyết tranh chấp của Trọng tài thương mại.
Hiện nay, Trọng tài không chỉ giải quyết tranh chấp về thương mại theo khái niệm thương mại trong Luật Thương mại năm 2005 mà còn các tranh chấp khác như kinh doanh, đầu tư, lao động, sở hữu trí tuệ, bất động sản, đất đai theo quy định của các luật chuyên ngành.
Bên cạnh đó, Việt Nam là thành viên của WTO và đã phê chuẩn các hiệp định cơ bản cấu tạo nên nền tảng của Tổ chức này, khái niệm “Thương mại” theo các hiệp định của WTO được hiểu theo nghĩa rộng. Đặc biệt, tình trạng chồng chéo giữa các luật, bộ luật khác nhau có quy định về các phương thức giải quyết trọng tài và tòa án.
Do vậy, cần quy định rõ và mở rộng phạm vi giải quyết tranh chấp của TTTM Cùng với đó cân nhắc khả năng đổi tên thành Luật Trọng tài cho phù hợp.
Thứ hai, hoàn thiện thủ tục tố tụng TTTM. Hiện có một số quy định cụ thể trong Luật TTTM về thủ tục tố tụng trọng tài đang có nhiều bất cập, không phù hợp với mục tiêu khuyến khích hoạt động trọng tài thương mại cũng như quy định Luật Mẫu UNCITRAL.
Trong đó cần xem xét lại thế nào là trọng tài nước ngoài; quy định về thỏa thuận trọng tài, về thủ tục tống đạt tài liệu và trao đổi liên lạc giữa các bên còn cứng nhắc, không phù hợp; quy định về thời hiệu khởi kiện không thống nhất giữa các văn bản luật; vấn đề nghiên cứu, bổ sung cơ chế trọng tài viên khẩn cấp và về miễn trách nhiệm dân sự cho trọng tài viên cũng cần được xem xét.
Thứ ba, mở rộng thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài (HĐTT) trong thủ tục tố tụng trọng tài.
Mặc dù Điều 45, 46 và 47 của Luật TTTM đã trao một số quyền cho HĐTT trong việc triệu tập nhân chứng, quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, nhưng không trao thẩm quyền cho HĐTT trong các vấn đề tố tụng phát sinh khác, gây khó khăn cho HĐTT trong việc quản trị điều hành vụ kiện. Luật pháp hầu hết các quốc gia đều dựa trên cách tiếp cận của Điều 19 Luật Mẫu UNCITRAL, đó là nếu các bên không có thỏa thuận thì HĐTT sẽ có quyền hạn toàn bộ trong việc tiến hành xét xử theo bất kỳ cách thức, trình tự và thủ tục nào mà HĐTT cho là phù hợp.
Việc mở rộng thẩm quyền của HĐTT trong việc xử lý giải quyết tranh chấp và xử lý các vấn đề tố tụng theo hướng phù hợp với Điều 19 Luật Mẫu UNCITRAL sẽ giúp không tạo ra các khe hở để các bên cố tình trì hoãn, né tránh việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Cuối cùng, điều chỉnh quy định về phán quyết trọng tài, hủy phán quyết trọng tài, xem xét lại quyết định hủy phán quyết trọng tài của Tòa án.
Thực trạng hủy phán quyết trọng tài hiện nay đã gây ra khá nhiều quan ngại về hiệu lực, hiệu quả của cơ chế giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài cũng như hệ thống tư pháp Việt Nam.
Mục tiêu của chính sách này đưa ra là phải xây dựng các quy định rõ ràng, minh bạch hơn nhằm hạn chế tình trạng hủy phán quyết trọng tài bất hợp lý; Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế xem xét lại quyết định của Tòa án hủy hoặc không hủy phán quyết trọng tài nhằm kiểm soát và hạn chế tình trạng hủy và không công nhận phán quyết trọng tài, củng cố niềm tin cho các bên lựa chọn sử dụng phương thức trọng tài để giải quyết tranh chấp