Đối với người cao tuổi, thời gian và điều kiện kinh tế không còn là một rào cản lớn. Khi đó, du lịch “chậm” là một lựa chọn để họ tìm kiếm niềm vui, để hưởng thụ cuộc sống. Chưa kể, sau những chuyến đi, thêm một lần kiểm định, người già sẽ cảm thấy mình trở nên trẻ hơn, khỏe hơn về cả thể chất và tinh thần.
Những năm trước đây, khi nhắc đến đi du lịch cả gia đình hoặc đi du lịch riêng, cha mẹ tôi luôn tìm mọi lý do để từ chối. Đi chung với các con, cha mẹ bảo “thời gian chuyến đi ngắn quá, sức khỏe không cho phép”. Còn đi riêng, lý do được cha mẹ đưa ra là tuổi tác lớn khiến chân chậm mắt mờ, ăn uống kiêng khem, vì vậy nên không thể tự đi được”. Cứ thế, thời gian trôi qua, cha mẹ thêm già, sự trăn trở về việc tìm niềm vui và phụng dưỡng bố mẹ tốt nhất của những đứa con ngày càng thêm lớn.
Và rồi nhân có người thân bên Nhật, chúng tôi giấu ông bà, âm thần làm visa, hộ chiếu để thực hiện chuyến đi. Xong tất cả, cầm giấy tờ và vé máy bay đưa cho bố mẹ, cả hai người đều tỏ rõ sự băn khoăn và lo lắng. Sau rất nhiều thời gian thuyết phục, khi không còn một lý do nào có thể trì hoãn, cha mẹ tôi lên đường thực hiện chuyến xuất ngoại đầu tiên, chỉ có hai người, tương tự như một tuần trăng mật thứ hai.
Trong chuyến đi, nhờ lên kế hoạch tỉ mỉ nên mọi việc đều vô cùng thuận lợi. Một vài thay đổi về môi trường, văn hóa, ẩm thực và thói quen di chuyển của nước bạn có làm ảnh hưởng tới sức khỏe của cha mẹ tôi. Nhưng nhờ sự động viên kịp thời của các con cháu nên tất cả đều ổn thỏa. Sau 15 ngày bên nước bạn, cha mẹ tôi kết thúc chuyến du ngoạn.
Ngày trở về, đón cha mẹ ở sân bay, nhìn từ xa thấy nụ cười của cả cha và mẹ, chúng tôi thấy hân hoan và sung sướng, nhưng đó chưa phải là tất cả. Vài ngày sau khi trở về, các bức ảnh trong chuyến du lịch dần được cha mẹ đăng lên facebook nhận về “bão comment”.
Những câu chuyện về thiên nhiên, văn hóa, sự tiến bộ của nước Nhật xa xôi được cha mẹ kể lại cho bạn bè khi đến chơi, những món đồ tốt mua từ bên đó được đưa ra sử dụng hoặc tặng cho người thân… nhận thêm vô số lời khen và chúc mừng làm gương mặt cha mẹ như trẻ ra chục tuổi, tinh thần lạc quan, yêu đời và yêu sống… Đó mới là thời điểm những đứa con cảm nhận trọn vẹn nhất niềm vui và hạnh phúc.
Về sau, cứ vài ba năm cha mẹ tôi lại thực hiện một chuyến đi như vậy. Thường thì đi trong nước, nhưng chỉ cần có người thân ở quốc gia nào đó đủ đảm bảo cho sự an toàn và tiện nghi là họ lại cùng lên kế hoạch xuất ngoại. Càng những lần sau, sự chuẩn bị và lo lắng của chúng tôi càng giảm dần, cha mẹ cũng trở nên “chuyên nghiệp” hơn. Tuy chỉ có một điều không thay đổi, qua mỗi chuyến đi, sức khỏe và tinh thần cha mẹ luôn được cải thiện thấy rõ. Đó là món quà vô giá dành cho con, cháu!
Trên thực tế, các con số thống kê cho thấy, Việt Nam hiện đang là quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh. Theo Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, năm 2011, khi Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa, số người trên 60 tuổi chiếm 9,9%. Năm 2018, con số này tăng lên thành 11,95% và dự báo, Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2038 với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đạt trên 20%. Đến năm 2049, tỷ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25% dân số, tức là cứ 4 người dân có một người cao tuổi.
Trong khi đó, theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cách đây vài năm, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam chiếm khoảng 15% dân số, tương đương gần 15 triệu người. Dự báo đến năm 2025, tầng lớp trung lưu sẽ chiếm khoảng 25%, tương đương 25 triệu người. Với một phép tính đơn giản, không khó để các nhà chuyên môn trong lĩnh vực du lịch nhận ra tiềm năng rất lớn của tập khách hàng này
Dưới một góc độ nào đó, sự trải nghiệm là thước đo giá trị của mỗi con người, bất kể là già hay trẻ. Họ đều mong muốn tìm kiếm và tích lũy thật nhiều trải nghiệm cho bản thân. Tuy nhiên, đối với người cao tuổi, để có được những trải nghiệm thực sự đáng giá và phù hợp là vô cùng khó khăn. Do vậy, người già sẽ không cảm thấy an toàn và sẵn sàng để đi tìm kiếm những trải nghiệm ở những chuyến du lịch mang tính phổ thông.
Đây cũng là lý do người già tìm tới những tour “du lịch chậm” - những chuyến đi được thiết kế mang tính “đo ni đóng giày” cho người cao tuổi. Từ việc xây dựng lịch trình tour để đảm bảo chế độ ăn uống, dinh dưỡng phù hợp, thời gian nghỉ ngơi kéo dài, thời gian di chuyển ngắn đan xen các khoảng nghỉ cho đến việc xây dựng nội dung chuyến đi mang tính “thân thiện và tạo hứng thú” như tập trung vào mục tiêu khám phá thiên nhiên, du lịch tâm linh, du lịch ẩm thực, chăm sóc sức khỏe…, tất cả đều nhằm tạo nên những chuyến đi đầy ắp niềm vui và các trải nghiệm mới phục vụ người cao tuổi.
Trong cuộc đời, ai cũng mong mình nhanh lớn, nhưng chẳng ai mong mình chóng già mà chỉ mong mình trẻ lâu. Đây cũng là nguyên nhân mà ngày càng nhiều các đơn vị, các doanh nghiệp lữ hành cung cấp sản phẩm dịch vụ “du lịch chậm” - một lĩnh vực đầy tiềm năng. Nhưng, chất lượng của các sản phẩm này sẽ vô cùng đa dạng và khác nhau, phụ thuộc vào khả năng, vào tiềm lực của nhà cung cấp sản phẩm.
Lúc này, thế mạnh sẽ thuộc về những doanh nghiệp có đủ một hệ sinh thái về du lịch, từ phương tiện vận chuyển, hệ thống các khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở nhiều vùng miền cho đến quy chuẩn chất lượng dịch vụ đồng nhất với mức giá cả phù hợp. Chưa kể, vài năm trở lại đây, một “ông lớn” trong lĩnh vực du lịch là FLC Holiday đã đưa ra thị trường sản phẩm “Sở hữu kỳ nghỉ”. Sản phẩm này với ưu điểm vượt trội là khách hàng có thể đổi một kỳ nghỉ tại Việt Nam lấy một kỳ nghỉ tương tự ở một quốc gia khác trên thế giới.
Bên cạnh đó, khách hàng hoàn toàn chủ động về thời gian thực hiện chuyến đi (do được lên trước kế hoạch), không phải bận tâm về những mối lo thường nhật khi đi du lịch như tăng giá, chất lượng dịch vụ không đảm bảo, thiếu sự ổn định (do các khách sạn trong sản phẩm này đều được hệ thống quốc tế kiểm định trước và có cùng cấp tiêu chuẩn chất lượng – đánh giá bằng số lượng sao)…
Lợi thế lớn như vậy, đây chắc chắn sẽ là phương án lựa chọn của rất nhiều người cao tuổi vì suy cho cùng mục tiêu khám phá các nền văn hóa, văn minh bên ngoài đâu chỉ là mong muốn của riêng các thế hệ trẻ.
PV