Xử lý “cục máu đông” nợ xấu chưa được như kỳ vọng và những kiến nghị từ chuyên gia

22/09/2018 13:18

(Pháp lý) - Nợ xấu được ví von như một “cục máu đông” của nền kinh tế và hành trình “đả thông kinh mạch” vẫn còn rất nhiều gian nan. Những giải pháp xử lý nợ xấu như hình thành Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), Quốc hội cho ra đời Nghị quyết 42… sau khi thực thi đã tạo ra những chuyển biến tích cực nhất định. Nhưng thực tế công tác xử lý nợ xấu hiện vẫn gặp nhiều vướng mắc, khiến tỷ lệ nợ xấu được xử lý chưa được như kỳ vọng.

Vì sao xử lý nợ xấu chưa được “trơn tru”?

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính từ năm 2012 đến hết tháng 3/2018, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 753,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Riêng số liệu xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, đến cuối tháng 3, toàn hệ thống xử lý được 100,5 nghìn tỷ đồng. NHNN cho rằng, Nghị quyết số 42/2017/QH14 ra đời ngày 21/6/2017 là một “công cụ” pháp lý quan trọng đối với ngành ngân hàng trong giải quyết xử lý nhiều vướng mắc, khó khăn, tạo thuận lợi hơn cho xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các TCTD, tổ chức mua bán nợ xấu. Theo đó, NHNN đã có nhiều công văn chỉ đạo, hướng dẫn từng TCTD triển khai thực hiện Nghị quyết 42 để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu và tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết; đồng thời triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng tại TCTD nhằm hỗ trợ thực hiện có hiệu quả phương án cơ cấu lại của từng TCTD.

 Việc xử lý nợ xấu vẫn còn không ít vướng mắc (ảnh minh họa)
Việc xử lý nợ xấu vẫn còn không ít vướng mắc (ảnh minh họa))

NHNN cho biết, năm 2017, nợ xấu tiếp tục được kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống các TCTD tại thời điểm cuối tháng 12/2017 là 1,99%, cuối tháng 03/2018 là 2,18% (giảm so với mức 2,46% vào cuối năm 2016). Tổng các khoản nợ xấu được xử lý năm 2017 đạt 115,54 nghìn tỷ đồng, phần lớn là do khách hàng trả nợ, sử dụng dự phòng rủi ro và bán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam ( VAMC ). Cụ thể: khách hàng trả nợ 35,19 nghìn tỷ đồng; bán cho các tổ chức, cá nhân 32,7 nghìn tỷ đồng, trong đó chủ yếu là bán nợ cho VAMC đạt 31,6 nghìn tỷ; sử dụng dự phòng rủi ro 28,45 nghìn tỷ đồng; bán, phát mại tài sản bảo đảm 2,5 nghìn tỷ đồng.

Bình luận về những thông tin trên, PGS - TS Đinh Trọng Thịnh – Học viện Tài chính cho rằng: nhìn ở mặt tích cực, VAMC đã gom được nợ xấu từ các ngân hàng về một chỗ, để từ đó bảng cân đối tài chính của các ngân hàng sạch sẽ hơn và rõ ràng hơn. Bên cạnh đó, khi gom được nợ xấu lại, các khoản nợ của ngân hàng, tổ chức tín dụng công khai, minh bạch hơn. Chỗ nợ xấu được đẩy đi thì lộ ra những khoản nợ khác để xử lý dễ dàng hơn. Cùng với đó, việc này cũng tạo ra sức ép cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong việc xử lý nợ xấu. Mặc dù đã được gạt ra khỏi bảng tổng kết tài sản ngân hàng nhưng những món nợ này chỉ được đưa ra riêng một chỗ, còn nếu muốn bán thì phải có sự đồng ý của chủ nợ. Nếu không bán được thì sau 5 năm các chủ nợ vẫn phải xử lý món nợ này. Như vậy, trách nhiệm của các chủ nợ vẫn chưa dứt. Việc đặt ra một khoản nợ như vậy cũng khiến các ngân hàng, tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng đủ lớn để có thể xử lý được nợ vay và nợ xấu. Đồng thời từ đó giúp cho các ngân hàng phải có một cố gắng cao hơn, nỗ lực hơn trong việc giảm thiểu nợ xấu trong hoạt động tín dụng của doanh nghiệp mình.

Tuy nhiên, theo PGS - TS Thịnh, điều đáng lo là việc đưa nợ xấu về VAMC cũng chỉ là gom nợ về một chỗ, để các ngân hàng và tổ chức tín dụng rảnh tay xử lý, làm đẹp bản tài chính của mình, chứ chưa thực sự bán được khoản nợ xấu đó đi. Đặc biệt, việc gom lại một chỗ để bán cũng chưa tương xứng so với mong muốn, tỷ trọng bán vốn trong những năm qua quá ít so với số nợ đưa về VAMC. Khi thành lập, tất cả đều mong muốn khi đưa nợ xấu về VAMC thì có thể huy động được nguồn vốn từ các nhà đầu tư và phát triển được thị trường mua bán nợ xấu của các ngân hàng nói riêng và các doanh nghiệp trong nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, thực tế là chúng ta chưa huy động được các nhà đầu tư cho việc này. Như vậy, điều mà chúng ta mong muốn VAMC sẽ xử lý nợ xấu là chưa được. Hơn nữa, việc thành lập VAMC cũng đã đẻ ra một bộ máy, tiêu tốn một lượng lớn tiền của, tài sản nhưng hoạt động của tổ chức này chưa được như mong muốn, PGS – TS Thịnh nêu quan điểm.

Nếu không xử lý tốt, nợ xấu vẫn chỉ quanh quẩn ở ngân hàng (ảnh minh họa)
Nếu không xử lý tốt, nợ xấu vẫn chỉ quanh quẩn ở ngân hàng (ảnh minh họa))

Chỉ ra những nguyên nhân khiến việc xử lý nợ xấu vẫn chưa được như mong muốn, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Từ khi Nghị quyết 42 ra đời, việc xử lý nợ xấu có được nhiều tiến triển bước đầu, tuy nhiên vẫn còn không ít vướng mắc. Đó là việc thu hồi tài sản bảo đảm vẫn chưa diễn ra trơn tru. Cụ thể, nếu không có sự hợp tác của người đi vay thì ngân hàng cũng như VAMC gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, ngay cả khi ra tòa, mặc dù đã có hướng dẫn về thủ tục tòa án rút gọn nhưng nhiều trường hợp vẫn tốn rất nhiều công sức của cả hai bên, khiến tiến trình xử lý trở nên kéo dài. Bên cạnh đó, một số tài sản thế chấp ở trong tình trạng tranh chấp nên việc thu hồi tài sản, ra tòa là việc rất khó khăn. Chính vì thế, theo những con số của các cơ quan thì việc xử lý nợ xấu có tiến triển nhưng mức độ xử lý trên tổng nợ xấu vẫn còn rất khiêm tốn. Ngoài ra, còn nhiều quy định về đất đai, tài sản thế chấp còn chồng chéo, nhiều quy định mâu thuẫn nhau nên chưa tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng, thống nhất để xử lý nợ xấu.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS – TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nguyên nhân VAMC hoạt động chưa được như mong muốn là do cơ chế mua bán nợ xấu vẫn chưa được hoàn thiện. Việc xử lý nợ xấu phải theo kinh tế thị trường, vì chưa có cơ chế rõ ràng nên chúng ta đã lúng túng. Nợ xấu vừa vừa thì được giá, còn nợ quá xấu thì phải bán rẻ, thậm chí còn cho không. Nếu chúng ta cứ yêu cầu phải bán được 100% như khi đưa sang VAMC thì rất khó bán. Nếu bán nợ xấu thì phải giảm giá đi, nhưng việc này rất có thể phạm luật, nên không ai dám làm. Ví dụ như một mảnh đất là tài sản thế chấp, lẽ ra phải bán 1 tỉ đồng, nhưng hiện nay tài sản này xuống giá, chỉ bán được vài trăm triệu thôi. Vì lý do đó nên nhiều cán bộ không dám ký để bán và tài sản này vẫn nằm đó.

Giải pháp nào trong thời gian tới?

Theo ông Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc VAMC, Nghị quyết 42 của Quốc hội được ban hành thể hiện tư duy của nhà lập pháp thay đổi khi cho rằng, nợ xấu là của nền kinh tế chứ không của riêng ngành Ngân hàng. Nghị quyết này đã tạo động lực quan trọng cho VAMC và các TCTD chủ động trong xử lý nợ xấu, khẳng định được quyền của chủ nợ trong giao dịch dân sự vay trả. Đồng tình với ý kiến của ông Thắng, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, Nghị quyết 42 đã mang lại hiệu quả tích cực. Các ngân hàng thương mại yếu kém được kiểm soát chặt chẽ và quá trình triển khai Nghị quyết cũng giúp cho nền kinh tế vận hành, tiếp cận với quy luật thông thường của nền kinh tế thị trường. Tốc độ thu nợ tăng lên rất nhiều và giảm được tỷ lệ nợ xấu trong nền kinh tế. Nghị quyết đã nâng cao nhận thức người đi vay. Khi khách hàng nhận được nhắc nhở của ngân hàng thì hai bên đã ngồi lại với nhau để đưa ra hướng xử lý.

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh trao đổi với PV Pháp lý
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh trao đổi với PV Pháp lý)

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhận định: với Nghị quyết 42, việc xử lý nợ xấu của VAMC cũng được đẩy nhanh lên, có những tác động tích cực đến việc xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, để xử lý nợ xấu được một cách tốt nhất thì vẫn cần thêm những giải pháp khác. Hơn nữa, việc thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu còn hạn chế do chưa có thị trường mua bán nợ thật sự chuyên nghiệp, dẫn đến việc mua bán nợ xấu chưa thật sự sôi động, nên các thương vụ lớn chưa phát sinh nhiều. Bên cạnh đó, cơ chế tiếp cận thông tin về tình trạng tài sản đảm bảo chưa đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tín dụng nên các tổ chức này gặp khó khăn trong việc xác định tài sản bảo đảm nào đang tranh chấp, tài sản bảo đảm nào đang phải áp dụng biện pháp khẩn cấp, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp khác nhau gây khó khăn khi áp dụng các biện pháp xử lý tài sản theo Nghị quyết 42.

Do đó, giải pháp cần thiết để xử lý được những vướng mắc trong việc mua bán nợ xấu, theo chuyên gia kinh tế - Tiến sỹ Cấn Văn Lực cho rằng, chúng ta cần hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ, trước mắt là nghị định về thị trường mua bán nợ. Theo đó cần bổ sung các chủ thể tham gia thị trường bao gồm các tổ chức, cá nhân, định chế tài chính phi ngân hàng… Bên cạnh đó là mở rộng phương thức mua bán nợ thông qua hình thức chứng khoán hóa các khoản nợ xấu… Đặc biệt là sớm nghiên cứu thành lập sàn giao dịch mua bán nợ tập trung, phát triển thị trường thứ cấp, tăng tính thanh khoản của thị trường này. Theo Tiến sỹ Lực, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cần có hành lang pháp lý đồng bộ, đa dạng hóa các chủ thể tham gia, đa dạng hóa hàng hóa (nguồn cung) trên thị trường, đa dạng hóa phương thức mua bán nợ; đảm bảo minh bạch và hoạt động theo cơ chế thị trường, thị trường mua bán nợ mới có thể thành công.

Góp ý thêm về giải pháp, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Ngân hàng Nhà nước phải nhanh chóng đứng ra chủ trì thành lập một “sân chơi” mua bán nợ, và phải đề ra những quy định cụ thể ai có thể tham gia được, thì bài toán xử lý nợ xấu mới được giải quyết. Nếu làm nhanh, trong vòng một năm sẽ thành lập được thị trường mua bán nợ xấu. Vẫn theo Tiến sỹ Hiếu, nếu phát triển được thị trường mua bán nợ, người vay sẽ giảm được áp lực trả nợ, có cơ hội cân đối lại khả năng trả nợ do chủ nợ mới thường tính toán lại khoản nợ và tạo điều kiện cho người vay có khả năng trả nợ tốt hơn; người cho vay thì gia tăng tính thanh khoản; thị trường mua bán nợ sẽ làm tăng nguồn vốn khả dụng cho người tiêu dùng, đặc biệt những người thường khó có khả năng tiếp cận nguồn vốn này. Tuy nhiên, để làm được việc này, Quốc hội cần phải vào cuộc, ban hành những quy định pháp luật cụ thể.

Đình Nguyễn

Bạn đang đọc bài viết "Xử lý “cục máu đông” nợ xấu chưa được như kỳ vọng và những kiến nghị từ chuyên gia" tại chuyên mục Kinh doanh & Pháp luật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin