Xử phúc thẩm vụ án “giết người” tại quán bar Wonder ở Pleiku, Gia Lai: Hủy án sơ thẩm vì vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng

(Pháp lý) - Sau hơn 9 tháng kể từ khi TAND tỉnh Gia Lai xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại quán Bar Wonder, TP.Pleiku, Gia Lai,  mới đây TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã mở lại phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án nói trên theo đơn kháng cáo của gia đình bị hại và các bị cáo. Nhiều mâu thuẫn về nội dung và vi phạm về tố tụng đã được làm rõ tại phiên tòa.

Bản án sơ thẩm còn nhiều uẩn khúc ?

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 18-19/1/2016, HĐXX TAND tỉnh Gia Lai đã kết luận lời khai của các bị cáo Lê Anh Quyết, Phạm Thế Phương, Vũ Việt Dũng tại phiên tòa là đúng với nội dung cáo trạng đã nêu, phù hợp với lời khai của người làm chứng, người liên quan, kết quả khám nghiệm hiện trường, kết luận giám định pháp y và các chứng cứ, tài liệu khác có tại hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa. HĐXX ra bản án số 05/2016/HSST  tuyên bị cáo Lê Anh Quyết phạm tội “Giết người” với mức án 18 năm tù, bị cáo Phạm Thế Phương phạm tội “Giết người” mức án 20 năm tù, bị cáo Vũ Việt Dũng tội “Che giấu tội phạm” mức án 18 tháng tù.

Các bị cáo tại tòa (từ trái qua: Bị cáo Vũ Việt Dũng, Phạm Thế Phương, Lê Anh Quyết);
Các bị cáo tại tòa (từ trái qua: Bị cáo Vũ Việt Dũng, Phạm Thế Phương, Lê Anh Quyết);)

Không đồng ý với bản án số 05/2016/HSST, ông Nguyễn Đăng Kỷ và bà Nguyễn Thị Kim Oanh (cha mẹ nạn nhân Nguyễn Đăng Tuấn) đã kháng cáo. Nội dung kháng cáo của gia đình nạn nhân bao gồm: Đề nghị hủy bản án sơ thẩm và cho giám định lại đoạn ghi hình trong USB (đoạn video của camera giám sát ở hiện trường vụ án); Giám định biên bản lời khai ngày 14/2/2015.

Theo đó, lý do kháng cáo của gia đình bị hại là vì bản án sơ thẩm còn nhiều uẩn khuất chưa được HĐXX sơ thẩm làm rõ. Trong quá trình điều tra vụ án, Điều tra viên (ĐTV) đã ghi thêm vào biên bản ghi lời khai ngày 14/2/2015  “… chuyển số tiền 30 triệu của gia đình các bị cáo thắp hương cho bị hại thành tiền… bồi thường”. Gia đình bị hại đã làm đơn tố cáo hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án nhưng sau đó ĐTV vẫn tham gia điều tra bổ sung vụ án (sau khi vụ án bị trả hồ sơ điều tra bổ sung) là vi phạm BLTTHS. Bên cạnh đó, cáo trạng của VKSND tỉnh Gia Lai cho rằng bị hại Nguyễn Đăng Tuấn cầm ghế khiêu khích về bàn Vip 3 (nơi các bị cáo ngồi chơi), nhưng các nhân chứng đều không khai như vậy. Theo gia đình bị hại, căn cứ các tình tiết, chứng cứ thì bị cáo Vũ Việt Dũng là người chỉ đạo, xúi giục các bị cáo còn lại phạm tội nên phải xử bị cáo Dũng tội giết người theo Điều 93 BLHS chứ không phải là tội danh “Che giấu tội phạm”.

Thống nhất hủy án sơ thẩm

Tại phần tranh luận, đại diện VKSND cấp cao đã đề nghị HĐXX chấp nhận 1 phần kháng cáo của gia đình bị hại, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Gia Lai. Luật sư Trần Đại Huấn (Đoàn Luật sư tỉnh Gia Lai) – người bào chữa cho bị cáo cũng nhất trí với ý kiến của  đại diện  VKS mà không có thêm tranh luận nào. Luật sư Võ Thị Tiết (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Đình) – người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình bị hại và bà Oanh (mẹ bị hại) cũng thống nhất hủy bản án sơ thẩm vì đã vi phạm luật tố tụng nghiêm trọng.

Ông Vũ Thanh Liêm (Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa) tuyên hủy bản án sơ thẩm.
Ông Vũ Thanh Liêm (Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa) tuyên hủy bản án sơ thẩm.)

Sau thời gian nghị án, HĐXX tuyên bản án. Theo HĐXX, trong quá trình điều tra, lời khai ban đầu của các bị cáo Quyết, Phương cho rằng bị cáo Vũ Việt Dũng bảo các bị cáo dùng chai đập vào đầu bị hại, nhưng sau đó, cả hai bị cáo Quyết, Phương đều thay đổi lời khai. Bên cạnh đó, tại biên bản đối chất ngày 29/1/2015 giữa bị cáo Vũ Việt Dũng với bị cáo Phương, Quyết thì ngoài ĐTV Trần Thắng còn có 1 ĐTV khác và 1 Kiểm sát viên (KSV) VKSND tỉnh Gia Lai tham gia. Nhưng cuối biên bản, ĐTV và KSV này lại không ký vào biên bản mà chỉ có chữ ký của ĐTV Trần Thắng. Như vậy là vi phạm Điều 138 BLTTHS. Tại phiên tòa phúc thẩm lần này, các bị cáo Quyết, Phương khai không nhớ, còn bị cáo Dũng khai có KSV. Do đó, cần phải xác định rõ có ĐTV và KSV tham gia không.

Đối với Hoàng Việt Dũng (nhân chứng liên quan đến vụ án) là người đi cùng với các bị cáo đã có lời khai (ngày 16/10/2014) xác nhận bị cáo Dũng, Phương, Quyết tham gia đánh nạn nhân Tuấn. Tuy nhiên, lời khai này chưa được đối chất để làm rõ.

Tại biên bản hỏi cung bị cáo Phương ngày 3/12/2014 không ghi tên luật sư tham gia hỏi cung, không thể hiện ĐTV giải thích quyền và nghĩa vụ của bị cáo. Nhưng cuối biên bản lại có chữ ký của luật sư. Như vậy đã vi phạm khoản 3, Điều 132 BLTTHS.

Có mâu thuẫn trong lời khai của nhân chứng và bị cáo với Cáo trạng số 95/CTVKS-P2 ngày 25/11/2015, cáo trạng của VKSND tỉnh Gia Lai đã xác định bị hại Tuấn có hành động cầm ghế khiêu khích. Tuy nhiên, việc này cũng chưa được đối chất để làm rõ nên không có cơ sở vững chắc. Cần làm rõ, thu thập camera trong phòng bar hiện trường vụ án.

HĐXX xét thấy có hành vi vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nên tuyên “Hủy bản án sơ thẩm” số 05/2016/HSST ngày 18-19/1/2016; chuyển hồ sơ vụ án cho VKSND tỉnh Gia Lai điều tra lại theo thủ tục chung.

Phan Diệp Hoàng

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin