Xây dựng chỉnh đốn Đảng và những bài học sâu sắc

(Pháp lý) - Bác Hồ đã từng nói “Công tác cán bộ được coi là khâu then chốt trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng”. Thời gian qua, công tác cán bộ của chúng ta còn không ít hạn chế. Do đó, hai năm gần đây, Đảng đã quan tâm tập trung chấn chỉnh, sàng lọc, tăng cường pháp trị trong Đảng, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật.

Khép lại một năm với những kết quả quan trọng trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, siết chặt kỷ cương trong công tác cán bộ, PV Tạp chí Pháp lý có cuộc trò chuyện đầu Xuân với TS. Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Lê Mã Lương và PGS. TS Nguyễn Văn Vĩnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chính trị học, Học viện Chính trị Quốc gia HCM.

Kết quả quan trọng

Phóng viên: Năm 2018 vừa qua, người dân cả nước đều ghi nhận công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng được đặc biệt quan tâm, tăng cường .Với tâm thế của những cán bộ từng giữ vị trí quan trọng trong Quân đội và cơ quan của Đảng, Nhà nước, các ông có nhận xét gì?

Thiếu tướng Lê Mã Lương: Trước hết, phải khẳng định cơ quan kiểm tra của Đảng đã làm đúng theo tinh thần của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đề ra là xử lý cán bộ vi phạm không loại trừ một ai, không có vùng cấm. Từ các kết luận của từng vụ việc đã chứng minh rằng, Đảng, Nhà nước không nói suông, đã nói là làm đến nơi đến chốn. Đây là một dấu hiệu rất đáng mừng trong công tác xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật thời gian qua. Về mặt chính quyền, khi cán bộ vi phạm pháp luật thì các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc điều tra, khởi tố để đảm bảo sự công bằng và nghiêm minh của pháp luật.

Những quyết định kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật thời gian qua cơ bản đảm bảo được các yếu tố chống để xây mà Bác Hồ đã thực hiện. Việc xử lý vi phạm đã được xem xét toàn diện, khách quan, cân nhắc nhiều mặt, kỷ luật một vài người để cứu muôn người. Đó là cơ hội để Đảng hoàn thiện mình, xây dựng tổ chức vững mạnh hơn, được nhân dân tin tưởng, các thế lực thù địch chống phá cũng không có lý do để mà xuyên tạc phá hoại khối đoàn kết trong Đảng, phá hoại mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.

 Thiếu tướng Lê Mã Lương (bên phải) trao đổi cùng Phóng viên Tạp chí Pháp lý.
Thiếu tướng Lê Mã Lương (bên phải) trao đổi cùng Phóng viên Tạp chí Pháp lý.)

PGS. TS. Nguyễn Văn Vĩnh: 2018 là một năm có quá nhiều sự kiện, dấu ấn về công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý tham nhũng. Như Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 9 khóa XII vừa qua là phải làm để giữ thanh danh Đảng, giữ uy tín của Đảng, giữ niềm tin của đông đảo quần chúng nhân dân với Đảng, với chế độ. Một năm có tới gần 30 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý trong đó có những Ủy viên Trung ương đang đương chức. Điểm qua những việc lớn đó để khẳng định quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt chống tham nhũng và chỉnh đốn Đảng của Đảng và Nhà nước ta. Chưa bao giờ công tác kiểm tra, kỷ luật đảng và phòng, chống tham nhũng lại có tầm vóc như hiện nay. Nhân dân rất trông chờ những kết luận chính xác và mạnh mẽ của Ủy ban kiểm tra trung ương và những quyết định kỷ luật cán bộ của Đảng trong năm qua và tới đây.

Nhìn thẳng vào yếu kém để tiếp tục chỉnh đốn

Phóng viên: Nhìn lại quy trình bổ nhiệm cán bộ và chất lượng cán bộ thời gian qua, rõ ràng là có vấn đề. Theo các ông những vấn đề tồn tại này tới đây cần được tháo gỡ thế nào?

PGS. TS. Nguyễn Văn Vĩnh: Công tác cán bộ như bác Hồ đã căn dặn là khâu quan trọng mang tính quyết định đến công tác xây dựng Đảng, nhưng thực tế trong những năm vừa qua công tác này đã bộc lộ nhiều yếu kém. Công tác cán bộ bao gồm một chuỗi các khâu các bước rất chặt chẽ, từ tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển và đánh giá. Nhưng rõ ràng, chúng ta đã để lọt những cán bộ cơ hội luồn sâu leo cao vào hệ thống của chúng ta. Bao nhiêu vụ đều khẳng định đúng quy trình, 100% phiếu thường vụ rồi cũng chính những vụ đó lại phát hiện cán bộ mắc sai lầm khuyết điểm, phạm những tội rất nghiêm trọng làm thất thoát rất lớn tài sản của nhà nước, của nhân dân, làm mất lòng tin của nhân dân vào uy tín của Đảng, Nhà nước và chế độ.

Theo tôi, nguyên nhân chính đó là sự tha hóa của quyền lực, tha hóa biến chất của một bộ phận cán bộ có quyền lực hình thành các nhóm lợi ích tiêu cực cấu kết với nhau rất chặt chẽ và tinh vi theo kiểu chủ nghĩa tư bản thân hữu rất phức tạp, rất nguy hiểm, thách thức đến sự tồn vong của Đảng và của dân tộc.

Vì vậy, công tác cán bộ nói riêng và công tác xây dựng Đảng nói chung hiện nay càng phải quan tâm.

Về giải pháp, theo tôi tới đây từ khâu đánh giá cán bộ phải được coi trọng, phải dựa vào dân để đánh giá cán bộ, xác định những tiêu chí rất quan trọng để đánh giá cán bộ đến khâu qui hoạch chính xác, đào tạo, bồi dưỡng chất lượng, sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ phù hợp và hiệu quả. Mặt khác phải đẩy mạnh đổi mới chính trị đồng bộ, phù hợp với đổi mới kinh tế, chú trọng đổi mới thể chế, trong đó nhấn mạnh đặc biệt là kiểm soát quyền lực.

TS. Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ chia sẻ với PV Pháp Lý
TS. Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ chia sẻ với PV Pháp Lý)

TS. Thang Văn Phúc: Theo quan điểm của cá nhân tôi, hiện nay công tác tổ chức cán bộ còn nhiều tồn tại. Chúng ta cần nhận diện, nhìn thẳng vào những yếu kém để tiếp tục chỉnh đốn. Thứ nhất: Các chức năng nhiệm vụ thẩm quyền của từng cấp, từng vị trí đã được xác định, tuy nhiên vẫn chưa được mạch lạc. Hiện nay khâu đánh giá cán bộ là khâu yếu, chính vì vậy đã tạo ra một đội ngũ cán bộ chưa phù hợp, xuất hiện cơ hội, cánh hẩu, lợi ích nhóm…; Thứ hai: Cơ chế tập thể trong công tác cán bộ có ưu điểm, nhưng còn bất cập là không ai chịu trách nhiệm về cán bộ khi có khuyết điểm vi phạm pháp luật. Do đó cần có cơ chế trách nhiệm trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ; Thứ ba: Trao quyền, xong quyền hạn là quyền ở từng vị trí có hạn chứ không phải quyền vô hạn. Xu thế vượt quá quyền hạn của mình là xu thế chung, khi quyền lực được trao cho một con người cụ thể thì nguy cơ lạm quyền càng lớn, do đó cần phải có cơ chế kiểm soát được quyền lực; Thứ tư: Tâm lý tình cảm, quan hệ xã hội phức tạp nếu chúng ta không thực hiện công khai, bình đẳng, không công tâm thì hậu quả khi đề bạt, bổ nhiệm cán bộ dễ dẫn đến “lọt lưới”; Thứ năm: Chúng ta chưa phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, người dân mới là người chủ đích thực của quyền lực, của toàn bộ sự phát triển của đất nước. Cán bộ công chức phải nằm trong tầm kiểm soát của nhân dân.

Tiếp tục siết chặt kỷ luật kỷ cương

Phóng viên: Năm 2018, Đảng đã kiên quyết xử lý kỷ luật nhiều cán bộ, Đảng viên kể cả UVTW đương nhiệm. Để công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục có những chuyển biến đột phá trong năm 2019, theo các ông, Đảng cần có những giải pháp tiếp theo thế nào?

TS. Thang Văn Phúc: Những năm gần đây, Đảng ta đã có rất nhiều quy định chặt chẽ để quản lý đảng viên, trong đó phải kể đến 19 điều cấm đảng viên không được làm kèm theo hướng dẫn cụ thể. Nhưng có không ít đảng viên, tổ chức đảng quán triệt và thực hiện chưa triệt để. Trong các nguyên nhân, có nguyên nhân những quy định nhiều khi còn chưa tạo ra được sự ràng buộc, chế tài thiếu chặt chẽ. Theo tôi, tới đây cần thực hiện nghiêm cơ chế công khai, minh bạch; phản biện, chất vấn, giải trình. Rà soát, bãi bỏ và thu hồi các quy định, quyết định về công tác cán bộ không đúng, không phù hợp, có sai phạm, kể cả những trường hợp đã được bầu cử, bổ nhiệm. Chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm, đồng bộ cả về kỷ luật Đảng, hành chính và xử lý bằng pháp luật những trường hợp vi phạm các quy định, quy chế về công tác cán bộ. Phát huy vai trò của nhân dân trong việc giám sát, kiểm tra, xây dựng cơ chế để đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng, hiệu quả.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII, xác định: “... xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện”. Vì vậy người đứng đầu phải thể hiện vai trò gương mẫu, kiên quyết không để người khác chạy mình. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cán bộ phải có những người cán bộ mẫu mực và luôn nêu cao trách nhiệm vì dân, vì nước. Về công cụ, cơ chế kiểm soát quyền lực chúng ta chưa có đầy đủ công cụ kiểm soát nên bị lợi dụng, tha hoá, có hiện tượng biến quyền lực công thành của mình để lạm quyền. Do đó phải xây dựng quy chế, quy định của đảng, luật pháp hóa, đồng thời công khai, minh bạch.

Theo tôi, một số giải pháp cần ưu tiên: Thứ nhất cần tiếp tục xác định rõ vai trò bản chất nhà nước ta được tổ chức quyền lực thống nhất có sự phân công, kiểm soát giám sát lẫn nhau để khắc phục tình trạng lạm quyền trong thực thi nhiệm vụ, đảm bảo đúng quyền và trách nhiệm; Thứ hai là xác định rõ chức năng nhiệm vụ thẩm quyền của từng cấp chính quyền liên quan chặt chẽ, rõ ràng thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu; Thứ ba là xác định rõ phân cấp phân quyền, tăng cường hơn các phân cấp phân quyền hợp lý, quyền và trách nhiệm luôn song hành với nhau và như vậy mới kiểm soát được đội ngũ lãnh đạo các cấp.

PGS. TS. Nguyễn Văn Vĩnh: Việc xử lý kỷ luật cán bộ là công việc bình thường của Đảng, kiểm tra giám sát nằm trong công tác xây dựng Đảng, có sự kiểm tra giám sát thì cán bộ đảng viên mới làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình, kiểm tra giám sát là để uốn nắn kịp thời đảng viên, tổ chức không mắc vào những sai lầm khuyết điểm. Đảng đã ban hành Quy định số 08/QĐ về trách nhiệm nêu gương là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo tôi thực hiện quy định này phải gắn với việc giám sát, kiểm tra mạnh mẽ đảng viên, cán bộ nếu không sẽ lại mang tính hình thức, khẩu hiệu kêu gọi chung chung. Nêu gương của đảng viên cán bộ phải gắn rất cụ thể với vị trí, thẩm quyền, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan tổ chức mà lãnh đạo đó đứng đầu.

 PGS.TS Nguyễn Văn Vĩnh, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Chính trị học (Học viện Chính trị Quốc gia HCM)
PGS.TS Nguyễn Văn Vĩnh, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Chính trị học (Học viện Chính trị Quốc gia HCM))

PGS. TS. Nguyễn Văn Vĩnh: Chúng ta phải xây dựng một cơ chế thực chất để nhân dân và các cơ quan báo chí có thể phát huy được vai trò giám sát cán bộ, quan chức. Việc giám sát và phản biện xã hội đối với quyền lực nhà nước và bộ máy nhà nước là vô cùng cần thiết, do đó chúng ta phải tạo ra kênh giám sát xã hội khả thi để mọi người dân có thể tham gia giám sát cán bộ.
Những bài học sâu sắc

Phóng viên: Với những việc đã xảy ra trong thời gian qua, chúng ta cần rút ra những bài học gì về công tác cán bộ, thưa Thiếu tướng Lê Mã Lương và GS. Nguyễn Văn Vĩnh?

Thiếu tướng Lê Mã Lương: Trước hết chúng ta phải nhìn nhận lại quy trình làm nhân sự, tổ chức cán bộ trong thời gian vừa qua. Chúng ta có cả một hệ thống kiểm tra, giám sát các cấp từ trên xuống dưới, thanh tra, kiểm toán... nhưng lại để hàng loạt sai phạm xảy ra, đây là “lỗ hổng” lớn cần phải khẩn trương bít lại. Qua hàng loạt vụ việc quan chức bị khởi tố, bắt giam cho thấy một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái tư tưởng đạo đức, nếu không kịp thời chấn chỉnh sẽ nguy hại tới uy tín của Đảng, làm giảm lòng tin của nhân dân. Và Đảng ta đã có những giải pháp mạnh như Tổng Bí thư đã từng nói, xử lý một người để cứu muôn người...

Một trong những ưu tiên hàng đầu là phải thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ theo hướng đảm bảo đồng bộ, liên thông và phù hợp với thực tế. Công tác cán bộ phải được phân cấp, phân quyền gắn với ràng buộc trách nhiệm và kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Bên cạnh đó chúng ta phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, cơ chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển và bảo vệ cán bộ. Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng chính xác khách quan xuyên suốt liên tục đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương. Tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng quy hoạch đào tạo bồi dưỡng luân chuyển và bố trí cán bộ. Thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công thức, làm cơ sở cho các địa phương cơ quan đơn vị lựa chọn sát hạch tuyển dụng theo yêu cầu nhiệm vụ của mình. Xây dựng chương trình quốc gia về đào tạo bồi dưỡng cán bộ và học tập ngoại ngữ. Gắn quy hoạch với đào tạo bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh và thực hiện luân chuyển để rèn luyện cán bộ qua thực tiễn.

PGS. TS Nguyễn Văn Vĩnh: Chúng ta rất đau xót khi hàng loạt tướng lĩnh trong ngành công an, quân đội, quan chức các Bộ, ngành, địa phương đã bị xử lý kỷ luật, truy tố là những người có chức, có quyền, có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ chế độ, nhưng lại đi tiếp tay, bảo kê cho tội phạm. Nhưng việc xử lý nghiêm khắc số cán bộ này lại rất được lòng dân và xã hội. Hơn bao giờ hết, điều đó cho chúng ta bài học xương máu về công tác cán bộ và kiểm soát quyền lực; và bài học sống còn về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn TS. Thang Văn Phúc, Thiếu tướng Lê Mã Lương và PGS. TS Nguyễn Văn Vĩnh đã dành thời gian trò chuyện cùng PV. Chúc các Ông một năm mới sức khỏe và hạnh phúc!

Thành Chung(thực hiện)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin