Xung quanh Dự án khách sạn 5 sao của C.ty Nhật Hạ: “ Soi” tính pháp lý của Công văn sửa Nghị quyết HĐND TP. Hải Phòng ?

Những ngày này, khi mà khách sạn 5 sao PullMan của Công ty TNHH Nhật Hạ đang được khởi công xây dựng ở địa chỉ 12 Trần Phú (cũ) thì những băn khoăn của người dân có đất bị giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng dự án này và dư luận về những “bất thường” về tính pháp lý của dự án vẫn còn ngổn ngang. Đáng lưu ý là tính pháp lý của công văn số 50 do Chủ tịch HĐND kí sửa Nghị quyết của tập thể HĐND.

Xây dựng khách sạn 5 sao 32 tầng là dự án chỉnh trang đô thị ?

Dự án xây dựng khách sạn 5 sao, 32 tầng được Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng xác định là dự án thu hồi đất vì mục đích Quốc gia công cộng theo quy định tại khoản 3 điều 62 của Luật đất đai năn 2013. Khu đất bị thu hồi có nguồn gốc là đất Trường THPHT chuyên Trần Phú (diện tích là 9.303,2m2) và đất thuộc khu vực ngõ 56 Trần Phú của 15 hộ dân với 40 nhân khẩu đang sinh sống (diện tích 1034,5m2).

[caption id="attachment_193702" align="aligncenter" width="399"]Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng trả lời người dân (Hình ảnh trong tài liệu UBND thành phố cung cấp cho Phóng viên). Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng trả lời người dân (Hình ảnh trong tài liệu UBND thành phố cung cấp cho Phóng viên).[/caption]

Đã có rất nhiều tranh cãi xung quanh quyết định này của HĐND thành phố Hải Phòng. Đầu tiên, là dự án xây dựng khách sạn 5 sao, có phải là dự án chỉnh trang đô thị theo như đề xuất của UBND thành phố Hải Phòng và phê duyệt của Thường trực HĐND thành phố hay không?

Về vấn đề này , UBND thành phố Hải Phòng đã cung cấp cho Phóng viên Pháp lý văn bản có trả lời của Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng như sau: Theo điều 146 Luật đất đai 2013, đất để chỉnh trang, phát triển đô thị gồm đất thương mại, dịch vụ. Theo Nghị định số 46/2015/NĐ-CP của Chính phủ thì công trình thương mại, dịch vụ bao gồm loại hình công trình khách sạn. Và việc đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao cũng chính là chỉnh trang và phát triển đô thị.

Giải đáp này chưa thuyết phục được các hộ dân mất đất. Bởi theo tìm hiểu của Phóng viên, tại điểm c khoản 9 điều 2, Nghị định 13/2011 ND –CP về Quản lý phát triển đô thị quy định: Dự án cải tạo chỉnh trang khu đô thị là dự án cải tạo, nâng cấp mặt ngoài hoặc kết cấu các công trình trong khu vực đô thị hiện hữu nhưng không làm thay đổi quá 10% các chỉ tiêu sử dụng đất của khu vực;

Trên nền đất sạch được UBND thành phố Hải Phòng giải phóng mặt bằng, Công ty TNHH Nhật Hạ đang làm móng để xây dựng một khách sạn 5 sao, quy mô 1 tầng hầm và 32 tầng cao công trình. Số phòng khách sạn là 329 phòng. Để thực hiện được hoạt động xây dựng với quy mô trên, UBND thành phố Hải Phòng phải điều chỉnh quy hoạch. Cụ thể, trên lô đất trên trước đó quy định chiều cao tối đa là không quá 12 tầng. Tại quyết định số 1964/QĐ-UBND đã điều chỉnh Quy hoạch chi tiết cho phép xây dựng ở ô đất này từ 12 tầng lên 35 tầng (tăng gần 300% so với quy mô ban đầu) thì phải chăng không thể coi là dự án chỉnh trang đô thị được?!

Bàn về tính pháp lý của Công văn sửa Nghị quyết HĐND?

Điều đáng nói là tại Nghị Quyết số 149/NQ-HĐND ban hành tại Kỳ họp HĐND cuối năm 2016 của HĐND thành phố Hải Phòng. Theo đó, Nghị quyết đã thông qua danh mục các dự án công trình có sử dụng đất mà mức vốn ngân sách nhà nước dự kiến cấp cho bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố năm 2017 nhưng không có danh mục dự án xây dựng khách sạn 5 sao trên. Khi dự án cận kề ngày triển khai, UBND thành phố Hải Phòng có tờ trình bổ sung dự án trên vào Nghị Quyết 149.

Công văn số 50 được kí bởi ông Lê Văn Thành, Chủ tịch HĐND, Bí thư thành ủy Hải Phòng. Công văn ra đời “thần tốc”. Cụ thể, ngày 27/4/2017 Ủy ban thành phố gửi tờ trình đề nghị bổ sung vào Nghị quyết 149 dự án trên thì ngay sau đó 7 ngày – ngày 4/5/2017 (sát dịp nghỉ lễ dài ngày của dân tộc) tờ trình kia đã được chấp thuận. Bằng công văn này, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng đã đồng ý bổ sung dự án công trình trên theo Dự án chỉnh trang đô thị tại số 12 phố Trần Phú, phường Lương Khánh Thiện.

[caption id="attachment_193703" align="aligncenter" width="369"] Quang cảnh khách sạn 5 sao của Cty NHật Hạ  vừa mới khởi công tại lô đất 12 Trần Phú.  Quang cảnh khách sạn 5 sao của Cty NHật Hạ vừa mới khởi công tại lô đất 12 Trần Phú.[/caption]

Những người dân bị thu hồi đất cho rằng, Thường trực HĐND thành phố Hải Phòng Quy định như vậy là vượt thẩm quyền. Trong văn bản cung cấp cho Phóng viên Pháp lý, Chủ tịch Thành phố Hải Phòng là ông Nguyễn Văn Tùng đã “trả lời thay” HĐND thành phố: Thường trực HĐND thành phố thực hiện đúng thẩm quyền: Căn cứ Nghị Quyết 753/2005/NQ-UBVQH11 ngày 2/4/2005; Nghị Quyết số 1206/2016/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ quốc hội, điều 2 của Nghị quyết 148/NQ-HĐND ngày 13/12/2016 của HĐND thành phố Hải Phòng (khoản 3 điều 3 của Nghị quyết này quy định trong quá trình thực hiện nếu có đề nghị điều chỉnh, bổ sung danh mục công trình dự án quy định tại Nghị quyết thì UBND thành phố trình Thường trực HĐND thành phố xem xét, quyết định báo cáo HĐND thành phố tại kỳ họp gần nhất).

Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật. Theo điều 12 của Luật trên thì “Văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó”. Như vậy không thể lấy một công văn để sửa đổi, bổ sung vào một Nghị quyết của cả một tập thể trước đó. Đồng thời, điều 104, 105 của Luật Tổ chức Chính quyền địa phương quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực, các thành viên của HĐND không có nhiệm vụ, quyền hạn bổ sung, sửa đổi Nghị quyết.

Nhiều băn khoăn về “lợi ích” khi không đấu giá QSD 10.337,7 m2 đất “vàng” ?

Khu đất ở địa chỉ 12 Trần Phú được người dân nơi đây đánh giá là khu đất vàng vì ở vị trí đắc địa của thành phố Hải Phòng. Theo như phương án ban đầu dự định của các cơ quan chức năng Hải Phòng thì sau khi hoàn thiện các thủ tục thu hồi đất sẽ đưa khu đất ra đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, điều bất ngờ là sau đó quyền thuê và quyền sử dụng đất trong 50 năm đã được chỉ định cho một doanh nghiệp tư nhân.

Lý do mà cơ quan tham mưu là Trung tâm xúc tiến đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hải Phòng cho rằng tiến hành đấu thầu dự án vì trên đất có một số diện tích chưa đền bù, giải phóng (Theo quy định điểm d khoản 1 điều 119 Luật đất đai 2013 thì đất được đấu giá phải là đất được giải phóng mặt bằng, đất có tài sản trên đất thuộc tài sản nhà nước)

Theo tìm hiểu, thì số tiền cần để tiến hành đền bù, giải phóng lô đất này trước khi có thể đấu giá đất là 29.874 triệu đồng. Số tiền chi trả đền bù giải phóng mặt bằng cho lô đất từ nguồn ngân sách nhà nước. Sau khi giải phóng mặt bằng Thành phố có thể tiến hành đấu giá QSĐ, quyền thuê đất trên. Theo Quyết định 2979/2014/QĐ-UBNd Ban hành quy định về bảng giá đất thành phố Hải Phòng 5 năm (2015- 2019) theo khung giá nhà nước thì giá đất ở vị trí trên là 24 triệu/1m2. Giá đất trên thực tế có thể cao gấp nhiều lần. Với 10.337,7 m2 trên nếu được đấu giá quyền SDĐ thì số tiền ngân sách nhà nước sẽ rất lớn.

Tuy nhiên, UBND thành phố Hải Phòng đã chọn cách đấu thầu, vòng sơ tuyển chỉ trọn được 1 nhà đầu tư là Công ty TNHH Nhật Hạ. Sau đó UBND TP Hải Phòng đã chỉ định thầu cho Công ty TNHH Nhật Hạ. Như vậy, Công ty này đã không phải thông qua đấu giá đất mà lại được sử dụng thuê với giá nhà nước trong suốt 50 năm. Nhà đầu tư đề xuất nộp ngân sách nhà nước 6,42 tỉ đồng.

Một trong những nguyên tắc sử dụng đất quy định tại Điều 6, Luật Đất đai 2013 là “Tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh”. Quyết định đấu thầu dự án (mà không phải là đấu giá quyền thuê và sử dụng đất) của UBND thành phố Hải Phòng đã đảm bảo nguyên tắc này hay chưa? Con số mà Công ty TNHH Nhật Hạ đề xuất nộp vào ngân sách đã phần nào phản ánh sự kém hiệu quả trong việc sử dụng diện tích đất này..?

Phóng viên Pháp lý đã nhiều lần liên hệ qua điện thoại với ông Lê Văn Thành (Chủ tịch HĐND thành phố Hải Phòng), đến trực tiếp trụ sở của HĐND thành phố Hải Phòng nhưng luôn nhận được câu trả lời “lãnh đạo bận họp”. Nhân viên trả lời xong thì bỏ đi. Chúng tôi liên hệ với Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng (Theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, thì Đoàn đại biểu Quốc hội có chức năng thực hiện giám sát tại địa phương – PV) để tìm hiểu việc giám sát đối với việc ra nghị quyết thu hồi đất tại 12 Trần Phú (cũ). Chuyên viên Nguyễn Ngọc Lam của Đoàn cho hay: Đoàn chưa bao giờ giám sát những hoạt động trên của HĐND ?

Liên hệ với UBND thành phố Hải Phòng thì cơ quan này cũng chỉ cung cấp một văn bản trả lời chung chung, thiếu thuyết phục. Dư luận đặt câu hỏi, cơ quan tổ chức nào sẽ là nơi trả lời cho các thắc mắc và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân ở nơi khu đất bị thu hồi? Xin gửi về Thanh Tra Chính phủ nơi những người dân đã gửi đơn và chờ đợi kết quả kiểm tra, thanh tra công tâm về vụ việc trên.

Phan Tĩnh

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin