Trong vụ bốn bà cháu bị sát hại ở Quảng Ninh, công tố viên đề nghị phạt bị cáo Doãn Trung Dũng 7-8 năm tù về tội cướp tài sản nhưng tòa lại tuyên tử hình bị cáo về tội này. Nhiều ý kiến cho rằng tòa đã áp dụng pháp luật chưa chính xác. Vì sao?
Hôm nay 16-12, tại phiên tòa sơ thẩm xử vụ bị cáo Doãn Trung Dũng sát hại bốn bà cháu ở Quảng Ninh, đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo tử hình về tội giết người, 7-8 năm tù về tội cướp tài sản theo khoản 1 Điều 133 BLHS.
Tuy nhiên, sau khi nghị án, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Dũng mức án tử hình về tội giết người và mức án tử hình về tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt chung cho cả hai tội là tử hình.
Trả lời Pháp Luật TP.HCM ngay sau phiên tòa, Thẩm phán Phạm Ngọc Bình, Chánh Tòa Hình sự TAND tỉnh Quảng Ninh, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm xử vụ án trên lý giải:
VKS đề nghị mức án 7-8 năm tù dựa vào khoản 1 Điều 133 BLHS là chưa hợp lý. Bị cáo giết hai cháu nhỏ trước, sau đó giết bà Hát và một cháu nhỏ nữa rồi cướp tài sản. Việc giết hại hai mạng người thuộc trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng theo điểm c khoản 4 Điều 133 BLHS.
Vì vậy HĐXX phải áp dụng khoản 4 điều luật này (mức án cao nhất là tử hình). Căn cứ tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo mức án tử hình. Tổng hợp hình phạt chung cho hai tội mà bị cáo phải chịu là tử hình.
Tuy nhiên, theo một kiểm sát viên cao cấp (VKSND Tối cao), việc tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Doãn Trung Dũng tử hình về tội cướp tài sản theo khoản 4 Điều 133 BLHS 1999 là chưa chính xác vì nặng hơn luật quy định. Bởi căn cứ vào Nghị quyết số 144 ngày 29-6-2016 của Quốc hội và hướng dẫn số 276 ngày 13-9-2016 của TAND Tối cao (hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội của BLHS 2015), thì tội cướp tài sản đã bỏ hình phạt tử hình.
Cụ thể, kèm theo Hướng dẫn số 276 nêu trên TAND Tối cao có ban hành một danh mục một số quy định có lợi cho người phạm tội trong BLHS 2015. Tại số thứ tự thứ 68 trong danh mục này quy định dẫn chiếu đến khoản, Điều 168 BLHS 2015 quy định mức hình phạt tương ứng với khoản 4 Điều 133 BLHS 1999, cao nhất chỉ là tù chung thân. Tòa phải áp dụng quy định có lợi này cho người phạm tội theo tinh thần của BLHS 2015 đã được Quốc hội thông qua.
Bạn đọc cũng "bắt giò" hội đồng xét xử
Ngay sau khi đăng bản tin VKS đề nghị 7-8 năm, vì sao tòa xử bị cáo Dũng tử hình?, một số bạn đọc đã gửi ý kiến bình luận cho rằng việc tòa xử tử hình bị cáo Dũng về tội cướp tài sản là chưa chính xác.
Theo bạn đọc Phạm Tuân, "tội cướp tài sản đã bỏ hình phạt tử hình. Mặc dù Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa có hiệu lực nhưng theo Nghị quyết 109 và 144 và áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo thì trong trường hợp này tòa án tuyên bị cáo Dũng hình phạt tử hình là không chính xác".
Bạn đọc Nguyễn Công Thiện cũng phân tích: "Nguyên tắc tình tiết đã dùng định tội hoặc định khung thì không được xem là tình tiết tăng nặng và nguyên tắc một hành vi phạm tội không bị kết tội hai lần phải được áp dụng trong việc xem xét tội cướp tài sản của bị cáo Dũng. Vì hành vi giết nhiều người đã bị định tội và định khung hình phạt của tội giết người, nên trong tội cướp tài sản, VKS đề nghị buộc tội ở khoản 1 là chính xác".
Tội cướp tài sản theo khoản 4 Điều 168 BLHS 2015:
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người;
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Theo Plo